CỬ HÀNH THÁNH THỂ - HIỆP THÔNG VỚI ĐỨC KITÔ VÀ VỚI NHAU

12 / 06/ 2020, 06:06:49

Những lời huấn giáo của Thánh Phaolô trong Thư Thứ I gửi các tín hữu Côrintô đưa chúng ta vào trọng tâm cuộc cử hành Thánh Thể, biểu đạt ý nghĩa hiệp thông sâu xa giữa Đức Kitô với Giáo Hội, Hiền Thê của Người, và với mỗi người tín hữu, để trong Người mà tất cả có thể đạt tới sự hiệp nhất chung cuộc.[1] Nhờ Thần Khí Thiên Chúa linh hoạt, thúc đẩy và thánh hóa, chúng ta được quy tụ nên một Cộng Đoàn, hàm chứa mối tương giao bí tích thấm đậm tình yêu tương thông, tương hướng, cho nguồn sống thần linh tuôn trào. Cũng theo Tin Mừng Gioan, thì chẳng phải vào đêm trước ngày khổ nạn đã có lời khẩn nguyện hết sức thâm thiết dường như thâu tóm toàn bộ đời sống và sứ mạng của Đấng Cứu Thế, Con Thiên Chúa đó sao? "Lạy Cha, xin Cha cho tất cả nên một, như Cha ở trong con và con ở trong Cha, để họ cũng ở trong chúng ta. Như vậy, thế gian sẽ tin rằng Cha đã sai con" (Ga 17, 21).   

Thật vậy, ngay lúc khởi đầu cuộc cử hành phụng vụ, khi làm dấu Thánh Giá trên mình, chúng ta cảm nhận được một thực tại hết sức linh thánh: "Ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì Thầy có ở đó giữa họ" (Mt 18, 20). Và nếu Đức Kitô đích thân ngự đến hiện diện giữa Cộng Đoàn phụng tự "ở đây và lúc này" như thế, thì hẳn nhiên có nghĩa là Người muốn cho chúng ta được ở nơi Người đang ở. Và "nơi" Người đang ở là đâu, nếu chẳng phải muốn nói đến một "nơi thờ phượng đích thực" trong "thần khí và sự thật" (Ga 4, 23), đó chính là cung lòng của Thiên Chúa? Vì thế, Thánh Thể là "Bánh" trường sinh, là "Chén" tổng hợp tạo nên một "cảnh vực linh thánh" thật chính đáng để hòa giải con người với Thiên Chúa và với nhau. Chúng ta không còn ở bên ngoài Thiên Chúa, nhưng khi kề cận nơi đây trong cuộc cử hành Thánh Thể, chúng ta được thánh hiến cùng với lễ vật dâng tiến. Và như thế là được ở cùng Thiên Chúa, được tháp nhập vào mối tương quan tương thuộc cấu thành bản tính duy nhất của Người, nghĩa là được thông phần vào một sự sống đích thực, hiện hữu và cử động trong tất cả vận hành lưu chuyển của nguồn "Ân Sủng và Bình An của Đức Kitô, Tình Yêu của Chúa Cha và Ơn Thông Hiệp của Chúa Thánh Thần".  

Cộng đoàn các tín hữu, khi họp nhau cử hành Thánh Thể, quả thật, không ở ngoài viễn tượng hiệp thông đức tin rộng mở đó. Được dự phần vào Mình và Máu Thánh Đức Kitô, tuy nhiều con người khác biệt, nhưng lại được liên kết sâu xa với nhau, thẩm thấu tình yêu Thiên Chúa đến mức độ cùng nhau trở nên một "Thân Mình Đức Kitô", "Thân Mình Giáo Hội", "Thân Mình Thánh Thể". Bởi vậy, Thánh Thể là cảnh vực thích hợp nhất, một không gian ưu việt để chúng ta có thể tìm thấy tất cả các ân huệ vĩnh cửu tuôn tràn vào trong thời gian, làm cho các đặc sủng, các chức năng khác nhau thực sự có ý nghĩa hài hòa, không những trong đời sống của Giáo Hội mà còn trong cả đời sống của mỗi người Kitô hữu. Bởi lẽ, Đức Kitô "hôm qua, hôm nay và ngày mai" vẫn đang sống và tiếp tục xây dựng, củmg cố các chi thể trong "Thân Mình của Người", đặc biệt khi Tin Mừng cứu độ được công bố, khi Thánh Thể được cử hành và đón rước.

Đặc biệt qua các nghi thức phụng vụ nhịp nhàng hòa điệu, đan dệt nên cuộc cử hành Thánh Thể, chúng ta có thể tìm thấy yếu tố cốt lõi làm nảy sinh căn tính và chân tính của Giáo Hội, cũng như  bản chất bí tích của Thánh Thể, đó chính là hiệp thông. Vì trước nỗi khát vọng được sum vầy bên nhau, gắn bó với nhau, thì Lời Chúa được công bố, chúng ta gặp gỡ chính Đức Kitô, Đấng mời gọi chúng ta gặp gỡ Người, để sự hiện diện đích thân, thật sự và tự hiến đích thực của Người lấp đầy mọi hố sâu ngăn cách. Rồi cũng chính Người đưa chúng ta vào trong Bàn Tiệc Thánh Thể. Nơi đây Bánh và Rượu được dâng lên thánh hiến với lời chúc tụng tạ ơn, để tới phần Hiệp Lễ mọi người tham dự có thể lãnh nhận và chia sẻ cùng một sự sống, cảm nếm cùng một tình yêu thánh thiêng, hiệp nhập vào một Thân Mình huyền nhiệm. Với cấu trúc phụng vụ thể hiện như thế trong cuộc cử hành Thánh Thể, chúng ta còn có thể cảm nghiệm được sự hiệp thông nguyên thủy tỏ hiện như một không gian mặc khải tỏa lan, ôm lấy tất cả mọi người "thân cận" gần xa, liên kết các tín hữu với nhau, giữa những ai còn sống cũng như đã qua đời, và nới rộng tới toàn thể vũ trụ tạo thành. Tất cả được quy tụ trong chân trời hiệp thông hoàn vũ của Nước Thiên Chúa, nơi Đấng là Cội Nguồn Sự Sống hiển trị và Tình Yêu siêu vượt tiếp đón tất cả để "vĩnh viễn ở cùng tất cả mọi người" (Kh 4, 21).   

I. Hiệp Thông nơi Bàn Tiệc Lời Chúa

Trong cuộc cử hành Thánh Thể, Lời Chúa được công bố để Lời "ban sự sống" và Bánh "trường sinh" liên kết mật thiết với nhau, cùng làm nên một hành vi thờ phượng duy nhất.[2] Ngôn ngữ và lời nói ra, theo đúng nghĩa, không chỉ đơn thuần mang chức năng thông đạt thông tin, mà còn là phương tiện chuyên chở mối tương quan giữa người với người, đưa đến cuộc đối thoại thật sự của tình yêu và sự sống. Hơn nữa, đây lại là Lời của Đức Kitô, Ngôi Lời của Thiên Chúa, thì chẳng phải chính Người đến đích thân hiện diện như một Ngôi Vị sống động khai mở cuộc đàm đạo với Cộng Đoàn Dân Thánh đang quây quần xung quanh Bàn Tiệc Thánh Thể đó sao?  

Câu chuyện trên đường Emmaus quả thật là một minh họa cho thấy việc Người trách hai môn đệ đã không để cho Sách Thánh dưỡng nuôi và củng cố đức tin: "Các anh chẳng hiểu gì cả! Lòng trí các anh thật là chậm tin vào lời các ngôn sứ" (Lc 24, 25). Bởi vậy, trước khi "mở mắt" cho các ông nhận ra mình lúc bẻ bánh, Người đã mở Sách Thánh và giải thích Lời Chúa. Các ông lắng nghe, nhờ đó mà có thể đọc ra xuyên qua các "dấu chỉ", các diễn biến lịch sử về số phận của Đấng Phục Sinh. Từ đó, niềm hy vọng toát lên trong cõi u mê tuyệt vọng như một tia sáng thần linh làm "tan chảy sự chai đá trong tâm hồn họ" và "mở mắt họ ra".[3] Tia sáng ấy đã trở thành khởi điểm thích hợp, chiếu soi lời rao giảng đúng lúc, hầu dẫn đưa họ vào cuộc hoán cải tận căn đổi đời: "quay đi" khỏi địa điểm muốn tới để chuyển hướng "quay về" với Cộng Đoàn các môn đệ, "các bạn hữu đang tụ họp tại đó" (Lc 24, 33). Vì chính "ở đây, lúc này", không phải bỗng dưng một vị "Khách Lạ" xuất hiện, ngẫu hứng can dự vào cuộc hành trình, mà rõ ràng là "Thầy và Chúa" của mình. Do vậy, gặp gỡ Chúa trong Lời của Người có liên hệ tương ứng với việc bản thân các ông "nhận ra" Người trong hành vi bẻ bánh, trong sự chung phần Thánh Thể với Người.

Phụng Vụ Lời Chúa trong Thánh Thể, quả thực, xây đắp mối hiệp thông giữa chúng ta với Đức Kitô và với nhau như thế. Vì đây là một cuộc gặp gỡ chủ vị, phong phú và hiệu quả diễn ra trong quyền năng thánh hóa của Thần Khí Thiên Chúa, làm cho chúng ta được hiệp nhất nên một khi thông phần vào Mình và Máu Thánh Đức Kitô. Như vũ trụ được tạo thành nhờ Lời Chúa thế nào, và Lời Chúa sẽ không trở về nếu không hoàn thành điều mà Lời được sai đến để thực hiện (Is 55, 10), thì chẳng lẽ Lời Chúa trong cuộc cử hành Thánh Thể lại không phải là chính Chúa tự thông truyền chính mình cho chúng ta, để chính chúng ta có thể thuận tình đáp lời Người một cách thiết thực, đến mức cảm thức như bị thúc bách muốn thực thi điều Người truyền dạy? (Gc 1, 22). Đó là lý do tại sao cuộc đàm đạo, đối thoại với Đức Kitô nơi bàn tiệc Lời Chúa trở thành sự hiệp thông và kiến tạo mối hiệp thông trong Giáo Hội.

Nói khác đi, cuộc "đối thoại-gặp gỡ" ở đây với Đức Kitô qua Lời của Người sẽ "Kitô-hóa" chúng ta, dẫn đưa chúng ta vào trong mầu nhiệm Vượt Qua của Người, để chúng ta có thể chết đi cho một thực tại mà Thánh Phaolô gọi là "con người cũ" mà mặc lấy "con người mới", để có thể nên "đồng hình đồng dạng" với Người. Vì chính Người hiến mình nuôi dưỡng và kiện toàn con người chúng ta, làm cho chúng ta trở thành những kẻ thờ phượng đích thực "trong Thần Khí và Sự Thật" theo đúng kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa (Ep 4, 22-23). Thật vậy, nếu "chúng ta sống, nhưng không còn phải là chúng ta nữa, mà từ đây là Đức Kitô sống trong chúng ta" (Gl 2, 20), thì chẳng phải mọi người sẽ đi đến hiệp nhất, không còn chuyện "phân biệt Do thái hay Hy lạp, nô lệ hay tự do, đàn ông hay đàn bà; nhưng tất cả chỉ là một trong Đức Kitô", trong một Thân Mình đó sao? (Gl 3, 28).

