ĐỨC TỔNG GIÁM MỤC PHAOLÔ VỚI CÔNG TRÌNH TỪ ĐIỂN CÔNG GIÁO

06 / 03/ 2022, 04:03:18

 

Nhân húy nhật của Đức Cố Tổng Giám mục Phaolô Bùi Văn Đọc, Văn phòng Ủy ban Giáo lý Đức tin muốn dành một số báo Logos để tưởng nhớ ngài. Tôi cám ơn cha Thư ký đã phân công cho tôi viết bài này với tư cách là một trong những người chịu trách nhiệm về công việc biên soạn cuốn Từ điển Công giáo. Tự mình tôi cảm thấy không đủ thẩm quyền và tầm cỡ để viết về một nhân vật trọng đại như Đức Cố Tổng Giám mục Phaolô, nhưng vì đây là một bổn phận và cũng để tỏ lòng biết ơn ngài, tôi xin vâng mà cống hiến một chứng từ rất khiêm tốn của tôi về ngài dưới góc độ là một cộng tác viên biên soạn cuốn Từ điển Công giáo. Việc biên soạn cuốn Từ Điển này là cao kiến độc sáng của Đức Cố Tổng Giám mục Phaolô.

Từ một lời gọi…

Hôm ấy ngày 13.10.2007, lễ khánh thành nhà thờ chính tòa Giáo phận Thái Bình, Đức cha Phaolô lúc đó còn là Giám mục Mỹ Tho và là Chủ tịch Ủy ban Giáo lý Đức tin, cùng hiện diện với các Giám mục khác của Hội đồng Giám mục Việt Nam; và tôi tình cờ cũng được hân hạnh tham dự. Sau cơm trưa, Đức cha cho một linh mục thư ký của ngài gọi tôi đến trình diện ngài; tôi nơm nớp lo sợ không biết có chuyện gì đây mà Đức cha Mỹ Tho lại triệu tập tôi ngay trong khung cảnh rộn rã hân hoan này; chuyện gì chẳng lành hay một vụng về nào đó của tôi chăng? Tôi đến với ngài, và ngài kéo tôi ra một góc hành lang của Tòa Giám mục, vỗ vai tôi rất thân thiện như ngày còn dưới mái trường Truyền giáo tại Rôma, vì chúng tôi du học Rôma cùng một năm và sinh hoạt trong cùng một tổ (một camerata với nhau) tại trường Propaganda Fide, Urbano. Vẫn một cung giọng và cách xưng hô thân tình bè bạn như xưa, ngài vừa trấn an vừa cho tôi một cảm xúc của thâm tình cố hữu mặc dầu ngài là Giám mục và tôi chỉ là một linh mục tầm thường.

  • Mình muốn nhờ ngài giúp cho một việc.
  • Thưa Đức cha việc gì ạ?
  • Mình băn khoăn từ lâu là Giáo hội Việt Nam cần một cuốn Từ Vựng, một cuốn Lexique.

Tôi do dự, không biết mình có thể đáp ứng được kỳ vọng của ngài không, nhưng sự bình dân cởi mở của ngài và tình bạn cố hữu đã gắn kết chúng tôi dưới mái trường xưa, nay sống lại hẳn trong tôi, lại như đang níu kéo tôi về phía ngài. Thấy tôi đăm chiêu, chậm trả lời ngài lại trấn an tôi:

  • Việc nhỏ thôi”, ngài vừa cười vừa nói, “không phải làm gì to tát đâu, chỉ một cuốn Lexicon định nghĩa các danh từ mình dùng trong sách thôi”.
  • Dạ, thưa Đức cha, nhưng cũng là công tác khá trang trọng, không biết con có đáp ứng được sự chờ đợi của Đức cha không!
  • Mình đã băn khoăn từ lâu và đã cậy nhờ nhiều người, đã nhờ một vài dòng tu, nhưng các dòng coi vậy mà vẫn nói không có người. Sau cùng mình đã nhờ một linh mục dòng Tên đứng ra làm, nhưng từ ba năm nay, linh mục dòng Tên này lại vì quá bận việc tu viện, nên chưa bắt đầu được. Nhờ Cha giúp cho.

Tôi hơi chột dạ và phân vân, phần vì tình bạn thâm sâu lôi kéo, phần vì một nhân vật tầm cỡ khiêm tốn đến với tôi, tôi cảm thấy khó mà trả lời không. Ngài tuy lớp sau tôi, nhưng lại sắc sảo và nhạy bén hơn tôi. Ngài ham thích tìm hiểu và là nhân vật "mọt sách", có kiến thức uyên thâm sâu rộng. Tôi còn nghe nói tủ sách Giáo Hoàng Học Viện Piô X, trong mấy năm làm giáo sư Đại học Đà Lạt và Chủng viện Simon Hòa, ngài đã "ngấu nghiến" hết rồi! Liên tưởng xưa kia tại Đại học Urbano Rôma, ngài rất thích bàn luận về các vấn đề Triết học và Thần học. Một con người thích học hỏi, đặt vấn đề cách thông minh mà lúc đó, năm 1965-1966, ngài còn là sinh viên ban Triết. Ngài bàn luận với các bạn lớp trên, ngay cả với các linh mục sinh viên Ban Tiến sĩ. Trên đoạn đường 200m từ trường nội trú tới lớp học, nhiều khi dừng lại bàn bạc quên cả giờ học, đến nỗi, khi lên lớp thì lớp đã tan hàng rồi… Ấy thế mà giờ đây ngài lại khiêm tốn muốn giao cho tôi trách nhiệm này. Tôi hơi ớn và cảm thấy nhỏ bé trước mặt ngài, nhưng một đàng lại nghĩ ngài sẵn tính đơn sơ chất phác, chan hòa, thành tâm và khiêm tốn với một tình bạn trung thành và rất “nhân bản”, tôi cảm thấy khó từ chối.

Ngài còn nói: “Chúng tôi đã dịch xong cuốn Giáo lý Hội thánh Công giáo 1992 và đã đệ trình Tòa Thánh nhưng Tòa Thánh lại yêu cầu phải có cuốn Lexique trước đã, vì trong bản dịch có nhiều từ ngoại ngữ giống nhau mà lại phiên dịch khác nhau. Công việc thống nhất từ ngữ nội tại bản dịch, mình đã nhờ Cha Bùi Hoàng làm giúp, bây giờ công việc Lexique thì xin nhờ ngài”.

Tôi tự cảm thấy ơn trên thúc đẩy và tôi không nỡ nào nói “không” được. Tôi thưa: Vậy xin Đức cha cho con một thời gian suy nghĩ đã!

  • Cố gắng lên đi nhé! Tìm các cộng tác viên nhé!
  • Dạ.

…Đến một lời đáp

Thế rồi một tháng sau, tôi xuống Mỹ Tho và thưa với ngài: “Vâng, con xin vâng, xin Đức cha giúp con”. Ngài rất vui và cám ơn tôi lia lịa, cũng như trao cho tôi mấy cuốn sách Từ điển ngài đang có.

  • Nhớ làm nhanh đi, chừng một tháng được không!
  • Thưa Đức cha, chỉ có phép lạ mới được à. Ngài cười dòn.

Thế rồi tôi bắt đầu nghĩ đến việc mời các đấng các bậc, từ Cha Nguyễn Hồng Giáo (+), Cha Nguyễn Thái Hợp (nay là Giám mục), Cha Nguyễn Hai Tính, Thầy Nguyễn Hạnh, Cha Huỳnh Trụ, v.v…, các linh mục giáo sư tại các Đại Chủng viện và Học viện, các tu sĩ nam nữ các dòng tu, và ngay cả những linh mục, tu sĩ nam nữ sinh viên đang du học tại ngoại quốc. Rất an ủi cho chúng tôi là một số lớn đã trả lời cộng tác. Điều an ủi cho chúng tôi nhất là sự có mặt của nhiều dòng tu. Tôi cũng rất bỡ ngỡ là Đức cha không còn hỏi han thêm nữa mà chỉ lâu lâu nhắc tôi là cố gắng hoàn thành sớm. Ngài cũng nói trước cho tôi biết là ngài không có một ngân khoản nào đặc biệt cho công việc. Tuy nhiên ngài cũng trao cho tôi 9.000 US$ để khởi công thành lập ban văn phòng và ban điều hành. Ngài để cho tôi toàn quyền quyết định mời ai tùy ý, và tôi cũng trình cho ngài biết các nhân viên. Tôi nghĩ, đối với ngài, chúng tôi rất dễ làm việc vì kể như ngài tín nhiệm chúng tôi hoàn toàn. Ngài chỉ giới thiệu sơ qua về chúng tôi và việc làm của chúng tôi trong buổi họp Ủy ban Giáo lý Đức tin và cuộc họp các ban Giáo lý toàn quốc tại Mỹ Tho (2008).

Cách giao việc của ngài như vậy, một đàng tôi thấy rất dễ làm việc, đàng khác khiến tôi càng ý thức trách nhiệm và trân trọng hơn. Tôi trộm nghĩ, ngài thật có tài thúc đẩy chúng tôi làm việc, và qua đó, tôi cũng thấy ngài quả là khiêm tốn và có tài lãnh đạo, làm cho người khác làm (celui qui fait faire…). Lâu lâu khi gặp lại tôi, ngài vẫn hỏi công việc tới đâu rồi, “ráng nhanh lên nhé”. Tuy được nhắc khéo như vậy nhưng tôi vẫn tin tưởng vào sự thông cảm và lòng nhân hậu của ngài, thúc đẩy tôi cũng chia sẻ và thông cảm thao thức của ngài cho công việc chung của Giáo hội Việt Nam.

Trở thành hiện thực

Đến ngày ra mắt Ban làm việc (2008), ngài chủ tọa và giới thiệu chúng tôi với cộng đoàn các chuyên viên hiện diện tại Trung tâm Công giáo trước sự chứng kiến của nhiều nhân vật trong Giáo phận Sài Gòn, có cả sự hiện diện của Đức Hồng y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn. Đồng thời chúng tôi cũng trình diện các thành viên của Ban Từ vựng Công giáo, trực thuộc Ủy ban Giáo lý Đức tin. Sau 3 năm làm việc, năm 2011, chúng tôi đã ra được một cuốn “Từ điển Công giáo, 500 mục từ” để vừa trình làng vừa để tham khảo ý kiến về phương pháp làm việc của chúng tôi. Mở đầu buổi ra mắt, Đức cha Phaolô, với tư cách là Chủ tịch Ủy ban Giáo lý Đức tin đã giới thiệu, và nhất là bằng cách thân thương khiêm tốn đứng về phía chúng tôi, ngài nói “Đây mới chỉ là một công trình rất khiêm tốn, xin mọi người đón nhận và góp ý để ban biên soạn rút kinh nghiệm cho đến khi hoàn thành công trình”.

Ngài lại rất yêu thương và quan tâm, góp thêm 100.000.000 VNĐ (một trăm triệu đồng) vào phí tổn in ấn để nâng đỡ tinh thần chúng tôi và cầu chúc chúng tôi kiên trì tiếp tục cho đến hoàn thành. Với sự săn sóc nhân hiền của một người Cha và thân tình của một người Bạn, Ban Từ vựng và các cộng tác viên lại miệt mài cho đến nửa năm 2016, chúng tôi đệ trình lên ngài để duyệt xét và cho “Imprimatur” cuốn Từ điển Công giáo với 2022 mục từ. Lúc này ngài đã là Tổng Giám mục Sài Gòn và là Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam. Ngài rất vui mừng và hết lòng cám ơn Ban Từ vựng và các cộng tác viên, và ngài ấn định ngày 9 tháng 12 năm 2016 sẽ là ngày dâng lễ tạ ơn và ra mắt cho đại chúng, mặc dầu ngày hôm đó, ngay sau Thánh lễ ngài phải đi công vụ bên Lào. Trong Thánh lễ này, do ngài chủ sự, trước sự hiện diện của Đức cha Giuse Nguyễn Năng, tân chủ tịch UBGLĐT, kế vị ngài, Đức cha phụ tá Tổng Giáo phận Sài Gòn Giuse Đỗ Mạnh Hùng và đông đảo các cộng tác viên và các độc giả linh mục, tu sĩ nam nữ, giáo dân. Ngài long trọng cám ơn Ban Từ vựng và mọi cộng tác viên trong các khâu thực hiện. Đồng thời ngài cũng kêu gọi toàn Ban tìm cách tiếp tục cho đến cả công trình tiếp theo lớn hơn mà ngài mơ ước là làm sao để có một cuốn Đại Từ điển Bách khoa Công giáo.

Một vài nhận định

Hồi tưởng lại một vài nét về công việc Từ Điển Công giáo để dâng lên ngài tâm tình biết ơn, vì chính Đức Tổng Phaolô đã khai sáng công trình Từ Điển này. Nhắc lại những tâm tình ngài đã dành cho các Cộng tác viên trong Ban Từ vựng để thấy ngài rất quan tâm về vấn đề Từ điển, làm thế nào để xác định và một cách nào đó chuẩn hóa các từ ngữ liên quan đến các khoa học thánh với một lòng yêu mến Mẹ Thánh Giáo hội, và với một tâm hồn mục tử bao dung. Tuy ngài nóng lòng chờ đợi và mong làm sao chóng có được cuốn Từ vựng này, nhưng ngài vẫn kiên trì, tế nhị và hoàn toàn để cho chúng tôi tự do đem hết sáng kiến ra phục vụ chứ không gò ép chúng tôi trong bất kỳ điều kiện nào. Tuy ngài ít hiện diện với chúng tôi trong quá trình thực hiện, nhưng ngài vẫn thường quan tâm, nhắc nhở và nói về chúng tôi trong các cuộc họp của Ủy ban Giáo lý Đức tin và các buổi làm việc với Ban Giáo lý.

Về tinh thần làm việc chung và khuyến khích làm việc chung, tôi còn nhớ tinh thần này đã triền miên trong ngài, khi mà chúng tôi trên đường hồi hương từ Rôma, vào năm 1970. Lúc đó, ngài mới mãn năm Thần IV chưa thụ phong linh mục. Cùng với Cha giáo Trần Phúc Nhân trên hành trình từ Rôma hồi hương, chúng tôi có ghé tham quan Hy Lạp, chúng tôi có nhiều thời gian cùng trao đổi với nhau, đồng nhận định rằng Giáo hội tại Việt Nam còn rất nhiều công tác phải làm như bản dịch Kinh Thánh, các công trình Từ điển và nhiều lãnh vực khác... Hồi đó chưa có bộ Kinh Thánh của nhóm Phụng Vụ Các Giờ Kinh, chưa có Bộ sách Kinh Thần vụ và còn rất ít những cuốn danh từ Triết học, Thần học. Cả ba chúng tôi đã đồng nhận định là các chuyên gia Việt Nam cần có tinh thần khiêm tốn cộng tác với nhau mới mong hoàn thành được các công tác đó.

Tôi nghiệm thấy những ý tưởng mà thế hệ đàn anh để lại và ơn thánh đã gieo vào lòng chúng tôi, và những gì chúng tôi đã trao đổi với nhau 30 năm trước thì nay dần dần trở thành hiện thực. Cha cố Giáo sư Trần Phúc Nhân đã cộng tác đắc lực trong việc dịch Kinh Thánh và Các Giờ Kinh Phụng Vụ trong nhóm Các Giờ Kinh Phụng Vụ. Đức cố Tổng Phaolô đã làm nên lịch sử Ủy ban Giáo lý Đức tin và khai sáng công trình tập thể về Từ điển Công giáo.

Kết

Tôi dâng lời cảm tạ Thiên Chúa đã ban cho Giáo hội Việt Nam những vị mục tử quảng đại nhân từ như Đức Cố Tổng Giám mục Phaolô, đồng thời tha thiết nguyện xin Chúa trả công vô cùng cho ngài; và cũng thầm ước mong thế hệ chúng tôi và các thế hệ tiếp theo, bắt chước tinh thần tận tụy, khiêm tốn, tích cực cộng tác làm việc chung, để Hội Thánh tại Việt Nam càng có nhiều công trình lớn lao và khởi sắc hơn nữa.

 

Lm. Phêrô Nguyễn Chí Thiết

Nguyên Trưởng ban Từ vựng Công giáo

Trực thuộc Ủy ban Giáo lý Đức tin

 

Tác giả: Lm. Phêrô Nguyễn Chí Thiết Nguyên Trưởng ban Từ vựng Công giáo Trực thuộc Ủy ban Giáo lý Đức tin
Nguồn: Trích "Logos 03" Tậo san Thân học Mục vụ của Ủy ban GIáo lý Đức tin
Tag:

Các tin đã đưa ngày: