SỐNG HIỆP THÔNG GIỮA THIÊN CHÚA, CON NGƯỜI VÀ VŨ TRỤ QUA VIỆC BẢO VỆ MÔI SINH

03 / 06/ 2020, 02:06:06

 

Mở đầu: Khủng hoảng môi sinh - một thách thức cấp bách toàn cầu

Từ ngữ sinh thái “ecologia” được ghép bởi hai hạn từ gốc Hy lạp oikos (nhà ở) và logos (lời), để diễn tả một ngành nghiên cứu những điều kiện tác động đến sự sống con người, bao gồm mối tương quan giữa con người với nhau và giữa con người với các thụ tạo khác cũng như với môi trường thiên nhiên[1].

Khủng hoảng môi sinh nay đã tới mức báo động cho cả nhân loại. Khẩu hiệu “Hãy cứu lấy hành tinh của chúng ta!” phổ biến khắp nơi và trở thành tiếng kêu cứu cấp bách để mỗi người, mỗi quốc gia ý thức vai trò, trách nhiệm của mình trong việc xây dựng và bảo vệ “ngôi nhà chung” của mọi người (x. Thông điệp Laudato Si’, Ls 2)

Năm 1985, nhân kỷ niệm 20 năm ngày kết thúc Công đồng Vatican II, Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã triệu tập Thượng Hội đồng Giám mục khóa ngoại thường lần thứ hai để đánh giá việc thực thi Công đồng trong Giáo Hội. Thượng Hội Đồng khẳng định: “Khoa Giáo Hội học hiệp thông là ý niệm trung tâm và nền tảng của các văn kiện Công đồng. Sự hiệp thông (koinonia-communio) đặt nền tảng trên Kinh Thánh đã được quý trọng hết sức trong Giáo Hội cổ thời và cho đến tận hôm nay trong các Giáo hội Đông phương. Vì vậy, Công đồng Vatican II rất tha thiết làm thế nào để Giáo Hội, như là mầu nhiệm hiệp thông, được hiểu đúng đắn, rõ ràng hơn và diễn đạt cụ thể hơn trong đời sống”[2]. Vì hiệp thông thuộc về bản chất của Giáo Hội nên nó liên quan đến tất cả mọi lãnh vực của đời sống Giáo Hội: đối với Thiên Chúa, đối với nhau và đối với thế giới[3].

“Mối đe dọa lớn nhất đối với hành tinh của chúng ta là lối suy nghĩ rằng ai đó sẽ bảo vệ nó chứ không phải mình. Các quyết định giới trẻ đưa ra hôm nay sẽ ảnh hưởng đến hệ sinh thái của toàn hành tinh cũng như đến tương lai của cuộc sống trên trái đất này” (Robert Swan)[4].

Phong trào bảo vệ môi sinh đang lớn rộng nhanh. Thế mà số đông người Việt Nam, nếu không phải trả tiền, thì vẫn vô tư xài nước, điện; vì không bị phạt nên xả rác đầy đường phố, mương rạch, ao hồ, sông ngòi, bãi biển. Thật cấp bách việc cần phải giúp nhau, khơi dậy ý thức bảo vệ môi sinh vì đây là vấn đề nghiêm trọng liên quan đến sự sống của mỗi người, và của cả nhân loại[5]. Ngày nay, đối với Kitô hữu, bảo vệ môi sinh chính là một lối sống cụ thể mầu nhiệm hiệp thông giữa Thiên Chúa, con người và vũ trụ. Bài viết sẽ làm rõ mối hiệp thông này trong nỗ lực bảo vệ môi sinh, cũng chính là bảo vệ sự sống con người. Bài viết gồm ba bước: 1/ Vài hiểu biết khoa học và xã hội về môi sinh; 2/ Giáo huấn Công Giáo về “Bảo vệ môi sinh”; 3/ Các bước cụ thể bảo vệ môi sinh để sống hiệp thông Thiên Chúa- con người- vũ trụ.

  1. Vài hiểu biết khoa học và xã hội về môi sinh

  1. Tiến bộ khoa học và con người

Con người là thủ phạm của thảm trạng môi trường hiện nay

Ðó là lời nhận định của 2500 nhà bác học và chuyên gia về môi trường, đến từ 135 quốc gia trên thế giới, và tham dự Hội nghị Quốc tế về môi trường, nhóm họp tại Paris, 2007.

Vài thập niên gần đây, các phát hiện mới của khoa học đặt vấn nạn cho chính các xác tín khoa học. Cách nay không lâu, con người tưởng như khoa học đang thế chỗ Thiên Chúa để tác động trên tất cả vạn vật và mở ra viễn ảnh sáng chói của quyền năng trí tuệ con người. Tuy nhiên, thập niên 70 của thế kỷ 20, dấu hiệu về sự nguy cơ cạn kiệt của nguồn năng lượng lỏng, việc phát hiện tầng ôzôn bị thủng và trái đất nóng dần do sản xuất dồn dập và bừa bãi khiến con người phải giật mình và đặt vấn nạn trên sự vạn năng của khoa học và con người. Tiêu thụ và sản xuất quá mức mà không tôn trọng thiên nhiên, con người một cách vô ý thức đang tiêu diệt chính mình[6].

“Chủ nghĩa tiêu thụ, một lối sống phung phí và khai thác trái đất và các nguồn tài nguyên nối kết một cách nội tại với bất công chính trị, kinh tế, xã hội của thế giới và là một vết thương ảnh hưởng toàn bộ thân thể Đức Kitô” (Peter-Hans Kolvenbach SJ)[7].

Thật ra, chính con người đã và đang biến chất chính mình qua lối sống quy ngã. Bầu khí xã hội tràn ngập về hưởng thụ và lợi lộc đang tác động tiêu cực trên con người. Khoa sinh thái học hôm nay chưa giải quyết vấn nạn cho môi trường sống của thân xác, thì lại đến môi trường tinh thần bị đe dọa. Thần học môi sinh là một nỗ lực để suy tư về chính môi sinh trong nhãn giới cứu độ. Cần làm cho mọi người hiểu rằng cộng đồng sự sống của sinh thái này đang bị đe dọa trầm trọng. Đây không phải chỉ là vấn đề môi trường sống thôi, nhưng còn là vấn đề con người, thái độ sống và cả về cách cư xử với nhau, với vũ trụ, và thiết yếu với Thiên Chúa (x. Ls 14,18,19).

Ý thức giới hạn của mình, khoa học cần phải khép mình vào những nguyên tắc luân lý nền tảng. Sự cần thiết nhưng thiếu sót của khoa học và tri thức lý tính đòi chúng phải được bổ túc và dung hòa với những gì sâu xa hơn. Đây không chỉ là vấn đề đặt ra cho cuộc sống, mà còn là vấn đề đặt ra cho suy tư triết-thần[8]. Con người có sứ mệnh hoàn thiện chính mình bằng việc làm và đời sống của mình. Con người làm và sống theo hình ảnh Thiên Chúa tạc ghi trong chính con người khi Thiên Chúa sáng tạo nó.

  1. Vấn đề về Khoa Học Tự Nhiên

  1. Biến đổi khí hậu là gì

Biến đổi khí hậu trái đất là sự thay đổi của hệ thống khí hậu gồm khí quyển, thủy quyển, sinh quyển, thạch quyển hiện tại và trong tương lai bởi các nguyên nhân tự nhiên và nhân tạo. Nguyên nhân chính làm biến đổi khí hậu trái đất đặc biệt từ giữa cuối thế kỷ 20 đến nay là do sự gia tăng các hoạt động sản xuất, tiêu thụ của con người tạo ra các chất thải khí nhà kính, cụ thể tăng khí CO2 bởi gia tăng sử dụng nhiên liệu, các hoạt động khai thác quá mức các bể hấp thụ và bể chứa khí nhà kính như rừng, các hệ sinh thái biển, ven bờ và đất liền[9].

Sản xuất và tiêu thụ càng nhiều, chúng ta càng tạo ra những gánh nặng cho môi sinh. Vì vậy, khủng hoảng môi sinh chỉ ra sự mù tối của chúng ta: chúng ta không thấy thế giới quanh ta thực sự hoạt động như thế nào. Đặc biệt trong các nước phát triển công nghệ kỹ thuật tiên tiến, chúng ta sống trong sự đối nghịch hiển nhiên, lờ đi những định luật cơ bản của vật chất và năng lượng.

  1. Vấn đề không khí

Hiệu ứng nhà kính

CO2 và một số khí thải khác như méthane, ozôn, các halogen… trong khí quyển giống như một tầng kính dày bao phủ Trái đất, làm cho Trái đất không khác gì một nhà kính lớn. Cùng với sự phát triển dân số và công nghiệp với tốc độ cao, CO2 thải vào khí quyển cũng tăng theo. Rừng lại bị chặt phá quá mức, CO2 đáng lẽ được rừng cây hấp thu lại không được hấp thu, nên lượng CO2 ngày càng tăng, hiệu ứng nhà kính do đó tăng theo không ngừng, làm tăng nhiệt độ của trái đất.

Không khí, một yếu tố cần thiết để con người tồn tại, đang bị ô nhiễm trầm trọng. Chỉ riêng năm 1990, những hoạt động của con người đã thải vào trong bầu khí quyển 99 triệu tấn khí độc lưu huỳnh, 68 triệu tấn khí azôz, 57 triệu tấn các chất bụi bặm khác, 117 triệu tấn khí carbonnic. Những chất thải này gây hiệu ứng nhà kính, và thêm thủng tầng ôzôn làm cho trái đất nóng lên nhanh chóng…[10].

Tại thành phố Hồ chí Minh (TP.HCM) có khoảng 1.000 nhà máy công nghiệp, 30.000 cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp. Những cơ sở này hằng năm thải vào không khí trong thành phố khoảng 42.000 tấn CO2, trong đó có khoảng 98 phần trăm là do đốt cháy các nhiên liệu hoá thạch[11].

Tầng ôzôn đang mỏng đi và thủng lớn

Từ nhiều triệu năm dọi vào oxy ở thượng tầng khí quyển, mặt trời đã tạo nên được lớp ôzôn (O3) dày, làm thành tấm lá chắn quý giá cản chính tia cực tím, nhờ đó sự sống phát triển tốt trên mặt đất. Tia cực tím là sát thủ số một của những sinh vật trên đất và của nhiều thực, động vật nhỏ khác ở biển, và cũng làm hại ngũ cốc. Tầng ôzôn, do chức năng cản tia cực tím, trở thành rất cần thiết để bảo vệ sự sống nói chung. Thế mà, từ mấy chục năm nay, các nhà khoa học phát hiện nó đang mỏng đi và có lỗ thủng lớn phía trên Nam cực. Khoa học cũng tìm ra nguyên nhân tai họa ấy: chất CFCs (chlorofluorocarbons) dùng trong máy lạnh, máy làm nước đá, máy điều hòa và máy phun sấy.

  1. Vấn đề đất, rừng sinh thái

Rừng sinh thái vẫn được coi là lá phổi của trái đất. Năm 1996, Qũy Quốc Tế Bảo Vệ Thiên Nhiên (WWF) đã phát hành rộng rãi bản đồ rừng thế giới với thông điệp kêu gọi hành động khẩn cấp để ngăn chặn tình trạng mất rừng. Bản đồ cho thấy trong số 33 triệu km2 rừng trên toàn thế giới chỉ có sáu phần trăm diện tích được đưa vào bảo vệ, còn 94 phần trăm bị để mặc tàn phá. Mỗi năm 11 triệu hecta rừng bị phá huỷ lấy đất trồng, lấy gỗ hoặc làm chất đốt. Hệ sinh thái đang che chở cho khoảng 50 đến 70 phần trăm các giống loài trên cạn của thế giới bị phát quang và suy thoái nhanh hơn bao giờ hết. Vấn đề rừng bị tàn phá đang ảnh hưởng trực tiếp đến thiên nhiên cũng như tất cả mọi sinh vật trên trái đất này. Tính vào thời điểm 1992, cứ 12 phút lại có một sinh vật biến mất. Đó là do môi trường sinh sống tự nhiên của chúng bị phá huỷ hoặc bị biến đổi. Sự mất đi một loài sinh vật là một sự mất mát không thể bù đắp được, và mang lại nhiều hậu quả nặng nề: làm nghèo đi di sản di truyền của trái đất; gây mất cân bằng trầm trọng cho các hệ sinh thái. Mỗi chủng loại sinh vật chứa những gen di truyền cho một loài sinh vật làm tăng thêm sức thích nghi của loài đó đối với sự ô nhiễm, bệnh tật và các thay đổi của môi trường. Sự đa đạng sinh học chính là một bảo đảm an toàn cho môi trường và cho con người[12].

Riêng ở vùng Tây Nguyên Việt Nam, từ năm 1990 đến nay mỗi năm có 20.000 hecta rừng bị tàn phá. Giáo sư Ngô Đình Tuấn lưu ý rằng những năm gần đây rừng Tây nguyên bị chặt phá nặng nề, cộng với những yếu tố bất lợi như mùa khô kéo dài, sự biến đổi thất thường của khí hậu làm lũ lụt, hạn hán trở nên trầm trọng hơn[13].

  1. Vấn đề nước

Nước biển đang dâng cao

Từ mấy ngàn năm nay, mực nước khá ổn định, và khí hậu khá điều hòa. Nhưng nay thì thời kỳ an bình không còn nữa. Từ 1900 đến giờ, nước đã cao thêm 20cm, và tốc độ cao lên ngày càng lớn. Thực tế, tùy theo mưa bão, sông băng và áp suất khí quyển, lượng nước tăng sẽ đổ dồn vào từng khu vực trong nhiều giờ, ngày. Nhiệt độ tăng, thời tiết biến động nhiều, sẽ khiến mưa lũ cùng với bão lớn và lốc xoáy nhiều hơn và ngày càng khủng khiếp hơn.

Nguyên do mực nước biển cao: Hiệu ứng nhà kính

Các loại khí thải như méthane (CH4), CO2, N2O cản tia sóng dài, khiến cho bầu khí quyển, khi đầy ắp các loại khí đó, sẽ làm nên một thứ nhà kính cản tia hồng ngoại không thể thoát ra mà làm trái đất ấm dần. Nước càng ấm, thì càng dãn nở, mực nước do đó cao thêm. Ngoài ra, băng đỉnh núi, nhất là các dãy núi băng cao tới 2.000m ở hai cực bán cầu tan theo nhiệt độ tăng, sẽ đưa mực nước biển nhiều lần cao hơn nữa. Trầm tích ở đáy đại dương vốn cũng chứa méthane và CO2, chúng sẽ bay lên khi nước ấm. Và còn rất nhiều nguồn cung cấp CO2 và méthane khác cho khí quyển, như phân chuồng, phân hóa học và rừng khi bị đốt…

Hiện nay CO2 gần như độc chiếm khoảng không khí do xăng dầu được sử dụng quá nhiều, do hơi thở động vật cũng như do nhiều loại trao đổi khác trong thiên nhiên…

Nước và sự sống

Nước gắn liền với sự sống và sự phát triển của xã hội loài người. Trong thư gửi Hội Nghị Quốc Tế Chuyên Đề Lần Thứ Tám về Tôn Giáo, Khoa Học và Môi Trường đang họp tại Memphis, Hoa Kỳ, với chủ đề: “Tái lập quân bình: Sông Lớn Mississippi”, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI nhận định: “Từ thuở xa xưa, nước vẫn luôn được nhìn nhận như một sự thiện nhân bản hàng đầu và là một tài nguyên thiên nhiên không thể thiếu được… Qua nhiều thế kỷ, sự thịnh vượng của rất nhiều xã hội đã được liên kết với các dòng nước này”[14]. Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh nước sạch là một vấn đề mang ý nghĩa trọng yếu cho đời sống con người và gìn giữ hệ sinh thái của trái đất và nước (x. Ls 28).

Hiện nay, các hệ thống sông ngòi lớn của mọi lục địa đang gặp đe dọa trầm trọng, thường là do hành vi và quyết định của con người. Vấn đề ô nhiễm không khí và nạn phá rừng cũng đang ảnh hưởng đến nguồn nước. Chính phủ các nước công nhận rằng lượng nước ngọt trên thế giới đang khan hiếm dần. Theo tổ chức Liên Hiệp Quốc, có khoảng 80 quốc gia đang khốn đốn vì thiếu nước sạch. Ở các nước đang phát triển, có hơn một tỉ người không có nước sạch để dùng và khoảng 1,7 tỉ người không có tiện nghi vệ sinh xứng đáng. Hiện tượng thiếu nước ngọt phần lớn là do nguồn nước bị ô nhiễm nên không thể sử dụng được.

Trên thế giới, chuyện các nhà máy “bức tử” sông suối không phải hiếm. Các nhà máy đã xả chất thải xuống sông trong nhiều thập niên![15] Tại Việt Nam, đã có hàng loạt khu đô thị, công nghiệp hoạt động ở khu vực Đông Nam bộ và các khu vực giáp ranh với TP.HCM với nhiều quy mô. Nước thải từ các hoạt động này đổ trực tiếp ra nhiều nhánh sông - rạch nhỏ khác nhau và cuối cùng tất cả đều đổ về các sông lớn: Đồng Nai, Sài Gòn hay Thị Vải (khu vực hạ lưu)[16]. Hiện nay các nguồn nước của Việt Nam cũng đang bị ô nhiễm ở mức báo động đỏ. Đặc biệt là ở các thành phố lớn, hầu hết nước trên các con kênh đã không thể sử dụng được nữa vì đã quá ô nhiễm do các chất thải từ các nhà máy, xí nghiệp….[17]. Làm sao không thể nhắc đến thảm họa đau thương môi trường biển miền Trung năm 2016 gây cá chết trắng biển suốt chiều dài các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế do nước thải công nghiệp của Công ty gang thép Formosa Hà Tĩnh gây ra. Các chuyên gia đánh giá việc làm sạch biển vùng này trở lại cần hàng chục năm[18].

  1. Năng lượng hạt nhân

Trong khi một nền đạo đức sinh thái mới chưa được phát triển, nhiều thay đổi trong môi trường chúng ta do sử dụng công nghệ kỹ thuật cao mà chúng ta hầu như chưa kiểm soát được. Thập niên 80 của thế kỷ trước, Jacques Ellul là một trong những nhà phân tích hùng hồn nhất về cái giá chúng ta phải trả cho sự thống trị không kiểm soát của kỹ thuật trong nền văn hóa đương thời. Tuy kỹ thuật hạt nhân đóng góp nhiều cho nhân loại, đặc biệt trong lãnh vực y học, ông nhấn mạnh rằng chất thải hạt nhân là vấn nạn lớn chưa giải quyết được[19]. Nhà môi trường Amory Lovins, nhiệt tình ủng hộ việc đáp ứng nhu cầu năng lượng con người bằng cách tiết kiệm năng lượng (từ đó, sẽ hạn chế chất thải do sản xuất năng lượng) và sử dụng năng lượng mặt trời. Lovins tập trung vào hai vấn đề: vũ khí hạt nhân, điện hạt nhân đi kèm với chất thải hạt nhân và ô nhiễm phóng xạ. Năm 2011, tại Nhật bản, trận động đất và sóng thần tại Fukushima, sau đó kéo theo thảm họa hạt nhân khiến vùng đất này cho đến nay vẫn chưa thể an toàn cho cư dân sinh sống. Đây là một bài học thực tế cảnh báo cho các nước, trong đó có Việt Nam, muốn dự phóng xây dựng nhà máy điện hạt nhân.

  1. Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu-môi trường trên con người và đời sống

Suy thoái môi sinh trải rộng nhiều thế hệ- những người đang sống trong các nước phát triển hiện đang vay mượn nặng nề của các thế hệ tương lai những gì họ có quyền tận hưởng như không khí sạch, nước sạch, nguồn năng lượng.

Người nghèo chịu ảnh hưởng nhiều nhất

Suy thoái phẩm chất cuộc sống

Những người nghèo và yếu thế là những người có ít chọn lựa để tránh, thích nghi, hay bảo vệ họ khỏi thương tổn do những hậu quả của khí hậu thay đổi, suy thoái môi trường.

Đức Thánh Cha Phanxicô rất chính xác khi đưa nhận định rằng nhiều khu vực trong một số quốc gia bị tư nhân hóa đất đai, gây khó khăn cho dân cư tiếp xúc với các vùng này và không thể chiêm ngắm vẻ đẹp thiên nhiên các nơi này. Nhiều nơi khác, người ta tạo những vùng “sinh thái” để chỉ phục vụ một ít người chọn lọc, nhưng cấm kẻ khác bước vào (Ls 45). Tại Việt Nam, một số khu vực bờ biển Nha Trang, Phú Quốc, Đà Nẵng… đang bị tư nhân hóa bởi người Trung quốc mà ngay cả cư dân tại chỗ cũng khó khăn, thậm chí không được vào. Thật đáng lo lắng cho mảnh đất quê hương hình chữ S này.

Một số nền văn minh có thể diệt vong vì phá rừng

Nazca, một nền văn minh cổ đại lừng lẫy ở Nam Mỹ, đã bị sụp đổ do nạn phá rừng. Các nhà khoa học của Đại học Cambridge (Anh) đã nghiên cứu nguyên nhân khiến nền văn minh của bộ tộc Nazca sụp đổ. Cách đây vài chục thế kỷ, những thung lũng mà người Nazca sinh sống có rất nhiều rừng cây huarango. Loài cây này có thể sống hơn 1.000 năm và có vai trò rất lớn trong việc ổn định độ ẩm và sự màu mỡ của đất. Nhưng trong suốt hàng trăm năm, chúng liên tục bị chặt để nhường chỗ cho những cây hoa màu. Tới một thời điểm nhất định, số lượng cây huarango bị đốn nhiều đến nỗi sự cân bằng hệ sinh thái bị phá vỡ do khí hậu trong những thung lũng quá khô. Sự thiếu hụt cây cối khiến khí hậu trở nên quá khô và cây lương thực không phát triển được. Nền văn minh tại đây bị tiêu diệt. Sai lầm của người Nazca cho chúng ta nhiều bài học quan trọng về việc bảo vệ hệ sinh thái hiện nay.

Hàng chục nghìn loài có thể sắp biến mất

Raven, nhà sinh học hàng đầu của Mỹ khẳng định, 2/3 số loài động vật và thực vật trên trái đất đang đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng ngay trong thế kỷ này do mất môi trường sống, biến đổi khí hậu và sự bành trướng của nhiều loài ngoại lai. Đức Thánh Cha Phanxicô cũng lo lắng rằng mỗi năm thế giới mất đi hàng nghìn loại cây cối và thú vật, hoàn toàn mất đi vĩnh viễn, phần lớn là do hoạt động một cách nào đó của con người (x. Ls 33).

Để ngăn chặn tốc độ biến mất của sinh vật, trong một bài viết, Raven cho rằng các quốc gia nên thu thập thông tin về chúng trong thời gian ngắn nhất có thể, rồi nhanh chóng công bố rộng rãi để người dân nhận thức rõ ràng hơn về việc bảo vệ thiên nhiên. Ông cũng kêu gọi các nước mở rộng những khu bảo tồn thiên nhiên hợp tác với nhau để phát triển những công nghệ mới trong việc duy trì cân bằng sinh thái. Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc nhở rằng việc chăm sóc hệ thống sinh học phải có một cái nhìn vượt trên điều thấy ngay trước mắt, không đơn thuần chỉ tìm năng xuất kinh tế nhanh và dễ dàng. Và Ngài cảnh báo giá phải trả cho những tai hại do dửng dưng ích kỷ gây nên, còn cao hơn lợi ích kinh tế có thể đạt được (x. Ls 36)

Châu Á hứng chịu nặng hiện tượng khí hậu thay đổi

Khí hậu trái đất đang nóng lên và thay đổi khí hậu có thể giết chết hàng triệu người tại châu Á, nơi chịu ảnh hưởng nặng nề của tình trạng này, theo cảnh báo của Tổ chức khí tượng thế giới (WMO). Năm 2008, vịnh Bengal, siêu bão Nargis lớn nhất tại châu Á trong 17 năm đã tràn vào Myanmar và giết chết gần 100.000 người. Các đợt mưa lớn bất thường trong mùa mưa 2008 tại Ấn Độ, Pakistan và Việt Nam đã giết chết hơn 2.600 người và đẩy hơn 10 triệu người vào cảnh màn trời chiếu đất.

Mặc dù số lượng mưa và bão tăng lên, song sẽ có thêm nhiều khu vực tại châu Á phải đối mặt với cảnh hạn hán do tình trạng thiếu nước, trong đó có vùng Địa Trung Hải và nhiều khu vực rộng lớn tại Trung Á. Những cơn mưa lớn ở vĩ độ cao lại có thể gây lũ.

Hàng tỷ người sẽ đói vì trái đất nóng lên

David Battisti, một chuyên gia khí hậu của Đại học Washington cùng cộng sự, nghiên cứu tác động của hiệu ứng nhà kính đối với sản lượng lương thực toàn cầu. Kết quả cho thấy viễn cảnh nhiệt độ trung bình ở các vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới tăng lên cao hơn thế kỷ trước, có thể xảy ra với xác suất 90%. Với hơn ba tỷ người sống ở các khu vực này vào năm 2100, tình trạng tăng nhiệt độ sẽ mang đến thảm họa. Do nhiệt độ khí quyển tăng quá cao, nước mưa có thể bốc hơi trước khi chạm mặt đất. Các mảnh ruộng sẽ khô cằn và bị sa mạc hóa. Người nông dân mất phương tiện sản xuất và không có lương thực để ăn.

Thảm họa sẽ không chỉ giáng xuống nước nghèo. Các mô hình cho thấy kiểu thời tiết nóng bức từng giết chết 52.000 người tại châu Âu vào năm 2003 sẽ trở nên phổ biến từ năm 2080 tại lục địa này.

Chiến tranh

Việc làm cạn kiệt một số tài nguyên sẽ đưa đến một hoàn cảnh dễ dàng tạo ra chiến tranh, dấu mặt dưới sự yêu sách cao thượng (Ls 57). Vấn đề khí hậu thay đổi gắn liền với nền hòa bình trên thế giới, trong nghĩa các thay đổi khí hậu gây ra nạn hạn hán, lụt lội, mất mùa đói kém, có thể châm ngòi cho các xung khắc để chiếm lấy nước và thực phẩm. Và chiến tranh sẽ tạo ra các cuộc di cư, đe dọa thế quân bình xã hội.

Vấn đề quan trọng là nước, vì nó liên quan tới các phương tiện giúp con người sống còn. Các vùng tuyết băng đang từ từ biến mất khỏi các ngọn núi cao trên toàn thế giới. Thế giới đang mất đi các nguồn nước ngọt. Các dân tộc lâm vào cảnh thiếu nước sẽ bị bắt buộc phải đi tìm các nguồn nước để sống còn và sẽ xảy ra xung khắc, chiến tranh để chiếm được các nguồn nước (x. Ls 31)

Các bệnh tật tăng lên

Theo Hãng tin Reuters, trong số ra ngày 16-5-2009, tạp chí y khoa Lancet (Anh) khẳng định: “Biến đổi khí hậu là mối đe dọa y tế lớn nhất trong thế kỷ 21”. Mới đây Cơ quan Bảo vệ môi trường Mỹ (EPA) xác định khí thải nhà kính là mối nguy hiểm đối với sức khỏe con người. Tạp chí Lancet dẫn nghiên cứu của Đại Học London cho biết các hiểm họa sức khỏe do hiện tượng Trái đất ấm dần lên rất da dạng.

Không khí ô nhiễm gây tác hại trên sức khỏe – đặc biệt cho những người nghèo nhất – đưa đến hàng triệu trường hợp tử vong rất sớm (Ls 20, 21).

Nguồn nước ô nhiễm gây bệnh tật do các vi khuẩn và những chất hóa học gây nên. Tiêu chảy và bệnh dịch tả cùng với công tác vệ sinh phòng dịch không đầy đủ đưa đến nhiễm bệnh của các trẻ em, phải bị chết sớm (x. Ls 29). Mức độ ô nhiễm nước và không khí chủ yếu do chất thải công nghiệp, rác thải của các hộ dân cũng như các kim loại nặng[20]. Tại Việt Nam, cũng bắt đầu xuất hiện tỉ lệ mắc ung thư cao ở một số vùng bị ô nhiễm nguồn nước, do xí nghiệp xả thải, một số người thiếu ý thức vứt rác thải, xác súc vật vô tội vạ xuống các dòng sông nhiều năm qua làm nguồn nước ngầm ô nhiễm nặng[21].

II. Giáo huấn của Giáo Hội Công Giáo về luân lý môi sinh: sống mối hiệp thông giữa Thiên Chúa, con người và vũ trụ

“Hòa bình với Thiên Chúa Đấng Tạo Hóa, hòa bình với mọi tạo vật.” (Thánh Gioan Phaolô II)[22].

Giáo hội Công giáo cổ vũ lòng kính trọng đối với công trình sáng tạo của Thiên Chúa và ý thức liên đới toàn cầu trong việc quản lý khôn ngoan và có trách nhiệm đối với các thụ tạo, môi trường sống quý giá.

Từ thập niên 60 của thế kỷ trước, Thánh Giáo Hoàng Phaolô VI đã có sứ điệp gửi đến các tín hữu nhắc nhở về trách nhiệm bảo vệ môi sinh trong nhãn giới đức tin. Năm 1971, Ngài trình bày con người là tác nhân của khủng hoảng môi sinh khi sản xuất và tiêu thụ không kiểm soát: “Qua việc khai thác vô tội vạ thiên nhiên, con người phải đối mặt với một nguy hiểm là sẽ tàn phá thiên nhiên và trở thành tế vật cho việc tàn phá của mình”[23]. Ngài nhấn mạnh về sự cấp thiết hoán cải tận căn trong thái độ của nhân loại, vì những tiến bộ nhanh chóng về mặt khoa học kỹ thuật, sự phát triển to lớn của nền kinh tế, nếu như chúng không đi kèm theo sự phát triển xã hội toàn diện và luân lý đích thực, sẽ chống lại loài người[24].

Thánh Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II, khẳng định khủng hoảng môi sinh đồng thời là một khủng hoảng về luân lý. Trong thông điệp đầu tiên, Ngài đã cảnh báo: “Con người đã không nhìn vũ trụ với một ý nghĩa nào khác, ngoài mục đích sử dụng trực tiếp và lạm dụng”[25]. Ngài kêu gọi toàn thế giới phải có một sự chuyển đổi về mặt sinh thái[26], cần gìn giữ những điều kiện luân lý cho một sinh thái nhân bản (Humanõkilogie – écologie humaine)[27]. Việc bảo vệ trái đất đòi hỏi thay đổi sâu xa trong “cách sống, kiểu mẫu sản xuất, tiêu thụ và cơ cấu quyền lực, là những thứ đang thống trị xã hội”[28]. Việc phát triển mang tính nhân bản thực sự phải đưa đến một sự tôn trọng trọn vẹn đối với con người, cùng lúc phải chú tâm đến vũ trụ, các loài thụ tạo khác, đến “bản chất của từng sinh vật và liên hệ trao đổi của nó trong hệ thống xác định”[29].

Trong ngày hòa bình thế giới 1/1/2007, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI phân tích mối tương quan chặt chẽ giữa con người, môi sinh và Thiên Chúa: “thái độ vô tâm đối với môi trường sẽ làm tổn thương cuộc sống chung của nhân loại và ngược lại. Sự tương quan chặt chẽ bất khả phân ly giữa sự hài hòa với thiên nhiên và sự bình an giữa con người với nhau luôn luôn là một điều quá minh nhiên. Nhưng cả hai sự bình an và hài hòa đó phải được bắt nguồn từ sự bình an với Thiên Chúa.” Sâu xa, vì số đông con người ngày nay cho rằng không có những chân lý nội tại hiển nhiên, những chân lý hướng dẫn đời sống nhân loại, và vì thế sự tự do của con người được đẩy đến tuyệt đối một cách sai lầm. Người ta quên rằng, “con người không tự tạo tự do cho riêng mình. Con người không thể tự tạo ra mình. Con người là tinh thần và ý chí, nhưng cũng là vật chất”[30].

Tại Castelgandolfo, buổi sáng 10-09-2009 Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã tiếp nhóm tài trợ cho điện Vatican tại “Triển lãm Zaragoza 2008”, Ngài nói: “Khi tham gia triển lãm, Tòa Thánh muốn cho thấy nhu cầu cấp thiết không chỉ là bảo vệ môi trường và thế giới tự nhiên, nhưng còn là khám phá chiều kích tôn giáo và tinh thần sâu xa hơn của môi trường,” và “Sự thật là khi Thiên Chúa, qua việc sáng tạo, đã giao cho con người chìa khóa của trái đất, thì Người muốn con người sử dụng món quà lớn lao này với tinh thần trách nhiệm và lòng tôn trọng để đem lại kết quả”.

Trong thông điệp Laudato Si’ ngỏ lời với tín hữu toàn cầu về trách nhiệm bảo vệ môi sinh qua việc sống hiệp thông liên đới giữa con người với nhau, với trái đất và với Thiên Chúa, Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhắc lại lời thánh Gioan Phaolô II: “Đặc biệt các tín hữu Kitô nhận thấy rằng nghĩa vụ của họ giữa lòng thiên nhiên, các nghĩa vụ của họ đối với thiên nhiên và Đấng Tạo Hóa là thành phần đức tin của họ” (Ls 64). Khi con người phá hủy thiên nhiên, con người phạm tội với thiên nhiên, với chính nhân loại và với Thiên Chúa (x. Ls 6). Như thế khi bảo vệ môi sinh, con người làm hòa, sống hiệp thông với thiên nhiên, với chính mình và với Thiên Chúa.

Truyền thống giáo huấn xã hội của Giáo hội Công giáo gửi đến cho con người một quan điểm phát triển và độc đáo về các vấn đề môi trường. Từ truyền thống này, có thể rút ra vài chiều kích toàn vẹn về trách nhiệm con người về môi sinh.

1. Vũ trụ thánh thiêng

Toàn thể vũ trụ là nơi cư ngụ của Thiên Chúa. Trái đất, một góc rất nhỏ, được chúc phúc riêng biệt của vũ trụ đó, là ngôi nhà của nhân loại, và con người không bao giờ cảm thấy dễ chịu thoải mái như khi Thiên Chúa cư ngụ với họ. Khởi đầu tạo dựng, tổ tiên con người đã đi dạo với Thiên Chúa trong hiu hiu gió mát. Xuyên suốt lịch sử, con người đã tiếp tục gặp gỡ Đấng Sáng Tạo trên những đỉnh núi, sa mạc mênh mông, cạnh những dòng thác và những con suối êm đềm. Trong những cơn bão và động đất, dân tìm ra những diễn tả của quyền uy Thiên Chúa. Trong chu kỳ của các mùa và vận hành các dải ngân hà, con người phân định được những dấu hiệu của sự hiện diện, sự khôn ngoan và trung tín của Thiên Chúa. Nhưng như những người thừa kế và nạn nhân của cuộc cách mạng kỹ nghệ, những cư dân thành thị, nhiều người dân trở nên xa lạ với nhịp độ tự nhiên của sự sống trên trái đất[31].

Đối với nhiều người, phong trào bảo vệ môi trường đánh thức trở lại sự nhận thức sâu sắc sự thật rằng, thông qua các món quà thiên nhiên được tạo dựng, con người gặp gỡ Đấng Tạo hóa. Nhãn quan Kitô giáo về một vũ trụ thánh thiêng - một thế giới bộc lộ sự hiện diện của Đấng Tạo Hóa bởi những dấu hiệu hữu hình và vô hình, có thể đóng góp xây dựng Trái Đất một lần nữa thành ngôi nhà cho gia đình nhân loại. Tuơng quan Thiên Chúa - con người - thụ tạo có thể diễn tả qua ba mối liên hệ không tách rời: giữa loài người và các tạo thành khác; loài người với Thiên Chúa; và Thiên Chúa với các tạo thành.

Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã kêu gọi các Kitô hữu tôn trọng và bảo vệ môi sinh, để thông qua tự nhiên, con người có thể “chiêm niệm mầu nhiệm của sự tối cao và tình yêu Thiên Chúa.” Tôn kính Đấng Tạo Hóa hiện diện và hành động trong tự nhiên, hơn nữa, điều này có thể làm cơ sở cho việc con người trách nhiệm đối với môi sinh. Bởi vì chính cây cối, muông thú, đồi núi và đại dương, trong vẻ đáng yêu và siêu phàm của chúng, nâng tâm trí chúng ta lên với Thiên Chúa. Tất cả thụ tạo thuộc quyền Thiên Chúa, và làm tôn vinh Thiên Chúa. Thiên Chúa tạo nên muôn loài và tiếp tục làm cho chúng hiện hữu. Vì vậy, “nhiệm vụ đầu tiên của chúng ta là tôn trọng vạn vật hơn là chỉ chăm sóc cho chúng. Đôi khi chúng ta cần để vạn vật một mình, đôi khi sống hòa hợp với chúng”[32]. Thái độ tôn trọng này cần xuất phát từ một sự hoán cải của con tim hơn là sự xác tín từ khối óc[33]. Chính là với Đấng Tạo Hóa mà con người phải trả lời cho việc chúng ta làm gì, hoặc thất bại không làm, để duy trì và chăm sóc cho Trái Đất và các tạo thành khác (Tv 24,1). Cư ngụ trong sự hiện diện của Thiên Chúa, chúng ta kinh nghiệm được chính chúng ta là một thành phần của vũ trụ, là người quản lý từ bên trong của vũ trụ chứ không tách rời khỏi nó. Sự viên mãn của đời sống đến từ việc sống một cách có trách nhiệm với các tạo thành của Thiên Chúa.

Tính quản lý chỉ ra rằng chúng ta phải chăm sóc cho vạn vật theo những tiêu chuẩn không phải do tự chúng ta đặt ra và đồng thời phải khơi nguồn tìm tòi những phương thức để làm cho Trái Đất sinh sôi phong phú. Đây là một quân bình khó khăn. Ngay cả khi chúng ta thưởng thức sự tốt lành của trái đất và vẻ đẹp của thiên nhiên, trách nhiệm quản lý đặt chúng ta chịu trách nhiệm đối với điều lợi ích cho mọi thụ tạo. “Hiện tại và tương lai của thế giới tùy thuộc vào việc bảo vệ thụ tạo”[34].

Tôn trọng sự sống

Tôn trọng thiên nhiên và tôn trọng sự sống liên hệ hữu cơ với nhau. Thánh Gioan Phaolô II đã dạy tôn trọng sự sống và trên hết tôn trọng phẩm vị của con người phải mở rộng đến các thụ tạo khác[35]. Các chủng loài khác, các hệ thống sinh thái, và ngay cả những thắng cảnh đặc sắc đều làm tôn vinh Thiên Chúa. Giao Ước ban cho Noah là một lời hứa cho toàn trái đất (St 9,9-10), “Đây ta lập giao ước của Ta với các ngươi, với dòng dõi các ngươi sau này và tất cả mọi sinh vật ở với các ngươi: chim chóc, gia súc, dã thú ở với các ngươi, nghĩa là mọi vật ở trong tàu đi ra, kể cả dã thú”.

Tính khác biệt đa dạng của đời sống biểu lộ vinh quang Thiên Chúa. Mỗi thụ tạo chia sẻ một chút vẻ đẹp thần linh. Bởi vì sự tốt lành Thiên Chúa không thể được đại diện bởi chỉ riêng một thụ tạo, Aquinas nói với chúng ta rằng Thiên Chúa “tác tạo nhiều thụ tạo phong phú đa dạng, để các thụ tạo có thể bổ sung cho nhau, nói lên sự thiện hảo Thiên Chúa… do đó toàn thể vũ trụ tham dự vào sự tốt lành của Thiên Chúa một cách hoàn hảo hơn và đại diện vinh quang Thiên Chúa, tốt hơn bất cứ một thụ tạo riêng lẻ nào”[36]. Sự khác biệt tuyệt vời của thế giới tự nhiên do đó, là một phần của kế hoạch Thiên Chúa, và như vậy, mời gọi chúng ta tôn trọng. Theo đó, điều thích hợp là chúng ta đối xử với các thụ tạo khác và với thế giới tự nhiên không chỉ như là phương tiện để triển nở nhân loại, nhưng cũng như các thụ tạo của Thiên Chúa, mang một giá trị độc lập, xứng với sự tôn trọng và chăm sóc của chúng ta.

Bằng cách bảo tồn môi trường thiên nhiên, bằng cách bảo vệ các chủng loài đang bị lâm nguy, bằng cách lao động để làm cho các môi trường thích hợp tương ứng với sinh thái địa phương, bằng cách áp dụng kỹ thuật thích hợp, và bằng cách lượng giá một cách cẩn thận những khai phá kỹ thuật mới khi chúng ta áp dụng chúng, chúng ta bày tỏ sự tôn trọng với vạn vật và tôn kính Đấng Tạo Hóa.

Lợi ích chung trái đất

Năm 1963, Thánh Giáo Hoàng Gioan XXIII, trong tông thư “Hòa Bình Trên Trái Đất” (Pacem in Terris), nhấn mạnh đến sự phụ thuộc lẫn nhau ngày càng lớn lên của thế giới. Ngài thấy các vấn nạn nổi lên, mà những cơ chế chính trị truyền thống không thể đáp ứng được, và Ngài mở rộng những nguyên tắc truyền thống lợi ích chung từ quốc gia đến cộng đồng thế giới. Các quan tâm sinh thái ngày nay đã nâng cao nhận thức của chúng ta về sự phụ thuộc lẫn nhau của thế giới như thế nào. Một số trong các vấn đề môi trường nghiêm trọng nhất rõ ràng là mang tính chất toàn cầu. Trong thế giới đang thu nhỏ lại này, mọi người đều chịu ảnh hưởng, và mọi người đều có trách nhiệm, mặc dù những người mang trách nhiệm nhiều nhất thông thường lại là những người ít chịu ảnh hưởng nhất về suy thoái môi trường. Lợi ích chung hoàn cầu có thể làm nền tảng cho một nền đạo đức môi trường toàn cầu.

Trong thông điệp Laudato Si’, số 93, Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc lại lời Thánh Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II đã xác định một cách mạnh mẽ giáo lý này: “Thiên Chúa đã tặng cho toàn thể nhân loại trái đất này để trái đất có thể nuôi sống tất cả, không loại trừ ai và cũng không ưu tiên cho ai”.

Trong nhiều phát biểu của mình, Thánh Gioan Phaolô II đã thừa nhận sự cần thiết cho một nền đạo đức nói trên. Năm 1990, trong bức thư viết trong ngày Hòa Bình Thế Giới, “Khủng Hoảng Môi Trường: Một Trách Nhiệm Chung,” Ngài viết: “Ngày nay khủng hoảng môi trường trở thành trách nhiệm của mọi người… các phương diện khác nhau của khủng hoảng chỉ ra nhu cầu cần có những nỗ lực cụ thể nhắm đến xây dựng những bổn phận và nhiệm vụ cho các cá nhân, dân tộc, quốc gia và cộng đồng liên quốc gia (s.15). Một số lớn cá nhân và tập thể thiếu động cơ, ý thức hành động để bảo toàn nguồn tài nguyên và môi trường. Nhiều khi sự lười biếng và ích kỷ khiến con người sẽ không thay đổi thói quen lối sống hại môi trường trong chừng mực bản thân họ không bị ảnh hưởng.

Các chính phủ có trách nhiệm đặc biệt trong lãnh vực này. Trong Centesimus Annus (CA), Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II nhấn mạnh rằng quốc gia có nhiệm vụ cung cấp “cho việc bảo vệ và bảo tồn các lợi ích chung như là môi trường nhân loại và tự nhiên, là những cái vốn không thể bảo đảm một cách đơn giản bằng sức mạnh thị trường” (s. 40).

Một sự liên đới mới

Môi trường và nguồn năng lượng của quả địa cầu ngày nay đã được xem là tài sản, lợi ích chung nhân loại. Tất cả mọi người hưởng phúc lợi từ việc bảo vệ chúng và sử dụng cách khôn ngoan nhưng mỗi cá nhân có thể vì lợi ích trước mắt sử dụng những biện pháp gây hại lâu dài cho môi trường.

Theo truyền thống Công giáo, lợi ích chung toàn cầu được đặc trưng bằng nhiệm vụ đoàn kết liên đới, “một xác quyết vững chắc dấn thân cho lợi ích chung,” “một ước muốn ‘mất chính mình’ vì người khác thay vì khai thác chúng”[37]. Đối mặt với “cơ cấu tội lỗi”, tính đoàn kết đòi hỏi hy sinh lợi ích của chính chúng ta để cho lợi ích của những người khác và lợi ích của trái đất. Tính đoàn kết đặt trên những nền dân chủ công nghiệp hiện đại những bổn phận đặc biệt. Thánh Gioan Phaolô II đã viết “Cuộc khủng hoảng sinh thái… bộc lộ nhu cầu luân lý khẩn cấp cho một sự liên đới mới, đặc biệt trong những tương quan giữa các nước đang phát triển và những nước đã kỹ thuật hóa cao” (EC 10). Chỉ với sự phát triển quân bình hài hòa, các nước nghèo mới có thể kiềm chế cuộc suy thoái môi trường đang tiếp diễn và tránh những hậu quả phá hủy của loại phát triển quá đà đã sử dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên một cách vô trách nhiệm.

Mục tiêu hoàn vũ của các thụ tạo

Thiên Chúa đã ban hoa trái của trái đất để duy trì toàn thể gia đình nhân loại mà “không loại trừ hay ưu đãi riêng ai”. Lao động nhân loại gia tăng khả năng sản sinh của trái đất và trong thời đại của chúng ta là “yếu tố sản sinh bao hàm cả sự giàu có vật chất lẫn vô vật chất” (CA 31). Thế nhưng một số đông con người, trong thế giới các nước thứ ba, cũng như trong một số các nước đã phát triển, vẫn còn bị lấy đi những phương tiện sinh sống. Trong khi tiến về một nền kinh tế bảo tồn môi trường, chúng ta bắt buộc phải làm việc cho một hệ thống kinh tế công chính chia sẻ công bình tài sản trái đất và hiệu quả lao động nhân loại cho tất cả các dân tộc. Các thụ tạo không thuộc về một nhóm người nào, nhưng là toàn thể gia đình nhân loại (x. Ls 83-94).

Chọn lựa người nghèo[38]

Vấn đề môi sinh nối kết mật thiết với công bình cho người nghèo. Thánh Gioan Phaolô II nêu lên sự bất công khi một số người chiếm hữu tài sản chung nhân loại: “Của cải trái đất, trong kế hoạch của Thiên Chúa, vốn là gia tài thừa hưởng chung cho mọi người… thường có nguy cơ trở thành tài sản của một số ít, những người thường nạo vét chúng, đôi khi phá hủy chúng, gây ra mất mát cho cả nhân loại”[39].

Người nghèo trên trái đất là một thử nghiệm về tình liên đới của chúng ta. Những sửa đổi thích nghi đau đớn, chúng ta phải đảm đương trong các nền kinh tế riêng của chúng ta, vì lợi ích của môi trường không được làm giảm thiểu sự nhạy cảm về nhu cầu của người nghèo trong nước và ngoài nước. Sự chọn lựa người nghèo cắm rễ trong Tin Mừng và giáo huấn Hội Thánh giúp chúng ta nhận thức rằng, người nghèo chịu thiệt hại trực tiếp nhất từ suy thoái môi trường và nhận được ít nhất để giảm thiểu những tổn thương của họ. Dân bản xứ chết với rừng và đồng cỏ của họ. Thiên nhiên sẽ thực sự vui hưởng mùa xuân thứ hai của nó chỉ khi nhân loại có lòng đồng cảm với đồng loại của chính mình. Một quan tâm “sống chết” là sự dấn thân hằng định của Giáo hội cho phẩm giá của lao động và quyền lợi của người lao động. Sự tiến bộ môi trường không thể đạt được bằng sự trả giá các quyền lợi của người lao động. Các giải pháp cho môi trường phải không ép buộc chúng ta chọn lựa giữa một môi trường tốt lành và một đời sống tốt đẹp tử tế cho người lao động.

Cần thừa nhận những xung đột tiềm năng trong lãnh vực này và nhân loại ra sức làm việc cho một hiểu biết, trao đổi tốt hơn, và tìm mảnh đất thỏa hiệp chung giữa người lao động và các nhà môi trường. Rõ ràng, người lao động không thể bị đòi hỏi hy sinh để cải thiện môi trường mà không có sự nâng đỡ từ cộng đồng rộng lớn hơn. Những nơi nào mà công việc bị mất, xã hội phải giúp đỡ trong quá trình hoán cải kinh tế, để không chỉ trái đất mà người lao động và gia đình của họ cũng được bảo vệ.

Sự phát triển đích thật

Sự phát triển kinh tế không bị kìm hãm không phải là câu trả lời để cải thiện đời sống của người nghèo. Giáo huấn xã hội Công Giáo không bao giờ chấp nhận sự tăng trưởng vật chất như là một mô hình của phát triển. Như Thánh Gioan Phaolô II đã nói, một “sự góp nhặt thuần túy về của cải và các phương tiện phục vụ, ngay cả vì lợi ích của đa số… không đủ để thực hiện hạnh phúc con người” (SR 28). Ngài cũng đã cảnh báo rằng trong ước muốn “chiếm hữu và hưởng thụ hơn là hiện hữu và tăng trưởng”, thì nhân loại “tiêu thụ những nguồn tài nguyên của trái đất không kìm hãm… như thể là nguồn tài nguyên đó không có mục đích riêng mình nó do Thiên Chúa ban cho.”

Sự cân bằng tiêu thụ năng lượng toàn cầu hơn bao giờ hết đã trở nên không thể duy trì do mức độ tiêu thụ bất công, không thể chấp nhận được của các nước và khu vực được mệnh danh “thế giới thứ nhất,” khi họ từ chối xuống thang trong lối sống[40]. Phát triển đích thật thúc đẩy điều tiết và ngay cả khổ chế trong sử dụng những nguồn tài nguyên vật chất. Nó cũng khuyến khích một cái nhìn quân bình về tăng trưởng con người đi liền với tôn trọng thiên nhiên. Hơn nữa, nó mở ra sự phát triển của các nhãn quan thay thế về xã hội tốt đẹp và áp dụng các mô hình kinh tế với những tiêu chuẩn về phúc lợi phong phú hơn là chỉ về sản phẩm vật chất. Phát triển đích thật đòi hỏi những quốc gia gây ảnh hưởng môi trường tìm kiếm những cách thức để giảm thiểu và tái cấu trúc sự tiêu thụ quá mức các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Cuối cùng, phát triển đích thật cũng yêu cầu khuyến khích sử dụng thích đáng kỹ thuật nông nghiệp và công nghiệp, để mà phát triển không chỉ đơn thuần nghĩa là tiến bộ kỹ thuật vì kỹ thuật nhưng đúng hơn kỹ thuật đó giúp ích dân chúng và bồi dưỡng đất đai (x. Ls 170-173).

Tiêu thụ và dân số

Trong các thảo luận đại chúng, có hai lãnh vực đặc biệt được nêu ra như đòi hỏi con người quan tâm và phán đoán nhiều hơn. Thứ nhất là tiêu thụ nguồn tài nguyên, thứ hai là tăng trưởng dân số thế giới. Một cách đáng tiếc là các nhóm lợi thế thường chú ý nhiều đến việc hạn chế sinh sản các nước đang phát triển, hơn là kìm hãm bớt chủ nghĩa tiêu thụ tham lam của thế giới các nước đã phát triển. Điều này có thể hòa lẫn bất công và gia tăng bất tôn trọng đời sống của những người yếu thế nhất trong chúng ta. Chẳng hạn, sự tăng trưởng dân số không phải là chính yếu cho bằng những nỗ lực vô vọng của những nước mang nợ nần để trả nợ nước ngoài bằng cách xuất khẩu sản phẩm cho các nước kỹ thuật tiên tiến làm cho các nông dân bỏ đất, phá hủy rừng làm xói mòn những ngọn đồi, nơi để sinh tồn, họ cũng đã phá hủy luôn môi trường.

Tiêu thụ trong các nước đã phát triển vẫn còn là một nguồn lớn phá hủy môi trường toàn cầu. Một thống kê cho thấy mỗi người Mỹ sử dụng năng lượng nhiều hơn gấp 28 lần một người ở một nước đang phát triển. Do đó, những nước đã phát triển phải ưu tiên hàng đầu xử lý việc sử dụng các tài nguyên một cách phá hủy và phí phạm.

Yếu tố trọng yếu, mặc dù không phải chỉ là một, trong việc đối đầu với vấn đề dân số, là phát triển kinh tế xã hội quân bình. Chỉ kỹ thuật thì không đem lại phúc lợi. Chỉ khi một nền kinh tế phân phối tài nguyên cho phép người nghèo có quyền lợi công bình trong xã hội và hy vọng nào đó cho tương lai thì vợ chồng có thể xem trách nhiệm làm cha mẹ sinh con là tốt cho gia đình. Đặc biệt, chăm sóc tiền sản, giáo dục, và chăm sóc sức khỏe phụ nữ, trẻ em, gia đình, hứa hẹn cải thiện hạnh phúc gia đình và góp phần để ổn định dân số. Hơn nữa, xây dựng sự phát triển xã hội như thế có thể là đóng góp tốt nhất của các xã hội có sức ảnh hưởng, có thể làm giảm nhẹ áp lực sinh thái nơi các quốc gia đang phát triển. Đồng thời, phải thừa nhận rằng tăng dân số nhanh chóng là vấn đề và thách thức đặc biệt cần phải được giải quyết để tránh gây tổn thương cho môi trường và cho phát triển xã hội. Thánh Giáo hoàng Phaolô VI nói: “không chối bỏ rằng gia tăng dân số rất thường gây nên khó khăn cho kế hoạch phát triển bởi vì dân số tăng nhanh hơn các nguồn tài nguyên đang có” (Populorum Progressio, 37). Trong Sollicitudo rei socialis, Thánh Gioan Phaolô II cũng lưu ý tương tự: “chúng ta không thể chối bỏ sự hiện hữu, đặc biệt ở Nam bán cầu, vấn đề dân số tạo nên các khó khăn cho việc phát triển” (s.25). Thánh Gioan Phaolô II đã nối kết các vấn đề với nhau: dân số, phát triển và môi trường. Ngài bình luận: “cần ý thức về giới hạn của các nguồn tài nguyên đang có, về nhu cầu tôn trọng tính toàn vẹn và các chu kỳ tăng trưởng của thiên nhiên và tính toán đến các yếu tố này khi lên kế hoạch cho phát triển…” (SRS 26). Mặc dù có thể nuôi sống một dân số đang tăng lên, cái giá của môi sinh khi thực hiện điều đó phải được cân nhắc. Để xóa đói trên trái đất, cộng đồng thế giới cần cải cách các cấu trúc chính trị và hiến pháp gây trở ngại việc phân phối lương thực cho dân chúng[41].

Vì vậy, Giáo Hội đáp trả vấn đề dân số trong bối cảnh của giáo huấn của mình về đời sống con người, về phát triển đích thật, công bình, về chăm sóc cho môi trường và tôn trọng tự do của các cặp vợ chồng quyết định về số lượng con cái và khoảng cách giữa các lần sinh. Khi tôn trọng những giá trị này và phát xuất từ tôn trọng những quy tắc văn hóa, Giáo hội tiếp tục phản đối các phương pháp cưỡng bức để hạn chế sinh sản và các chương trình làm lệch lạc các quyết định. Tôn trọng thiên nhiên thì phải khuyến khích các chính sách thúc đẩy kế hoạch hóa gia đình theo tự nhiên và trách nhiệm làm cha mẹ đích thực hơn là các chương trình ngừa thai nhân tạo kiểm soát dân số cưỡng bức, xâm phạm quy tắc văn hóa và tôn giáo và giáo huấn Giáo Hội.

Cuối cùng, tất cả chúng ta phải gánh lấy trách nhiệm phục hồi tính toàn vẹn của vạn vật. Chúng ta phải chăm sóc cho mọi thụ tạo của Thiên Chúa, đặc biệt những thụ tạo mong manh nhất. Thế thì, làm thế nào chúng ta bảo vệ các chủng loài đang bị đe dọa và cùng lúc lại nhẫn tâm với các trẻ chưa sinh, người già, hay người khuyết tật? Phá thai không phải là một tội chống lại tạo dựng sao? Nếu chúng ta quay lưng với những đứa bé chưa sinh của chúng ta, chúng ta có thể thực sự chờ đợi rằng thiên nhiên sẽ nhận được những đối xử tôn trọng từ bàn tay của chúng ta không? Chăm sóc trái đất sẽ không tiến triển bởi việc phả hủy đời sống con người ở bất cứ giai đoạn nào của tăng trưởng. Như Thánh Gioan Phaolô II đã nói: “bảo vệ môi trường trước hết là bảo vệ quyền sống và bảo vệ sự sống”[42].

Mạng lưới sự sống

Bên cạnh các vấn đề đã nêu, rõ ràng, chiến tranh tiêu biểu cho đe dọa môi trường. Theo đuổi hòa bình - một nền hòa bình thực sự lâu dài xây dựng trên công bình - phải là một ưu tiên môi sinh vì trái đất chính mình phải mang những vết thương và sẹo chiến tranh. Tương tự, các nỗ lực mà chúng ta nhằm bảo vệ phẩm giá và quyền lợi của người nghèo, người lao động, để sử dụng sức mạnh của nền kinh tế thị trường đáp ứng các nhu cầu cơ bản con người, và để đòi hỏi công bằng kinh tế toàn cầu thực sự liên hệ cách hữu cơ với nỗ lực bảo vệ và duy trì trái đất. Các vấn đề này không tách rời và khác biệt nhưng là các thách thức bổ sung. Chúng ta cần xây dựng các cầu nối giữa hòa bình, công bằng cũng như các hiến chế và biện pháp môi sinh.

  1. Các bước cụ thể bảo vệ môi sinh

để sống hiệp thông giữa Thiên Chúa - con người - vũ trụ

Thế hệ hôm nay phải biện phân các giải pháp dài hạn và ngắn hạn để bảo đảm cho các thế hệ tương lai có thể tồn tại và phát triển. Chúng ta cần hiểu và hành động cụ thể. Mỗi người đều có thể trở thành anh hùng khí hậu qua những đóng góp nhỏ nhặt hằng ngày và xây dựng môi trường xanh sạch tươi mát cho mái nhà chung thân yêu của chúng ta (x. Ls 163,164).

Qua các phần trình bày trên, chúng ta thấy được mối liên hệ hữu cơ giữa Thiên Chúa, con người và môi sinh; giữa môi sinh và công bình. Môi sinh làm thành một phần hiểu biết của chúng ta về công bình và trở nên một chiều kích thiết yếu cho đức tin, đời sống và sứ vụ của Kitô hữu.

Nguyên tắc cơ bản[43]

- Bảo vệ môi sinh là nhiệm vụ của mỗi người và mọi người. Bảo vệ môi sinh phải là một ưu tiên tông đồ trong thế giới hôm nay, cho thế hệ hôm nay và ngày mai.

- Dù khác biệt, chúng ta là một gia đình nhân lọai, một cộng đồng Trái Đất với một vận mệnh chung. Phải nối kết cùng nhau để phát triển một xã hội toàn cầu xây dựng trên sự tôn trọng thiên nhiên, các thụ tạo, nhân quyền, công bằng kinh tế, và một nền văn hóa của hòa bình.

- Sự đóng góp của tôn giáo, đặc biệt một nền thần học môi sinh Kitô giáo là không thể thiếu, để cung cấp một quan niệm về phát triển vốn phải đáp ứng cho việc duy trì và xây dựng một thế giới công bình liên đới. Thần học tạo dựng giúp hướng dẫn một linh đạo về môi sinh, để hoán cải trái tim con người và cung cấp một nhãn quan về vũ trụ thánh thiêng, một mạng lưới tương quan giữa loài người và các tạo thành khác, giữa con người với Thiên Chúa và  Thiên Chúa với các tạo thành.

- Di sản phong phú của Kitô giáo, Khổng giáo và Phật giáo là một phương tiện hữu ích giúp chuyển biến tích cực về môi sinh. Thực hiện đối thoại văn hóa, tôn giáo phải đi cùng với bảo vệ môi sinh.

- Cần có sự thấu cảm vượt lên không gian và thời gian. Để thúc đẩy điều này, quyền của các thế hệ tương lai cần phải được xem là quyền thiêng liêng trong hiến pháp.

Một số hành động cụ thể mà mỗi người dân nhỏ bé chúng ta đây có thể làm ngay. Chúng ta có thể bắt đầu thay đổi lối sống ngay từ hôm nay, với những bước nhỏ và phân định cẩn thận. Chiến lược Ba “R” được nhấn mạnh: reduce, reuserecycle (giảm thiểu tiêu thụ, tái sử dụng và tái chế). Có thể kể ra vài việc cụ thể mà mỗi người có thể cố gắng:

  • Ngưng sử dụng các vật liệu bao bì plastic, chai nhựa và thay thế bằng những bao bì có thể hủy hoại dễ.
  • Trồng ít nhất một cây mỗi năm như một mục đích hay gây quỹ để trồng rừng nơi khác của thế giới. Trồng một khu vườn.
  • Tiết kiệm thức ăn, nước, năng lượng, gỗ.
  • Sử dụng và mua những đồ dùng “second hand”, mượn, thuê, hay sửa chữa.
  • Sử dụng các phân bón thân thiện với môi trường.
  • Chuyển sang sử dụng nguồn năng lượng có thể tái phục hồi.
  • Nâng cao ý thức dân chúng thông qua việc giáo dục và chiến dịch vận động vì môi trường trong cộng đồng.
  • Mua các sản phẩm nông nghiệp nội địa.
  • Đi bộ, xe đạp hoặc dùng phương tiện giao thông công cộng thay vì xe máy, xe hơi.
  • Khuyến khích một hệ thống chuyên chở công cộng tốt hơn.

Những người được tuyên dương là anh hùng khí hậu kêu gọi mỗi người làm những việc rất đơn giản như khóa vòi nước trong lúc đang đánh răng, dùng nước rửa rau để tưới cây, tổ chức các buổi đàm luận ở nơi làm việc hay khu công cộng để khơi dậy ý thức nơi mọi người về sự sống còn của nhân loại qua việc tích cực bảo vệ môi trường[44]. Mỗi cộng đoàn, gia đình, khu xóm có thể chọn vài cụ thể mà họ có thể thực hiện để cải thiện môi trường. Các chọn lựa có thể nhỏ bé, nhưng có thể có giá trị như là một dấu hiệu nhạy cảm đạo đức về quyền lợi người khác, đặc biệt là quyền lợi người nghèo và các thế hệ tương lai, đặc biệt là tôn trọng Thiên Chúa, Đấng Tạo Hóa.  

Lời khấn khó nghèo của người tu sĩ hôm nay

Nếu chúng ta chọn lựa diễn tả lời khấn khó nghèo như là một lời mời gọi sống đơn giản, “tiêu thụ ít, xả rác ít, bớt gánh nặng cho môi trường,” nó có thể trở thành một biểu trưng mạnh mẽ cho quan tâm của chúng ta cho thiên nhiên và ảnh hưởng lên người khác, những người đang bị kéo vào một thế giới tiêu thụ và vật chất. Phụ thuộc vào các điều kiện địa phương, diễn tả của lời khấn này có thể khác nhau ở các nơi khác nhau. Mọi cộng đoàn nên có kế hoạch chung nói lên ước muốn sống đơn giản và trong liên đới, một kế hoạch có thể dễ lượng giá qua từng giai đoạn[45].

Hướng tới một Linh Đạo Thiêng Liêng

Hội thánh Công giáo Rôma thúc đẩy việc lành mạnh hóa môi sinh không chỉ bằng hành động cụ thể, mà sâu xa hơn, khẩn thiết hơn, là tái xây dựng một tương quan đúng đắn với Đấng Tạo Hóa, đó là tôn trọng Thiên Chúa và các thụ tạo của Ngài. Đối với Kitô hữu, tin kính Thiên Chúa Ba ngôi hiệp thông, sáng tạo vũ trụ, dẫn đến niềm xác tín Ba Ngôi ghi dấu trên mọi thụ tạo (x. Ls 239). Con người được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa và vì thế có mối tương quan liên vị mật thiết với Thiên Chúa, với nhau, và qua đó, kiến tạo mạng lưới tương quan với mọi thụ tạo khác (x. Ls 240).

Thánh Phanxicô Assisi được phong làm Đấng quan thầy bảo trợ môi sinh. Đức Thánh Cha Phanxicô dạy chúng ta rằng Thánh Phanxicô Assisi là mẫu gương tuyệt vời cho việc tôn trọng những gì yếu đuối và cho một sinh thái được sống cách trọn vẹn đầy niềm vui đích thực. Ngài sống trong sự đơn sơ và hòa hợp cách huyền nhiệm với Thiên Chúa, với kẻ khác, với vạn vật và với chính bản thân. Trong ngài, chúng ta thấy rõ ngài liên kết tất cả việc tôn thờ Thiên Chúa, chăm sóc thiên nhiên, sự công bình với kẻ nghèo, việc dấn thân cho xã hội và bình an nội tâm, tất cả hòa quyện với nhau, không thể phân ly (x. Ls 10).

BS Trần Như Ý Lan

Dòng Đức Bà



[1] Phương Nam, OP, “Thần Học Sinh Thái”, http://daminhvn.net/suy-tu-nghien-cuu/than-hoc-sinh-thai-6657.html

[2] “Synthèse des travaux de l’assemblée synodale, le rapport final voté par les pères », trong La documentation catholique, 5/1/1986, s. 1909, tr.39

[3] Trần Văn Hội, « Giáo hội, mầu nhiệm hiệp thông theo Công Đồng Vatican II », http://www.simonhoadalat.com/HOCHOI/Giaohoi/ThuongHuan/ThuongHuan2009/02GiaoHoiMauNhiemHiepThong.htm

[4] Nhà thám hiểm Robert Swans tiên phong trong hoạt động bảo vệ môi trường, là một trong những nhà diễn thuyết tài năng nhất thế giới, được phong tước Hiệp sĩ Phẩm trật Đế chế Anh, người đầu tiên trong lịch sử nhân loại từng đi bộ tới cả Nam Cực và Bắc Cực.  Ông thành lập Tổ chức 2041, với nhấn mạnh năm 2041, thời điểm Nghị định thư về Bảo vệ Môi trường của Hiệp ước Nam Cực có khả năng bị sửa đổi theo chiều hướng tích cực hoặc tiêu cực. Tổ chức 2041 nhắm đến gây ý thức về tầm quan trọng và bảo vệ tính hiệu lực của Hiệp ước Nam Cực, để vùng châu lục hoang dã lớn nhất còn lại trên trái đất không bị khai thác. X. Ngọc Tuấn, “Minh Hồng sẽ Thám hiểm Nam Cực lần thứ hai”, 17/9/2009.

[5] Hoành Sơn, SJ, “Môi Sinh và năng lượng trên thực đơn sống đạo hôm nay”.

[6] Hoành Sơn, SJ, “Môi Sinh và năng lượng trên thực đơn sống đạo hôm nay”.

[7] Peter-Han Kolvenbach, “Our mission Today and Tomorrow,” trong Faith Doing Justice: Promoting Solidarity in Jesuit Minitries, (Detroit, 1991) 52.

[8] Hoành Sơn, SJ, “Môi Sinh và năng lượng trên thực đơn sống đạo hôm nay”.

[9] “What is climate change?” http://www.ecy.wa.gov/climatechange/whatis.htm , 11/8/2016.

[10] Hai Tom Can Gio, “Đôi dòng về môi trường sinh thái,” VietCatholic News, 5/6/ 2009.

[11] Hai Tom Can Gio, “Đôi dòng về môi trường sinh thái,” VietCatholic News, 5/6/2009.

[12] Hai Tom Can Gio, “Đôi dòng về môi trường sinh thái,” VietCatholic News , 5/6/2009.

[13] Đ. Đối, “Tây Nguyên, không nên vắt kiệt nước ngầm cho sản xuất”, 7/6/2009, http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=320323&ChannelID=17

[14] Thư Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI gửi Hội Nghị Quốc Tế Chuyên Đề Lần Thứ Tám về Tôn Giáo, Khoa Học và Môi Trường, tại Memphis, USA tháng 10/2009, http://vietcatholic.org/News/Html/72443.htm

[15] Thanh Trúc, “Những nguồn nước chết: Bài học Asopos”, (20/9/2008 theo Reuters), http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=279328&ChannelID=17

[16] N. Triều, Q. Thanh, Q. Khải, “Các con sông tiếp tục bị ‘đầu độc’” (16/8/2008) http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=273855&ChannelID=3

[17] Hai Tom Can Gio, “Đôi dòng về môi trường sinh thái”, VietCatholic News (05 Jun 2009)

[18] “Formosa đứng đầu các vụ gây ô nhiễm năm 2016”, https://tuoitre.vn/formosa-dung-dau-cac-vu-gay-o-nhiem-nam-2016-1351267.htm

[19] Jacques Ellul, The Technological System (New York: Seabury, 1980). Trích trong John Carmony, “Ecology and Religion,” 25.

[20] X. Ls s. 29, Q. Hương, “Bản đồ ‘các làng ung thư’ ở Trung Quốc,” (Theo Courrier International) (10/6/2009) http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=320756&ChannelID=2

[21] Minh Thu, “Lìa cành khi lá vẫn còn xanh,”  (20/6/2009) http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=320930&ChannelID=89

[22] Gioan Phaolô II,” Message of His Holiness for the celebration of the World day of Peace,” 1/1/1990,

<http://www.vatican.va/holy_father/john_paul_ii/messages/peace/documents/hf_jp-ii_mes_19891208_xxiii-world-day-for-peace_en.html>

[23] Apostolic Letter Octogesima Adveniens (14/5/1971), 21: AAS 63 (1971), 416-417, trích lại trong thông điệp Laudato sí, s.4.

[24] Address to FAO on the 25th Anniversary of its Institution (16/11/1970), 4: AAS 62 (1970), 833, trích lại trong thông điệp Ls s.4.

[25] Encyclical Letter Redemptor Hominis (4/3/1979), 15: AAS 71 (1979), 287.

[26] x. Catechesis (17/1/2001), 4: Insegnamenti 41/1 (2001), 179, trích lại trong thông điệp Ls s. 5

[27] Encyclical Letter Centesimus Annus (1 May 1991), 38: AAS 83 (1991), 841, trích lại trong thông điệp Ls s.5.

[28] Encyclical Letter Centesimus Annus, s. 58, trích lại trong Ls 5.

[29] Gioan Phaolô II, Encyclical Letter Sollicitudo Rei Socialis (30/12/1987), 34: AAS 80 (1988), 559, trích lại trong Ls 5.

[30] Address to the Bundestag, Berlin (22 September 2011): AAS 103 (2011), 664, trích lại trong Ls 6.

[31] x. Ls 77-88; Hội Đồng Giám Mục Hoa –Kỳ, “Catholic Social Teaching and Environmental Ethics”, http://www.webofcreation.org/DenominationalStatements/catholic.htm

[32] Paul Fyle SJ, ASL, submission to IEN, May 2007, trích dẫn trong Social Justice Secretariat, Society of Jesus, “Our Mission and the Environment”, 2008.

[33] Hyun- Chul Cho, submission to IEN, July 2007, được trích dẫn trong Social Justice Secretariat, Society of Jesus, “Our Mission and the Environment”, 2008.

[34] Gioan Phaolô II, “Respect for Human Rights: The Secret of True Peace”, Message for the World day of Peace, 1999, s. 10.

[35] Gioan Phao lô II, The Ecological Crisis: A Common Responsibility, s. 7

[36] ST Prima Pars, q. 48 ad 2.

[37] Gioan Phaolô II, Sollicitudo Rei Socilis, SRS s.38.

[38] Hội Đồng Giám Mục Hoa –Kỳ, “Catholic Social Teaching and Environmental Ethics”, http://www.webofcreation.org/DenominationalStatements/catholic.htm

[39] Bài nói chuyện tại Hội Nghị giới thiệu ấn bản thứ hai “Bài ca Vạn Vật” của Thánh Phan-xi-cô, Giải Thưởng Quốc tế về Môi Trường, 25/10/1991.

[40] Social Justice Secretariat, Society of Jesus, “Our Mission and the Environment,” 2008.

[41] Hội Đồng Giám Mục Hoa –Kỳ, “Catholic Social Teaching and Environmental Ethics”.

[42] Bài Giảng tại Quiaba, mato Grosso, Brazil, 16/10/1991.

[43] “Our Mission and the Environment”, được viết bởi một nhóm 18 linh mục Dòng Chúa Giêsu, thành viên của Mạng Lưới Sinh Thái Thánh I-Nhã (IEN, Ignatian Ecology Network). Mạng lưới này được thành lập trong Văn Phòng Công Lý Xã Hội ở Roma để chuẩn bị cho Tổng Tu Nghị thứ 35.

[44] Hạnh Nguyên, “Ngày Môi Trường Thế Giới: Tôn Vinh những Anh Hùng khí hậu,”  (5/6/2009) http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=319874&ChannelID=17

[45] “Our Mission and the Environment”.

 

Tác giả: BS Trần Như Ý Lan - Dòng Đức Bà
Tag:

Các tin khác:


Các tin đã đưa ngày: