SÁCH GIÁO LÝ CỦA HỘI THÁNH CÔNG GIÁO (Số 74-100)
19 / 06/ 2021, 04:06:46
Mục 2
Sự lưu truyền Mạc Khải của Thiên Chúa
Articulus 2
De transmissione revelationis divinae
74. Thiên Chúa “muốn cho mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý” (1 Tm 2,4), nghĩa là, nhận biết Đức Kitô Giêsu . Vì vậy Đức Kitô phải được rao giảng cho mọi dân tộc và mọi người, và mạc khải phải được loan truyền đến tận cùng thế giới.
“Những gì Thiên Chúa đã mạc khải để cứu rỗi muôn dân, Ngài đã ân cần sắp đặt để luôn được bảo toàn và lưu truyền nguyên vẹn cho mọi thế hệ” .
I. TRUYỀN THỐNG CÁC TÔNG ĐỒ
DE TRADITIONE APOSTOLICA
75. “Chúa Kitô, nơi Người, Thiên Chúa tối cao hoàn tất trọn vẹn mạc khải, đã truyền dạy các Tông Đồ rao giảng cho mọi người Tin Mừng đã được hứa trước qua miệng các tiên tri, và được chính Người thực hiện và công bố; các ngài rao giảng Tin Mừng như nguồn mọi chân lý cứu độ và luật lệ luân lý, đồng thời truyền thông cho họ các hồng ân của Thiên Chúa” .
Lời rao giảng của các Tông Đồ
76. Theo mệnh lệnh của Chúa, việc lưu truyền Tin Mừng đã được thực hiện bằng hai cách:
Bằng truyền khẩu: “một phần do các Tông Đồ: qua lời giảng dạy, gương lành và các định chế, các ngài đã truyền lại những gì đã nhận lãnh từ miệng Đức Kitô khi chung sống với Người và thấy Người hành động, hoặc đã học biết được nhờ Chúa Thánh Thần gợi ý”;
Bằng văn tự: “một phần do chính các ngài và những người phụ tá các ngài đã viết lại sứ điệp cứu độ dưới sự linh hứng của cùng một Chúa Thánh Thần” .
... được tiếp nối do những người kế nhiệm các Tông Đồ
77. “Để Tin Mừng được giữ gìn toàn vẹn và sống động mãi trong Hội Thánh, các Tông Đồ đã để lại những người kế vị là các giám mục và ‘trao lại cho họ quyền giáo huấn của các ngài’” . Thật vậy, “những lời giảng dạy của các Tông Đồ được đặc biệt ghi lại trong các sách linh hứng, phải được bảo tồn và liên tục lưu truyền cho đến tận thế” .
78. Việc lưu truyền sống động này, được thực hiện trong Chúa Thánh Thần, được gọi là Thánh Truyền, để phân biệt với Thánh Kinh, mặc dù nó có liên hệ chặt chẽ với Thánh Kinh. Nhờ Thánh Truyền, “Hội Thánh, qua giáo lý, đời sống và việc phượng tự của mình, bảo tồn và lưu truyền cho mọi thế hệ tất cả thực chất của mình, và tất cả những gì mình tin” . “Lời các Thánh Giáo phụ chứng thực sự có mặt sống động của Thánh Truyền; và sự phong phú của Thánh Truyền đã thâm nhập vào thực hành và đời sống của Hội Thánh, một Hội Thánh luôn tin và cầu nguyện” .
79. Như vậy, việc Chúa Cha truyền thông chính mình, nhờ Ngôi Lời và trong Chúa Thánh Thần, vẫn tiếp diễn và tác động trong Hội Thánh: “Thiên Chúa, Đấng xưa đã phán dạy, nay vẫn không ngừng ngỏ lời với Hiền Thê của Con yêu dấu mình; và Thánh Thần, Đấng làm cho tiếng nói sống động của Tin Mừng vang dội trong Hội Thánh, và nhờ Hội Thánh làm vang dội trong thế giới, hướng dẫn các tín hữu nhận biết toàn thể chân lý và làm cho lời Chúa Kitô tràn ngập lòng họ” .
II. TƯƠNG QUAN GIỮA THÁNH TRUYỀN VÀ THÁNH KINH
DE RELATIONE INTER TRADITIONEM ET SACRAM SCRIPTURAM
Cùng một nguồn mạch
80. “Thánh Truyền và Thánh Kinh được nối kết và thông giao với nhau cách chặt chẽ. Thật thế, do cả hai đều phát xuất từ một nguồn mạch thần linh, có thể nói cả hai kết hợp thành một và cùng quy hướng về một mục đích” . Cả hai đều làm cho mầu nhiệm Đức Kitô được hiện diện và sinh hoa trái trong Hội Thánh, theo như chính Người đã hứa ở lại với các môn đệ “mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20).
... nhưng hai cách lưu truyền khác biệt
81. “Thánh Kinh là Lời Thiên Chúa nói, xét theo tư cách được ghi chép lại dưới sự linh hứng của Chúa Thánh Thần”.
“Còn Thánh Truyền thì truyền đạt nguyên vẹn cho các đấng kế vị các Tông Đồ Lời Thiên Chúa đã được Chúa Kitô và Chúa Thánh Thần ký thác cho các Tông Đồ, để các đấng kế vị đó, nhờ Thần chân lý soi sáng, trung thành gìn giữ, trình bày và phổ biến Lời ấy bằng việc rao giảng” .
82. Do đó, Hội Thánh, vì được ủy thác nhiệm vụ lưu truyền và giải thích mạc khải, “có được sự chắc chắn về tất cả các điều được mạc khải không chỉ nhờ riêng vào Thánh Kinh. Chính vì thế, cả Thánh Kinh lẫn Thánh Truyền đều phải được đón nhận và tôn kính bằng một tâm tình yêu mến và kính trọng như nhau” .
Truyền thống Tông Đồ và các truyền thống trong Hội Thánh
83. Truyền Thống mà chúng ta nói đây xuất phát từ các Tông Đồ và lưu truyền những gì chính các ngài đã lãnh nhận từ giáo huấn và gương mẫu của Chúa Giêsu cũng như những gì các ngài học được nhờ Chúa Thánh Thần. Thật vậy, thế hệ các Kitô hữu đầu tiên chưa có một Tân Ước thành văn, và chính bản văn Tân ước chứng thực tiến trình của Truyền Thống sống động này.
Chúng ta phải phân biệt “Truyền Thống các Tông Đồ” với “các truyền thống” thuộc các lãnh vực thần học, kỷ luật, phụng vụ hoặc sùng kính đã phát sinh theo thời gian trong các Giáo Hội địa phương. Đó là những hình thức riêng biệt, qua đó Thánh Truyền phổ quát đón nhận những lối diễn tả đã được thích nghi cho những địa phương khác nhau vào những thời đại khác nhau. Các truyền thống này có thể được giữ lại, sửa đổi hay thậm chí bị loại bỏ, dưới ánh sáng Truyền Thống các Tông Đồ, theo sự hướng dẫn của Huấn quyền Hội Thánh.
III. GIẢI NGHĨA KHO TÀNG ĐỨC TIN
DE INTERPRETATIONE DEPOSITI FIDEI
Kho tàng đức tin được giao phó cho toàn thể Hội Thánh
84. “Kho tàng đức tin” (Depositum fidei) , chứa đựng trong Thánh Truyền và Thánh Kinh, đã được giao phó cho toàn thể Hội Thánh nhờ các Tông Đồ. “Khi gắn bó với kho tàng ấy, toàn thể dân thánh, quy tụ quanh các vị chủ chăn, chuyên cần với giáo huấn của các Tông Đồ, với tình hiệp thông, với việc bẻ bánh và kinh nguyện, nên giữa các thủ lãnh và các tín hữu có sự nhất trí lạ lùng trong việc nắm giữ, thực hành và tuyên xưng đức tin đã được truyền lại” .
Huấn quyền Hội Thánh
85. “Nhiệm vụ chính thức giải thích Lời Thiên Chúa đã được ghi chép hay truyền lại, nhiệm vụ này đã được ủy thác riêng cho Huấn quyền sống động của Hội Thánh, quyền này được thi hành nhân danh Chúa Giêsu Kitô” , nghĩa là được ủy thác cho các Giám mục hiệp thông với vị kế nhiệm thánh Phêrô, là Giám mục Rôma.
86. “Tuy nhiên, Huấn quyền này không ở trên Lời Chúa, nhưng phục vụ Lời Chúa vì chỉ giảng dạy những điều đã được truyền lại; bởi vì do mệnh lệnh của Thiên Chúa và nhờ ơn trợ giúp của Chúa Thánh Thần, Huấn quyền kính mến lắng nghe, thành kính gìn giữ và trung thành trình bày Lời đó, đồng thời từ kho tàng đức tin duy nhất ấy, Huấn quyền kín múc ra tất cả mọi điều mà đề nghị cho giáo dân tin như là những điều đã được Thiên Chúa mạc khải” .
87. Vì ghi nhớ lời Đức Kitô đã nói với các Tông Đồ: “Ai nghe anh em là nghe Thầy” (Lc l0,16) , các tín hữu ngoan ngoãn nhận lãnh các giáo huấn và chỉ thị mà các mục tử ban cho họ dưới những hình thức khác nhau.
Các tín điều đức tin
88. Huấn quyền Hội Thánh thực thi trọn vẹn quyền bính nhận từ Đức Kitô khi ấn định các tín điều, tức là khi công bố, dưới hình thức buộc dân Kitô giáo phải tin, những chân lý được chứa đựng trong mạc khải của Thiên Chúa, hoặc cả khi công bố một cách dứt khoát những chân lý có liên hệ tất yếu với các chân lý đó.
89. Giữa đời sống thiêng liêng của chúng ta với các tín điều có một mối liên hệ chặt chẽ. Tín điều là những ánh sáng trên con đường đức tin của chúng ta, soi sáng và làm cho con đường đức tin ấy được an toàn. Ngược lại, nếu chúng ta sống ngay thẳng, trí tuệ và tâm hồn chúng ta sẽ mở rộng đón nhận ánh sáng các tín điều .
90. Những mối dây liên kết lẫn nhau và sự gắn bó chặt chẽ giữa các tín điều có thể gặp thấy trong toàn bộ mạc khải về mầu nhiệm Đức Kitô . Phải nhớ rằng “có một trật tự hoặc ‘một phẩm trật’ các chân lý của giáo lý Công giáo, vì tương quan khác nhau của chúng với nền tảng đức tin Kitô giáo” .
Cảm thức siêu nhiên về đức tin
91. Mọi Kitô hữu đều tham dự vào ơn hiểu biết và việc lưu truyền chân lý mạc khải. Họ được xức dầu bằng Chúa Thánh Thần, là Đấng dạy dỗ họ và dẫn họ “tới sự thật toàn vẹn” (Ga 16,13).
92. “Toàn thể các tín hữu… không thể sai lầm trong đức tin. Họ biểu lộ phẩm tính đặc biệt ấy nhờ cảm thức siêu nhiên về đức tin của toàn thể dân Chúa, khi ‘từ các Giám mục cho đến những giáo dân rốt hết’ đều đồng ý cách phổ quát về những điều liên quan đến đức tin và phong hóa” .
93. “Thật vậy, nhờ cảm thức về đức tin được Thánh Thần chân lý khơi dậy và nâng đỡ, và dưới sự hướng dẫn của Huấn quyền, dân Thiên Chúa gắn bó cách kiên trì với đức tin đã được lưu truyền duy chỉ một lần cho các Thánh, hiểu biết đức tin ấy cách sâu sắc hơn nhờ suy xét đúng, và áp dụng đức tin ấy cách đầy đủ hơn trong đời sống” .
Sự tăng trưởng trong hiểu biết về đức tin
94. Nhờ Chúa Thánh Thần trợ giúp, sự hiểu biết về các sự việc và các lời nói thuộc kho tàng đức tin có thể được tiến triển trong đời sống Hội Thánh:
– “hoặc nhờ các tín hữu chiêm ngưỡng và học hỏi, khi đã ghi nhớ các điều đó trong lòng” , đặc biệt “việc nghiên cứu thần học giúp đào sâu hiểu biết về chân lý được mạc khải” ;
– “hoặc nhờ họ đã thông hiểu những điều thiêng liêng họ cảm nghiệm được” ; “Lời Chúa lớn lên cùng với người đọc” ;
– “hoặc nhờ việc giảng dạy của những người lãnh nhận một đặc sủng chắc chắn về chân lý do việc kế nhiệm trong chức giám mục” .
95. “Như thế, đã rõ là do ý định hết sức khôn ngoan của Thiên Chúa, Thánh Truyền, Thánh Kinh và Huấn quyền của Hội Thánh được nối kết và liên đới với nhau đến nỗi không một cái nào có thể đứng vững một mình không cần hai cái kia; và dưới tác động của một Chúa Thánh Thần duy nhất, cả ba cùng góp phần hữu hiệu vào việc cứu độ các linh hồn, mỗi bên theo phương cách riêng” .
TÓM LƯỢC
96. Điều Đức Kitô đã ủy thác cho các Tông Đồ, các ngài đã truyền lại bằng lời rao giảng và bằng văn tự, dưới sự linh hứng của Chúa Thánh Thần, cho tất cả mọi thế hệ, cho đến ngày Đức Kitô trở lại trong vinh quang.
97. “Thánh Truyền và Thánh Kinh làm thành một kho tàng thánh thiêng duy nhất lưu trữ Lời Chúa” , trong đó, như trong một tấm gương, Hội Thánh lữ hành chiêm ngắm Thiên Chúa, là nguồn mạch mọi sự phong phú của mình.
98. “Hội Thánh qua giáo lý, đời sống và việc phượng tự của mình, bảo tồn và lưu truyền cho mọi thế hệ tất cả thực chất của mình và tất cả những gì mình tin” .
99. Nhờ cảm thức siêu nhiên về đức tin, toàn thể dân Thiên Chúa không ngừng đón nhận hồng ân là sự mạc khải của Thiên Chúa, tìm hiểu nó cách sâu sắc hơn, và sống nhờ hồng ân đó cách đầy đủ hơn.
100. Nhiệm vụ giải thích Lời Thiên Chúa một cách đúng nghĩa được ủy thác riêng cho Huấn quyền của Hội Thánh, tức là cho Đức Giáo Hoàng và cho các Giám mục hiệp thông với ngài.
Tin mới đăng:
- Tiếp kiến chung 6/11/2024 - ĐTC Phanxicô: Chúa Thánh Thần giúp chúng ta cầu nguyện bằng trái tim (07/11/2024)
- 8 Tháng Mười Một Chân Phước John Duns Scotus (1266-1308) (07/11/2024)
- 7 Tháng Mười Một Thánh Didacus (1400-1463) (07/11/2024)
- Thứ Sáu Tuần XXXI - Mùa Thường Niên (07/11/2024)
- 6 Tháng Mười Một Thánh Nicholas Tavelic và Các Bạn (c. 1391) (06/11/2024)
Các tin khác:
- Tóm tắt Tông huấn mới của ĐTC về Thánh Têrêsa Hài Đồng "Chính sự tin tưởng" (16/10/2023)
- ĐTC gởi sứ điệp cho Ngày Thế giới Ông bà và Người cao tuổi lần thứ ba (19/06/2023)
- Công bố Sứ điệp của ĐTC cho Ngày Thế giới Truyền thông Xã hội lần thứ 57 (03/05/2023)
- CÔNG BỐ SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC THÁNH CHA CHO NGÀY THẾ GIỚI TRUYỀN GIÁO NĂM 2023 (27/01/2023)
- SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC GIÁO HOÀNG PHANXICÔ CHO NGÀY THẾ GIỚI BỆNH NHÂN LẦN THỨ XXXI Ngày 11. 02. 2023 (12/01/2023)
- Sứ điệp của Đức Thánh Cha cho Ngày Hoà bình Thế giới năm 2023 (31/12/2022)
- DIỄN VĂN CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ trong Hội thảo chủ đề “Thần học hậu tông hiến Veritatis Gaudium trong bối cảnh vùng Địa Trung Hải” (08/03/2022)
- ĐTC ban hành Tự sắc “Traditionis custodes” về cử hành Thánh lễ theo phụng vụ tiền Công đồng (18/07/2021)
- SÁCH GIÁO LÝ CỦA HỘI THÁNH CÔNG GIÁO (198-231) - CHƯƠNG MỘT TÔI TIN KÍNH ĐỨC CHÚA TRỜI LÀ CHA (03/07/2021)
- SÁCH GIÁO LÝ CỦA HỘI THÁNH CÔNG GIÁO (Số 185-197) - ĐOẠN THỨ HAI: TUYÊN XƯNG ĐỨC TIN KITÔ GIÁO - CÁC TÍN BIỂU (28/06/2021)
- SÁCH GIÁO LÝ CỦA HỘI THÁNH CÔNG GIÁO (Số 166 - 184) - Mục 2 Chúng tôi tin (25/06/2021)
- SÁCH GIÁO LÝ CỦA HỘI THÁNH CÔNG GIÁO (Số 142 - 165) - CHƯƠNG BA: CON NGƯỜI ĐÁP LỜI THIÊN CHÚA (21/06/2021)
- SÁCH GIÁO LÝ CỦA HỘI THÁNH CÔNG GIÁO (Số 101-141) - Mục 3: Thánh Kinh (19/06/2021)
- SÁCH GIÁO LÝ CỦA HỘI THÁNH CÔNG GIÁO (Số 50-73) - CHƯƠNG 2: THIÊN CHÚA ĐẾN GẶP CON NGƯỜI (19/06/2021)
- SÁCH GIÁO LÝ CỦA HỘI THÁNH CÔNG GIÁO (Số 26-49) - PHẦN THỨ NHẤT: TUYÊN XƯNG ĐỨC TIN (19/06/2021)