TÂN CHỈ NAM HUẤN GIÁO - PHẦN II : TIẾN TRÌNH TRONG VIỆC DẠY GIÁO LÝ - Chương 6: Sách Giáo lý của Hội Thánh Công Giáo

07 / 02/ 2021, 03:02:41

Chương 6 – Sách Giáo lý của Hội Thánh Công Giáo

6.1. Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo

Chú thích lịch sử

182.  Từ thời của các bản văn Tin Mừng, Hội Thánh đã soạn ra những công thức vắn tắt để tuyên xưng, cử hành và làm chứng cho đức tin.Trong thế kỷ thứ tư, các giám mục đã cung cấp những bản trình bày rộng hơn về đức tin dưới dạng của những bản tóm lược và toát yếu. Trong hai giai đoạn lịch sử, sau Công đồng Trentô và trong suốt những năm sau Công đồng Vaticanô II, Hội Thánh thấy thích hợp để cống hiến một trình bày hữu cơ về đức tin qua một sách giáo lý mang tính chất toàn cầu, làm khí cụ phục vụ cho sự hiệp thông và điểm quy chiếu cho việc dạy giáo lý[1].

183.   Năm 1985, trong Thượng Hội đồng Giám mục Ngoại thường được cử hành nhân dịp kỷ niệm 20 năm kết thúc Công đồng Vaticanô II, nhiều nghị phụ bày tỏ ước muốn có sách giáo lý hoặc bản toát yếu giáo lý Công giáo liên quan đến đức tin và luân lý. Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo được Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II ban hành vào 11 tháng 10 năm 1992, tiếp theo là bản chuẩn bằng tiếng La tinh vào 15 tháng 8 năm 1997. Nó là kết quả của sự cộng tác và góp ý của toàn thể các giám mục Công giáo, của nhiều viện thần học và giáo lý, và của nhiều chuyên gia và chuyên viên trong nhiều ngành khác nhau.

Căn tính, mục đích và đối tượng của Sách Giáo Lý

184.   Sách Giáo Lý là “bản văn chính thức của Huấn Quyền Hội Thánh; bản văn ấy, với thẩm quyền của mình, tập hợp thành một tổng hợp chính xác và có hệ thống những biến cố và những chân lý cơ bản của ơn cứu độ vốn diễn tả đức tin chung của Dân Chúa và tạo thành điểm quy chiếu căn bản và cần thiết cho việc dạy giáo lý”[2]. Sách Giáo lý trình bày đạo lý muôn đời của đức tin, nhưng khác với các tài liệu khác của Huấn Quyền vì mục đích của sách Giáo lý là cống hiến một bản tóm lược hữu cơ về di sản đức tin, linh đạo, và thần học về lịch sử Hội Thánh. Cho dù khác với các sách giáo lý địa phương phục vụ cho một phần của dân Chúa, Sách Giáo lý vẫn là bản văn quy chiếu chính thức và chắc chắn cho việc chuẩn bị các sách giáo lý, trong sự chuẩn bị này nó là “sự trợ giúp căn bản cho việc phối kết, nhờ đó, Hội Thánh truyền đạt toàn bộ nội dung đức tin của mình”[3].

185.   Sách Giáo Lý, trước hết, được xuất bản cho các mục tử và tín hữu, đặc biệt cho những người có trách nhiệm về mục vụ dạy giáo lý trong Hội Thánh. Mục tiêu của Sách Giáo Lý là tạo “quy phạm chắc chắn cho việc giảng dạy đức tin”[4]. Vì lý do này, nó đáp lại cách rõ ràng và đáng tin cậy quyền hợp pháp của mọi người đã được rửa tội tiếp cận với bản trình bày đức tin của Hội Thánh trong sự toàn vẹn của nó và được trình bày có hệ thống và dễ hiểu. Vì đưa ra bản tường thuật về truyền thống Công giáo, Sách Giáo Lý có thể cổ võ cho đối thoại đại kết và hữu dụng cho mọi người, gồm cả những người không phải là Kitô hữu, muốn biết đức tin Công giáo.

186.   Có mối bận tâm hàng đầu là sự hiệp nhất của Hội Thánh trong cùng một đức tin, Sách Giáo Lý không thể kể đến những bối cảnh văn hóa riêng biệt. Trong bất kỳ trường hợp nào, “bản văn này sẽ cung cấp cho mỗi giáo lý viên một sự trợ giúp quý giá, để thông truyền kho tàng duy nhất và muôn đời của đức tin bên trong Hội Thánh địa phương, đang tìm cách liên kết, với sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần, sự duy nhất kỳ diệu của Mầu nhiệm Kitô với những nhu cầu và hoàn cảnh khác nhau của những người mà sứ điệp này được gửi đến”[5]. Hội nhập văn hóa là điều việc dạy giáo lý trong những bối cảnh khác nhau cần tính đến.

Các nguồn và cấu trúc của Sách Giáo Lý

186.   Sách Giáo Lý được cống hiến cho toàn thể Hội Thánh “để canh tân việc dạy giáo lý nhờ các nguồn mạch sống động của đức tin”[6]. Một trong các nguồn mạch này là Sách Thánh được linh hứng, được hiểu như một cuốn sách trong đó Thiên Chúa “chỉ nói một Lời, Lời duy nhất của Ngài. Trong Lời này, Thiên Chúa bày tỏ tất cả về chính mình”[7], theo cái nhìn của các giáo phụ thì chỉ có “một và cùng một Lời của Thiên Chúa trải dài suốt Sách Thánh, nghĩa là chỉ có một và cùng một Lời vang lên trên môi miệng của tất cả các thánh ký”[8].

188.   Hơn nữa, Sách Giáo Lý rút ra từ nguồn Thánh Truyền vốn bao gồm, ở dạng văn viết, một loạt đủ các công thức đức tin được trích từ các bản văn của các giáo phụ, từ những bản tuyên xưng khác nhau, từ những Công đồng, từ Huấn quyền của giáo hoàng, từ các nghi lễ phụng vụ Đông và Tây, cũng như từ Giáo luật. Cũng có nhiều trích dẫn từ mảng dữ liệu của các văn nhân thuộc giáo hội, các thánh và các tiến sĩ của Hội Thánh. Hơn nữa, những chú thích về lịch sử và những yếu tố liên quan đến tiểu sử các thánh làm giàu cho việc trình bày đạo lý vốn cũng sử dụng đến tranh ảnh (iconography).

189.   Sách Giáo Lý chia làm bốn phần dựa trên những chiều kích căn bản của đời sống Kitô hữu vốn có nguồn gốc và nền tảng trong trình thuật của sách Công vụ Tông Đồ: “Họ tận tâm với giáo huấn và tình bạn của các Tông Đồ, với việc bẻ bánh và cầu nguyện” (Cv 2,42)[9]. Chương trình dự tòng của Hội Thánh cổ thời được cấu trúc theo những chiều kích này, y như việc trình bày đức tin sau này trong những sách giáo lý khác nhau qua dòng lịch sử, dẫu có những điểm nhấn và tiếp cận khác biệt. Những chiều kích này là: tuyên xưng đức tin (Credo), phụng vụ (các bí tích của đức tin), đời sống của người môn đệ (các điều răn), kinh nguyện Kitô giáo (kinh Lạy Cha). Những chiều kích này là những cột trụ của việc dạy giáo lý và hệ hình (paradigm) cho việc huấn luyện đời sống Kitô hữu. Thực vậy, việc dạy giáo lý khai mở các tín hữu cho đức tin vào một Thiên Chúa duy nhất và ba ngôi, và cho kế hoạch cứu độ của Ngài; giáo dục họ trong hoạt động phụng vụ và dẫn họ vào đời sống bí tích của Hội Thánh; nâng đỡ lời đáp trả của họ cho ân sủng của Thiên Chúa và dẫn họ vào việc thực hành cầu nguyện Kitô giáo.

Ý nghĩa thần học-giáo lý của Sách Giáo Lý

190.   Sách Giáo Lý không đề nghị một phương pháp dạy giáo lý; không đưa ra những chỉ dẫn về vấn đề này, cũng không bị rối lên với tiến trình của việc dạy giáo lý vốn luôn đòi hỏi một sự sắp xếp. Tuy nhiên, chính cấu trúc của nó “dõi theo sự phát triển đức tin đến tận những đề tài chính của đời sống hằng ngày. Từ trang này qua trang khác, chúng ta thấy điều được trình bày trong Sách Giáo Lý không phải là lý thuyết, nhưng là cuộc gặp gỡ với Đấng sống trong Hội Thánh”[10]. Sách Giáo Lý, khi tham chiếu vào đời sống Kitô hữu xét như một toàn thể, nâng đỡ tiến trình hoán cải và trưởng thành. Nó hoàn thành nhiệm vụ khi sự hiểu biết các từ dẫn tới việc mở lòng, nhưng còn hơn thế nữa khi ơn mở lòng khiến người tín hữu muốn biết nhiều hơn về Đấng mà họ tin tưởng. Vì thế, kiến thức được đề cập tới trong Sách Giáo Lý không trừu tượng: thực vậy cấu trúc gồm bốn phần phối kết đức tin trong tuyên xưng, cử hành, sống và cầu nguyện, như thế, giúp cho việc gặp gỡ Đức Kitô, mặc dù từng bước một.

191.   Cấu trúc hài hòa của Sách Giáo Lý có thể thấy trong sự nối kết trên bình diện thần học giữa các nội dung và các nguồn mạch của nó, và sự tương tác giữa các Truyền thống Đông và Tây. Hơn nữa, điều này phản ánh sự hợp nhất giữa các mầu nhiệm Kitô giáo và sự tương thuộc của các nhân đức đối thần, và biểu lộ cái đẹp hài hòa vốn định tính chân lý Công giáo. Nó cũng nối kết chân lý muôn đời với những phát triển gần đây trong Hội Thánh và xã hội. Được kết cấu như thế, Sách Giáo Lý rõ ràng cổ võ cho tầm quan trọng của sự quân bình và hài hòa trong việc trình bày đức tin.

192.   Nội dung của Sách Giáo lý được trình bày như thế để biều lộ sư phạm của Thiên Chúa. Việc trình bày đức tin tôn trọng hoàn toàn đường lối của Thiên Chúa đối với loài người và là hiện thân của xu hướng lành mạnh canh tân việc dạy giáo lý trong thế kỷ hai mươi. Việc thuật lại đức tin trong Sách Giáo Lý chiếm phần lớn tài liệu như được sắp xếp: điều này tự thân đã là việc rao giảng giáo lý. Tương tự, có sự trình bày tỏ tường tất cả các tiêu chuẩn khác cần thiết cho việc rao giảng Tin Mừng cách hiệu quả: trọng tâm Ba Ngôi và Kitô, trình thuật về lịch sử cứu độ, bản chất giáo hội của sứ điệp, phẩm trật của các chân lý và tầm quan trọng của cái đẹp. Trong các sự này, điều có thể được hiểu là Sách Giáo Lý có mục đích gợi lên nỗi khát khao Đức Kitô, khi trình bày Thiên Chúa đáng khao khát luôn mong mỏi điều tốt lành cho loài người. Vì thế, Sách Giáo Lý không phải là sự trình bày tĩnh về đạo lý, nhưng là công cụ năng động thích hợp để gợi hứng và nuôi dưỡng hành trình đức tin trong đời sống của mỗi người, và như thế nó vẫn có giá trị cho sự canh tân việc dạy giáo lý.

6.2     Bản Toát Yếu Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo

193.   Bản Toát Yếu là công cụ chứa đựng sự phong phú của Sách Giáo Lý dưới dạng thức đơn sơ, cấp thiết và có thể truy cập. Nó tham chiếu vào cấu trúc và nội dung của Sách Giáo Lý. Thực vậy, Bản Toát Yếu tạo ra một “tổng hợp trung thành và chắc chắn của Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo. Nó chứa đựng dưới hình thức ngắn gọn tất cả các yếu tố chính yếu và căn bản của đức tin của Hội Thánh, như thế tạo ra [...] một thứ tổng quan (vademecum) vốn cho phép các tín hữu và không phải là tín hữu gần như thấy được toàn cảnh của đức tin Công Giáo”[11]. Sự hiện diện của các hình ảnh đánh dấu những sự phân chia của bản văn cũng đáng giá. Bản Toát Yếu, nhờ sự rõ ràng và ngắn gọn, cũng là sự trợ giúp hữu ích cho việc ghi nhớ những nội dung căn bản của đức tin.        

 


[1] X. Gioan Phaolô II, Tông hiến Kho tàng đức tin (11/10/1992), 1; GLHTCG, 11.

[2] GLHTCG, 124.

[3] Phanxicô, Thông điệp Ánh sáng đức tin (29/6/2013), 46.

[4] Gioan Phaolô II, Tông hiến Kho tàng đức tin (11/10/1992), 4.

[5] Gioan Phaolô II, Tông thư Chúng ta vui mừng lớn lao (15/8/1997).

[6] Gioan Phaolô II, Tông hiến Kho tàng đức tin (11/10/1992), 1.

[7] GLHTCG, 102.

[8] Augustinô thành Hippô, Enarratio Thánh vịnh 103, 4, 1: Thân mình của các Kitô hữu – Xê-ri La Tinh 40,1521 (Giáo phụ La tinh 37, 1378).

[9] Bản văn Công vụ 2,42 cũng được trích dẫn ở số 79 của Chỉ nam hiện thời: Những chiều kích căn bản của đời sống Kitô hữu làm nổi bật lên những nhiệm vụ của việc dạy giáo lý và vì vậy làm nổi bật lên cấu trúc của Sách Giáo Lý.

[10] X. GLHTCG 24.

[11] Bênêđictô XVI, Tự sắc chuẩn nhận và ban hành Bản Toát Yếu của Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo (28/6/2005).

 

Tác giả: Chuyển ngữ: Lm Phêrô Nguyễn Văn Hiền
Tag:

Các tin khác:


Các tin đã đưa ngày: