MẦU NHIỆM THIÊN CHÚA BA NGÔI, ĐỨC TỔNG GIÁM MỤC PHAOLÔ BÙI VĂN ĐỌC VÀ TÔI…
06 / 03/ 2022, 04:03:36
Có thể nói rằng “cơ sở” tạo ra mối quan hệ thân tình giữa Đức Tổng Giám mục Phaolô Bùi Văn Đọc và tôi, trước tiên, chính là Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi, thứ đến, có lẽ do cả hai đều thích nhà thần học người Ý là Bruno Forte…
Tôi biết Đức TGM. Phaolô Bùi Văn Đọc từ khi tôi vẫn còn tu học tại Giáo hoàng Học viện Thánh Piô X Đà Lạt (1965-1975), sau khi ngài về nước năm 1970, sau thời gian du học tại Rôma (1964-1970), nhưng chưa có gì thân quen, vì ít có dịp tiếp xúc với nhau.
Những cơ duyên
Sau biến cố 30 tháng 4 năm 1975, qua trung gian hai nghĩa tử của tôi lúc đó đang tu học tại Đại Chủng viện Thánh Giuse Sài Gòn là thầy Đaminh Nguyễn Văn Hoàng, khóa 1 và thầy Augustinô Nguyễn Đức Lợi, khóa 2, tôi biết Đức TGM. Phaolô Bùi Văn Đọc lúc đó đang là một linh mục giáo sư nổi tiếng trong bộ môn Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi. Biết tôi cũng đam mê bộ môn này, thầy Augustinô Nguyễn Đức Lợi có photo cho tôi cuốn sách “La Trinité comme histoire” của Bruno Forte, do Đức TGM. Phaolô Bùi Văn Đọc giới thiệu.
Nhận được món quà này, tôi đã ngấu nghiến đọc một mạch từ đầu chí cuối, và quyết định sẽ chuyển ngữ ngay càng sớm càng tốt tác phẩm này ra Việt ngữ, hầu có thể giúp được chút gì cho các cơ sở đào tạo, quý dòng tu, và quý cha, quý tu sĩ nam nữ có thêm tài liệu về một bộ môn mà cho đến lúc bấy giờ tài liệu vốn vẫn còn rất hiếm hoi, dù khi đó tôi đang chỉ là một ông cha xứ miền quê hẻo lánh, nghèo, thiếu nhiều phương tiện làm việc...
Có lẽ Đức TGM. Phaolô Bùi Văn Đọc phần nào cũng biết được đam mê thần học của tôi qua bản dịch cuốn “Au pays de la théologie” (Đến thăm xứ sở thần học) của hai nhà thần học Pháp Dòng Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời (AA) mà tôi đã gửi tặng Đại Chủng viện Thánh Giuse Sài Gòn vào khoảng năm 1988. Và sau đó, qua yêu cầu của cha Giám đốc lúc bấy giờ là cha Đaminh Trần Thái Hiệp và cha linh hướng PX. Nguyễn Hữu Tấn, với sự đồng ý của tôi, Đại Chủng viện đã cho in Ronéo ra cho các đại chủng sinh sử dụng.
Sau khi ở Pháp về, tháng 10 năm 2005, tôi đọc lại và hoàn thiện bản dịch cuốn “La Trinité comme histoire” của Bruno Forte, với dự định cho in ấn và phát hành cách chính thức bản dịch này. Trước khi cho in, trong một lần tham dự phiên họp của Ủy ban Giáo lý Đức tin trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam mà Đức TGM. Phaolô là chủ tịch và tôi là thành viên, tại Trung tâm Mục vụ Tổng Giáo phận Sài Gòn, tôi có gợi ý nhờ Đức Tổng viết đôi lời giới thiệu cho bản dịch này, và được ngài mau mắn nhận lời: “Công việc dịch thuật này của cha rất có ích”, ngài nói thêm. “Tuy nhiên, lúc này tôi đang rất bận, cha cứ viết theo ý của cha, tôi sẽ đọc lại và nếu cần tôi sẽ chỉnh sửa đôi chút cho hợp với giọng văn của mình!”. Thế là “lời giới thiệu” trong bản dịch “Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi như một lịch sử” được ký tên là Đức TGM. Phaolô Bùi Văn Đọc, nhưng thực chất 99% là do tôi chấp bút, với sự tán thành hoàn toàn của ngài!
Tháng 3 năm 2017, trong dịp gặp Đức Tổng Phaolô tại Trung tâm Mục vụ Tổng Giáo Phận Sài Gòn, tôi lại nhờ ngài viết đôi lời giới thiệu cho bản dịch Việt ngữ một tác phẩm khác của Đức TGM. Bruno Forte là cuốn “Đức Giêsu Nadaret” mà tôi đã hoàn tất và chuẩn bị ấn hành, ngài vui vẻ đồng ý ngay. Sau đó, đầu tháng 4 năm 2017, tôi gọi điện thoại cho ngài nhắc lại chuyện này, và ngài hứa sẽ viết ngay. Sáng hôm sau, qua điện thư ngài gửi cho tôi mấy lời giới thiệu, có thể nói là hơi “vội vã”, bởi vì cuối lời giới thiệu chẳng có ký tên, chẳng có con dấu gì cả. Tôi gọi điện thoại cho ngài phản ảnh những điều đó, ngài chẳng những không tự ái, mà còn chịu khó sửa lại, trau chuốt hơn, có chữ ký và con dấu đàng hoàng, với những lời giới thiệu “có cánh” như sau:
“Tôi hân hạnh giới thiệu với quý độc giả bản dịch tiếng Việt quyển sách của Bruno Forte từ bản văn tiếng Pháp “Jésus de Nazareth” do linh mục Phêrô Nguyễn Thiên Cung chuyển ngữ. Đây là một bản dịch rất tốt, rất đúng và cũng rất xuôi chảy, dễ hiểu. Chắc chắn dịch giả đã bỏ ra rất nhiều công sức trong công việc dịch thuật. “Jésus de Nazareth” là một tác phẩm hay và có giá trị của nhà thần học thời danh người Ý là Bruno Forte mà có người so sánh là thông minh và sắc bén, có thể được coi như là Tôma Aquinô của thời đại chúng ta. Hiện nay ngài đã trở thành Tổng Giám mục vừa coi sóc giáo phận, vừa làm việc là công tác thần học trong giáo triều Rôma. Ngài thường hay có mặt, là một trong những thư ký quan trọng của các Thượng Hội đồng.
Tòa TGM. Sài Gòn, ngày 09 tháng 4 năm 2017
+ Phaolô BÙI VĂN ĐỌC
Tổng Giám mục”
Nỗi đam mê “trời cao” cháy bỏng
của chú chim phượng hoàng
Một trong những nét đặc biệt mà phần đông những người thân, bạn bè, học trò của Đức Tổng Phaolô Bùi Văn Đọc dễ dàng nhận ra nơi ngài, trong đời thường cũng như trong nghiên cứu, giảng dạy đó là đặc tính “siêu” của ngài, vì thế, có người gọi ngài là “người của cõi trên”, “người của trời cao”, nhất là khi bộ môn thần học mà ngài phụ trách lại là “Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi”!
Trong đời thường, có rất nhiều giai thoại “siêu” về ngài. Trong một lần làm việc tại Tòa Giám mục Nha Trang cùng với Ban Biên soạn Từ điển Công giáo, trong bàn ăn, Đức cha Giuse Võ Đức Minh có kể, đại khái: “Hồi cả hai còn du học ở nước ngoài, tôi ở Fribourg (Thụy Sĩ) còn ngài ở Collegio Urbano (Rôma), trong một lần hai anh em gặp nhau ở Fribourg, mình nói với ngài: ‘Có người vừa biếu mình hai đôi giày còn tốt, anh có cần, lấy một đôi về mà dùng’. Ngài trả lời đồng ý. Sau khi Đức Tổng Phaolô ra về, mình kiểm lại hai đôi giày xem ngài có quên hay không, mới phát hiện ra ngài có lấy, nhưng lại lấy hai chiếc giày cùng một bên! Mãi một năm sau, hai anh em có dịp gặp lại nhau, thấy ngài vẫn đi đôi giày mình biếu, mình hỏi thử: ‘Đôi giày đi tốt chứ?’, ngài vui vẻ trả lời: ‘Ừ tốt, thoải mái lắm!’…"
Các học trò của Đức Tổng Phaolô Bùi Văn Đọc đều nhận xét khi giảng dạy bộ môn Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi, ngài có vẻ như một người được “xuất thần”! Các tiết học với ngài về Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi không còn là những giờ kẻ giảng người nghe mà đó đích thực là những giờ cả thầy và trò cùng cầu nguyện, chiêm ngắm…
Niềm yêu mến và đam mê Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi mạnh mẽ đến nỗi bức họa ảnh về Thiên Chúa Ba Ngôi của Andrei Rublev (1360-1430), một họa sĩ người Nga, hiện diện khắp nơi trong cuộc đời của ngài, thậm chí, ngay cả trên những lễ phục giám mục của ngài, từ áo lễ cho đến chiếc mũ gàu của ngài!
Khi nghiên cứu tài liệu giảng dạy của Đức Tổng Phaolô tại Đại Chủng Viện Thánh Giuse Sài Gòn, một vài bài suy tư, một vài tác phẩm ngài thường viết chung với những người khác về Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi, tôi khám phá ra ảnh hưởng rất lớn của nhà thần học người Ý Bruno Forte trên tư tưởng của ngài, đặc biệt là tác phẩm “La Trinité comme histoire” của Bruno Forte mà tôi đã chuyển ra Việt ngữ với tựa đề “Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi như một lịch sử” và đã được nhà xuất bản Tôn giáo xuất bản năm 2010.
Có lẽ điều hấp dẫn Đức Tổng Phaolô đối với tư tưởng của Bruno Forte liên quan đến Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi, chính là điểm này:
“Tập sách này nói về Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi bằng cách nói về lịch sử, và nói về lịch sử khi nói về Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi. Lịch sử mà tập sách này kể, trước tiên đó là lịch sử của biến cố phục sinh, sự chết và sự phục sinh Đức Giêsu Nadaret, mà Thiên Chúa đã làm cho sống lại từ trong kẻ chết và đã tôn vinh lên với quyền năng thành Đức Chúa và Đấng Kitô theo Thần Khí thánh hóa (x. Rm 1,4). Lịch sử này vốn để lộ ra một lịch sử khác, lịch sử của Đấng mà trong biến cố phục sinh tự mặc khải ra như là Tình yêu (x. 1 Ga 4,8-16), giao nộp người Con yêu dấu của mình cho sự chết, làm cho người Con đó giao hòa lại với chính Ngài, và giao hòa thế gian lại trong Người, trong sức mạnh của Thần Khí hiệp nhất và tự do trong tình yêu. Câu truyện biến cố phục sinh, như vậy, mở ra về phía câu truyện Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi như biến cố vĩnh hằng là tình yêu, lịch sử của tình yêu vĩnh hằng. Chính vì thế, tập sách này nói về Thiên Chúa trong khi kể truyện tình yêu…
Trong khi nói về Thiên Chúa, những trang sách sau đây đồng thời cũng nói về con người: trong cuộc mạo hiểm Vượt qua, vốn được đón nhận như biến cố tình yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi, người ta có thể đọc ra được ý nghĩa và niềm hy vọng của lịch sử. Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi như là lịch sử cần phải được kể, chứ không phải là một thứ lý thuyết cao vời trừu tượng. Trong mặc khải cứu độ, Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi tự biểu thị như là nguồn gốc, hiện tại và tương lai của thế giới, trung tâm tuyệt đối siêu việt của lịch sử”[1].
Cách nhìn qua lăng kính lịch sử này hầu như không thể nào thích nghi và thích hợp với cách nhìn qua lăng kính của các khái niệm yếu tính, bản thể của thần học kinh viện cổ, vốn vẫn được giảng dạy trong nhiều trung tâm giáo dục và đào tạo của Giáo hội trên khắp hoàn cầu. Và tôi tự hỏi phải chăng đó chính là điều đã khiến Đức Tổng Phaolô ngay từ thập niên 70 đã muốn rời bỏ Đại học Urbaniana ở Rôma, vốn mang khuynh hướng bảo thủ, để qua Đức tiếp tục công việc học tập và nghiên cứu của mình!
Và phải chăng chính vì thế mà không dưới 5 lần, Đức Tổng Phaolô Bùi Văn Đọc, trực tiếp hay gián tiếp, đã ngỏ lời muốn khi thôi dạy bộ môn Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi tại Đại Chủng Viện Thánh Giuse Sài Gòn, ngài muốn tôi thay ngài đảm trách bộ môn này! Những lần gặp tôi tại Trung tâm Mục vụ Tổng Giáo Phận Sài Gòn, Đức Tổng Phaolô thường tâm sự với tôi, đại khái: “Ông Thiên Cung ạ, ông giúp tui với! Vừa là giám mục vừa là giáo sư vất vả lắm, nhưng trong lãnh vực Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi mình không tin ai có thể đảm nhiệm thay mình ngoài ông ra, và sau ông chỉ có ông Trinh ‘râu’ thôi!”.
Những ước mơ và hoài bão
của chú phượng hoàng con
Theo một số linh mục bạn bè và thân cận với Đức Tổng Phaolô Bùi Văn Đọc ở Giáo phận Đà Lạt cho biết, từ hồi còn trai trẻ ngài đã có mơ ước trở thành một nhà thần học và đã có một vài biểu hiện của khuynh hướng “cấp tiến”.
Trong một dịp làm việc với Ban Biên soạn Từ điển Công giáo tại Tòa Giám mục Nha Trang, tôi có nêu thắc mắc với Đức Cha Giuse Võ Đức Minh, một trong những người bạn rất thân của Đức Tổng Phaolô về việc đang học dở dang tại Rôma chưa lấy bằng tiến sĩ mà tại sao Đức Tổng Phaolô Bùi Văn Đọc lại bị Đức cha Simon Hòa Nguyễn Văn Hiền triệu hồi về Việt Nam gấp gáp như vậy, và được Đức cha Giuse trả lời, đại khái: “Đó có lẽ là do ngài thật thà quá! Sau khi học xong chương trình Đại Chủng viện (2 năm Triết và 4 năm thần học, với hai mảnh bằng cử nhân Triết và cử nhân Thần học) ở Collegio Urbano đủ điều kiện để được phong chức linh mục, thay vì chuyển qua Đại học Urbaniana gần đó để dọn tiến sĩ thì ngài lại làm đơn xin Đức cha Simon Hòa Nguyễn Văn Hiền được qua học tại Đại học Tübingen ở Đức. Đại học Tübingen ở Đức lúc bấy giờ vốn là đại học rất nổi tiếng và có khuynh hướng cấp tiến…”. Đức cha Giuse Võ Đức Minh nói đến đó, dừng lại, và tôi hiểu.
Trong khoảng thời gian trước, trong và sau Công đồng Vaticanô II, một số nhà lãnh đạo trong Giáo hội toàn cầu cũng như ở Miền Nam Việt Nam, vốn rất “dị ứng” với nhãn hiệu “cấp tiến”! Linh mục Benoit NCP ở Giáo phận Nha Trang cho biết, việc linh mục TBC thuộc Giáo phận Huế, linh mục Nicôla HVN ở Giáo phận Sài Gòn và một số linh mục khác nữa đều bị triệu hồi về nước gấp nằm trong bối cảnh đó!
Cứ xem việc Đức Giáo hoàng Piô XII “đối xử quá thận trọng” với một số nhà thần học vĩ đại của Giáo hội Công giáo trong thập niên 50, trước Công đồng Vaticanô II, vốn bị nghi ngờ là “tân thời”, “cấp tiến” thì rõ! Đó chính là những khuôn mặt mà dưới thời Đức Thánh cha Gioan XXIII đã trở thành trụ cột của Công đồng Vaticanô II: Teilhard de Chardin, Henri de Lubac, Karl Rahner, Yves Congar, Marie-Dominique Chenu...
Có lần, Đức Tổng Phaolô Bùi Văn Đọc tâm sự với tôi: “Anh là linh mục, anh sướng hơn mình, vì anh muốn viết gì thì viết, chẳng ai quan tâm, soi mói; còn mình là Giám mục, nếu nói hay viết cái gì hơi “khang khác” một chút là bị dư luận tấn công và đả kích ngay”. Có vẻ như thân phận của một vị giám mục có nhiều suy tư, mang nhiều hoài bão trong tương quan với một thế giới “bảo thủ” không khác gì mấy so với thân phận của nhà thần học trong tương quan với một số bề trên “bảo thủ” của mình!
Một lần khác, sau “vụ” liên quan đến bộ sách chú giải Thánh Kinh của tác giả Tin lành là William Barclay được chuyển ra Việt ngữ, được in ấn và phát hành trong một số Nhà sách Công giáo ở Sài Gòn và một số nơi khác, bị “đánh” khá nặng, gặp tôi, ngài phàn nàn cách đơn sơ, thật thà: “Ông Thiên Cung à, ông viết lách, báo chí này nọ, sao ông không viết bài bênh tui với!”. Lúc đó, tôi cảm thấy thương ngài vô hạn, nhưng chẳng biết nói gì, ngoài thái độ thinh lặng! Bởi vì tôi tin trong những trường hợp như thế, thời gian và sự thinh lặng kiên nhẫn trong tình yêu là giải pháp tốt nhất! Rồi mọi sự sẽ qua đi và ổn cả thôi!
Trong thời gian khá dài làm việc với Đức TGM. Phaolô Bùi Văn Đọc trong Ủy ban Giáo lý Đức tin trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam, tôi phát hiện ra ngài là con người không chỉ muốn mình trở thành nhà thần học, mà còn muốn cho Giáo hội Công giáo Việt Nam bay cao, vươn ra biển lớn với những công trình suy tư thần học và có những thần học gia góp mặt trước tiên với các Giáo hội ở Châu Á, sau nữa với Giáo hội hoàn vũ. Đó chính là một trong những điều khiến ngài hết sức trăn trở!
Không trăn trở sao được khi so với các Giáo hội Châu Á chung quanh, có thể nói Giáo hội Công giáo Việt Nam mạnh về nhiều mặt, nhưng trong lãnh vực suy tư thần học, có thể nói gần như là con số không. Thật vậy, Ấn độ (với những nhà thần học như Raimundo Panikkar, Stanley Samartha, Michael Amaladoss, Sebastian Kappen, George Soares-Prabhu), SriLanka (với những Aloysius Pieris, D.T. Niles, L. Wickremesinghe, T. Balasuriya), Philippines (với những Benigno Beltran, Rey Ileto, Emerito Nacpil, Carlos Abesamis, M.J. Mananzan, Edicio de la Torre, Julio Labayen, L. Dingayan, S.T. Martinez), Nam Triều Tiên (với những John Sung Rhee, Yong Ok Kim, Bong Rang Park, Byung-Mu Ahn, Nam Dong Suh, Sung Bum Yun, Park Jae Soon, Kim Yong-Bock, Chung Hyun Kyung, Heup Young Kim, Wang Yang-ming), Trung hoa (với những Yves Raguin, Benoȋt Vermander, Aloysius Chang, Choan-Seng Song) và Nhật bản (với những Kosuke Koyama, Kazoh Kitamori, T. Kuribayashi, Katsumi Takizawa, Seiichi Yagi, W. Johnston, J. Kadowaki)…, đều đã có những đóng góp không nhỏ vào nỗ lực giới thiệu Đức Giêsu Kitô cho những người châu Á, còn Việt Nam hầu như chưa thấy xuất hiện bóng dáng của một nhà thần học nào đúng nghĩa cả! Đó chính là một trong những trăn trở hàng đầu của Đức TGM. Phaolô Bùi Văn Đọc trong cương vị Chủ tịch Ủy ban Giáo lý Đức tin.
Vì thế, một trong những quan tâm hàng đầu của ngài đó là xây dựng nền móng: cơ sở tài liệu nghiên cứu, tìm kiếm, đào tạo những con người thích hợp, có khả năng nghiên cứu, viết lách.
Trước tiên, liên quan đến vấn đề tài liệu: hiệu đính và cho tái bản một số bản dịch của Phân khoa Thần học Giáo hoàng Học viện Thánh Piô X Đà Lạt, như: tài liệu Thánh Công đồng Vaticanô II, Tự điển Thần học Thánh Kinh; cho chuyển ra Việt ngữ Sách Giáo lý của Hội thánh Công giáo, và một số tài liệu khác liên quan đến đề tài thần học và giáo lý; cho biên soạn cuốn Từ điển Công giáo; dự án nhờ người chuyển dịch bộ Denzinger ra Việt ngữ… Đó có thể nói là những tài liệu rất cần thiết cho công tác nghiên cứu và viết lách về những đề tài thần học.
Thứ đến, liên đến vấn đề con người. Sau 1975, Giáo hội Công giáo Việt Nam có thêm nhiều linh mục, tu sĩ khoa bảng, xuất thân từ các nước Châu Âu, Châu Mỹ, Châu Úc và Phillipines… Đây là cả một gia tài, tổng hợp “vốn” rất lớn của Giáo hội Việt Nam và Đức Tổng Phaolô mong muốn Ủy ban Giáo lý Đức tin là nơi qui tụ những nhà khoa bảng nầy để làm việc chung với nhau, không phân biệt, nhằm cống hiến những suy tư thần học sâu sắc mang đậm nét hội nhập văn hóa. Nhưng rồi vì những điều kiện khách quan cũng như chủ quan, cho đến hiện nay, các thành viên trong Ủy ban Giáo lý Đức tin chỉ chủ yếu trong Tổng Giáo phận Sài Gòn. Đây cũng chính là một trong những vấn đề đã khiến Đức Tổng Phaolô Bùi Văn Đọc hết sức trăn trở.
Thế mà rồi Đức Tổng Phaolô đã đột ngột ra đi, bỏ lại chúng ta, bỏ lại biết bao công trình vẫn còn dang dở, bỏ lại biết bao mơ ước chưa hoàn thành…
Thế nhưng, công trình xây dựng Giáo hội chẳng phải là công trình và sự nghiệp của nhiều người, của nhiều thế hệ hay sao?
Lm. Phêrô Nguyễn Thiên Cung
Chủng Viện Thánh Nicôla - Phan Thiết
Thành viên UBGLĐT
[1] Bruno FORTE, Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi như một lịch sử, Bản Việt ngữ của Lm. Phêrô Nguyễn Thiên Cung, Nxb. Tôn Giáo 2010, tr. 13-14.
Nguồn: Trích
Tin mới đăng:
- Vatican và Microsoft hợp tác để giúp du khách có trải nghiệm tuyệt vời về Đền thờ Thánh Phêrô (12/11/2024)
- Thứ Tư Tuần XXXII - Mùa Thường Niên (12/11/2024)
- ĐTC Phanxicô: Nhân viên Đền thờ Thánh Phêrô hãy giúp du khách cảm nhận đây là nơi của đức tin và lịch sử (11/11/2024)
- Kinh Truyền Tin 10/11: Sự giả hình (11/11/2024)
- 12 Tháng Mười Một Thánh Josaphat (1580?-1623) (11/11/2024)
Các tin khác:
- Thông điệp về Thánh Tâm Chúa Giêsu là "chìa khóa" cho triều đại giáo hoàng của ĐTC Phanxicô (28/10/2024)
- GIỚI THIỆU 4 VĂN KIỆN MỚI (25/10/2024)
- Thượng HĐGM: Thẩm quyền của các Giám mục và HĐGM về các vấn đề tín lý (18/10/2024)
- GIỚI THIỆU: Ghi chú Gestis Verbisque về tính thành sự của các bí tích (02/09/2024)
- Bộ Giáo lý Đức tin: Tổng Giám Mục Carlo Maria Viganò bị vạ tuyệt thông vì ly giáo (07/07/2024)
- Tuyên bố của Bộ Giáo lý Đức tin về phẩm giá con người (09/04/2024)
- Diễn văn Đức Thánh Cha dành cho Tham dự viên Phiên họp Toàn thể của Bộ Giáo lý Đức tin năm 2024 (27/01/2024)
- HIỆP HÀNH TRONG VIỆC TUYÊN XƯNG ĐỨC TIN (24/09/2023)
- Tân Tổng trưởng Bộ Giáo lý Đức tin: Chúng ta được cứu bởi một Người, không bởi một giáo huấn (09/07/2023)
- Thư của Đức Thánh Cha gửi cho Tân Tổng trưởng Bộ Giáo lý Đức tin (03/07/2023)
- Nhớ Cha Phêrô Nguyễn Thiên Cung qua bài viết: MẦU NHIỆM THIÊN CHÚA BA NGÔI, ĐỨC TỔNG GIÁM MỤC PHAOLÔ BÙI VĂN ĐỌC VÀ TÔI… (22/05/2023)
- Tổng trưởng Bộ Giáo lý Đức tin: Thông điệp Humanae vitae vẫn mang tính ngôn sứ (21/05/2023)
- GIỚI THIỆU LOGOS 08: MÔI SINH NHÂN BẢN TOÀN DIỆN (20/04/2022)
- Như ông Ê-li-a và ông Ê-li-sa, Đức Giê-su không chỉ được sai đến với người Do-thái. (20/03/2022)
- ĐTC gặp các tham dự viên Hội nghị chuyên đề về chức linh mục (17/02/2022)