TẢN MẠN VỀ NIỀM VUI HẠNH NGỘ NHÂN DỊP ĐẠI HỘI GIÁO LÝ TOÀN QUỐC LẦN THỨ VI
26 / 08/ 2023, 08:08:33
TẢN MẠN VỀ NIỀM VUI HẠNH NGỘ
NHÂN DỊP ĐẠI HỘI GIÁO LÝ TOÀN QUỐC LẦN THỨ VI
1. Niềm vui được đón tiếp như người thân trở về
Niềm vui của giáo lý viên là niềm vui của người được Thiên Chúa sai đi - niềm vui của những thợ gặt dẫu cuộc đời còn lắm nỗi truân chuyên.
Việc mỗi thành viên sắp xếp được thời gian tham dự Đại hội giáo lý toàn quốc lần thứ VI đã là một niềm vui lớn. Từ sáng ngày 21/8/2023, từ mọi miền Tổ quốc với 27 giáo phận đã rộn ràng hướng về giáo phận Thái Bình - nơi diễn ra Đại hội. Đoàn giáo lý giáo phận Ban Mê Thuột của chúng con đáp xuống sân bay Cát Bi - Hải Phòng lúc 10 giờ 30. Vừa xuống đến sân bay, chúng con đã được một ông cố và một đoàn giáo dân của giáo phận Hải Phòng đón chào nồng hậu. Chúng con được thông báo chờ 3 đoàn của 3 giáo phận phía Nam sẽ đáp xuống sân bay Cát Bi lúc 11 giờ 10 và 11 giờ 30. Thế là, chúng con được uống nước, nghỉ ngơi ngay tại một quán rất đẹp bên cạnh sân bay. Được biết 12 giờ kém, khi cả 4 đoàn đã đến đầy đủ, chúng con mới di chuyển về Thái Bình, ông cố (trưởng ban đón tiếp và trung chuyển - cũng là chủ nhân một hãng bánh lớn ở Hải Phòng) đã biếu mỗi người một ổ bánh mì thượng hạng, đúng chuẩn “bánh nhà làm”. Đang đói, nên ai nấy ăn ngon lành, vừa ăn vừa tấm tắc khen ngon và hết lời cảm ơn tấm lòng quảng đại của ông cố Hải Phòng.
Sau khi đoàn giáo phận Sài Gòn, Cần Thơ, Bà Rịa đã đáp xuống sân bay, xe 45 chỗ chở cả 4 đoàn về Tòa Giám Mục Thái Bình. Trong lúc di chuyển, Đức cha Đaminh của giáo phận Thái Bình và cha quản lý liên tục gọi điện hỏi han, hướng dẫn cho cả đoàn. 13 giờ 15, xe đã đến Cầu Bo - cây cầu nổi tiếng, đã đi vào nhiều câu ca, bài hát về Thái Bình. Vượt qua Cầu Bo, cả đoàn đã cảm nhận được niềm vui của Đại hội dường như tràn ngập cả địa phận Thái Bình. Thái Bình hôm nay:
“Vui từ trong ngõ vui ra
Vui từ ngã bảy, ngã Ba vui về”
Niềm vui theo cả đoàn tiến về Tòa Giám Mục Thái Bình. Ở đây lại còn vui hơn nữa, Đức cha Đaminh, quý cha, quý thầy và giáo lý viên Thái Bình ra tận cổng để đón tiếp ân cần, chu đáo. Đức cha chân tình, niềm nở bắt tay từng thành viên của cả đoàn (Đại biểu của 4 giáo phận Miền Nam) - một cái xiết tay thay lời muốn nói. Ai cũng cảm nhận được tình cảm thân thương, nồng hậu trong cái bắt tay ấm áp của người cha chung khả kính của giáo phận đăng cai Đại hội. Chỉ cần một cái xiết tay cùng với nụ cười tươi nở trên môi của Đức cha Đa minh, các linh mục, tu sĩ và giáo dân đều hiểu rằng: Một cử chỉ, một hành động đôi khi biểu cảm hơn ngàn vạn lời nói, vì “điều chưa nói, bàn tay đã nói”. Thế là, cái đói, cái mệt sau một chặng đường dài tan biến hết, chỉ còn lại những tiếng nói cười rộn rã, những ánh mắt thân thương, rạng ngời trao cho nhau.
Bước vào Tòa Giám Mục Thái Bình, ai nấy đều trầm trồ trước công trình kiến thiết cao sang, rộng rãi. Có lẽ, Tòa Giám Mục Thái Bình phải thuộc loại vừa đẹp, vừa sang, vừa hoành tráng nhất nhì Việt Nam. Khi bước vào bên trong, mọi người còn phải trầm trồ liên tục vì tòa nhà được kiến thiết hợp lý, giá trị sử dụng cao, không dư thừa, phí uổng một không gian nào trong tổng thể của cả tòa nhà. Sau khi ăn cơm trưa, quý thầy dẫn từng người đi nhận phòng cách ân cần, chu đáo.
Nghỉ ngơi đến hơn 15 giờ chiều, mọi người tập trung tại Hội trường ở tầng 6, chuẩn bị dự khai mạc Đại hội. Biết bao khuôn mặt thân quen, vì đã gặp nhau ở những kỳ Đại hội trước. Biết bao khuôn mặt mới lạ, vì mới đi dự Đại hội giáo lý toàn quốc lần đầu. Nhưng dù quen, dù lạ, sao nhìn ai cũng thấy thật thân thương. Sự thân thương ấy, có lẽ là do tất cả mọi giáo lý viên trên toàn quốc đều là “người nhà” trong “Gia đình giáo lý viên Việt Nam”.
2. Niềm vui trong buổi Khai mạc Đại hội
16 giờ 21/8, Tất cả các đoàn hầu như đã có mặt đông đủ, chỉ còn thiếu một giáo phận đang còn trên đường đến Đại hội. Mọi người háo hức tiến về Hội trường ở tầng 6. Nghi thức khai mạc diễn ra ngắn gọn nhưng vui và đầy đủ ý nghĩa. Ai nấy hào hứng hòa chung trong vũ khúc “Giáo lý viên hiệp hành”. Sau đó, cha Phê rô Nguyễn Văn Hiền đã thuyết trình đề tài 1: Hướng dẫn việc dạy giáo lý năm 2020: Một điểm đến và một khởi đầu mới với những điểm chính về canh tân Huấn giáo của Giáo Hội cho phù hợp với thời đại hôm nay. Bài thuyết trình thật hay và sâu sắc, giúp GLV hiểu rằng: giữa thời đại đầy thách đố hôm nay, Giáo hội đã canh tân huấn giáo cho phù hợp với thời đại thì GLV cũng phải đổi mới từ lòng nhiệt thành đến phương thức dạy giáo lý, ngôn ngữ dạy giáo lý. Làm sao để việc dạy giáo lý phải theo hướng “ra đi truyền giáo”, dạy giáo lý như “dấu chỉ của lòng thương xót” và dạy giáo lý theo hưởng trở nên “phòng thí nghiệm của đối thoại”.
3. Niềm vui bữa cơm chung đầu tiên
Đúng 18 giờ, tất cả quy tụ tại nhà ăn ở tầng 1. Các món ăn vừa lạ vừa quen, được nấu thật khéo nên phù hợp với khẩu vị của cả ba vùng miền. Quá nhiều món ăn, từ các món hải sản miền biển đến món ăn dân dã của đồng bằng đến món ăn nơi vùng cao - miền núi làm mọi người chỉ ăn thử mỗi món một chút thôi cũng đủ no căng bụng rồi. Ước gì một người có 2 cái bụng để có thể thưởng thức thêm. Đã thế, giáo phận Hà Nội còn tặng mỗi tham dự viên một bánh cốm Hàng Than - Đặc sản nổi tiếng của Thủ Đô Hà Nội. Có nhiều người không ăn nổi bánh cốm nữa, phải đem về phòng để lúc nào đói mới có thể thưởng thức được. Nhưng cái đáng nhớ nhất là cung cách phục vụ tận tụy với tất cả lòng hiếu khách của quý thầy và những GLV giáo phận Thái Bình mới làm cho các tham dự viên nhớ mãi, tấm tắc, xuýt xoa mãi. Có lẽ, các món ăn trở nên ngon hơn nhờ cách phục vụ tận tình trong yêu thương như thế. Quả là một “bữa cơm huynh đệ” ấm tình gia đình giáo lý Việt Nam!
4. Niềm vui trong Thánh lễ khai mạc
Thánh Lễ khai mạc Đại hội được cử hành lúc 19 giờ 30, tại Nhà thờ Chính Tòa của Giáo phận. Trước khi vào nhà thờ, đã nghe bà con giáo dân xầm xì với nhau: “Đông cha quá, đông các dì quá, chưa bao giờ thấy một Thánh lễ hoành tráng và đông các cha, các dì như vậy. Thật là hạnh phúc quá! Hôm nay, ai không đi lễ thì chết nửa cuộc đời”.
Đúng là Thánh Lễ hoành tráng thật. Quý cha hôn Bàn Thờ cũng phải hơn 17 phút mới xong. Ca đoàn hát hay và sốt sắng, giáo dân tham dự đông đảo. Niềm vui bắt đầu từ lời chào đầu lễ của Đức cha Đa Minh. Trong lời chào, Đức cha đã bày tỏ niềm vui, niềm tự hào của cả giáo phận Thái Bình khi lần đầu tiên được đăng cai tổ chức Đại hội giáo lý toàn quốc. Nhưng câu nói mà mọi người nhớ nhiều nhất là câu: Nhiều bà mẹ công giáo Thái Bình tham gia nhiệt thành trong nhiều hội đoàn khác nhau, nào là GLV, nào là ca đoàn, hội Lêgiô v.v… vì các mẹ đảm đang lắm: “Hai tay ba bếp, lại chòi gạch cua”. Bên cạnh đó, cách nói hài hước, dí dỏm của Đức cha làm mọi người cảm thấy Đức cha thật gần gũi, thân thương và cảm thấy giáo phận Thái Bình thật đáng yêu, đáng mến biết bao.
Thánh Lễ kết thúc, nhưng dư âm của Thánh Lễ cứ hiển hiện và ngân nga mãi trong lòng mỗi tham dự viên.
“Đầu xuôi, đuôi lọt”, mọi sự khởi đầu thật tốt đẹp, khiến mọi người vui vẻ nói đùa với nhau: “Đại hội đã thành công trước khi khai mạc!”
Nguyện xin Chúa chúc phúc cho Đại hội giáo lý viên lần thứ VI của chúng con!
5. Niềm vui trong những câu chuyện bên lề
CHÚA SẮP XẾP CẢ
Buổi chiều ngày 17, trước giờ ăn tối, tôi mới biết mình quên mang theo thuốc uống hằng ngày. Tôi đi ra trước cổng Tòa Giám Mục Thái Bình xem có xe thồ hay taxi không, nhưng không thấy. Tôi đi vào lại, thấy có mấy anh chị em giáo lý viên đang làm công tác phát khăn và tài liệu, tôi hỏi thăm xem gần đây có quầy thuốc tây nào không. Một chị khá lớn tuổi nhanh nhảu bảo: “Để mình chở chị đi, cũng không xa lắm”. Chị nhanh nhẹn lấy xe máy và mượn thêm một cái mũ bảo hiểm cho tôi đội, rồi chở tôi đi mua thuốc. Trên đường về, chị chỉ cho tôi ngôi trường chị dạy. Thì ra chị là giáo viên, là đồng nghiệp của tôi. Tôi reo lên: “Chị là giáo viên à? Em cũng là giáo viên”. Chị có vẻ vui lắm: “Thế chị là giáo viên cấp mấy?” Tôi trả lời: “Em dạy Ngữ văn cấp II chị ạ”. Chị nói: “Mình cũng là giáo viên Ngữ văn. Dân Văn gặp nhau tại Đại hội giáo lý, cùng chung một điểm rồi”. Chị hỏi tiếp: “Chỗ chị có dạy bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống không?” Tôi nói: “Có chị ạ”. Chị có vẻ rất vui, nói tiếp: “Mình có được mời tham gia viết sách Ngữ văn, bộ Kết nối tri thức với cuộc sống, trên bìa sách có tên mình đấy. Tên mình là Chín”. Tôi kêu lên: “Ô! Thế ạ. Chị giỏi thật đấy! Vừa dạy học, vừa là nhà soạn sách, mà vẫn tham gia dạy giáo lý được. Tuyệt quá!” Chị nói: “Mình làm trưởng Ban giáo lý của giáo xứ hơn 20 năm rồi. Chúa sắp xếp cả chị ạ”.
Tôi và chị nói với nhau biết bao nhiêu chuyện khác nữa, nhưng điều đọng lại trong tôi nhiều nhất mà cũng tâm đắc nhất là câu khẳng định của chị “Chúa sắp xếp cả”. Vâng, quả đúng là như vậy, giáo lý viên nào cũng có thể cảm nhận được điều này. Có đôi lúc, việc nhà rối rắm, bao nhiêu chuyện bộn bề, thế mà Chúa giúp cho mọi sự vuông tròn. Rắc rối mấy rồi cũng giải quyết được: “Việc dù có méo, Chúa vo cho tròn”.
Qua gặp gỡ với chị, tôi còn cảm nhận một điều khác: Những con người nhiệt thành làm tông đồ cho Chúa, nhất là những giáo lý viên trung thành, tận tụy, thì công ăn việc làm ngoài đời của họ cũng luôn xuất sắc. Điều đó, một phần là vì họ luôn có ý thức và có tâm trong mỗi việc mình làm. Nhưng trước hết và trên hết là Thiên Chúa luôn yêu thương họ, ban cho họ những khả năng vượt trội hơn những người khác để giúp họ chu toàn mọi sự như ý Chúa muốn. Ơn gọi giáo lý viên thật tuyệt vời biết bao! Nguyện xin Chúa chúc phúc cho mọi giáo lý viên để họ luôn trung thành trong ơn gọi của mình, và để họ có thêm nhiều sáng kiến trong công cuộc dạy giáo lý giữa cuộc đời đầy thách đố hôm nay.
CHỒNG, CON LÀ HẬU PHƯƠNG VỮNG CHẮC
Tất cả nữ giáo dân tham gia Đại hội ở chung tại phòng C7, bao nhiêu giọng nói, bao nhiêu vùng miền, nhưng đều gặp nhau ở một điểm – đó là lòng yêu mến giáo lý và nhiệt thành với Giáo Hội. Có chị hỏi tôi: “Đi dự Đại hội giáo lý toàn quốc mấy lần rồi?” Tôi trả lời: “Bốn lần rồi ạ”. Chị nói: “Mình mới đi lần đầu tiên nên còn bỡ ngỡ lắm. Thế cô đi như thế này và đi dạy giáo lý, chồng con có cằn nhằn gì không?” Tôi nói: “Không những không cằn nhằn mà còn động viên, giúp đỡ cho em bằng cách làm thay tất cả những việc nhà cho em để em yên tâm lo việc giáo lý”. Chị cười, gật đầu: “Thế thì nhất cô rồi, chứ đi dạy giáo lý về, chồng con cằn nhằn, khó chịu. Có nhiệt tâm đến mấy cũng nản cô ạ”. Tôi cười: “Vâng. Em rất hạnh phúc vì được cả chồng lẫn con ủng hộ. Chồng em còn nói: Em làm được bất kỳ điều gì tốt cho Giáo Hội, anh đều mừng lắm. Chồng con em là hậu phượng vững chắc cho ơn gọi giáo lý viên của em đấy chị ạ”. Chị lại cười: “Tôi cũng thế, chồng con tôi đều ủng hộ việc đi dạy giáo lý của tôi, nên tôi cũng có hậu phương vững chắc như cô vậy”. Tôi nháy mắt tỏ vẻ đồng tình: “Đấy gọi là “hiệp hành” ngay trong gia đình đấy chị ạ.”
Có lẽ, tất cả giáo lý viên nữ đều cần có những hậu phương vững chắc như thế. Cầu mong Chúa tuôn đổ hồng ân cảm thông, chia sẻ trên những người chồng, người con của giáo lý viên nữ để họ tiếp tục vững bước trên con đường Loan báo Tin Mừng ngang qua ơn gọi giáo lý viên của mình.
LÀM SAO ĐI ĐƯỢC?
Đi dự Đại hội lần này, tôi gặp lại khá nhiều những gương mặt thân quen, đã gặp ở những lần Đại hội trước ở Huế, ở Xuân lộc… Gặp lại, ai nấy tay bắt mặt mừng, đúng kiểu người thân lâu ngày gặp lại. Con một Cha, nhà một Chúa, lại cùng đi trên con đường Giáo lý, tình thân tự nhiên gắn kết mọi người lại với nhau. Có em ở giáo phận Hà Nội hỏi tôi: “Ở ngoài đời, chị làm nghề gì?” Tôi nói: “Mình làm giáo viên”. “Chị dạy cấp mấy?” “Mình dạy cấp 2”. “Thế chị đi cả tuần thế này thì sao ạ?” Tôi cười: “Chẳng sao cả. Giữa năm học, cần đi công việc bên giáo lý là mình sắp xếp rồi đi thôi”. Em tròn mắt: “Vậy ai dạy cho chị?” Tôi trả lời: “Chị chỉ cần nhờ những thầy, cô có cùng chuyên môn với mình dạy thay rồi báo cho Hiệu trưởng hoặc Phó hiệu trưởng là xong”. Em có vẻ ngạc nhiên lắm: “Họ cũng chịu hả chị?” Tôi lại cười: “Chịu chứ. Vì những lúc khác, các thầy cô trong tổ chuyên môn cần việc gì phải xin nghỉ, mình lại đi dạy cho họ. Có qua có lại thôi mà”. Em gật đầu vui vẻ. Tôi nói thêm: “Đấy có lẽ cũng là một kiểu hiệp hành em nhỉ!” Cả tôi và em cùng cười, nhìn nhau, ánh mắt đầy thân thương, trìu mến.
Tin mới đăng:
Các tin khác:
- Hội đồng Giám mục Việt Nam: Biên bản Hội nghị thường niên kỳ II năm 2023 (22/09/2023)
- HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM THƯ MỤC VỤ GỬI CỘNG ĐỒNG DÂN CHÚA VỀ GIÁO HỘI THAM GIA (22/09/2023)
- HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC BẮT ĐẦU HỘI NGHỊ THƯỜNG NIÊN KỲ II/ 2023 (20/09/2023)
- HỌC VIỆN CÔNG GIÁO VIỆT NAM: KHAI GIẢNG NIÊN KHÓA 2023 - 2024, TRAO BẰNG THẠC SĨ VÀ CỬ NHÂN THẦN HỌC (17/09/2023)
- ĐẠI HỘI GIÁO LÝ TOÀN QUỐC LẦN VI - NGÀY BẾ MẠC 24/8/2023 (24/08/2023)
- ĐẠI HỘI GIÁO LÝ TOÀN QUỐC LẦN VI - NGÀY THỨ BA 23/8/2023 (23/08/2023)
- ĐẠI HỘI GIÁO LÝ TOÀN QUỐC LẦN VI - NGÀY THỨ HAI 22/8/2023 (22/08/2023)
- TẢN MẠN BÊN LỀ ĐẠI HỘI GIÁO LÝ TOÀN QUỐC 2023: “CÓ MÀ KHÔNG DÙNG” (22/08/2023)
- KHAI MẠC ĐẠI HỘI GIÁO LÝ TOÀN QUỐC LẦN THỨ VI - NGÀY THỨ NHẤT 21/8/2023 (22/08/2023)
- HƯỚNG ĐẾN ĐẠI HỘI GIÁO LÝ TOÀN QUỐC LẦN VI (21-24/8/2023) (18/08/2023)
- Linh Mục Đoàn Giáo Phận Phú Cường Tĩnh Tâm Quý III Và Thường Huấn Năm 2023 (03/08/2023)
- Việt Nam và Tòa Thánh ký kết Thỏa thuận về Quy chế của Đại diện Thường trú của Tòa Thánh tại Việt Nam (28/07/2023)
- Đức Thánh Cha thành lập Quỹ (Đức Hồng y) Văn Thuận (26/07/2023)
- AI TÍN: BÀ CỐ TÊRÊSA, THÂN MẪU ĐỨC CHA GIOAN, CHỦ TỊCH ỦY BAN GIÁO LÝ ĐỨC TIN (16/07/2023)
- Những tâm tình - chia sẻ của tân mục tử Giáo phận Nha Trang - Đức Cha Giuse Huỳnh Văn Sỹ (27/06/2023)