II. Hiệp Thông nơi Bánh và Rượu được thánh hiến - trao ban

Với Kinh Nguyện Thánh Thể, chúng ta bước vào trọng tâm và đỉnh cao của cuộc cử hành. Đó là lời Kinh Chúc Tụng, Ngợi Khen và Cảm Tạ được dâng lên Thiên Chúa vì toàn bộ công trình Sáng Tạo, Cứu Độ và Thánh Hóa của Người, cùng với những lễ vật là Bánh và Rượu được mang tới Bàn Thánh để trở nên Mình và Máu Thánh vinh hiển của Đức Kitô, đồng thời khơi nguồn hiệp thông giữa các tín hữu. Tiến dâng Bánh và Rượu chính là âm vang của phụng vụ Do Thái xưa với lời chúc tụng "Berakah". Lời kinh này không chỉ đơn thuần là lời chúc tụng mang tính lễ nghi đọc trên lễ vật, nhưng đúng hơn, đó là cách thức tỏ bày sự tôn vinh, biểu lộ niềm tri ân đối với Thiên Chúa về những ân phúc và những điều kỳ diệu Người đã thực hiện cho Dân Người trong lịch sử.

Thế nên, Bánh và Rượu là những yếu tố rất đơn giản, là dấu chứng của tình yêu Thiên Chúa. Bánh và Rượu, như một vũ trụ thu nhỏ, tiêu biểu cho những quà tặng trong công trình sáng tạo mà Thiên Chúa đã ban tặng cho con người, để mọi lao công và cố gắng của con người có thể góp phần tương tác làm nên một Thân Mình, một tinh thần trong Đức Kitô. Vì thế, Kinh Tạ Ơn vừa là lời diễn tả sự thán phục Thiên Chúa, vừa là lời đáp lại tấm lòng của Người, dù chẳng "thêm gì cho vinh quang của Người"[4], nhưng chỉ vì một Giao Ước tình yêu đã được thiết lập khiến chúng ta có thể liên kết gắn bó hơn với nhau thành một Cộng Đoàn duy nhất của những người được cứu độ. Và ngôn ngữ của những người được cứu độ là gì, nếu chẳng phải là ngôn ngữ của Lời Chúc Tụng dâng lên (Anaphore) như thế trong cuộc cử hành phụng vụ? Khi tất cả cùng hợp tiếng tung hô: "Amen", những lời tung hô mang đậm ý nghĩa "Thưa Vâng" được long trọng cất lên từ những bản thánh thi, thánh vịnh, thánh ca và khúc hát tán dương Thiên Chúa, thì toàn thể Cộng Đoàn tuyên xưng niềm tin chính đáng của mình qua những điều phụng vụ vừa trình bày, đồng thời loan báo "Giao Ước Mới" trong Máu Đức Kitô, để nhận lãnh hồng ân cứu độ trong mối hiệp thông với Người và với nhau. Nhờ những lời kinh "Amen" này khai phóng, chúng ta được đưa vào trong mối liên hệ mật thiết với Thiên Chúa, và do đó, có thể cam kết khai mở lòng mình, vượt qua được những bức tường ngăn cách trong cuộc sống, để có thể cùng nhau xây dựng một Thân Mình duy nhất. Và nói theo Thánh Phaolô, đó là sự hiệp thông cao cả nhất phát xuất từ chính Thần Khí duy nhất của Đức Kitô (1Cr 12, 13).

Như thế, trọn vẹn "Kinh Tạ Ơn" (Todah), vừa chúc tụng vừa dâng lên (Anaphore) theo đúng nội dung ý nghĩa trong cuộc cử hành Thánh Thể mang sức nặng âm hưởng chủ đề tạ ơn để hiệp thông, và hiệp thông để tạ ơn xuyên suốt liền mạch ý với "Lời Cầu Khẩn xin Chúa Thánh Thần" ngự xuống (Epiclesis) cũng như với "Lời Kinh Tưởng Nhớ" (Anamnesis).

Trước tiên, Cộng Đoàn phụng vụ xin Chúa Thánh Thần đoái thương đến thực hiện kỳ công của Người, một kỳ công hàm chứa hai hiệu quả bí tích được hiểu trong ân sủng duy nhất rạng ngời của tạo thành mới. Đó là thánh hoá lễ vật, ngõ hầu Bánh và Rượu trở thành Mình và Máu Đức Kitô, đồng thời làm cho các tín hữu tham dự Thánh Thể được "bổ dưỡng", được "đầy tràn một Thần Khí", trở nên "một thân thể và một tinh thần" trong Đức Kitô (1Cr 12, 13).[5] Trong trình thuật tạo dựng, nếu Thần Khí đã bay lượn trên vũ trụ thế nào để dẫn đến cuộc tạo thành đầu tiên, thì khi thời gian tới hồi viên mãn, Thần Khí đó lại ngự xuống trên Đức Maria, dẫn đến mầu nhiệm Ngôi Lời Nhập Thể, khởi đầu tạo thành mới, cách riêng là tác động mạnh mẽ trong cuộc cử hành Thánh Thể để "biến đổi" và giao hòa con người với Thiên Chúa và với nhau. Vì Thần Khí là Đấng "ban sự sống", Đấng "thánh hóa muôn loài muôn vật", Đấng duy nhất đem sự hiệp nhất đến cho Cộng Đoàn tín hữu tham dự Thánh Thể. Người là nguyên lý hiệp thông trong tất cả đời sống và sứ mạng của Giáo Hội.

Chính điều này cho thấy rõ Thánh Thể làm nên ý nghĩa hiện hữu của Giáo Hội và làm sáng tỏ một Giáo Hội hiệp thông vào các thực tại thánh nơi cuộc cử hành phụng vụ. Bởi vì Thánh Thể là Hy Lễ Tạ Ơn kiện toàn mọi hy lễ xưa trong lịch sử, để luôn là “hiện tại vĩnh cửu”, một hy lễ duy nhất "đẹp lòng Thiên Chúa" khi tất cả Cộng Đoàn phụng vụ được kết hiệp mật thiết với cuộc hiến tế chính bản thân mình của Đức Kitô, được biến đổi và tiến dâng trong nguồn ơn cứu độ vĩnh hằng. Và cũng từ đây, trong bối cảnh ý nghĩa này, có thể nói, Thân Mình huyền nhiệm của Người được "sinh ra", được nâng đỡ và tăng trưởng bởi quyền năng tác động của Thần Khí, được trở nên "sự viên mãn của Đấng làm cho tất cả được viên mãn" (Ep 1, 23). Đó chính là ý nghĩa căn yếu của  lời Kinh "Epiclesis" trong cuộc cử hành Thánh Thể.[6] Thần Khí kiện toàn và hoàn thiện Thân Mình Đức Kitô. Vì thế, Thánh Thể là biến cố của những con người được tái sinh trong tình hiệp thông và là hiện thể mối hiệp thông đó. 

Nếu quả là như thế, thì hẳn nhiên việc thánh hóa Bánh và Rượu củng cố mối tương quan tương ứng thâm sâu với việc thánh hóa các tín hữu tham dự cuộc cử hành Thánh Thể, để tất cả được tháp nhập vào một thực tại mới, nghĩa là đạt tới đích điểm của ơn cứu độ là nhận biết Con Thiên Chúa, tới tình trạng con người trưởng thành, tới "tầm vóc viên mãn của Đức Kitô" (Ep 4, 13). Và sự viên mãn đó là gì nếu chẳng phải: "Anh em chỉ là một trong Đức Kitô" (Gl 3, 28). Và điều này trở thành hiện thực cách nhiệm mầu trong cuộc cử hành Thánh Thể, bởi lẽ mục đích tối hậu của Thánh Thể là làm nên một Giáo Hội hiệp thông ngay trong "cảnh vực thần linh" của phụng vụ.     

Thế rồi bước sang Kinh Tưởng Nhớ, "Anh em hãy làm việc này mà tưởng nhớ đến Thầy" (Lc 22, 19; 1Cr 24, 25). Ý nghĩa sâu xa, phong phú của hành vi "Tưởng niệm" (Zikkarón, Anamnesis) ở đây theo Kinh Thánh tiềm ẩn trong "Kinh Tưởng Nhớ" của phụng vụ Thánh Thể, không chỉ đơn thuần là một kỷ niệm để mà gợi nhớ những biến cố thuộc về dĩ vãng xa xôi theo lẽ thường tình mang tính tâm lý chủ quan của con người. Nhưng đúng hơn là một chuyển động ngược chiều, trong đó những biến cố đã qua được trở nên "hiện diện" hết sức sống động.[7] Như vậy, tưởng niệm là "hiện tại hóa" một thực tại đã hoàn tất, để "ở đây và lúc này" thực tại đó được tỏ lộ ra giữa muôn người đang cử hành việc tưởng nhớ. Quá khứ trở nên "đồng thời" với "hôm nay", biểu hiện như một tâm điểm liên quan đến mọi chiều kích của thời gian và không gian khác nhau. Cử hành trong tâm thức như thế, có thể thấy rõ ý nghĩa tưởng niệm của biến cố Thánh Thể liên kết tức khắc với ý tưởng về việc cử hành Hy Lễ Vượt Qua trong lịch Dân Thiên Chúa.          

Như từ thời Môsê, Dân Thiên Chúa tưởng niệm là tưởng nhớ những kỳ công của Thiên Chúa là Đấng Cứu Độ, Đấng đã làm cho họ trở thành một dân riêng của Người. Chính vì thế mà Hy Lễ Vượt Qua đã trở thành cuộc tưởng niệm về một biến cố lịch sử, một kỷ niệm sự quá độ từ kiếp sống nô lệ đến bến bờ tự do của con cái Thiên Chúa. Đặc biệt Sách Xuất Hành ghi lại những nét chính, trong đó các nghi thức diễn tiến theo trình tự được mô tả như một "Bữa Tiệc Hiệp Thông" (Xh 12,1-28). Qua việc cử hành cuộc tưởng niệm, Dân Thiên Chúa không chỉ kể lại câu chuyện như một biến cố đã qua, nhưng thực sự còn cầu khấn Thiên Chúa làm cho biến cố xảy ra trong lịch sử đó sinh hiệu quả là sự hiệp thông trong hiện tại. Như thế, Dân Chúa được tham dự vào những khoảnh khắc đặt nền cho căn tính của họ, và căn cứ vào căn tính đó mà điều chỉnh cuộc sống "hôm nay" sao cho phù hợp với mối hiệp thông đã được thiết lập và ký kết trong Giao Ước với Thiên Chúa. Tưởng niệm làm nên tình hiệp thông và hiệp thông làm nên cuộc tưởng niệm.

Cũng vậy, Bữa Tối Sau Cùng mà Đức Giêsu ăn mừng với các môn đệ của Người trong đêm trước khi bước vào cuộc khổ nạn là Bữa Tiệc Vượt Qua (Mt 26, 2.17-19; Mc 14, 12-17; Lc 22, 7-14). Người cầm lấy "Bánh" làm thành dấu chỉ cho Thân Mình Người bị trao nộp vì chúng ta, và lấy "Rượu" là dấu chỉ về Máu Người sẽ đổ ra cho chúng ta đựơc sống. Bánh và Rượu trở thành những dấu hiệu bí tích của một Giao Ước Mới và Vĩnh Cửu được hoàn tất trọn vẹn nơi Người. Khi cử hành sự việc này, Người giải thích cái chết của Người trên Thập Giá như lễ tế Chiên Con, hàm ý Người cứu thoát chúng ta khỏi vòng nô lệ tội lỗi, vì chính tội lỗi đã gây ra bao chia rẽ oán hờn bất công do thiếu vắng tình hiệp thông. Để rồi khi phục sinh khải hoàn, Người dẫn đưa chúng ta vào tình trạng tự do hiện hữu như con cái của Thiên Chúa, và như thế là vào tình trạng ân sủng hiện hữu trong mối hiệp thông với Người và với nhau.

Do đó, cử hành Thánh Thể, tưởng nhớ Đức Kitô là trung thành tuân giữ lệnh truyền của Người, là "loan truyền việc Chúa chịu chết, và tuyên xưng việc Chúa sống lại cho tới ngày Chúa đến" (1Cr 11, 26), để chính việc tưởng nhớ đó sinh hoa trái trong hiện tại, nghĩa là để Hy Tế của Người trên Thập Giá một lần thay cho tất cả được "hiện tại hóa" trong Thánh Thể. Và hoa trái đó là gì nếu chẳng phải là thực tại: "Máu Thầy đổ ra cho muôn người được tha tội" (Mt 26, 28), cho chúng ta được ơn tha thứ, nghĩa là được giao hòa với Thiên Chúa và với nhau? Nói khác đi, Cộng Đoàn phụng vụ trở thành những người hiện diện chủ vị, đích thực tại biến cố trọng đại này. Nhờ đó, mà được gắn bó với nhau trong tình hiệp thông, vì cùng được thông phần vào vận hành tự hiến của Đức Kitô, được trở thành những môn đệ sống "đồng thời" với "Giờ" vượt qua, với "Giờ" cử hành Hy Lễ Tạ Ơn trong Giao Ước Mới của Người, một biến cố cứu độ đặt nền cho sự hiệp thông trong toàn thể Giáo Hội. Hay theo ngôn từ của Thánh Phaolô, đó chính là việc kiến tạo một "Giáo Hội mà Người đã mua bằng máu của chính mình" (Cv 20, 28).

Và rõ ràng hơn, khi đến "Nghi Thức Hiệp Lễ", khởi đầu với "Kinh Lạy Cha" thâu tóm toàn bộ những lời khẩn nguyện mặc khải cho chúng ta biết về một Vị Thiên Chúa là Cha duy nhất của tất cả, để tất cả đều là anh chị em của nhau. Và điều này được thể hiện qua nghi thức "Chúc Bình An" và "Bẻ Bánh" (Fractio Panis). Chẳng phải đây cũng là phần trọng yếu trong cuộc cử hành Thánh Thể, nói lên được tất cả ý nghĩa của sự hiệp thông thánh thiện đó sao? Bởi lẽ, Cộng Đoàn phụng vụ lúc này được "lãnh nhận chính Đức Kitô làm của ăn, được tràn đày ân sủng và được bảo đảm vinh quang tương lai" của Người.[8] Tham dự vào Thánh Thể, chúng ta cùng ăn và uống, cùng tiêu hoá tấm bánh đã được biến đổi thành "Bánh Sự Sống", Bánh bởi trời. Và như thế, theo một nghĩa nào đó, chúng ta làm cho Bánh và Rượu "tiêu biến" đi, làm cho Bánh và Rượu đạt đến cung bậc đích thực của hiện hữu là trở thành "lương thực thần linh", tới điểm hòa tất trong Đức Kitô. Nhưng cũng chính lúc "bị tiêu biến" đi, Bánh và Rượu thực sự lại "làm nên chúng ta như những thụ tạo mới hiện hữu trong Đức Kitô và trong sự hiệp thông với nhau. Như Thánh Augustinô đã đưa ra một định nghĩa rất chính xác và sâu xa của sự hiệp thông Thánh Thể:  

Anh em là Thân Mình của Đức Kitô và chi thể của Người … Vì thế, thì huyền nhiệm của anh em được đặt trên bàn thờ của Chúa, anh em nhận lãnh chính huyền nhiệm của mình. Hãy trở nên điều anh em thấy và anh em là. Anh em thưa "Amen" cho điều mà anh em là, và câu trả lời của anh em ghi dấu sự gắn bó của anh em. Hãy trở nên chi thể của Thân Mình Chúa Kitô, để tiếng "Amen" của anh em là sự thật.[9]

Thánh Albertô Cả cũng khẳng định: "Bí tích này biến đổi chúng ta nên thân thể Đức Kitô, khiến cho chúng ta trở thành xương trong xương Người, thịt trong thịt Người, chi thể nơi các chi thể Người".[10] Quả thực, tiếng thưa "Amen" quan trọng như thế trong phần Hiệp Lễ là sự tiếp mọi tiếng "Amen" trong cuộc cử hành Thánh Thể, để nói lên việc chúng ta sẵn sàng bước vào đời sống hiệp thông mà Đức Kitô đã đem lại cho chúng ta nhờ cuộc Khổ Nạn và sự Phục Sinh vinh hiển của Người. Khi chúng ta tung hô: "Chúc tụng Đấng nhân danh Thiên Chúa mà đến" trong Thánh Thể, thì Đấng ấy không chỉ đứng trước mặt chúng ta như một "Đấng Hoàn Toàn Khác" nữa, nhưng ở trong chúng ta và chúng ta được ở trong Người, vì nơi Người thần tính và nhân tính gặp gỡ và hiệp nhất với nhau.  

III. Hiệp Thông với Giáo Hội phổ quát - với thế giới tạo thành

Như thế, Kinh Nguyện Thánh Thể là Lời Chúc Tụng - Cảm Tạ (Berakah – Todah), gồm những Lời Kinh Dâng Tiến (Anaphore), Kinh Cầu Khẩn Chúa Thánh Thần (Epiclesis), Kinh Tưởng Nhớ (Anamnesis) hòa quyện trong nhau, cho thấy ý nghĩa đặc biệt của cuộc cử hành Thánh Thể: sự "Hiện Diện" chủ vị, đích thân, đích thực của Đức Kitô, cũng như "Hy Tế Vượt Qua", "Bữa Tối của Chúa", "Buổi Họp Cộng Đoàn", "Lễ Bẻ Bánh", "Bàn Tiệc Cánh Chung", "Chén Tổng Hợp". Tất cả đều tỏa lan sức thánh hóa của Thần Khí, tuôn trào ân sủng xuống lòng các tín hữu, cấu thành sự hiệp thông duy nhất của toàn thể Giáo Hội, để chính Giáo Hội khi cử hành Thánh Thể cũng làm nên hiệp thông, mở rộng sự hiệp thông hoàn vũ cho tới sự hiệp nhất của triều đại Nước Thiên Chúa trong tương lai. 

Theo nghĩa đó, sức năng động của sự hiệp thông Thánh Thể thực sự trở thành chuẩn mực chi phối toàn bộ đời sống và hiện hữu Kitô giáo. Vì vậy trong các Kinh Nguyện Tạ Ơn, như Kinh Nguyện III, chúng ta đều nghe được lời cầu: "Xin thương ban cho Hội Thánh Chúa trên đường lữ thứ trần gian được vững mạnh trong đức tin và đức mến cùng với tôi tớ Chúa là Đức Giáo Hoàng T…, và với Đức Giám Mục T… chúng con, cùng toàn thể hàng Giám Mục, giáo sĩ khắp nơi và tất cả dân riêng của Chúa". Như thế, không phải chúng ta chỉ cầu nguyện cho các phẩm trật trong Giáo Hội mà còn tuyên xưng rằng chúng ta hiệp thông với mọi thành phần Dân Chúa. Đặc biệt, với ý nghĩa phong phú trong Kinh Tưởng Nhớ, "quá khứ và tương lai" như các yếu tố của một huyền nhiệm thánh lại "đến" hiện diện với chúng ta nơi đây và lúc này trong cuộc cử hành Thánh Thể. Chính vì vậy, không khi nào chúng ta cảm thấy thật gần gũi với những anh chị em đã được ghi dấu đức tin, đã ra đi trước chúng ta, an nghỉ trong tình thương của Thiên Chúa bằng khi cử hành Thánh Thể.

Thế nhưng Thánh Thể không chỉ là lời hiệp thông khi khẩn cầu cho những người đã an giấc ngàn thu, một Giáo Hội hiện được thanh luyện trong tình của Thiên Chúa, mà còn đi vào sự hiệp thông với các vị Thánh, một Giáo Hội đang hưởng phúc vinh trên trời, nhất là với Đức Trinh Nữ Maria, các Thánh Tông Đồ, các vị Tử Đạo và toàn thể các Thánh. Trong tâm tưởng kính nhớ và hiệp thông đó, phải chăng Cộng Đoàn phụng vụ được hình dung như được đứng dưới chân Thập Giá cử hành Hy Lễ Tạ Ơn duy nhất và thánh thiện của Đức Kitô, cùng được kết hiệp mật thiết với việc dâng hiến và chuyển cầu của Người cho công trình cứu độ toàn thể thế giới? Mối hiệp thông thâm sâu bền vững này được làm mới lại trong Thánh Thể, như Hiến Chế "Lumen gentium" - Ánh Sáng Muôn Dân, khẳng định: "Khi cử hành Lễ Hy Tế Tạ Ơn, chúng ta kết hợp rất mật thiết với Giáo Hội trên trời".[11] Như thế, mọi sự hiệp thông suốt đời người tín hữu là một hiệp thông phổ quát. Mọi sự hiệp thông của mọi người thuộc hiện tại, quá khứ và tương lai cũng chỉ là một hiệp thông duy nhất trường tồn.[12]  

Hơn nữa, vì niềm tin Kitô giáo khai mở niềm hy vọng trong cuộc cử hành Thánh Thể như một biến cố hiệp thông cánh chung. Bởi lẽ sự hoàn tất tương lai tuyệt đối của Nước Thiên Chúa mà con người hằng khao khát mang chiều kích hoàn vũ. Thánh Thể cử hành sự hiệp nhất trải rộng và tình liên đới tương tác trong sự sống và sự chết của con người với trái đất này khi Bánh và Rượu, vốn là những thực tại của thế giới tạo thành. Mỗi cá thể chỉ là một phần tử của toàn bộ vũ trụ này, cũng như chúng ta có thể chiêm ngắm vạn thể như một phần nào đó của chúng ta được liên kết mật thiết với nhau. Trong bối cảnh Thánh Thể về thế giới như "Thân Mình Đức Kitô hoàn vũ", phải chăng mọi thụ tạo đều là "sự tự biểu hiện của Thiên Chúa, một lời của Thiên Chúa, một dấu chỉ, một cách thế hiện diện thần linh".[13] Bởi vậy, sự kiện các yếu tố "Bánh và Rượu" được chuẩn bị trong nghi thức tiến dâng, hầu được Thần Khí biến đổi thành Mình và Máu Đức Kitô, cũng như trong phần "Vinh Tụng Ca - Amen" long trọng, hẳn nhiên cho chúng ta nhận thức rằng tất cả vạn thể đều được đưa vào tham dự một đại cuộc "Phụng Vụ Vũ Trụ". Có thể hình dung đây chẳng khác gì một cuộc cử hành, một vận hành kỳ diệu của toàn thể tạo thành hướng tới cứu cánh chung cuộc, tới "Chén Tổng Hợp" nhằm chúc tụng ngợi khen Thiên Chúa, để được hoàn toàn biến đổi trong sự hiệp nhất với Người.

Nói khác đi, mục đích của cuộc cử hành Thánh Thể là nhằm việc "Kitô hóa" toàn thể vũ trụ như một biến cố "Chúc Tụng - Ta Ơn" quy hướng tất cả vào việc thờ phượng Thiên Chúa, Đấng sẽ "là tất cả trong mọi sự", là "Thiên Chúa có toàn quyền trên mọi loài" (1Cr 15, 28). Chính trong ý nghĩa hiệp thông hoàn vũ đó, mà "Bánh và Rượu", tuy chỉ là những yếu tố đơn giản trong thế giới tự nhiên vây quanh chúng ta, nhưng có thể nhắc nhớ chúng ta đến vẻ đẹp và sự thánh thiêng của mỗi thụ tạo: "Sông hãy vỗ tay, rừng xanh, núi đồi hãy reo mừng hô lớn". Và như thế, Thánh Thể không chỉ dừng lại ở ơn cứu độ cho muôn người mà thôi, nhưng còn bao trùm vạn thể, để con người sống với thiên nhiên với ý thức trách nhiệm, hiệp thông, yêu mến, chăm sóc và bảo vệ, giữ gìn thiên nhiên như những "người thân cận". Vì được liên kết với nhân loại, thế giới tạo thành đó cũng được mời gọi hiệp thông với ơn gọi của chúng ta, đó là ơn gọi làm con cái Thiên Chúa trong Đức Kitô, Người Con duy nhất của Thiên Chúa (Ep 1, 4-12). Cuộc cử hành Thánh Thể, quả thực, mang đặc tính vũ trụ như một khúc "Thánh Thi Hoàn Vũ" liên quan tới niềm hy vọng cánh chung, tới sự viên mãn của toàn thể thế giới được biến đổi và hoàn thiện đến độ sẽ trở thành "Trời Mới và Đất Mới" (Kh 21, 1). Thế giới, môi trường sống của chúng được Thiên Chúa tạo thành, nên chiếm một phần thiết yếu trong tương quan ân tình với Thiên Chúa, trong công trình "Sáng Tạo Mới" của Người. Do đó, có thể nói, như Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II: "Ngay cả khi cử hành Thánh Thể tại một bàn thờ nhỏ trong một ngôi nhà thờ miền quê, theo một nghĩa nào đó, cũng vẫn là cử hành Thánh Thể trên bàn thờ vũ trụ. Thánh Thể hợp nhất đất trời. Thánh Thể bao trùm và thấm nhập toàn thể tạo thành".[14]

Kết Luận

Xin được kết luận những suy tư và nhận định trên đây dựa theo "Nghi Thức Kết Lễ" như phần công bố lời giải tán: "Lễ xong, chúc anh chị em đi bình an". Nhưng đó cũng là lời mời gọi chúng ta lên đường loan báo Tin Mừng hiệp thông qua những việc thiện ích mà "Tạ Ơn và Chúc Tụng" Thiên Chúa.[15] Chẳng phải một khi đã tiếp nhận Lời Chúa và lãnh nhận Thánh Thể vào tâm hồn, giờ đây chúng ta có thể vận dụng sức sống hiệp thông ngôi vị thâm sâu với Đức Kitô và với nhau để trở thành hiện thân "Đức Kitô Toàn Thể", nghĩa là nhân danh Đức Kitô và Thân Mình Người là Giáo Hội, cam kết tham dự vào sứ vụ của Người là "tình yêu hóa" thế giới đó sao? Vì Cuộc cử hành Thánh Thể lôi kéo chúng ta vào hiệp thông, mà tự bản chất, hiệp thông là truyền giáo, là Phúc Âm hóa. Một khi chúng ta sống được các ý nghĩa sâu xa hàm chứa trong nguồn ơn Thánh Thể phong nhiêu, bội hậu và hòa nhập đời sống theo khuôn mẫu mầu nhiệm thánh được cử hành trên bàn thờ. Làm như thế, chúng ta sẽ tỏ cho mọi người thấy Đức Kitô một cách cụ thể nơi cuộc sống bản thân và Cộng Đoàn Giáo Hội. Hiệp thông và rao giảng Tin Mừng cứu độ luôn gắn kết mật thiết với nhau, thống nhất truyền thống sống động của "quy luật đức tin" (lex credendi) với "quy luật cầu nguyện" (lex orandi) với nhau, cũng như "quy luật cử hành" (lex celebrandi) và "quy luật sống" (lex vivendi) hội nhất trở thành một thực tại. Như một tác giả hiện đại đã viết: "Hiển nhiên là chỉ khi dân Thiên Chúa tự quy tụ với nhau thành một Cộng Đoàn đồng tâm nhất trí với nhau, thì lúc đó mới có thể thuyết phục được thế giới".[16]

Vì thế, chúng ta chẳng "mắc nợ gì ai ngoài món nợ tình yêu tương thân tương ái" (Rm 13, 8). Tình yêu mời gọi tình yêu, nên sau khi được Thánh Thể biến đổi, chúng ta đi biến đổi thế giới xung quanh bằng chính ân huệ hiệp thông mà chúng ta lãnh nhận trong cuộc cử hành phụng vụ. Chúng ta vui mừng bước đi với niềm xác tín rằng mình đang theo chân Đức Kitô đến với mọi người để xây dựng tình hiệp thông như một lễ vật ngát hướng trong Nước Thiên Chúa. Vì "điều chúng tôi đã thấy và đã nghe, chúng tôi loan báo cho cả anh em nữa, để chính anh em cũng được hiệp thông với chúng tôi" (1Ga 1, 3). Và do vậy, toàn bộ cuộc cử hành Thánh Thể là gì nếu chẳng phải là "hiện tại hóa" bữa tiệc Vượt Qua của Đấng đã hiến mình cho muôn người được ơn tha thứ, để trở thành cảnh vực thông truyền nguồn hiệp thông cứu độ? Điều đó cũng có nghĩa là chúng ta có khả năng nghĩ tới anh chị em chúng ta, tuy khác biệt với mình, nhưng lại là một "phần chi thể" của mình trong sự tương hiệp thâm sâu với Thân Mình Đức Kitô. Nhờ vậy mới có thể nghe thấy những tiếng kêu cầu yêu thương trong thế giới, cho yêu thương đáp lời yêu thương trong việc đón nhận và trân quý mọi người như những quà tặng đến từ Thiên Chúa, Đấng là "Tình Yêu" muôn thuở (1Ga 4, 8). Theo định đường này, phải chăng cử hành Thánh Thể cũng bao hàm cử hành "Phụng Vụ của người thân cận",[17] nhờ vậy chúng ta có thể nhận ra ai là người đang cần chúng ta đích thân tìm đến sống tình hiệp thông, bởi lẽ mỗi người đều là một người anh chị em, mà vì từng con người Đức Kitô đã phải chịu hiến thân mình làm giá chuộc cứu rỗi (1Cr 8, 11).

Cử hành Thánh Thể như thế trở thành ký ức sống động và hiện thực về "trọng tâm, chóp đỉnh" của toàn bộ đời sống và sứ mạng của Đức Kitô trên trần gian, để khi tuyên xưng "Đây là Mầu Nhiệm Đức Tin" trong Thánh Thể, chúng ta thực sự mong đợi trong niềm hy vọng hồng phúc: "Ngày Đức Kitô ngự đến trong vinh quang, ngày thế giới tạo thành được hiệp nhất trọn vẹn với Thiên Chúa", Đấng Duy Nhất trường tồn, đã ban Thần Khí thánh hóa như "hoa quả đầu mùa cho các tín hữu, để hoàn tất công trình của Người nơi trần gian và đưa chúng con tới sự viên mãn của ơn cứu độ"[18] trong Con Một yêu dấu của Người, là "Khởi Đầu và Cùng Đích" của tất cả lịch sử nhân loại (Kh 1, 8).

 

Lm. Phaolô Vũ Chí Hỷ, SSS

Trích Tập san Thần học và Mục vụ - Logos 02 (2019)

 



[1] Chủ đề của "Đại Hội Thánh Thể Quốc Tế lần thứ 50" (Dublin – Ireland, năm 2012). Xin được viết theo nội dung chính yếu của những suy tư thần học và mục vụ của Ủy Ban Giáo Hoàng soạn thảo.  

[2] Huấn Thị Tổng Quát của Sách Lễ Rôma, số 4 và 28.

[3] ĐGH Gioan Phaolô II, Tông Thư "Mane nobiscum Domine", 6.

[4] Kinh Tiền Tụng Chung, Tuần thứ IV.

[5] Kinh Tạ Ơn III.

[6] Xem Luis Alfonso Schokel, Celebrating the Eucharist (Middlegreen, Slough, St. Paul Publicatión, 1988), p. 89.

[7] Xem Hiến Chế Phụng Vụ Thánh, Sacrosanctum Concilium, 47. Và Giáo Lý HTCG, 1363.

[8] Hiến Chế Phụng Vụ Thánh, Sacrosanctum Concilium, 47.

[9] Sermo, 272: PL 38, 1246-1248. Xem trong "The Eucharist: Communion with Christ and with one another", The 50th International Eucharistic Congress (Dublin, Ireland, 2012).

[10] De Eucharistia, D.3, p. 1, c.5. Xem trong tài liệu như trên.

[11] CĐ Vatican II, Hiến Chế "Lumen Gentium", 50.

[12] Xem Teilhard de Chardin, The Divine Milieu (New York: Harper and Row, 1960) 123-126.

[13] Xem Denis Edwards, Jesus the Wisdom of God: An Ecological Theology (Homebush, N.S.W.: St. Pauls, 1995), 130.

[14] Xem ĐGH Gioan Phaolô II, Thông Điệp Giáo Hội từ Thánh Thể, "Ecclesia de Eucharistia",(4/2003), số 8.

[15] Xem Dẫn Nhập Tổng Quát vào Sách Lễ Rôma, 90.

[16] Xem Gerhard Lohfink, Does God need the Church? (Collegeville, Minnesota: Liturgical Press, 1999),p. 60.

[17] Xem Louis Marie Chauvet, Symbol and Sacrament: A Sacramental Reinterpretation of Christian Existence (Collegeville, Minnesota: The Liturgical Press, 1995), 265.

[18] Kinh Nguyện Tạ Ơn, IV.

 

Tác giả: Lm. Phaolô Vũ Chí Hỷ, SSS
Nguồn: Ủy ban Giáo lý Đức tin
Tag:

Các tin khác:


Các tin đã đưa ngày: