BÍ TÍCH THÁNH THỂ - TOÁT YẾU SÁCH GIÁO LÝ HỘI THÁNH CÔNG GIÁO

05 / 06/ 2021, 09:06:01

BÍ TÍCH THÁNH THỂ

 

271. Bí tích Thánh Thể là gì?

1322-1323
1409

Bí tích Thánh Thể là chính hy tế Mình và Máu của Chúa Giêsu, mà Người đã thiết lập để lưu tồn hy tế thập giá của Người qua bao thế kỷ cho đến khi Người trở lại. Như thế, Người ủy thác cho Hội Thánh việc tưởng nhớ cái Chết và cuộc Phục sinh của Người. Bí tích Thánh Thể là dấu chỉ hợp nhất, dây bác ái, bữa tiệc vượt qua, nơi chúng ta lãnh nhận Đức Kitô, linh hồn được tràn đầy ân sủng và được bảo đảm cho đời sống vĩnh cửu.   

 

272. Chúa Giêsu đã thiết lập Bí tích Thánh thể khi nào?

1323
1337-1340

Người đã thiết lập Bí tích Thánh Thể vào ngày Thứ Năm Tuần Thánh, “trong đêm bị trao nộp” (1 Cr 11,23), đang khi Người ăn bữa Tiệc ly cuối cùng với các Tông đồ của Người. 

 

273. Người đã thiết lập Bí tích Thánh Thể như thế nào?

1337-1340
1365, 1406

Sau khi quy tụ các Tông đồ trong nhà Tiệc ly, Chúa Giêsu cầm lấy bánh trong tay, bẻ ra và trao cho các ông mà nói: “Anh em hãy nhận lấy mà ăn: này là Mình Thầy bị nộp vì anh em”. Rồi Người cầm trong tay chén đầy ruợu và nói với họ: “Anh em hãy nhận lấy mà uống: này là chén Máu Thầy, Máu Giao ước Mới và vĩnh cửu, sẽ đổ ra cho anh em và nhiều người được tha tội. Anh em hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy.’’

 

274. Bí tích Thánh Thể có ý nghĩa gì trong đời sống của Hội Thánh?

1324-1327
1407

 Bí tích Thánh Thể là nguồn mạch và tột đỉnh của toàn bộ đời sống Kitô giáo. Thánh Thể là tột đỉnh hoạt động thánh hóa của Thiên Chúa đối với chúng ta và là tột đỉnh của hoạt động phượng tự chúng ta dâng lên Ngài. Bí tích Thánh Thể chứa đựng tất cả của cải thiêng liêng của Hội Thánh, đó chính là Đức Kitô, Đấng là Chiên Vượt qua của chúng ta. Việc hiệp thông vào sự sống của Thiên Chúa và sự hợp nhất của dân Thiên Chúa được diễn tả và thực hiện nhờ Bí tích Thánh Thể. Qua việc cử hành Thánh lễ, chúng ta được kết hợp với phụng vụ trên trời và tham dự trước vào đời sống vĩnh cửu. 

 

275. Bí tích này còn được gọi bằng những tên gọi nào?

1328-1332

Sự phong phú vô tận của Bí tích này được diễn tả qua nhiều tên gọi khác nhau, gợi lên những khía cạnh đặc biệt. Những tên gọi thông dụng nhất là: Thánh Thể, Thánh lễ, Bữa ăn tối của Chúa, lễ Bẻ Bánh, Cử hành Thánh Thể, Tưởng nhớ cuộc khổ nạn, cái chết và sự phục sinh của Chúa, Hy lễ Thánh, Phụng vụ thánh và thần linh, Mầu nhiệm thánh, Bí tích thánh nơi bàn thờ, Hiệp lễ. 

 

276. Bí tích Thánh Thể có vị trí nào trong kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa?

1333-1344

Trong Giao ước cũ, Bí tích Thánh Thể đặc biệt được tượng trưng nhất là bằng bữa ăn Vượt qua, được Người Hípri cử hành hàng năm với bánh không men, để ghi nhớ ngày ra đi vội vã giải phóng khỏi đất Ai Cập. Chúa Giêsu đã báo trước về Bí tích này trong giáo huấn của Người, và Người đã thiết lập Bí tích này khi cử hành bữa Tiệc ly với các Tông đồ, trong khung cảnh bữa tiệc Vượt qua. Trung thành với lệnh truyền của Chúa: “Hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy” (1 Cr 11, 24), Hội Thánh luôn cử hành Bí tích Thánh Thể, nhất là vào ngày Chúa nhật, ngày Phục sinh của Chúa Giêsu.  

 

277. Bí tích Thánh Thể được cử hành thế nào?

1345-1355
1408

Bí tích Thánh Thể được cử hành gồm hai phần chính, hợp thành một hành vi phụng tự duy nhất: Phụng vụ Lời Chúa gồm việc công bố và lắng nghe Lời Chúa, và Phụng vụ Thánh Thể gồm việc tiến dâng bánh rượu, kinh nguyện Thánh Thể (hay anaphore) trong đó có những lời truyền phép và hiệp lễ. 

 

278. Ai là thừa tác viên của Bí tích Thánh Thể?

1348
1411

Thừa tác viên Bí tích Thánh Thể là vị tư tế (Giám mục hay linh mục) đã được truyền chức thành sự; vị này cử hành trong cương vị (in Persona) Đức Kitô là Đầu và nhân danh Hội Thánh.

 

279. Các chất liệu chính yếu và cần thiết của Bí tích Thánh Thể là gì?

1412

Các chất liệu đó là bánh mì và rượu nho. 

 

280. Tại sao nói Bí tích Thánh Thể là việc tưởng niệm hy tế của Đức Kitô?

1362-1367

Bí tích Thánh Thể là việc tưởng niệm theo nghĩa làm cho hiện diện và hiện tại hoá hy tế thập giá mà Đức Kitô đã dâng lên Chúa Cha, một lần thay cho tất cả, vì nhân loại. Đặc tính hy tế của Bí tích Thánh Thể được biểu lộ trong chính những lời thiết lập: “Đây là Mình Thầy, bị nộp vì anh em” và “Chén này là Giao ước Mới trong Máu Thầy, sẽ đổ ra vì anh em” (Lc 22, 19-20). Hy tế thập giá và hy tế Thánh Thể là một hy tế duy nhất. Hiến vật và người dâng là một, chỉ khác biệt về cách tiến dâng: có đổ máu trên thập giá, cách không đổ máu trong Bí tích Thánh Thể.

 

281. Hội Thánh tham dự vào hy tế Thánh Thể theo cách nào?

1368-1372
1414

Trong Bí tích Thánh Thể, hy tế của Đức Kitô cũng trở thành hy tế của các chi thể trong Thân Thể Người. Đời sống của các tín hữu, lời ca ngợi, sự đau khổ, lời cầu nguyện, việc lao động của họ được kết hợp với Đức Kitô. Vì là hy tế, Bí tích Thánh Thể cũng được dâng lên thay cho tất cả các tín hữu, người còn sống cũng như kẻ đã qua đời, làm của lễ đền tội cho tất cả mọi người, và để nhận được từ Thiên Chúa những ơn ích thiêng liêng và trần thế. Hơn nữa, Hội Thánh trên trời cũng hiện diện trong lễ dâng của Đức Kitô. 

 

282. Chúa Giêsu hiện diện trong Bí tích Thánh Thể như thế nào?

1373-1375
1413

Đức Giêsu Kitô hiện diện trong Bí tích Thánh Thể một cách độc nhất vô nhị và không gì so sánh được. Thật vậy, Người hiện diện cách đích thực, thực sự và theo bản thể: với Mình và Máu Người, với linh hồn và thần tính của Người. Trong Bí tích Thánh Thể, Đức Kitô trọn vẹn, vừa là Thiên Chúa vừa là con người, hiện diện theo cách Bí tích, nghĩa là dưới hình bánh và hình rượu. 

 

283. Biến đổi bản thể nghĩa là gì?

1376-1377
1413

Biến đổi bản thể nghĩa là sự biến đổi trọn vẹn bản thể bánh thành bản thể Mình Thánh Đức Kitô, và biến đổi trọn vẹn bản thể rượu thành bản thể Máu Thánh Người. Sự biến đổi này được thực hiện trong Kinh Nguyện Thánh Thể, nhờ tính hữu hiệu của lời Đức Kitô và tác động của Chúa Thánh Thần. Tuy nhiên, những đặc tính khả giác bên ngoài của bánh và rượu, nghĩa là các “hình bánh rượu”, vẫn không thay đổi. 

 

284. Việc bẻ bánh có phân chia Đức Kitô không?

1377

Việc bẻ bánh không phân chia Đức Kitô. Người hiện diện trọn vẹn trong mỗi hình bánh và rượu, và trong mỗi phần nhỏ của hình bánh và rượu đó. 

 

285. Sự hiện diện của Đức Kitô trong Bí tích Thánh Thể kéo dài bao lâu?

1377

Sự hiện diện của Đức Kitô kéo dài bao lâu hình bánh ruợu đã truyền phép còn tồn tại. 

 

286. Phải tôn thờ Bí tích Thánh Thể cách nào?

1378-1381
1418

Đó là sự tôn thờ “latria”, nghĩa là sự tôn thờ chỉ dành riêng cho một mình Thiên Chúa, dù trong Thánh lễ, dù ngoài Thánh lễ. Hội Thánh bảo quản bánh rượu đã truyền phép một cách cẩn thận tối đa; Hội Thánh mang Thánh Thể cho các bệnh nhân, cho những người không có khả năng tham dự Thánh lễ. Hội Thánh trưng Thánh Thể cho các tín hữu tôn thờ cách long trọng; mang Thánh Thể đi rước kiệu và mời gọi mọi người thường xuyên kính viếng và thờ lạy Bí tích cực Thánh này, được gìn giữ trong Nhà tạm. 

 

287. Tại sao Bí tích Thánh Thể là tiệc Vượt qua?

1382-1384
1391-1396

Bí tích Thánh Thể là tiệc Vượt qua vì khi làm cho cuộc Vượt qua của Người hiện diện một cách Bí tích, Đức Kitô ban cho chúng ta Mình và Máu Người làm của ăn thức uống. Người kết hợp chúng ta với Người và với nhau trong hy tế của Người. 

 

288. Bàn thờ có ý nghĩa gì?

1383
1410

Bàn thờ là biểu tượng của chính Đức Kitô, Đấng đang hiện diện như của lễ hiến tế (bàn thờ - hy tế thập giá) và như lương thực thần thiêng được ban tặng cho chúng ta (bàn thờ – bàn tiệc Thánh Thể). 

 

289. Hội Thánh đòi buộc chúng ta phải tham dự Thánh lễ khi nào?

1389
1417

Hội Thánh đòi buộc các tín hữu phải tham dự Thánh lễ vào các ngày Chúa nhật và các lễ buộc. Hội Thánh cũng khuyên chúng ta tham dự Thánh lễ vào các ngày khác nữa. 

 

290. Khi nào chúng ta phải rước lễ?

1389

Hội Thánh khuyên các tín hữu, nếu có đủ điều kiện cần thiết, nên rước lễ mỗi khi tham dự Thánh lễ. Hội Thánh buộc chúng ta rước lễ một năm ít là một lần trong mùa Phục sinh.

 

291. Phải có những điều kiện nào để rước lễ?

1385-1389

Để rước lễ, chúng ta phải hoàn toàn thuộc về Hội Thánh Công giáo và sống trong tình trạng ân sủng, nghĩa là phải ý thức mình không có tội trọng. Ai ý thức mình đã phạm một tội trọng, phải lãnh nhận Bí tích Thống Hối trước khi rước lễ. Cũng cần phải có thái độ tĩnh tâm và cầu nguyện, giữ sự chay tịnh theo quy định của Hội Thánh và có những thái độ bên ngoài xứng đáng (cử chỉ, cách ăn mặc) biểu lộ lòng tôn kính đối với Đức Kitô. 

 

292. Việc rước lễ đem lại những hiệu quả gì?

1391-1397
1416

Việc rước lễ làm tăng triển sự hiệp thông của chúng ta với Đức Kitô và với Hội Thánh Người, bảo toàn và canh tân đời sống ân sủng đã nhận được khi lãnh Bí tích Rửa Tội và Bí tích Thêm Sức, và làm cho chúng ta thêm lòng yêu mến tha nhân. Việc rước lễ làm chúng ta nên mạnh mẽ trong đức ái, xoá bỏ các tội nhẹ và gìn giữ chúng ta, trong tương lai, khỏi các tội trọng. 

 

293. Khi nào có thể trao ban Bí tích Thánh Thể cho các người Kitô hữu không Công giáo?

1398-1401

Các thừa tác viên Công giáo chỉ được phép trao ban Bí tích Thánh Thể cho những người thuộc các Giáo hội Đông Phương, dù không hiệp thông trọn vẹn với Hội Thánh Công giáo, nếu như chính họ tự ý xin và có đủ các điều kiện cần thiết. Còn đối với những người thuộc các cộng đoàn giáo hội khác, các thừa tác viên Công giáo được phép trao ban Bí tích Thánh Thể cho họ, khi có nhu cầu quan trọng, và do chính họ tự ý xin và có đủ các điều kiện cần thiết, và họ cũng phải biểu lộ đức tin công giáo đối với Bí tích Thánh Thể.  

 

294. Tại sao Thánh Thể là “bảo chứng cho vinh quang mai sau”?

1402-1405

Vì Bí tích Thánh Thể đổ tràn trong chúng ta tất cả mọi ân sủng và sự chúc lành của trời cao, nên Bí tích này làm cho chúng ta nên mạnh mẽ trên đường lữ hành trần gian, và làm cho chúng ta thêm lòng khao khát đời sống vĩnh cửu. Bí tích này liên kết chúng ta với Đức Kitô, Đấng đang ngự bên hữu Thiên Chúa Cha, với Hội Thánh thiên quốc, với Đức Trinh Nữ Maria diễm phúc và với tất cả các thánh. 

 

“Trong Bí tích Thánh Thể, chúng ta bẻ cùng một tấm bánh là phương dược trường sinh bất tử và của ăn đem lại sự sống muôn đời trong Đức Kitô” (Thánh Ignatio Antiokia).

 

Tác giả: Bản dịch của Ủy ban Giáo lý Đức tin trực thuộc Hội đồng Giám mục VN
Tag:

Các tin đã đưa ngày: