TÂN CHỈ NAM HUẤN GIÁO - PHẦN II : TIẾN TRÌNH TRONG VIỆC DẠY GIÁO LÝ - Chương 7: Phương pháp luận trong việc dạy giáo lý
13 / 02/ 2021, 03:02:02
7.1 Tương quan giữa nội dung và phương pháp
194. Mầu nhiệm Nhập thể gợi hứng cho sư phạm giáo lý. Điều này cũng có ý nghĩa đối với phương pháp luận của việc dạy giáo lý vốn phải tham chiếu vào lời Chúa đồng thời chú trọng đến những nhu cầu đích thực của kinh nghiệm con người. Đó là vấn đề trung thành với Thiên Chúa và trung thành với con người để tránh bất cứ sự tương phản, tách biệt hay thờ ơ giữa phương pháp và nội dung. Là đối tượng của đức tin, nội dung của việc dạy giáo lý không thể bị lệ thuộc vào bất cứ phương pháp nào, nhưng đòi hỏi phương pháp này phản ánh bản chất của sứ điệp Tin Mừng với những nguồn mạch của nó, đồng thời chú ý đến những hoàn cảnh cụ thể của cộng đoàn giáo hội và của cá nhân những người đã được rửa tội. Điều quan trọng là hãy nhớ rằng mục đích giáo dục của việc dạy giáo lý quyết định việc chọn lựa phương pháp luận.
Sự đa đạng của các phương pháp
195. Dù đề cao sự trổi vượt của ân sủng, Hội Thánh có tinh thần trách nhiệm và niềm đam mê chân thành về giáo dục, khi nói đến những tiến trình và phương pháp của việc dạy giáo lý. Việc dạy giáo lý không có một phương pháp duy nhất, nhưng sẵn sàng lượng giá những phương pháp khác nhau, bằng cách thực hiện sư phạm và lý luận giáo dục, và để cho Tin Mừng hướng dẫn hầu nhận ra sự thật của bản tính con người. Trong dòng lịch sử của Hội Thánh, nhiều đặc sủng phục vụ cho lời Chúa đã mở ra những hướng đi khác nhau mà phương pháp luận phải theo, một dấu chỉ của sức sống và sự phong phú. “Tuổi tác và sự phát triển về trí thức của các Kitô hữu, mức độ trưởng thành về tâm linh và giáo hội cùng nhiều hoàn cảnh cá nhân khác nhau đòi hỏi việc dạy giáo lý phải sử dụng rộng rãi nhiều phương pháp khác nhau”[1]. Sự truyền đạt đức tin trong việc dạy giáo lý đi qua trung gian của con người, nhưng vẫn là biến cố của ân sủng được thực hiện bởi cuộc gặp gỡ lời Chúa với kinh nghiệm của con người. Tông Đồ Phaolô nói rằng “ân sủng được ban cho mỗi người chúng ta tùy theo mức độ Đức Kitô ban cho” (Ep 4,7). Vì vậy, ân sủng được diễn tả, một đàng, qua những dấu chỉ rõ rệt giúp chúng ta mở ra cho mầu nhiệm, đàng khác, qua những cách thức mà chúng ta không biết được.
196. Vì Hội Thánh không có phương pháp riêng để rao giảng Tin Mừng, cho nên nỗ lực phân định là cần thiết để xem xét mọi sự và giữ lại điều tốt (x. 1Tx 5,21). Việc dạy giáo lý có thể lượng giá, như nó đã làm trong suốt dòng lịch sử, những phương thức tiếp cận tập chú nhiều hơn vào những thực tại của cuộc sống hoặc căn cứ nhiều hơn vào sứ điệp của đức tin. Điều này tùy thuộc vào những hoàn cảnh cụ thể của các chủ thể dạy giáo lý. Trong cả hai trường hợp, điều quan trọng là sử dụng nguyên tắc quan hệ qua lại kết nối cả hai khía cạnh. Những biến cố cá nhân và xã hội của cuộc sống và lịch sử tìm được ánh sáng giải thích trong nội dung đức tin; còn nội dung phải luôn được trình bày bằng cách cho biết ý nghĩa của nó đối với cuộc sống. Công việc này đòi hỏi khả năng giải thích (hermeneutic): cuộc sống, nếu được giải thích trong tương quan với việc rao giảng Kitô giáo, sẽ được biểu lộ trong sự thật của nó; còn lời rao giảng đầu tiên (kerygma) thì luôn có giá trị cứu độ và sự sống sung mãn.
7.2 Kinh nghiệm của con người
197. Kinh nghiệm của con người hòa nhập với việc dạy giáo lý, trong căn tính và tiến trình cũng như trong nội dung và phương pháp của nó, vì nó không chỉ là nơi trong đó lời Chúa được rao giảng, nhưng còn là không gian trong đó Thiên Chúa nói với con người. Kinh nghiệm của những cá nhân hay xã hội xét như một toàn thể phải được tiếp cận với thái độ yêu thương, chấp nhận và tôn trọng. Thiên Chúa hành động trong đời sống mỗi người và trong lịch sử, và giáo lý viên noi gương Đức Giêsu trong việc mở ra cho sự hiện diện này. Điều này giải thoát họ khỏi việc nghĩ về con người và lịch sử như những kẻ tiếp nhận sáng kiến, từ đó thiết lập quan hệ hỗ tương và đối thoại bằng cách lắng nghe điều Chúa Thánh Thần đang lặng lẽ hoàn thành.
198. Trong việc rao giảng Nước Trời, Đức Giêsu tìm kiếm, gặp gỡ và đón tiếp mọi người trong những hoàn cảnh sống cụ thể. Trong việc giảng dạy cũng vậy, Đức Giêsu bắt đầu bằng việc quan sát các biến cố trong cuộc sống và lịch sử mà Người giải thích lại trong viễn tượng khôn ngoan. Có điều gì đó ngẫu hứng tỏa sáng trong cách Đức Giêsu đảm nhận kinh nghiệm sống, đặc biệt trong các dụ ngôn. Những dụ ngôn này, khởi sự với việc quan sát những sự kiện và những kinh nghiệm mà tất cả đều biết, thúc đẩy những kẻ nghe Người đặt câu hỏi và bắt đầu tiến trình suy tư nội tâm. Thực vậy, những dụ ngôn không chỉ là những tấm gương để minh họa một sứ điệp, nhưng kêu gọi sống một cuộc sống mở ra và hài hòa với hoạt động của Thiên Chúa. Đức Giêsu đã làm cho kinh nghiệm con người đáng sống hơn, nhờ nhận ra trong kinh nghiệm ấy sự hiện diện và lời mời gọi của Thiên Chúa.
199. Việc dạy giáo lý, theo gương của Đức Giêsu, giúp soi sáng và giải thích những kinh nghiệm của cuộc sống dưới ánh sáng Tin Mừng. Con người đương thời phấn đấu để hiểu được những tình trạng bị phân hóa mà họ gặp phải. Điều này có thể dẫn đến việc sống tách biệt giữa đức tin được tuyên xưng với kinh nghiệm của con người. Việc giải thích lại cuộc sống với cặp mắt đức tin khuyến khích một cái nhìn khôn ngoan và toàn diện về nó. Nếu chểnh mảng trong việc gắn kết những kinh nghiệm của con người với sứ điệp được mạc khải, việc dạy giáo lý có nguy cơ đặt chúng bên cạnh nhau cách giả tạo hay hiểu sai sự thật.
200. Đức Giêsu sử dụng những kinh nghiệm và tình trạng của con người để trình bày những thực tại siêu việt đồng thời chỉ ra thái độ cần phải có. Thực vậy, khi giải thích các mầu nhiệm của Nước Trời, Người nhờ đến những tình trạng thông thường của thiên nhiên và hoạt động của con người (ví dụ, hạt giống lớn lên, người đi tìm kho báu, người cha chuẩn bị tiệc cưới cho con trai của ông ...). Để làm cho sứ điệp Kitô giáo trở nên dễ hiểu, việc dạy giáo lý phải coi trọng kinh nghiệm của con người như là dạng thức trung gian sơ khởi để đạt tới sự thật của Mạc Khải.
7.3 Ký ức
201. Ký ức là chiều kích cần thiết của lịch sử cứu độ. Dân Ítraen không ngớt được thúc giục giữ cho ký ức sống động, đừng quên những phúc lợi Chúa ban. Đây là vấn đề cất giữ trong lòng những biến cố xác minh cho sáng kiến của Thiên Chúa đôi khi khó hiểu nhưng được hiểu như những biến cố cứu độ. Đức Maria biết cách giữ mọi sự trong lòng (x. Lc 2,51). Vì vậy, trong nghĩa sâu xa nhất của nó, ký ức nhắc lại sự trổi vượt của ân sủng; việc nhận ra những ân huệ Chúa ban và biết ơn vì những ân huệ này; việc sống trong một truyền thống không bị bật rễ. Việc dạy giáo lý sử dụng tốt cử hành hay đài kỷ niệm những biến cố vĩ đại của lịch sử cứu độ để giúp cho người tín hữu thấy mình là một phần của lịch sử. Điều này cho thấy rõ lý do, trong việc dạy giáo lý, ký ức có giá trị như chìa khóa quan trọng của việc truyền đạt Mạc Khải. Tông Đồ Phêrô viết: “Vì thế, tôi sẽ luôn nhắc cho anh em nhớ lại những điều này, mặc dù anh em đã biết rồi và đang sống vững vàng theo sự thật anh em hiện nắm giữ. Và tôi sẽ cố gắng, để trong mọi trường hợp, sau khi tôi ra đi, anh em có thể nhớ lại những điều ấy” (2Pr 2,12.15). Việc dạy giáo lý là một phần của việc tưởng niệm của Hội Thánh vốn giữ cho sự hiện diện của Chúa được sống động. Vì vậy, ký ức tạo nên khía cạnh cần thiết của sư phạm đức tin từ thuở ban đầu của Kitô giáo.
202. Theo truyền thống ở những thế kỷ đầu của Hội Thánh, các tín hữu phải học thuộc lòng bản tuyên xưng đức tin vốn không được viết ra, nhưng vẫn sống động trong tâm trí của mỗi tín hữu và như thế trở thành của ăn nuôi dưỡng hằng ngày. Điều quan trọng là việc dạy giáo lý, sau khi trình bày giá trị và phần giải thích của bản tuyên xưng đức tin cũng như các bản văn khác rút ra từ Sách Thánh, phụng vụ và đạo đức bình dân, cũng nên hỗ trợ cho việc học thuộc lòng những điều này, để cung cấp cho các tín hữu nội dung tức thời là một phần trong di sản chung của họ. “Có thể nói được rằng những bông hoa của đức tin và lòng đạo đức không thể tươi nở trong những nơi hoang vu do việc dạy giáo lý mà không dùng trí nhớ. Điều cốt yếu là những bản văn được ghi nhớ cũng phải được nội tâm hóa, dần dần lắng sâu, để trở thành nguồn sống cho Kitô hữu cá nhân và cộng đoàn”[2].
203. “Việc học thuộc những công thức đức tin và việc tuyên xưng những công thức ấy phải được hiểu trong khuôn khổ của việc tập luyện truyền thống ‘traditio’ và ‘redditio’, theo đó việc truyền đạt đức tin trong việc dạy giáo lý (traditio) tương xứng với lời đáp trả của chủ thể trong suốt hành trình giáo lý và sau đó trong đời sống (redditio)[3]. Tuy nhiên, lời đáp trả này không có tính chất tự động, vì việc truyền đạt đức tin cho người nghe đòi hỏi nơi họ một sự tiếp nhận thích hợp (receptio) và nội tâm hóa. Để cho việc học thuộc lòng khỏi nghèo nàn hay như một sự kết thúc trong chính nó, nên nghĩ đến nó trong tương quan với những yếu tố khác của tiến trình giáo lý, như tương quan, đối thoại, suy tư, thinh lặng và đồng hành.
7.4 Ngôn ngữ
204. Ngôn ngữ, với những ý nghĩa quan hệ của nó, là phần thiết yếu của kinh nghiệm con người. Việc dạy giáo lý được điều chỉnh theo sự khác biệt của những con người, của văn hóa, lịch sử hay môi trường của những người ấy, của lề lối và khả năng hiểu biết thực tại của họ. Việc dạy giáo lý là một hoạt động sư phạm được diễn đạt theo những ngôn ngữ khác nhau của những người tham dự, và đồng thời có một ngôn ngữ riêng. Thực vậy, “chúng ta không tin vào những công thức, nhưng tin vào những thực tại mà chúng diễn tả, những thực tại mà đức tin cho phép chúng ta chạm đến ... Cũng vậy, chúng ta tiếp cận các thực tại nhờ sự trợ giúp của các công thức đức tin vốn cho phép chúng ta diễn tả đức tin và truyền đạt nó, cử hành nó trong cộng đoàn, ngày càng tiêu hóa và sống dựa vào nó hơn. Hội Thánh ... dạy chúng ta ngôn ngữ của đức tin để giúp chúng ta hiểu và sống đức tin.
205. Kết quả là việc dạy giáo lý được chuyển đạt bằng ngôn ngữ diễn tả đức tin của Hội Thánh. Trong lịch sử, Hội Thánh truyền đạt đức tin của mình qua Sách Thánh (ngôn ngữ thánh kinh), qua các biểu tượng và các nghi lễ phụng vụ (ngôn ngữ phụng vụ-biểu tượng), qua tác phẩm của các giáo phụ, các Tín biểu, những công thức của Huấn Quyền (ngôn ngữ giáo thuyết), và qua chứng từ của các thánh và các vị tử đạo (ngôn ngữ huấn luyện). Đây là những ngôn ngữ chính của đức tin của Hội Thánh cho phép các tín hữu chia sẻ một tiếng nói chung. Việc dạy giáo lý coi trọng những ngôn ngữ này, khi giải thích ý nghĩa và tầm quan trọng của chúng trong đời sống của các tín hữu.
206. Đồng thời việc dạy giáo lý thích nghi cách sáng tạo những ngôn ngữ văn hóa của các dân tộc, nhờ những ngôn ngữ này đức tin được diễn tả cách đặc thù, và giúp các cộng đoàn của Hội Thánh tìm ra những ngôn ngữ mới thích nghi với những người nghe. Như thế, việc dạy giáo lý là bối cảnh của hội nhập đức tin. Thực vậy, “sứ mạng vẫn như thế, nhưng ngôn ngữ được dùng để rao giảng Tin Mừng phải được đổi mới với sự khôn ngoan mục vụ. Đây là điều cốt yếu để những người đương thời của chúng ta hiểu Tin Mừng và để Truyền Thống Công Giáo có thể nói với các nền văn hóa trong thế giới ngày nay cũng như giúp các nền văn hóa tiếp nhận hoa trái vĩnh cửu của sứ điệp Đức Kitô”[4]
Ngôn ngữ kể chuyện
207. Việc dạy giáo lý coi trọng tất cả ngôn ngữ giúp nó thực hiện nhiệm vụ; cách riêng, việc dạy giáo lý quan tâm đến ngôn ngữ kể chuyện và tự thuật. Trong những năm gần đây, nhiều lĩnh vực văn hóa đã khám phá lại việc kể chuyện không chỉ như một công cụ ngữ học, nhưng trên hết như một phương tiện qua đó người ta hiểu mình và thực tại xung quanh, và cho kinh nghiệm của mình một ý nghĩa. Cộng đoàn Hội Thánh cũng nhận thức hơn bao giờ hết đặc tính kể chuyện của chính đức tin, như Sách Thánh làm chứng trong nhiều trình thuật tuyệt vời về khởi nguyên, các tổ phụ và dân được tuyển chọn, trong câu chuyện về Đức Giêsu được kể trong các Tin Mừng và trong những trình thuật về khởi đầu của Hội Thánh.
208. Trong nhiều thế kỷ, Hội Thánh giống như một cộng đoàn có tính chất gia đình, cộng đoàn này, dưới nhiều dạng thức khác nhau, tiếp tục kể lại câu chuyện cứu độ khi thâu nhận những người đón nhận câu chuyện ấy vào Hội Thánh. Ngôn ngữ kể chuyện có sẵn khả năng hòa hợp mọi ngôn ngữ của đức tin xung quanh trọng tâm của nó là mầu nhiệm Phục sinh. Hơn nữa, nó cổ võ cho năng lực trải nghiệm của đức tin vì cuốn hút mọi chiều kích của con người: tình cảm, nhận thức, ý chí. Vì thế, nhận ra giá trị của việc kể chuyện trong giáo lý là điều tốt, vì nó làm nổi bật lên chiều kích lịch sử và ý nghĩa hiện sinh của đức tin, khi đan xen một cách phong phú câu chuyện về Đức Giêsu với đức tin của Hội Thánh và đời sống của những người kể cũng những người nghe. Ngôn ngữ kể chuyện thích hợp cách riêng với việc truyền đạt đức tin trong một nền văn hóa mà những mô hình truyền thông sâu sắc và hữu hiệu ngày càng nghèo hơn.
Ngôn ngữ của nghệ thuật
209. Những hình ảnh nghệ thuật Kitô giáo, khi xác thực, giúp cảm nhận Thiên Chúa đang sống, hiện diện và hoạt động trong Hội Thánh và lịch sử[5]. Vì thế, những hình ảnh này tạo thành ngôn ngữ thực sự của đức tin. Có một câu nổi tiếng: “Nếu một người ngoại giáo yêu cầu bạn ‘hãy chỉ cho tôi thấy đức tin của bạn’ [...] bạn sẽ dẫn họ đến nhà thờ và đem họ đến trước những ảnh thánh”[6]. Kho ảnh này, mặc dù có đủ kiểu tuyệt vời và chính thống, trong thiên kỷ thứ nhất đã là kho tàng chia sẻ của Hội Thánh không phân chia và nắm giữ vai trò quan trọng trong việc Phúc âm hóa, vì khi nhờ đến sự trung gian của các biểu tượng phổ quát nó chạm đến những ước muốn và tâm tình sâu xa nhất vốn có thể đem lại một sự biến đổi bên trong. Vì thế, trong thời đại của chúng ta, các hình ảnh có thể giúp mọi người có được kinh nghiệm gặp gỡ Thiên Chúa nhờ chiêm ngắm cái đẹp. Thực vậy, những hình ảnh này làm cho người chiêm ngắm chúng nhìn chằm chằm vào một Ai đó vô hình, khi mở lối cho họ bước vào thực tại của thế giới thiêng liêng và cánh chung.
210. Việc sử dụng các hình ảnh trong việc dạy giáo lý nhắc lại hiểu biết cổ xưa của Hội Thánh. Giữa những sự khác, hình ảnh giúp các tín hữu hiểu biết và ghi nhớ các biến cố của lịch sử cứu độ cách mau chóng và tức thời hơn. Cái được gọi là “kinh thánh của những người nghèo” (biblia pauperum), bộ sưu tập có tổ chức, dễ thấy đối với mọi người, của các đoạn kinh thánh được trình bày dưới nhiều hình thức nghệ thuật trong các nhà thờ chính tòa và các nhà thờ, vẫn là một dạng thức thực sự của việc dạy giáo lý ngày nay. Khi các tác phẩm nghệ thuật được chọn cách cẩn thận, chúng có thể góp phần hiển thị cách tức thời nhiều khía cạnh của các chân lý đức tin, khi chạm đến tâm hồn và trợ giúp cho việc nội tâm hóa sứ điệp.
211. Di sản âm nhạc của Hội Thánh, của giá trị khôn sánh về tâm linh và nghệ thuật, cũng là phương tiện truyền đạt đức tin và tạo ra một tài sản quý giá cho việc phúc âm hóa, vì nó làm cho tinh thần con người thấm nhuần khát vọng đối với cái vô hạn. Sức mạnh của thánh nhạc đã được Thánh Augustinô diễn tả một cách tài tình: “Bao lần con đã khóc khi nghe các thánh thi và thánh ca tôn kính Chúa, xúc động biết bao bởi những tiếng hát dịu dàng của Hội Thánh Chúa! Những tiếng hát ấy rót vào tai con và chân lý tràn ngập tâm hồn con, và tất cả trở nên tâm tình yêu thương vốn mang lại cho con niềm vui chất ngất, con òa khóc”[7]. Các bài hát phụng vụ cũng có được sự phong phú về đạo lý được truyền đạt bằng âm nhạc, nên dễ đi vào tâm trí hơn và để lại trong tâm hồn mọi người một dấu ấn sâu đậm.
212. Hội Thánh, trong nhiều thế kỷ đã tương tác với những hình thức trình bày nghệ thuật khác nhau (văn chương, kịch nghệ, phim ảnh, vv...), nay cũng được kêu gọi mở ra, trong tinh thần phê phán thích đáng, cho nghệ thuật đương thời “gồm cả những hình thái phá cách của cái đẹp, tuy có thể ít quan trọng đối với những người rao giảng Tin Mừng, nhưng lại đặc biệt hấp dẫn đối với những người khác”[8]. Một nghệ thuật như thế có thể làm cho con người mở ra với ngôn ngữ của cảm xúc, khi giúp họ không chỉ là khán giả của hoạt động nghệ thuật, nhưng còn tham gia vào việc trình diễn. Những trải nghiệm về nghệ thuật, thường thấm nhuần tinh thần tìm kiếm ý nghĩa và tâm linh, có thể giúp cho việc chuyển đổi cảm giác là một phần của hành trình đức tin; những kinh nghiệm này cũng khuyến khích việc từ bỏ một chủ nghĩa trí tuệ nào đó mà việc dạy giáo có thể rơi vào.
Các ngôn ngữ và công cụ kỹ thuật số
213. Ngôn ngữ của việc dạy giáo lý tất yếu giao thoa với mọi chiều kích của truyền thông và những công cụ của nó. Những thay đổi sâu xa trong truyền thông, đặc biệt ở mức độ kỹ thuật, đang tạo ra những thay đổi ở mức độ văn hóa[9]. Những kỹ thuật mới tạo ra cơ sở hạ tầng văn hóa mới ảnh hưởng trên truyền thông và đời sống của con người. Trong không gian ảo mà nhiều người nghĩ không kém quan trọng hơn thế giới thật, mọi người tiếp nhận tin tức và thông tin, khai triển và trình bày ý kiến, dấn thân vào tranh luận, đối thoại và tìm kiếm câu trả lời cho những vấn nạn của họ. Sự thất bại thích đáng trong việc cân nhắc đầy đủ những hiện tượng này dẫn đến nguy cơ xem ra không quan trọng gì đối với nhiều người.
214. Trong Hội Thánh, thường có thói quen truyền thông một chiều: giảng, dạy, và trình bày các bản tóm lược về đạo lý. Hơn nữa, chỉ có ngôn ngữ bằng chữ viết phải phấn đấu để truyền đạt cho người trẻ là những người quen thuộc với ngôn ngữ được tạo ra bởi sự tổng hợp của chữ viết, âm thanh và hình ảnh. Những dạng thức kỹ thuật số của truyền thông cung cấp nhiều khả năng lớn hơn để thay thế, trong đó chúng mở ra cho sự tương tác. Đây là lý do, cùng với kiến thức về kỹ thuật, cần phải học những cách tiếp cận hữu hiệu với truyền thông và đảm bảo sự hiện diện trên mạng để làm chứng cho các giá trị Tin Mừng.
215. Những kỹ thuật thông tin và truyền thông, truyền thông xã hội và các thiết bị kỹ thuật số tạo điều kiện thuận lợi cho nỗ lực cộng tác, chia sẻ công việc, trao đổi kinh nghiệm và kiến thức. “Các mạng xã hội, ngoài việc là phương tiện loan báo Tin Mừng, còn có thể là yếu tố phát triển con người. Chẳng hạn, trong một số bối cảnh địa lý và văn hóa mà các Kitô hữu cảm thấy bị cô lập, các mạng xã hội có thể củng cố tinh thần hiệp nhất của họ với cộng đoàn tín hữu khắp thế giới”[10].
216. Thật tốt cho những cộng đoàn cố gắng không những giải quyết những thách đố mới về văn hóa, mà còn trả lời cho các thế hệ mới bằng những công cụ thông dụng trong giảng dạy. Việc giáo dục các tín hữu sử dụng tốt những công cụ này và hiểu sâu xa văn hóa kỹ thuật số, khi giúp họ phân biệt những khía cạnh tích cực và mơ hồ, cũng là điều ưu tiên của việc dạy giáo lý. Giáo lý viên ngày nay phải biết mức độ mà thế giới ảo có thể để lại những dấu ấn sâu xa, cách riêng nơi những người trẻ hay cho những kẻ yếu hơn, và có thể ảnh hưởng ra sao trong việc quản lý cảm xúc hay tiến trình xây dựng căn tính của một người.
217. Vì thế, thực tại ảo không thể thay thế cho thực tại thiêng liêng, bí tích và giáo hội, được kinh nghiệm bằng sự gặp gỡ trực tiếp giữa những con người: “Chính chúng ta là những phương tiện truyền thông và vấn đề thực sự không liên quan gì đến việc tiếp nhận những kỹ thuật mới nhất, cho dù những kỹ thuật này làm cho sự hiện diện hữu hiệu trở nên có thể. Thật rõ ràng là Thiên Chúa mà chúng ta tin tưởng, Đấng tha thiết yêu mến tất cả mọi người, nam và nữ, muốn tự mạc khải qua những phương tiện được sử dụng theo ý của chúng ta, mặc dù chúng nghèo nàn, vì chính Ngài hoạt động, biến đổi và cứu độ chúng ta”[11]. Điều cần thiết để làm chứng cho Tin Mừng là dạng thức đích thực của truyền thông, thành quả của sự tương tác thật giữa những con người.
7.5 Nhóm
218. Cộng đoàn Kitô hữu là nhân tố đầu tiên của việc dạy giáo lý. Vì lý do này, sư phạm giáo lý phải nỗ lực để truyền đạt tầm quan trọng của cộng đoàn như là không gian căn bản cho sự tăng trưởng cá nhân. Mô hình cộng đoàn cũng có thể thấy trong năng động nhóm, nơi cụ thể chúng ta sống “những mối quan hệ mới mà Đức Giêsu Kitô, những mối quan hệ này có thể “trở thành trải nghiệm đích thực về tình huynh đệ”[12]. Việc chú ý đến những mối quan hệ nhóm có ý nghĩa sư phạm: nó phát triển cảm thức thuộc về Hội Thánh và trợ giúp cho sự tăng trưởng trong đức tin.
219. Nhóm là yếu tố quan trọng trong những tiến trình huấn luyện nhân sự. Điều này áp dụng cho mọi lứa tuổi: thiếu nhi, những người tiếp nhận sự giúp đỡ trong việc hội nhập xã hội; người trẻ, những người cảm thấy rất cần những mối quan hệ đích thực; những người trưởng thành là những người muốn trải nghiệm sự chia sẻ và đồng trách nhiệm trong Hội Thánh và trong xã hội. Giáo lý viên được kêu gọi đánh thức trong nhóm trải nghiệm về cộng đoàn như cách diễn tả rõ ràng nhất về đời sống của Hội Thánh vốn tìm được dạng thức hữu hình nhất nơi cử hành Thánh Thể. Nếu nó là nơi đích thực cho những mối quan hệ giữa mọi người, thì kinh nghiệm nhóm là mảnh đất màu mỡ để đón nhận và chia sẻ sứ điệp cứu độ. Cùng với việc rao giảng Tin Mừng dưới dạng thức cộng đoàn, sự hiệp thông đức tin cũng đòi hỏi sự tiếp xúc cá nhân giữa người với người.
220. Sự tương tác có tính cách xây dựng giữa mọi người tạo thành nhóm như là nơi sự trao đổi và giao tiếp sâu xa đơm hoa. Khi sự tương tác này sôi nổi và hữu hiệu, nhóm thực hiện tốt nhất chức năng nâng đỡ sự tăng trưởng của các thành viên. Như một thực tại giáo hội, nhóm được sinh động bởi Chúa Thánh Thần là tác giả thực sự của mọi sự tiến bộ trong đức tin. Tuy nhiên, sự mở ra cho ân sủng này không thể giảm bớt việc cậy nhờ đến những nguyên tắc sư phạm vốn cũng nhìn vào nhóm như một thực tại xã hội với những năng lực và quy luật tăng trưởng riêng. Khả năng sử dụng tốt những sự đóng góp này có thể tạo ra phương tiện hữu hiệu để củng cố ý thức về căn tính và tư cách thành viên hầu làm cho từng thành viên tham gia tích cực hơn, cổ võ cho tiến trình nội tâm hóa đức tin, và xử lý những căng thẳng giữa các cá nhân một cách tích cực. Mọi năng lực nhóm đạt tới đỉnh điểm trong cuộc họp Chúa Nhật, nơi mà nhóm, bằng trải nghiệm gặp gỡ với Chúa và trải nghiệm tình huynh đệ với mọi Kitô hữu, trưởng thành qua việc sẵn sàng phục vụ, đặc biệt những người nghèo nhất, và làm chứng trong thế giới.
7.6 Không gian
221. Mỗi nền văn hóa, xã hội và cộng đoàn không chỉ sử dụng ngôn ngữ bằng lời, hình ảnh và cử chỉ của riêng nó, mà còn diễn tả và thông tri chính nó qua không gian. Cũng vậy, Hội Thánh đã ban ý nghĩa đặc biệt cho những không gian riêng của mình, khi dùng những yếu tố của kiến trúc để nói thay cho sứ điệp Kitô giáo. Trong nhiều thế kỷ, Hội Thánh đã tạo ra những không gian thích hợp để đón tiếp những con người và thực hiện các hoạt động của mình như cử hành những mầu nhiệm thánh thiêng, chia sẻ huynh đệ và giảng dạy. Chẳng hạn, trong những công trình kiến trúc của Kitô giáo thuở ban đầu, lối vào và tiền sảnh (narthex) đã là không gian, thường nằm giữa phần chính yếu và mặt tiền của nhà thờ, dự định dành cho các hối nhân và những người dự tòng. Thường được trang hoàng với những cảnh trong Kinh Thánh hay những trình bày về các mầu nhiệm đức tin, tiền sảnh, nhờ những hình ảnh này, đã trở thành không gian của việc dạy giáo lý. Trong đời sống cộng đoàn, cùng với không gian được dành cho phụng vụ, cũng cần có những nơi dành cho việc huấn luyện tông đồ và Kitô hữu, cho việc giao lưu và bác ái.
222. Những không gian dành cho việc dạy giáo lý là những khung cảnh, trong đó cộng đoàn trình bày cách thức phúc âm hóa riêng của mình. Trong bối cảnh xã hội và văn hóa hiện tại, thích hợp để suy nghĩ về tính chất riêng biệt của những nơi dạy giáo lý như khí cụ rao giảng và giáo dục về những mối quan hệ của con người. Vì thế, cần có những môi trường đón tiếp và được bảo quản tốt, những môi trường đem đến bầu khí thân thiện cổ võ cho việc lặng lẽ tham gia vào các hoạt động của cộng đoàn. Những môi trường mở rộng được lấy làm mẫu cho những tòa nhà của trường học không thể tạo ra những nơi tốt nhất để mở ra những hoạt động giáo lý. Vì thế, thích nghi những không gian này với ý nghĩa thực sự của việc dạy giáo lý có lẽ là điều tốt.
223. Đúng là năng lực của Hội Thánh toát ra và toát ra qua việc dạy giáo lý, cũng có quan hệ mật thiết với không gian. Nên khích lệ cho những nỗ lực dạy giáo lý ở những nơi khác nhau: tại nhà, ở cơ quan, trong môi trường giáo dục, văn hóa và những môi trường giải trí, nhà tù, vv... Những nơi này, thường kém tập trung hơn những nơi của cộng đoàn Kitô hữu, nhưng thích hợp với việc dạy giáo lý cơ hội, vì chúng tạo ra những mối quan hệ thân thiện hơn, và trong sự kết nối rõ rệt hơn với đời sống hằng ngày, việc dạy giáo lý này có thể trở nên hấp dẫn hơn.
[1] Tông huấn Dạy Giáo Lý của ĐGH. Gioan Phaolô II (16/10/1970), 51.
[2] Tông huấn Dạy Giáo Lý của ĐGH. Gioan Phaolô II (16/10/1970), 55.
[3] Hướng dẫn Tổng quát việc Dạy giáo lý của Bộ Giáo Sĩ (1997), 155.
[4] Phanxicô, Bài nói chuyện với những người tham dự Phiên họp Khoáng đại của Hội đồng Giáo hoàng về Thăng tiến việc Phúc âm hóa (29/5/2015).
[5] X. Gioan Phaolô II, Tông thư Tiến đến thiên niên kỷ thứ 3 (4/12/1987), 11.
[6] Adversus Constantinum Caballinum, 10 (PG 95.325).
[7] Augustinô thành Hippô, Tự Thuật 9.6.4 (Thân mình của các Kitô hữu, Xê-ri La tinh 27.141; Giáo phụ La tinh 32.769-770)
[8] Phanxicô, Tông huấn Niềm vui của Tin Mừng (24/11/2013), 167.
[9] Đối với văn hóa kỹ thuật số nói chung, x. các số 359-372 (Việc dạy giáo lý và văn hóa kỹ thuật số) của tài liệu hiện nay.
[10] Bênêđictô XVI, Sứ điệp Ngày Thế giới Truyền thông lần thứ 47 (24/1/2013).
[11] Phanxicô, Bài nói chuyện với những người tham dự Phiên họp Khoáng đại của Hội đồng Giáo hoàng về Truyền thông Xã hội (21/9/2013).
[12] Phanxicô, Tông huấn Niềm vui của Tin Mừng (24/11/2013), 167.
Tin mới đăng:
- Vatican và Microsoft hợp tác để giúp du khách có trải nghiệm tuyệt vời về Đền thờ Thánh Phêrô (12/11/2024)
- Thứ Tư Tuần XXXII - Mùa Thường Niên (12/11/2024)
- ĐTC Phanxicô: Nhân viên Đền thờ Thánh Phêrô hãy giúp du khách cảm nhận đây là nơi của đức tin và lịch sử (11/11/2024)
- Kinh Truyền Tin 10/11: Sự giả hình (11/11/2024)
- 12 Tháng Mười Một Thánh Josaphat (1580?-1623) (11/11/2024)
Các tin khác:
- Tóm tắt Tông huấn mới của ĐTC về Thánh Têrêsa Hài Đồng "Chính sự tin tưởng" (16/10/2023)
- ĐTC gởi sứ điệp cho Ngày Thế giới Ông bà và Người cao tuổi lần thứ ba (19/06/2023)
- Công bố Sứ điệp của ĐTC cho Ngày Thế giới Truyền thông Xã hội lần thứ 57 (03/05/2023)
- CÔNG BỐ SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC THÁNH CHA CHO NGÀY THẾ GIỚI TRUYỀN GIÁO NĂM 2023 (27/01/2023)
- SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC GIÁO HOÀNG PHANXICÔ CHO NGÀY THẾ GIỚI BỆNH NHÂN LẦN THỨ XXXI Ngày 11. 02. 2023 (12/01/2023)
- Sứ điệp của Đức Thánh Cha cho Ngày Hoà bình Thế giới năm 2023 (31/12/2022)
- DIỄN VĂN CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ trong Hội thảo chủ đề “Thần học hậu tông hiến Veritatis Gaudium trong bối cảnh vùng Địa Trung Hải” (08/03/2022)
- ĐTC ban hành Tự sắc “Traditionis custodes” về cử hành Thánh lễ theo phụng vụ tiền Công đồng (18/07/2021)
- SÁCH GIÁO LÝ CỦA HỘI THÁNH CÔNG GIÁO (198-231) - CHƯƠNG MỘT TÔI TIN KÍNH ĐỨC CHÚA TRỜI LÀ CHA (03/07/2021)
- SÁCH GIÁO LÝ CỦA HỘI THÁNH CÔNG GIÁO (Số 185-197) - ĐOẠN THỨ HAI: TUYÊN XƯNG ĐỨC TIN KITÔ GIÁO - CÁC TÍN BIỂU (28/06/2021)
- SÁCH GIÁO LÝ CỦA HỘI THÁNH CÔNG GIÁO (Số 166 - 184) - Mục 2 Chúng tôi tin (25/06/2021)
- SÁCH GIÁO LÝ CỦA HỘI THÁNH CÔNG GIÁO (Số 142 - 165) - CHƯƠNG BA: CON NGƯỜI ĐÁP LỜI THIÊN CHÚA (21/06/2021)
- SÁCH GIÁO LÝ CỦA HỘI THÁNH CÔNG GIÁO (Số 101-141) - Mục 3: Thánh Kinh (19/06/2021)
- SÁCH GIÁO LÝ CỦA HỘI THÁNH CÔNG GIÁO (Số 74-100) (19/06/2021)
- SÁCH GIÁO LÝ CỦA HỘI THÁNH CÔNG GIÁO (Số 50-73) - CHƯƠNG 2: THIÊN CHÚA ĐẾN GẶP CON NGƯỜI (19/06/2021)