Người già của thánh vịnh, người xem tuổi già của mình như một thất bại, tái khám phá sự tín thác nơi Chúa . Người già cảm thấy cần được giúp đỡ. Thánh Augustinô khi bình luận về thánh vịnh này đã khuyên người già rằng: “Đừng sợ bị bỏ rơi trong tuổi già của bạn. […] Tại sao bạn lại sợ rằng [Chúa] sẽ bỏ rơi bạn, rằng Người sẽ từ chối bạn trong thời tuổi già, khi sức lực của bạn sẽ suy yếu? Đúng hơn, chính sức mạnh của Người sẽ ở nơi bạn, khi sức lực của bạn sẽ suy yếu”(PL 36, 881-882). Và tác giả thánh vịnh lớn tuổi kêu cầu: “Vì Ngài công chính, xin cứu vớt và giải thoát con, / ghé tai nghe và thương cứu độ. / Xin Ngài nên như núi đá cho con trú ẩn, / như thành trì để cứu độ con, / núi đá và thành trì bảo vệ con, chính là Ngài.” (câu 2-3). Lời cầu xin làm chứng cho lòng trung tín của Thiên Chúa và khẩn khoản nài xin Người lay động những lương tâm sai lệch bởi sự vô cảm trong kiếp sống phải chết, vốn cần được bảo vệ trong sự toàn vẹn của nó. Tác giả thánh vịnh cầu nguyện như thế này: “Lạy Thiên Chúa, xin đừng nỡ xa con, / lạy Thiên Chúa, xin Ngài mau trợ giúp! / Ước chi những người muốn hại mạng sống con / đều phải chết nhục nhã ê chề; / kẻ tìm cách gây hoạ cho con / phải muôn vàn nhuốc nhơ xấu hổ.” (câu 12-13).
Thực vậy, thật nhục nhã đối với những ai lợi dụng sức yếu của bệnh tật và tuổi già. Lời cầu nguyện làm mới lại trong lòng người cao tuổi lời hứa về sự trung tín và phúc lành của Thiên Chúa. Người cao tuổi tái khám phá lời cầu nguyện và làm chứng cho sức mạnh của lời cầu nguyện . Trong các sách Tin Mừng, Chúa Giêsu không bao giờ từ chối lời cầu xin của những người cần được giúp đỡ. Những người già, vì sức yếu của họ, có thể dạy những người đang sống ở những lứa tuổi khác của cuộc đời rằng tất cả chúng ta cần phải buông mình cho Chúa , để cầu xin sự giúp đỡ của Người. Theo nghĩa này, tất cả chúng ta phải học từ tuổi già: vâng, có một món quà hoàn toàn trong tư cách là người già, cách buông mình cho sự chăm sóc của người khác, bắt đầu từ chính Thiên Chúa.
Sau đó, có một “lời dạy về sự mong manh”, đừng giấu sự mong manh. Chúng là sự thật, là một thực tại và có một lời dạy về sự mong manh cho tất cả mọi người, rằng tuổi già có thể nhớ lại một cách đáng tin cậy về toàn bộ cuộc đời con người. Lời dạy này mở ra một chân trời quyết định cho việc cải cách nền văn minh của chính chúng ta. Một cuộc cải cách mà bây giờ là tất yếu vì lợi ích của sự chung sống của mọi người. Việc gạt người già ra bên lề - trong khái niệm và thực tế - làm hỏng tất cả các mùa của cuộc sống, không chỉ đối với tuổi già.
Mỗi người chúng ta hôm nay có thể suy nghĩ về những người lớn tuổi trong gia đình: tôi có tương quan như thế nào với họ, tôi có nhớ đến họ không, tôi có đi thăm họ không? Biết rằng họ không thiếu gì? Tôi có tôn trọng họ không? Những người lớn tuổi trong gia đình, mẹ, cha, ông, bà, cô chú, bạn bè, tôi có xóa họ khỏi cuộc sống của mình không? Hay tôi đến với họ để nhận được sự khôn ngoan của cuộc sống? Hãy nhớ rằng bạn cũng sẽ là người già. Tuổi già đến với tất cả mọi người. Và bạn muốn được đối xử như thế nào khi về già, hãy đối xử như thế với người già hôm nay. Họ là bộ nhớ của gia đình, của nhân loại, bộ nhớ của đất nước. Bảo vệ người già là một sự khôn ngoan. Xin Chúa ban cho những người già là thành viên của Giáo hội lòng quảng đại trước lời mời gọi và khuyến khích này. Ước gì sự tín thác vào Chúa của họ truyền sang cho chúng ta. Điều này tốt cho tất cả, cho họ, cho chúng ta, cho con cái chúng ta.
Buổi tiếp kiến chung 1/6
Buổi tiếp kiến chung 1/6
Buổi tiếp kiến chung 1/6