TÂN CHỈ NAM HUẤN GIÁO - PHẦN II : TIẾN TRÌNH CỦA VIỆC DẠY GIÁO LÝ - Chương 5 – Sư Phạm của Đức Tin
05 / 02/ 2021, 05:02:31
PHẦN II : TIẾN TRÌNH CỦA VIỆC DẠY GIÁO LÝ
Chương 5 – Sư Phạm của Đức Tin
1. Sư phạm thần linh trong lịch sử cứu độ
157. Mạc khải là công việc giáo dục vĩ đại của Thiên Chúa. Thực vậy, Mạc khải cũng có thể được giải thích qua lăng kính sư phạm. Trong Mạc khải, chúng ta tìm thấy những yếu tố khác biệt có thể giúp chúng ta nhận ra sư phạm thần linh ảnh hưởng sâu xa đến hoạt động giáo dục của Hội Thánh. Việc dạy giáo lý cũng theo sư phạm của Thiên Chúa. Ngay từ thuở ban đầu của lịch sử cứu độ, Mạc Khải của Thiên Chúa tự thể hiện như là sáng kiến của tình yêu, được tỏ bày qua những thời điểm không thể đếm hết được của việc ân cần dạy dỗ. Thiên Chúa đặt những câu hỏi cho loài người và đòi hỏi họ trả lời. Ngài yêu cầu Ađam và Evà một câu trả lời của đức tin, trong sự vâng phục vào lệnh truyền của Ngài; trong tình yêu của Ngài và cho dù họ không vâng phục, Thiên Chúa tiếp tục thông truyền sự thật của mầu nhiệm của Ngài từng chút một, tăng dần, cho đến khi Mạc Khải được nên trọn trong Đức Giêsu Kitô.
158. Mục tiêu của Mạc Khải là ơn cứu độ của mỗi người vốn được thực hiện qua sư phạm hữu hiệu và nguyên thủy của Thiên Chúa trong suốt dòng lịch sử. Trong Sách Thánh, Thiên Chúa tự mạc khải như một người cha nhân hậu, một người thầy, một bậc khôn ngoan (x. Đnl 8,5; Hs 11,3-4; Cn 3,11-12) gặp loài người trong tình trạng mà Ngài tìm thấy họ và giải thoát họ khỏi sự dữ khi kéo họ về với Ngài trong những giao ước của tình yêu. Một cách tiệm tiến và với sự nhẫn nại, Ngài dẫn dân được tuyển chọn hướng đến sự trưởng thành, và cùng với dân này, bất kỳ cá nhân nào lắng nghe Ngài. Như người thầy tài giỏi, Chúa Cha biến những nỗi thống khổ của Dân Ngài thành những bài học khôn ngoan (x. Đnl 4,36-40;11,2-7) trong khi thích nghi chính mình với thời đại và hoàn cảnh mình sống. Ngài cung cấp giáo huấn sẽ được thông truyền từ thế hệ này sang thế hệ kia (Xh 12,25-27; Đnl 6,4-8;6,20-25;31,12-13; Gs 4,20-24), khi khuyên răn và giáo dục qua thử thách và gian khổ (x. Am 4,6; Hs 7,10; Gr 2,30; Dt 12,4-11; Kn 19).
159. Sư phạm tuyệt vời cũng được làm cho hữu hình trong mầu nhiệm nhập thể khi sứ thần Gabriel yêu cầu thiếu nữ làng Nadarét tham dự tích cực vào quyền năng Chúa Thánh Thần: Lời vâng của Đức Maria là câu trả lời toàn vẹn của đức tin (x. Lc 1,26-38). Đức Giêsu hoàn thành sứ mạng như Đấng Cứu Độ và bày tỏ sư phạm của Thiên Chúa. Môn đệ kinh nghiệm sư phạm của Đức Giêsu, những nét đặc biệt của những gì được thuật lại trong các Tin Mừng: đón tiếp người nghèo, kẻ đơn sơ, những người tội lỗi; rao giảng Nước Trời như tin mừng; kiểu yêu thương vốn giải thoát thoát khỏi sự dữ và thăng tiến sự sống. Nói và thinh lặng, dụ ngôn hay hình ảnh trở thành những phương pháp sư phạm đích thực để mạc khải mầu nhiệm tình yêu của Người.
160. Đức Giêsu đặc biệt quan tâm đến việc huấn luyện các môn đệ cho công cuộc Phúc Âm hóa. Ngài tỏ mình như người thầy duy nhất và người bạn trung thành và nhẫn nại của họ (x. Ga, 15,15; Mc 9,33-37;10,41-45). Người dạy họ sự thật qua toàn bộ cuộc đời của mình, khích họ với những câu hỏi (x. Mc 8,14-21,27). Người giải thích cho họ cách sâu xa điều rao giảng cho đám đông (x. Mc 4,34; Lc 12,41). Người sai họ đi sứ vụ không như kẻ đơn độc nhưng như một cộng đoàn nhỏ (x. Lc 10,1-20). Người hứa ban Thánh Thần dẫn họ đến sự thật (x. Ga 15,16; Cv 4,31) và nâng đỡ họ trong những lúc khó khăn (x. Mt 10,20; Ga 15,26; Cv 4,31). Vì vậy, cách thức Đức Giêsu khác với những cách thức khác ở tính chất giáo dục tinh tế. Đức Giêsu có thể tiếp đón và khích người phụ nữ Samari trong hành trình chấp nhận dần ân sủng và sẵn sàng trở lại. Đức Giêsu đến gần hai môn đệ đi Emmau, cùng đi với họ, trao đổi và chia sẻ những nỗi buồn của họ, đồng thời khích và mở lòng họ, dẫn họ đến kinh nghiệm Thánh Thể và mở mắt để họ nhận ra Người, sau cùng bước sang bên để họ có được không gian cho sáng kiến truyền giáo.
161. Đức Giêsu Kitô là “người Thầy mạc khải Thiên Chúa cho con người và con người cho Thiên Chúa; người Thầy cứu độ, thánh hóa và hướng dẫn, sống, nói năng, thức tỉnh, di chuyển, uốn nắn, xét xử, tha thứ và cùng đi với chúng ta mỗi ngày trên nẻo đường lịch sử; người Thầy đến và sẽ đến trong vinh quang”[1]. Dùng các phương tiện khác nhau để dạy cho biết Người là ai, Đức Giêsu gợi mở cho sự đáp trả riêng tư của những người nghe. Đây là câu trả lời của đức tin, sâu hơn, của sự vâng phục đức tin. Sự đáp trả này vốn bị suy yếu bởi tội lỗi, cần hoán cải luôn. Thực vậy, hoạt động trong đời sống con người, Đức Giêsu, với tư cách là người thầy, trình bày và dạy bảo nơi thâm tâm của họ và dẫn họ đến sự thật về Người và dẫn dắt họ hướng tới sự hoán cải. “Niềm vui lấp đầy tâm hồn và cuộc sống của tất cả những người gặp Đức Giêsu. Những ai chấp nhận ơn cứu độ Người ban được giải thoát khỏi tội lỗi, buồn phiền, sự trống rống nội tâm và cô độc. Với Đức Kitô, niềm vui luôn mới”[2].
162. Chúa Thánh Thần mà người Con rao giảng trước khi chết và sống lại (x. Ga 16,13) và hứa ban cho các môn đệ, vừa là ơn huệ vừa là người ban phát mọi ơn huệ. Các ngài đã được Đấng Bảo Trợ dẫn đến việc hiểu biết sự thật và làm chứng cho “tới tận cùng thế giới” (Cv 1,8) về những gì họ đã nghe, thấy, chiêm ngắm và chạm đến Lời của sự sống (x. 1 Ga 1,1). Hoạt động của Chúa Thánh Thần trong con người hướng dẫn họ gắn kết với sự thiện đích thực, với sự hiệp thông của Chúa Cha và Chúa Con, cùng nâng đỡ họ với sự can thiệp có tính quan phòng để họ có thể đáp lại hoạt động thần linh. Khi ngự trị và hoạt động trong thâm tâm con người, Chúa Thánh Thần sinh động hóa, làm cho họ nên giống người Con khi mang đến cho họ ân huệ, và thắm đẵm họ với lòng biết hơn cùng sự an ủi và ước muốn trở nên giống Đức Kitô nhiều hơn.
163. Việc đáp lại hoạt động của Chúa Thánh Thần đem lại cho người tín hữu sự đổi mới đích thực: sau khi người ấy được xức dầu (x. 1Ga 2,27) và lãnh nhận sự sống của người Con, Chúa Thánh Thần làm cho họ nên thụ tạo mới. Là những người con trong người Con, Kitô hữu nhận được thần khí của đức mến và ơn dưỡng tử, nhờ đó họ tuyên xưng mối tử hệ của mình khi gọi Thiên Chúa là Cha. Được đổi mới và trở nên con của Thiên Chúa, loài người là thụ tạo mang tính cộng đồng, thần khí và thuộc linh, kẻ cho phép mình được tái sinh bởi thần khí của Chúa (x. Is 59,19) và khi thúc giục mình ước muốn và hành động” (Pl 2,13) tự nguyện tương thích với điều thiện mà Thiên Chúa muốn. “Chúa Thánh Thần cũng ban cho họ ơn can đảm để công bố sự mới mẻ của Tin Mừng một cách dạn dĩ (parrhesia) mọi thời và mọi nơi, cả khi gặp chống đối”[3]. Những tham chiếu này cho ta hiểu giá trị lớn lao mà sư phạm thần linh có được cho đời sống của Hội Thánh. Và tính chất mẫu mực của sư phạm này quan trọng biết bao trong việc dạy giáo lý vốn được kêu gọi để cho Thần Khí của Thiên Chúa linh hứng và làm cho sinh động và, với ơn huệ của Ngài, định hình cho đời sống đức tin của mọi tín hữu.
2. Sư phạm đức tin trong Hội Thánh/Giáo Hội
164. Các trình thuật Tin Mừng trình bày những nét đặc trưng của sự tiếp cận giáo dục của Đức Giêsu và gợi hứng cho hoạt động sư phạm của Hội Thánh. Ngay từ thuở ban đầu, Hội Thánh đã sống sứ vụ của mình “như một sự tiếp nối thực tiễn và hữu hình sư phạm của Chúa Cha và Chúa Con. Hội Thánh, Mẹ của chúng ta, cũng là nhà giáo dục đức tin của chúng ta. Đây là những lý do sâu xa mà theo đó cộng đoàn Kitô hữu là huấn giáo sống động. Hội Thánh rao giảng, cử hành, hoạt động và mãi là nơi quan trọng, cần thiết và trổi vượt của việc dạy giáo lý. Trong nhiều thế kỷ, Hội Thánh đã sản sinh ra một kho tàng khôn sánh về sư phạm đức tin: trên hết là chứng từ của các thánh và giáo lý viên; những lối sống khác nhau và những cách thức truyền đạo như chương trình dự tòng, sách giáo lý, lộ trình đời sống Kitô hữu; di sản quý giá của việc dạy văn hóa đức tin, của các cơ chế và dịch vụ giáo lý. Tất cả những khía cạnh này hình thành lịch sử của việc dạy giáo lý và đi vào trong ký ức của cộng đoàn và trong thực hành của giáo lý viên”[4]
165. Việc dạy giáo lý được gợi hứng bởi những nét đặc trưng của sư phạm thần linh vừa được mô tả. Bằng cách này, nó trở thành hoạt động sư phạm phục vụ cho cuộc đối thoại cứu độ giữa Thiên Chúa và con người. Vì thế, nó cần có những đặc điểm sau:
- làm cho sáng kiến của tình yêu nhưng không của Thiên Chúa hiện diện;
- tập chú vào đích điểm phổ quát của ơn cứu độ;
- gợi ra sự hoán cải cần thiết cho sự vâng phục đức tin;
- thích ứng nguyên lý về bản chất tiệm tiến của Mạc Khải và siêu việt của Lời Chúa, cũng như sự hội nhập của nó vào các nền văn hóa của loài người;
- đánh giá cao kinh nghiệm đức tin của cộng đoàn phù hợp với dân Chúa;
- kết hợp sư phạm của các ký hiệu, trong đó lời nói và việc làm liên hệ với nhau;
- nhớ rằng tình yêu vô tận của Thiên Chúa là là lý do tối hậu của mọi sự.
166. Cách Thiên Chúa tự mạc khải và cứu độ, cùng với sự đáp trả đức tin của Hội Thánh trong lịch sử, trở nên nguồn mạch và khuôn mẫu cho sư phạm đức tin. Như thế, việc dạy giáo lý diễn ra như tiến trình cho phép trưởng thành đức tin nhờ tôn trọng hành trình riêng của mỗi tín hữu. Vì vậy, việc dạy giáo lý là sư phạm đức tin thực hành, cùng với việc khai tâm, giáo dục và dạy, luôn phải có sự thống nhất giữa nội dung và cách truyền đạt. Hội Thánh biết rằng trong việc dạy giáo lý, Chúa Thánh Thần hoạt động: sự hiện diện này làm cho việc dạy giáo lý thành sư phạm độc đáo của đức tin.
Các tiêu chuẩn của việc loan báo sứ điệp Tin Mừng
167. Hội Thánh, trong hoạt động giáo lý của mình, lo trung thành với trọng tâm của sứ điệp Tin Mừng. “Có khi người Kitô hữu nghe một ngôn ngữ hoàn toàn chính thống, nhưng lại hiểu về một cái gì xa lạ với Tin Mừng đích thực của Đức Giêsu, bởi vì ngôn ngữ kia khác với cách họ dùng để nói với nhau và hiểu nhau. Với ý hướng thánh thiện muốn thông truyền chân lý về Thiên Chúa và loài người, chúng ta đôi khi cống hiến cho họ một vị thần giả tạo hay một lý tưởng nhân loại không thực sự là Kitô giáo. Cứ thế, chúng ta cố bám vào một công thức trong khi không chuyển đạt được nội dung cơ bản của nó”[5]. Để tránh mối nguy hiểm này và công việc rao giảng Tin Mừng có thể được gợi hứng bởi sư phạm của Thiên Chúa, việc dạy giáo lý tốt hơn nếu để ý đến nhiều tiêu chuẩn liên kết chặt chẽ với nhau và bắt nguồn từ Lời Chúa.
Tiêu chuẩn Ba Ngôi và Kitô
168. Việc dạy giáo lý thiết yếu phải mang tính Kitô và Ba Ngôi. “Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi là mầu nhiệm trọng tâm của đức tin và đời sống kitô hữu. Đây là mầu nhiệm về đời sống nội tại của Thiên Chúa. Mầu nhiệm này là nguồn mạch phát sinh mọi mầu nhiệm khác của đức tin và là ánh sáng chiếu soi các mầu nhiệm ấy”[6]. Đức Kitô là đường dẫn vào mầu nhiệm thân mật của Thiên Chúa. Người không chỉ thông truyền lời của Thiên Chúa: Người là Lời của Thiên Chúa. Mạc khải Thiên Chúa như là Ba Ngôi quan trọng để hiểu không những cội nguồn duy nhất của Kitô giáo và của Hội Thánh, nhưng còn hiểu ý niệm ngôi vị như hữu thể tương giao và hiệp thông. Việc dạy giáo lý mà không chuyển đạt rõ ràng sứ điệp Tin Mừng về Ba Ngôi, nhờ Đức Kitô đến với Chúa Cha trong Chúa Thánh Thần, thì nghịch lại sự độc đáo của nó.
169. Qui Kitô là điều cốt thiết định tính sứ điệp được chuyển đạt bởi việc dạy giáo lý. Điều này trước hết có nghĩa là trọng tâm của việc dạy giáo lý là con người Đức Giêsu Kitô sống động, hiện diện và năng động. Rao giảng Tin Mừng là trình bày Đức Kitô và mọi sự qui chiếu về Người. Hơn nữa, vì Đức Kitô là “chìa khóa, tiêu điểm và mục tiêu của … mọi lịch sử loài người” (Gs 10), việc dạy giáo lý giúp tín hữu tích cực tham dự vào lịch sử này, khi tỏ cho biết Đức Kitô là ý nghĩa trọn vẹn và tối hậu của nó như thế nào. Cuối cùng, dạy giáo lý theo hướng qui Kitô là cố gắng chuyển đạt “điều Đức Giêsu dạy về Thiên Chúa, về con người, hạnh phúc, đời sống luân lý và cái chết”[7], vì sứ điệp Tin Mừng không xuất phát từ con người nhưng từ lời của Chúa. Việc nhấn mạnh đến tính qui Kitô của sứ điệp khuyến khích theo Đức Kitô và hiệp thông với Người.
170. Việc dạy giáo lý và phụng vụ, nhờ tháp nhập vào đức tin của các Giáo phụ, định hình cách duy nhất đọc và giải thích Sách Thánh là cách vẫn còn giữ được giá trị rạng ngời ngày nay. Điều này được định tính bởi việc trình bày thống nhất con người Đức Kitô nhờ các mầu nhiệm của Người[8], nghĩa là những biến cố chính trong cuộc đời của Người được hiểu theo nghĩa linh đạo và thần học cố hữu của chúng. Những mầu nhiệm này được cử hành trong nhiều lễ của năm phụng vụ và được trình bày bằng những bộ hình ảnh được dùng để trang trí các nhà thờ. Việc trình bày con người Đức Giêsu kết hợp biến cố Kinh Thánh với truyền thống của Hội Thánh: cách đọc Sách Thánh như thế đặc biệt đáng giá trong việc dạy giáo lý. Việc dạy giáo lý và phụng vụ không bao giờ bị hạn chế bởi đọc tách biệt các sách Cựu ước và Tân ước, nhưng khi đọc cả hai thì việc dạy giáo lý và phụng vụ cho biết bằng cách nào mà duy chỉ có kiểu giải thích Sách Thánh theo nghĩa bóng/tiền trưng (typological interpretation) mới cho phép thấu triệt ý nghĩa của các biến cố và các bản văn thuật lại một câu chuyện cứu độ. Việc giải thích như thế cống hiến cho việc dạy giáo lý phương tiện lâu dài, ngày nay vẫn còn thích hợp, để giúp cho những người đang lớn lên trong đức tin hiểu rằng không có gì trong giao ước cũ bị mất đi với Đức Kitô, nhưng tất cả được hoàn thành trong Người.
Tiêu chuẩn lịch sử - cứu độ
171. Ý nghĩa của tên Đức Giêsu, “Thiên Chúa cứu độ”, nhắc nhớ mọi sự có liên quan tới Người mới có tính cứu độ. Việc dạy giáo lý luôn biết rằng ơn cứu độ được ban cho loài người nhờ mầu nhiệm Phục sinh và mầu nhiệm này là nền tảng của mọi bí tích và nguồn mạch ân sủng. Cứu chuộc, công chính hóa, giải thoát, hoán cải và mối tử hệ thần linh là những khía cạnh thiếu yếu của hồng ân cứu độ. “Nhiệm cục cứu độ mang đặc tính lịch sử vì được thực hiện trong thời gian … Vì thế, hôm nay đang khi truyền đạt sứ điệp Kitô giáo khởi đi từ ý thức mãnh liệt đã có, Hội Thánh không ngừng ‘tưởng nhớ’ và kể lại những biến cố cứu độ của quá khứ. Hội Thánh giải thích theo ánh sáng ấy những biến cố hiện tại của lịch sử loài người mà trong đó Thánh Thần Chúa đang canh tân bộ mặt trái đất và Hội Thánh đang tin tưởng chờ đợi ngày Chúa đến”[9]. Vì vậy, việc trình bày đức tin phải lưu ý đến hành động và lời nói mà qua đó Thiên Chúa tự mạc khải cho loài người nhờ những sự kiện lớn của Cựu ước, đời sống của Đức Giêsu Con Thiên Chúa và lịch sử của Hội Thánh.
172. Trong quyền năng của Thánh Thần, ngay lịch sử nhân loại mà Hội Thánh là một thành phần, là lịch sử cứu độ tiếp diễn qua thời gian. Thực vậy, Chúa Giêsu mạc khải lịch sử phải có đích điểm, vì nó mang trong chính nó sự hiện diện của Thiên Chúa. Hội Thánh, trong cuộc lữ hành hướng tới sự hoàn thành của Vương Quốc, là dấu chỉ hữu hiệu của tận điểm mà thế giới đang hướng tới. Tin Mừng, nguyên lý của hy vọng cho toàn thế giới và cho mọi người mọi thời, cống hiến một tầm nhìn bao hàm niềm tin vào tình yêu của Thiên Chúa. Vì vậy, sứ điệp Kitô giáo phải luôn được trình bày trong tương quan với ý nghĩa của sự sống, sự thật và phẩm giá con người. Đức Kitô đã đến vì phần rỗi của chúng ta, để chúng ta được sống sung mãn. “Sự thật là chỉ trong mầu nhiệm Ngôi Lòi nhập thể mà mầu nhiệm con người được soi tỏ” (Gs 22). Lời của Thiên Chúa, được chuyển đạt bởi việc dạy giáo lý, soi sáng đời sống con người khi ban cho nó ý nghĩa sâu xa nhất và đồng hành với loài người trên con đường chân, thiện, mỹ.
173. Việc rao giảng Vương Quốc của Thiên Chúa bao gồm sứ điệp giải thoát và thăng tiến con người vốn nối kết chặt chẽ với sự chăm lo và trách nhiệm đối với tạo thành. Ơn cứu độ, được Chúa ban và Hội Thánh rao giảng, liên hệ đến những vấn nạn của đời sống xã hội. Vì vậy, cần lưu ý đến sự phức tạp của thế giới đương thời và sự liên kết mật thiết giữa văn hóa, chính trị, kinh tế, công việc, môi trường, chất lượng sống, nghèo khổ, hỗn loạn xã hội và chiến tranh[10]. “Tự trong Tin Mừng có một nguyên tắc toàn thể: nó sẽ luôn luôn là tin mừng bao lâu nó còn được công bố cho mọi dân tộc, bao lâu nó còn chữa lành và kiện cường mọi khía cạnh của nhân loại, bao lâu nó còn đưa mọi người nam cũng như nữ vào đoàn tụ tại bàn tiệc của Nước Thiên Chúa. Toàn thể lớn hơn thành phần”[11]. Chân trời tối hậu của việc rao giảng ơn cứu độ luôn luôn là sự sống đời đời. Chỉ trong khát vọng này, cam kết cho công lý và ước muốn giải phóng mới được thành toàn.
Tiêu chuẩn trổi vượt của ân sủng và vẻ đẹp
174. Tiêu chuẩn khác của tầm nhìn Kitô giáo về cuộc sống là sự trổi vượt của ân sủng. Mọi hình thức dạy giáo lý phải là “huấn giáo về ân sủng vì nhờ ân sủng mà chúng ta được cứu độ, cũng chính nhờ ân sủng mà các hoạt động của chúng ta mang lại hoa trái cho đời sống vĩnh cửu”[12]. Vì vậy, việc dạy sự thật bắt đầu với sáng kiến tình yêu của Thiên Chúa và tiếp diễn với sự đáp trả của con người bắt nguồn từ việc lắng nghe, và việc này luôn là hoa trái của ân sủng. “Một cộng đoàn loan báo Tin Mừng biết rằng Chúa đã có sáng kiến, Ngài đã yêu chúng ta trước (x. Ga 4:19), và vì thế chúng ta có thể dấn bước”[13]. Cho dù hoa trái của việc dạy giáo lý không tùy thuộc vào khả năng lập kế hoạch và hành động, chắc chắn Thiên Chúa mời cộng tác với ân sủng của Ngài, và trong việc phục vụ cho Vương Quốc, Ngài kêu gọi đầu tư mọi nguồn lực của sự thông minh và của sự thực hiện mà hoạt động giáo lý đòi hỏi.
175. “Rao giảng Đức Kitô có nghĩa là cho thấy rằng tin Ngài và theo Ngài không chỉ là điều đúng và chính đáng, mà còn là một cái gì đẹp, có khả năng đổ đầy đời sống bằng sự rực rỡ mới mẻ và niềm vui sâu xa, ngay cả giữa những hoàn cảnh khó khăn”[14]. Việc dạy giáo lý phải luôn luôn diễn tả cái đẹp của Tin Mừng vang lên từ môi miệng của Đức Giêsu cho mọi người: người nghèo, người đơn sơ, những kẻ tội lỗi, những người thu thuế và gái điếm đều cảm thấy được đón tiếp, được thấu hiểu và giúp đỡ, được mời gọi và giáo dục bởi chính Chúa. Thực vậy, việc rao giảng tình yêu nhưng không và nhân hậu của Thiên Chúa vốn được biểu lộ đầy đủ trong Đức Giêsu Kitô, chết và sống lại, là trọng tâm của lời rao giảng đầu tiên (kerygma). Cũng có những khía cạnh của sứ điệp Tin Mừng thông thường khó chấp nhận, đặc biệt khi Tin Mừng mời gọi hoán cải và nhìn nhận tội lỗi. Tuy vậy, việc dạy giáo lý trước tiên không phải là việc trình bày luân lý, nhưng là rao giảng vẻ đẹp của Thiên Chúa vốn có thể được kinh nghiệm và chạm đến tâm trí khi biến đổi cuộc sống[15].
Tiêu chuẩn mang tính giáo hội
176. “Đức tin thiết yếu có đặc tính giáo hội; nó được tuyên xưng trong Thân Mình Đức Kitô như là sự hiệp thông cụ thể của các tín hữu”[16]. Thực vậy, “khi việc dạy giáo lý truyền đạt mầu nhiệm Đức Kitô, thì sứ điệp của nó vang lên từ đức tin của toàn thể Dân Chúa xuyên suốt dòng lịch sử: đức tin của các Tông đồ được nhận lãnh từ chính Đức Kitô và dưới sự tác động của Chúa Thánh Thần; đức tin của các vị Tử đạo đã làm chứng và làm chứng bằng máu đào của các ngài; đức tin của các Thánh đã sống và sống một cách sâu xa; đức tin của các Giáo phụ và các Tiến sĩ Hội Thánh đã giảng dạy một cách tuyệt vời; đức tin của các thừa sai đã rao giảng không ngừng; đức tin của các nhà thần học đã giúp mọi người thấu hiểu hơn; sau cùng đức tin của các mục tử đã được các ngài bảo tồn với lòng nhiệt thành, yêu mến và giải thích một cách xác thực. Thực vậy, đức tin của tất cả những người tin và cho phép mình được hướng dẫn bởi Chúa Thánh Thần hiện diện trong việc dạy giáo lý”[17]. Hơn nữa, việc dạy giáo lý khai tâm các tín hữu vào mầu nhiệm hiệp thông như đã được sống, không chỉ trong tương quan với Chúa Cha nhờ Đức Kitô trong Chúa Thánh Thần, mà còn trong cộng đoàn tín hữu nhờ hoạt động của cùng một Thánh Thần. Trong việc giáo dục về sự hiệp thông, việc dạy giáo lý giáo dục sống trong Hội Thánh và như Hội Thánh.
Tiểu chuẩn mang tính thống nhất và toàn vẹn của đức tin
177. Đức tin, được truyền đạt bởi Hội Thánh, là duy nhất. Các Kitô hữu tản mác trên khắp thế giới, nhưng làm nên một dân. Việc dạy giáo lý cũng thế, trong khi giải thích đức tin bằng những ngôn ngữ văn hóa khác nhau, nó chẳng làm gì ngoài nhắc lại một Phép Rửa, một đức tin (x. Ep 4,5). “Người trở thành môn đệ Đức Kitô có quyền lãnh nhận lời Đức Tin không bị cắt xén, xuyên tạc, hay dưới dạng thu nhỏ, nhưng phải nhận được toàn thể và toàn vẹn, trong sự chặt chẽ và mãnh liệt của nó”[18]. Vì thế, tiêu chuẩn căn bản của việc dạy giáo lý là diễn tả sự toàn vẹn của sứ điệp, tránh trình bày một phần và theo hướng khác nhau. Thực vậy, Đức Kitô không phú ban một vài thứ kiến thức mật cho một số ít người được tuyển chọn và ưu tuyển (được gọi là gnosis/ngộ), nhưng giáo huấn của Người dành cho tất cả, tới mức mỗi người đều có thể nhận nó.
178. Việc trình bày toàn vẹn sự thật của đức tin phải lưu ý đến nguyên tắc phẩm trật trong chân lý (x. Sắc lệnh Đại Kết, 11) : thực vậy “tất cả các chân lý mạc khải đều bắt nguồn từ Thiên Chúa và phải tin tất cả với cùng một lòng tin, nhưng có một số quan trọng hơn số khác vì trực tiếp diễn tả tâm điểm của Tin Mừng”[19]. Sự thống nhất hữu cơ của đức tin minh chứng cho bản chất tối hậu của nó và cho phép nó được rao giảng và dạy bằng cách tiếp cận trực tiếp, không rút gọn hay giảm bớt. Việc dạy tuần tự và thích nghi với những con người và những hoàn cảnh không vô hiệu hóa sự thống nhất hữu cơ của nó.
3. Sư phạm giáo lý
179. Trước những thách đố hiện nay, cần nhận thức hơn về sự hỗ tương giữa nội dung và phương pháp trong việc dạy giáo lý cũng như phúc âm hóa. Sư phạm độc đáo của đức tin được gợi hứng bởi sự tự hạ của Thiên Chúa, cụ thể là theo đuổi mối trung thành kép – với Thiên Chúa và với con người – vì thế, khai triển một tổng hợp đúng đắn các chiều kích thần học và nhân học của đời sống và đức tin. Trong hành trình dạy giáo lý, nguyên tắc phúc âm hóa bằng giáo dục và giáo dục bằng phúc âm hóa[20] nhắc nhớ rằng, giữa những sự khác, công việc của giáo lý viên hệ tại tìm kiếm và lôi cuốn sự chú ý đến những dấu chỉ về hoạt động của Thiên Chúa hiện có trong đời sống của những con người và, bằng cách sử dụng chúng như một mẫu gương, trình bày Tin Mừng như sức mạnh biến đổi toàn bộ cuộc sống mà Tin Mừng mang lại cho nó ý nghĩa tròn đầy. Việc đồng hành với một người trong hành trình tăng trưởng và hoán cải cần được đánh dấu bởi sự lớn dần, trong đó hành vi tin bao hàm việc khám phá tiệm tiến mầu nhiệm của Thiên Chúa đồng thời luôn mở ra và phó thác cho Ngài.
Tương quan với khoa nhân văn
180. Việc dạy giáo lý thiết yếu là hoạt động giáo dục. Nó luôn được thực hiện trong sự trung thành với lời Chúa và chú ý đến và tương tác với những thực hành mang tính giáo dục của văn hóa. Nhờ sự nghiên cứu và suy tư của các khoa học nhân văn mà có các lý thuyết, tiếp cận và mẫu thức vốn đổi mới sâu xa các thực hành mang tính giáo dục và góp phần có ý nghĩa cho việc thấu hiểu con người, các mối liên hệ nhân văn, xã hội và lịch sử. Sự đóng góp của chúng không thể thiếu được. Khoa sư phạm và lý luận dạy học đặc biệt làm giầu cho các tiến trình giáo dục của việc dạy giáo lý. Cùng với các khoa này, khoa tâm lý cũng có một giá trị quan trọng, trên hết vì nó giúp một người hiểu được những động lực thúc đẩy, cấu trúc của nhân cách, những yếu tố liên quan đến những vấn đề và bệnh học, những giai đoạn khác nhau trong quá trình của sự phát triển và các nhiệm vụ phát triển, động năng của sự trưởng thành tôn giáo, và những kinh nghiệm khai mở con người cho mầu nhiệm thánh. Hơn nữa, các khoa xã hội và các khoa truyền thông giúp con người hiểu bối cảnh văn hóa xã hội họ đang sống và chịu ảnh hưởng.
181. Việc dạy giáo lý phải tránh đồng hóa hoạt động cứu độ của Thiên Chúa với hoạt động sư phạm của con người; cũng đừng tách rời hay đối nghịch các tiến trình này. Trong tư duy nhập thể, trung thành với Thiên Chúa và trung thành với con người liên hệ sâu xa với nhau. Vì vậy, nên ý thức rằng cảm hứng đức tin hỗ trợ cho việc lượng giá đúng đắn sự đóng góp của các khoa học nhân văn. Những tiếp cận và kỹ thuật được các khoa học nhân văn thảo ra có giá trị tới mức chúng đặt mình vào chỗ phục vụ cho sự truyền đạt và giáo dục đức tin. Đức tin nhận ra sự tự trị của các thực tại trần thế và của các khoa học (x. GS 36) và tôn trọng tư duy của chúng, nếu đích thực nó sẽ mở ra cho sự thật về con người; đang khi giải thích lại những đóng góp này từ viễn tượng của Mạc Khải.
(Còn tiếp)
[1] Tông Huấn Dạy Giáo Lý của ĐGH. Gioan Phaolô II, 9.
[2] Tông Huấn Niềm Vui của Tin Mừng của ĐGH. Phanxicô, 1.
[3] Tông Huấn Niềm Vui của Tin Mừng của ĐGH. Phanxicô, 259.
[4] Hướng Dẫn Tổng Quát Việc Dạy Giáo Lý của Bộ Giáo Sĩ, 141; x. GLHTCG, 169.
[5] Tông Huấn Niềm Vui của Tin Mừng của ĐGH. Phanxicô, 41.
[6] GLHTCG, 234.
[7] Hướng Dẫn Tổng Quát Việc Dạy Giáo Lý của Bộ Giáo Sĩ, 98.
[8] X. GLHTCG, 512 tt.
[9] Hướng Dẫn Tổng Quát Việc Dạy Giáo Lý của Bộ Giáo Sĩ, 107.
[10] X. Phanxicô, thông điệp Laudato si (24/5/2015), 17-52.
[11] Tông Huấn Niềm Vui của Tin Mừng của ĐGH. Phanxicô, 237.
[12] GLHTCG, 1697.
[13] Tông Huấn Niềm Vui của Tin Mừng của ĐGH. Phanxicô, 24.
[14] Tông Huấn Niềm Vui của Tin Mừng của ĐGH. Phanxicô, 167.
[15] Số 165 của Tông Huấn Niềm Vui của Tin Mừng trình bày một vài “yếu tố [của việc rao giảng] rất cần ngày nay”.
[16] Phanxicô, Thông điệp Ánh sáng đức tin (29/6/2013), 22.
[17] Hướng Dẫn Tổng Quát Việc Dạy Giáo Lý của Bộ Giáo Sĩ, 105.
[18] Tông huấn Dạy Giáo Lý của ĐGH. Gioan Phaolô II, 30.
[19] Tông Huấn Niềm Vui của Tin Mừng của ĐGH. Phanxicô, 36.
[20] X. Hướng Dẫn Tổng Quát Việc Dạy Giáo Lý của Bộ Giáo Sĩ, 147; Tuyên Ngôn Giáo Dục Kitô Giáo 1-4; Tông Huấn Dạy Giáo Lý của ĐGH. Gioan Phaolô II, 58.
Tin mới đăng:
Các tin khác:
- Tóm tắt Tông huấn mới của ĐTC về Thánh Têrêsa Hài Đồng "Chính sự tin tưởng" (16/10/2023)
- ĐTC gởi sứ điệp cho Ngày Thế giới Ông bà và Người cao tuổi lần thứ ba (19/06/2023)
- Công bố Sứ điệp của ĐTC cho Ngày Thế giới Truyền thông Xã hội lần thứ 57 (03/05/2023)
- CÔNG BỐ SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC THÁNH CHA CHO NGÀY THẾ GIỚI TRUYỀN GIÁO NĂM 2023 (27/01/2023)
- SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC GIÁO HOÀNG PHANXICÔ CHO NGÀY THẾ GIỚI BỆNH NHÂN LẦN THỨ XXXI Ngày 11. 02. 2023 (12/01/2023)
- Sứ điệp của Đức Thánh Cha cho Ngày Hoà bình Thế giới năm 2023 (31/12/2022)
- DIỄN VĂN CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ trong Hội thảo chủ đề “Thần học hậu tông hiến Veritatis Gaudium trong bối cảnh vùng Địa Trung Hải” (08/03/2022)
- ĐTC ban hành Tự sắc “Traditionis custodes” về cử hành Thánh lễ theo phụng vụ tiền Công đồng (18/07/2021)
- SÁCH GIÁO LÝ CỦA HỘI THÁNH CÔNG GIÁO (198-231) - CHƯƠNG MỘT TÔI TIN KÍNH ĐỨC CHÚA TRỜI LÀ CHA (03/07/2021)
- SÁCH GIÁO LÝ CỦA HỘI THÁNH CÔNG GIÁO (Số 185-197) - ĐOẠN THỨ HAI: TUYÊN XƯNG ĐỨC TIN KITÔ GIÁO - CÁC TÍN BIỂU (28/06/2021)
- SÁCH GIÁO LÝ CỦA HỘI THÁNH CÔNG GIÁO (Số 166 - 184) - Mục 2 Chúng tôi tin (25/06/2021)
- SÁCH GIÁO LÝ CỦA HỘI THÁNH CÔNG GIÁO (Số 142 - 165) - CHƯƠNG BA: CON NGƯỜI ĐÁP LỜI THIÊN CHÚA (21/06/2021)
- SÁCH GIÁO LÝ CỦA HỘI THÁNH CÔNG GIÁO (Số 101-141) - Mục 3: Thánh Kinh (19/06/2021)
- SÁCH GIÁO LÝ CỦA HỘI THÁNH CÔNG GIÁO (Số 74-100) (19/06/2021)
- SÁCH GIÁO LÝ CỦA HỘI THÁNH CÔNG GIÁO (Số 50-73) - CHƯƠNG 2: THIÊN CHÚA ĐẾN GẶP CON NGƯỜI (19/06/2021)