SÁCH GIÁO LÝ CỦA HỘI THÁNH CÔNG GIÁO - Phần I: Đoạn II: Chương II: Mục 3: Tiết 2 (484-511)
08 / 04/ 2015, 03:04:59
Tiết 2
“…Bởi phép Đức Chúa Thánh Thần
mà Người xuống thai,
sinh bởi bà Maria đồng trinh”
Paragraphus 2
“…Conceptus est de Spiritu Sancto, natus ex Maria Virgine”
I. BỞI PHÉP ĐỨC CHÚA THÁNH THẦN MÀ NGƯỜI XUỐNG THAI...
CONCEPTUS EST DE SPIRITU SANCTO…
484. Biến cố Truyền tin cho Đức Maria mở đầu “thời gian tới hồi viên mãn” (Gl 4,4), nghĩa là, lúc hoàn thành các lời hứa và các sự chuẩn bị. Đức Maria được mời gọi cưu mang Đấng mà nơi Người “tất cả sự viên mãn của thần tính hiện diện cách cụ thể” (Cl 2,9). Lời phúc đáp thần linh cho vấn nạn của Mẹ: “Việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng?” (Lc l,34) đã được đưa ra là nhờ quyền năng của Chúa Thánh Thần: “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà” (Lc l,35).
485. Sứ vụ của Chúa Thánh Thần luôn luôn được kết hợp với sứ vụ của Chúa Con và quy hướng về sứ vụ của Chúa Con[1]. Chúa Thánh Thần, là “Chúa và là Đấng ban sự sống”, được sai đến để thánh hoá cung lòng Đức Trinh Nữ Maria và làm cho Mẹ thụ thai một cách thần linh, khi tác động để Mẹ cưu mang Con vĩnh cửu của Chúa Cha trong nhân tính được đảm nhận từ nhân tính của Mẹ.
486. Con Một của Chúa Cha, với tư cách một con người được thụ thai trong cung lòng Đức Trinh Nữ Maria, là “Đức Kitô”, nghĩa là Đấng được xức dầu bằng Chúa Thánh Thần[2], từ lúc khởi đầu sự hiện hữu nhân loại của Người, mặc dù việc Người tỏ mình ra sẽ được thực hiện dần dần: cho các mục đồng[3], cho các đạo sĩ[4], cho ông Gioan Tẩy giả[5], cho các môn đệ[6]. Vì vậy, toàn bộ cuộc đời của Chúa Giêsu Kitô sẽ biểu lộ “Thiên Chúa đã dùng Thánh Thần và quyền năng mà xức dầu tấn phong Người” (Cv l0,38) như thế nào.
II. … SINH BỞI BÀ MARIA ĐỒNG TRINH
… NATUS EX MARIA VIRGINE
487. Những gì đức tin Công giáo tin về Mẹ Maria, đều đặt nền tảng trên những gì đức tin đó tin về Đức Kitô, nhưng những gì đức tin dạy về Mẹ Maria, lại làm sáng tỏ đức tin vào Đức Kitô.
Đức Maria được tiền định
488. “Thiên Chúa đã sai Con mình tới” (Gl 4,4), nhưng để tạo một thân xác[7] cho Người, Thiên Chúa đã muốn có sự tự do cộng tác của một thụ tạo. Với mục đích ấy, từ muôn đời Thiên Chúa đã chọn, để làm Mẹ của Con mình, một người con gái Israel, một thiếu nữ Do Thái ở Nazareth miền Galilêa, “một trinh nữ đã đính hôn với một người tên là Giuse, thuộc dòng dõi vua Đavid, trinh nữ ấy tên là Maria” (Lc 1,26-27):
“Chúa Cha rất nhân từ đã muốn có sự ưng thuận của người Mẹ đã được tiền định, trước khi Chúa Con nhập thể, để như vậy, một người nữ đã mang đến sự chết như thế nào, thì một người nữ cũng sẽ mang lại sự sống như vậy”[8].
489. Suốt thời Cựu Ước, sứ vụ của Đức Maria đã được chuẩn bị bởi sứ vụ của những phụ nữ thánh thiện. Ngay từ đầu, là bà Evà: bất chấp sự bất tuân phục của mình, bà đã nhận được Lời Hứa rằng một hậu duệ của bà sẽ chiến thắng ma quỷ[9] và Lời Hứa rằng bà sẽ là mẹ của tất cả chúng sinh[10]. Do lời hứa đó, bà Sara, mặc dù đã cao niên, vẫn thụ thai một người con trai[11]. Trái với mọi niềm hy vọng nhân loại, Thiên Chúa đã chọn những gì bị coi như bất lực và yếu đuối[12] để chứng tỏ Ngài luôn trung tín với lời Ngài đã hứa: bà Anna, mẹ của tiên tri Samuel[13], bà Đêbôra, bà Ruth, bà Juđitha, bà Esther và nhiều phụ nữ khác. Đức Maria “trổi vượt giữa những người khiêm hạ và nghèo hèn của Chúa, những người hy vọng và đón nhận ơn cứu độ từ nơi Ngài với lòng tin tưởng. Cuối cùng, sau sự trông đợi lâu dài Lời Chúa đã hứa, thời gian đã đến hồi viên mãn và một Nhiệm cục mới đã bắt đầu với Đức Maria, người Con Gái Sion cao trọng nhất”[14].
Vô nhiễm nguyên tội
490. Để làm Mẹ Đấng Cứu độ, Đức Maria “đã được Chúa ban cho các hồng ân xứng với nhiệm vụ cao cả ấy”[15]. Lúc Truyền tin, thiên thần Gabriel đã chào Mẹ là “người đầy ơn phúc”[16]. Thật vậy, Mẹ cần được hướng dẫn hoàn toàn bởi ân sủng của Thiên Chúa, để có thể đáp lại lời loan báo ơn gọi của mình bằng sự ưng thuận tự do của đức tin.
491. Qua các thế kỷ, Hội Thánh đã ý thức rằng Đức Maria, vì được Thiên Chúa ban cho “đầy ơn phúc”[17], nên được cứu chuộc ngay từ lúc tượng thai. Tín điều Vô Nhiễm Nguyên Tội, do Đức Giáo Hoàng Piô IX công bố năm l854, tuyên xưng:
“Rất Thánh Trinh Nữ Maria ngay từ lúc đầu tiên tượng thai, bởi ân sủng và đặc ân của Thiên Chúa toàn năng, trông vào công nghiệp của Đức Kitô Giêsu Đấng Cứu độ loài người, đã được gìn giữ tinh tuyền khỏi mọi vết nhơ của nguyên tội”[18].
492. Những ánh rạng ngời này của “một sự thánh thiện hoàn toàn độc nhất vô nhị”, đã được ban cho Mẹ “ngay từ lúc đầu tiên tượng thai”[19], tất cả đều từ Đức Kitô mà đến với Mẹ: Mẹ đã “được cứu chuộc cách hết sức kỳ diệu nhờ xét đến công nghiệp Con Mẹ”[20]. Chúa Cha đã “thi ân giáng phúc” cho Mẹ, hơn bất cứ thụ tạo nào khác, cho Mẹ “hưởng muôn vàn ân phúc của Thánh Thần, từ cõi trời, trong Đức Kitô” (Ep 1,3). Ngài “đã chọn” Mẹ “trong Đức Kitô, trước cả khi tạo thành vũ trụ, để trước thánh nhan Ngài”, Mẹ “trở nên tinh tuyền thánh thiện, nhờ tình thương của Ngài” (x. Ep l,4).
493. Các Giáo phụ thuộc truyền thống Đông phương gọi Mẹ Thiên Chúa là Đấng Toàn Thánh (Panaghia) và tôn vinh Mẹ là “Đấng không hề vương nhiễm một vết nhơ tội lỗi nào, như thể một tạo vật mới được Chúa Thánh Thần nắn đúc và tạo dựng”[21]. Nhờ ân sủng của Thiên Chúa, Đức Maria suốt đời vẫn tinh tuyền không hề phạm một tội riêng nào.
“Xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói…”
494. Khi được loan báo rằng, mặc dù không biết người nam, mình sẽ hạ sinh “Con Đấng Tối Cao”, bởi quyền năng Chúa Thánh Thần[22], Đức Maria tin chắc chắn rằng, đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được, nên với “sự vâng phục của đức tin”[23], Mẹ đã trả lời: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói” (Lc l,37-38). Như vậy, khi nói lên sự ưng thuận của mình đối với lời Thiên Chúa, Đức Maria trở thành Mẹ Chúa Giêsu và với trọn tâm hồn, Mẹ chấp nhận ý định cứu độ của Thiên Chúa, mà không tội lỗi nào ngăn cản Mẹ, Mẹ tự hiến hoàn toàn cho con người và công trình của Con Mẹ, để, một cách tùy thuộc vào Người và cùng với Người, nhờ ân sủng của Thiên Chúa, Mẹ phục vụ mầu nhiệm Cứu Chuộc[24].
Thánh Irênê nói: “Nhờ vâng phục, Đức Mẹ đã trở nên nguyên nhân ơn cứu độ cho chính mình và cho toàn thể nhân loại”[25]. Từ đó, cùng với thánh nhân, nhiều Giáo phụ xưa cũng giảng dạy rằng: “Nút dây do sự bất tuân của bà Evà thắt lại, nay được gỡ ra nhờ sự vâng phục của Đức Maria; điều mà trinh nữ Evà đã buộc lại do sự cứng lòng tin, Đức Trinh Nữ Maria đã tháo ra nhờ đức tin”[26]; và so sánh với bà Evà, các ngài gọi Đức Maria là “Mẹ chúng sinh”, và rất thường quả quyết rằng: “Sự chết qua bà Evà, sự sống qua Đức Maria”[27].
Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa
495. Trong các sách Tin Mừng, Đức Maria được gọi là “Thân mẫu Chúa Giêsu” (Ga 2,l; l9,25)[28]. Cả trước khi Con Mẹ chào đời, dưới sự thúc đẩy của Chúa Thánh Thần, Mẹ đã được gọi là “Thân mẫu Chúa tôi” (Lc 1,43). Quả thật, Đấng mà Mẹ đã cưu mang làm người bởi phép Chúa Thánh Thần, Đấng thật sự là Con Mẹ theo xác phàm, chính là Con vĩnh cửu của Chúa Cha, là Ngôi Hai trong Ba Ngôi chí thánh. Vì vậy, Hội Thánh tuyên xưng Đức Maria thật sự là Mẹ Thiên Chúa (Theotokos)[29].
Sự đồng trinh của Đức Maria
496. Ngay trong các công thức đức tin đầu tiên[30], Hội Thánh đã tuyên xưng rằng Chúa Giêsu được thụ thai trong lòng Đức Trinh Nữ Maria là chỉ do quyền năng của Chúa Thánh Thần mà thôi, và Hội Thánh cũng khẳng định khía cạnh thể lý của biến cố này: Chúa Giêsu được thụ thai “bởi Chúa Thánh Thần, không có mầm giống nam nhân”[31]. Các Giáo Phụ nhận ra việc thụ thai đồng trinh là dấu chỉ của việc Con Thiên Chúa thật sự đã đến trong bản tính nhân loại như chúng ta.
Thánh Ignatiô Antiôchia (đầu thế kỷ II) dạy: “Tôi đã nhận thấy anh em… xác tín rằng Chúa chúng ta, thật sự xuất thân từ dòng dõi vua Đavid theo xác phàm[32], là Con Thiên Chúa theo ý định và quyền năng Thiên Chúa[33], Người đã thật sự được sinh ra bởi một trinh nữ;… Người đã thật sự chịu đóng đinh trong thân xác vì chúng ta, thời quan Phongxiô Philatô… Người đã thật sự chịu khổ hình cũng như đã thật sự sống lại”[34].
497. Các trình thuật Tin Mừng[35] hiểu việc thụ thai đồng trinh như một công trình của Thiên Chúa, vượt quá mọi hiểu biết và mọi khả năng nhân loại[36]: Thiên thần đã nói với ông Giuse về Đức Maria, hiền thê của ông rằng: “Người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần” (Mt l,20). Hội Thánh nhận ra đây là việc thực hiện lời hứa của Thiên Chúa qua miệng tiên tri Isaia: “Này đây, Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai” (Is 7,l4), theo bản Hy lạp của Mt 1,23.
498. Đôi lúc, người ta lúng túng vì sự im lặng của Tin Mừng Marcô và các thư Tân Ước đối với việc thụ thai đồng trinh của Đức Maria. Người ta cũng tự hỏi không biết đây có phải là huyền thoại hay là luận điểm thần học không chứng cớ lịch sử. Về vấn đề này, phải trả lời rằng: đức tin vào việc Mẹ Maria thụ thai Chúa Giêsu mà còn đồng trinh, đã bị người Do Thái và lương dân vô tín chống đối mãnh liệt, chế diễu hoặc hiểu sai[37]: đức tin đó không phát sinh từ huyền thoại ngoại giáo hoặc từ sự mô phỏng nào đó theo các ý tưởng đương thời. Ý nghĩa của biến cố này chỉ có thể hiểu được nhờ đức tin, khi nhìn biến cố đó “trong sự nối kết chính các mầu nhiệm với nhau”[38], nghĩa là trong toàn bộ các mầu nhiệm của Đức Kitô, từ việc Nhập Thể cho đến cuộc Vượt Qua của Người. Thánh Ignatiô Antiôchia đã nêu rõ sự nối kết này: “Thủ lãnh thế gian không hề biết đến việc Đức Maria đồng trinh, việc Mẹ sinh con cũng như việc Chúa chịu chết: ba mầu nhiệm này thật vẻ vang nhưng đã được Thiên Chúa âm thầm thực hiện”[39].
Đức Maria “trọn đời đồng trinh”
499. Việc suy niệm sâu xa hơn trong đức tin về việc Đức Maria đồng trinh mà làm mẹ, đã đưa Hội Thánh đến chỗ tuyên xưng Đức Maria thật sự và trọn đời đồng trinh[40], cả trong khi sinh hạ Con Thiên Chúa làm người[41]. Thật vậy, việc sinh hạ Đức Kitô “không làm suy giảm nhưng thánh hiến sự trinh khiết vẹn toàn” của Mẹ[42]. Phụng vụ của Hội Thánh tôn vinh Mẹ là Aeiparthenos, “Đấng trọn đời đồng trinh”[43].
500. Về điều này, đôi khi người ta phản đối rằng Thánh Kinh có nhắc đến các anh em và chị em của Chúa Giêsu[44]. Hội Thánh vẫn luôn hiểu rằng những đoạn văn này không hề ám chỉ những người con khác của Đức Trinh Nữ Maria: ông Giacôbê và ông Giuse, “anh em của Chúa Giêsu” (Mt l3,55), thật ra là con của một bà Maria nào đó là môn đệ của Đức Kitô[45], bà này được cẩn thận phân biệt là “bà Maria khác” (Mt 28,l). Đây là những người anh em bà con họ hàng gần, theo như cách nói quen dùng trong Cựu Ước[46].
501. Chúa Giêsu là người Con duy nhất của Đức Maria. Nhưng tình mẫu tử thiêng liêng của Mẹ[47] trải rộng cho hết mọi người đã được Chúa Giêsu đến cứu độ. “Người Con mà Mẹ sinh ra, Thiên Chúa đã đặt ‘làm trưởng tử giữa một đàn em đông đúc’ (Rm 8,29), tức là các tín hữu, mà Mẹ đã cộng tác vào việc sinh hạ và dạy dỗ họ với tình yêu từ mẫu”[48].
Chức năng làm Mẹ đồng trinh của Đức Maria trong kế hoạch của Thiên Chúa
502. Cái nhìn của đức tin, liên kết với toàn bộ Mạc Khải, có thể khám phá ra những lý do huyền nhiệm mà vì đó, Thiên Chúa, trong kế hoạch cứu độ của Ngài, đã muốn Con của Ngài sinh ra bởi một trinh nữ. Những lý do này liên quan đến Ngôi Vị và sứ vụ cứu chuộc của Đức Kitô, cũng như đến việc Đức Maria chấp nhận góp phần vào sứ vụ này vì tất cả mọi người.
503. Sự đồng trinh của Đức Maria cho thấy mầu nhiệm Nhập Thể tuyệt đối do Thiên Chúa khởi xướng. Chúa Giêsu chỉ có Thiên Chúa là Cha.[49] “Không bao giờ Người tách khỏi Chúa Cha vì con người mà Người đã đảm nhận... Một mình Người vừa là Con Thiên Chúa vừa là Con Người. Xét về mặt bản tính, Người là Con của Chúa Cha trên trời theo thần tính, là Con của Đức Maria theo nhân tính; nhưng thật sự Người là Con Thiên Chúa trong hai bản tính”[50].
504. Chúa Giêsu được thụ thai trong lòng Đức Trinh Nữ Maria bởi phép Chúa Thánh Thần, bởi vì Người là Ađam mới[51], người khởi đầu công trình tạo dựng mới: “Người thứ nhất bởi đất mà ra thì thuộc về đất; còn người thứ hai thì từ trời mà đến” (l Cr l5,47). Ngay từ lúc Người được thụ thai, nhân tính Đức Kitô đã tràn đầy Thần Khí, vì Thiên Chúa “ban Thần Khí cho Người vô ngần vô hạn” (Ga 3,34). “Từ nguồn sung mãn của Người”, của Đấng là đầu của nhân loại được cứu chuộc[52] mà “chúng ta đã lãnh nhận hết ơn này đến ơn khác” (Ga l,l6).
505. Chúa Giêsu, Ađam mới, qua việc Người được thụ thai trong cung lòng đồng trinh, đã khởi đầu cuộc sinh hạ mới của những người được nhận làm nghĩa tử trong Chúa Thánh Thần nhờ đức tin. “Việc ấy sẽ xảy ra cách nào ?” (Lc l,34)[53]. Việc tham dự vào sự sống thần linh là điều “không phải do khí huyết, cũng chẳng do ước muốn của nhục thể, hoặc do ước muốn của người đàn ông, nhưng do bởi Thiên Chúa” (Ga l,l3). Sự sống mới này được đón nhận cách trinh khiết, bởi vì nó được tặng ban cho con người, hoàn toàn do bởi Chúa Thánh Thần. Ý nghĩa phu thê của ơn gọi của con người đến với Thiên Chúa[54] được thực hiện cách trọn hảo trong chức năng làm mẹ đồng trinh của Đức Maria.
506. Đức Maria là một Trinh Nữ, bởi vì sự đồng trinh của Mẹ là dấu chỉ đức tin của Mẹ, một đức tin không pha trộn chút nghi ngờ nào[55] và là dấu chỉ sự tự hiến trọn vẹn của Mẹ cho thánh ý Thiên Chúa[56]. Chính nhờ đức tin mà Đức Maria trở thành Mẹ Đấng Cứu độ: “Đức Maria thật là diễm phúc vì Mẹ đã tin vào Đức Kitô hơn là vì Mẹ đã cưu mang thân xác Người”[57].
507. Đức Maria vừa là Trinh Nữ vừa là Mẹ, bởi vì Mẹ là hình ảnh của Hội Thánh, là sự thể hiện toàn hảo nhất của Hội Thánh[58]. “Nhờ đón nhận lời Thiên Chúa cách trung thành, Hội Thánh được làm Mẹ: thật vậy, nhờ việc rao giảng và ban Phép Rửa, Hội Thánh sinh hạ những người con, được thụ thai bởi Chúa Thánh Thần, và được sinh ra bởi Thiên Chúa, để sống đời sống mới và bất tử. Và Hội Thánh là Trinh Nữ, bởi đã gìn giữ cách toàn vẹn và tinh tuyền lòng tin vào Đức Phu Quân”[59].
TÓM LƯỢC
508. Trong số các con cháu bà Evà, Thiên Chúa đã chọn Đức Trinh Nữ Maria làm Mẹ của Con Ngài. Mẹ “đầy ơn phúc”, là “hoa trái tuyệt vời nhất của công trình Cứu chuộc”[60]. Ngay từ lúc đầu tiên khi được thụ thai, Mẹ đã được gìn giữ tinh tuyền khỏi vết nhơ nguyên tội và suốt đời Mẹ, Mẹ vẫn luôn tinh tuyền không hề phạm một tội riêng nào.
509. Đức Maria thật sự là “Mẹ Thiên Chúa” vì là Mẹ của Con vĩnh cửu của Thiên Chúa, đã làm người, Đấng cũng chính là Thiên Chúa.
510. Đức Maria “vẫn còn đồng trinh khi thụ thai Con mình, đồng trinh khi sinh Con, đồng trinh khi bồng ẵm Người, đồng trinh khi cho Người bú mớm, là người mẹ đồng trinh, vĩnh viễn đồng trinh”[61]: Mẹ là “nữ tỳ của Chúa” (Lc 1,38) bằng toàn bộ hữu thể của mình.
511. Đức Trinh Nữ Maria đã cộng tác vào “việc cứu độ nhân loại bằng đức tin và lòng tuân phục tự do”[62]. Mẹ đã nói lên lời ưng thuận của mình “thay cho toàn thể bản tính nhân loại”[63]. Nhờ sự vâng phục của mình, Mẹ đã trở thành bà Evà mới, là Mẹ của chúng sinh.
[1] X. Ga 16,14-15.
[2] X. Mt 1,20; Lc 1,35.
[3] X. Lc 2,8-20.
[4] X. Mt 2,1-12.
[5] X. Ga 1,31-34.
[6] X. Ga 2,11.
[7] X. Dt l0,5.
[8] CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen gentium, 56: AAS 57 (1965) 60; x. Ibid., 61: AAS 57 (1965) 63.
[9] X. St 3,l5.
[10] X. St 3,20.
[11] X. St l8,l0-l4; 2l,l-2.
[12] X. l Cr l,27.
[13] X. l Sm l.
[14] CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen gentium, 55: AAS 57 (1965) 59-60.
[15] CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen gentium, 56: AAS 57 (1965) 60.
[16] X. Lc l,28.
[17] X. Lc 1,28.
[18] ĐGH Piô IX, Tông sắc Ineffabilis Deus: DS 2803.
[19] CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen gentium, 56: AAS 57 (1965) 60.
[20] CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen gentium, 53: AAS 57 (1965) 58.
[21] CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen gentium, 56: AAS 57 (1965) 60.
[22] X. Lc l,28-37.
[23] X. Rm 1,5.
[24] CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen gentium, 56: AAS 57 (1965) 60-61.
[25] Thánh Irênê, Adversus haereses, 3, 22, 4: SC 211, 440 (PG 7, 959).
[26] X. Thánh Irênê, Adversus haereses, 3, 22, 4: SC 211, 442-444 (PG 7, 959-960).
[27] CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen gentium, 56: AAS 57 (1965) 60-61.
[28] X. Mt 13,55.
[29] X. CĐ Êphêsô, Epistula II Cyrilli Alexandrini ad Nestorium: DS 251.
[30] X. DS 10-64.
[31] CĐ Latêranô (năm 649), Canon 3: DS 503.
[32] X. Rm 1,3.
[33] X. Ga 1,13.
[34] Thánh Ignatiô Antiôchia, Epistula ad Smyrnaeos, 1-2: SC 10bis, 132-134 (Funk 1, 274-276).
[35] X. Mt 1,18-25; Lc 1,26-38.
[36] X. Lc 1,34.
[37] X. Thánh Justinô, Dialogus cum Triphone Iudaeo, 66-67: CA 2, 234-236 (PG 6, 628-629); Origiênê, Contra Celsum, 1,32: SC 132, 162-164 (PG 8, 720-724); Ibid., 1, 69: SC 132, 270 (PG 8,788-789).
[38] CĐ Vaticanô I, Hiến chế tín lý Dei Filius, c. 4: DS 3016.
[39] Thánh Ignatiô Antiôchia, Epistula ad Ephesos, 19,1: SC 10bis, 74 (Funk 1, 228); x. 1 Cr 2,8.
[40] X. CĐ Constantinôpôli II, Sess. 8a, Canon 6: DS 427.
[41] X. Thánh Lêô Cả, Tomus ad Flavianum: DS 291; Ibid.: DS 294; Pelagius I, Epistula Humani Generis: DS 442; CĐ Latêranô, Canon 3: DS 503; CĐ Tôlêđô XVI, : DS 571; ĐGH Phaolô IV, Tông hiến Cum quorumdam hominum: DS 1880.
[42] CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen gentium, 57: AAS 57 (1965) 61.
[43] CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen gentium, 52: AAS 57 (1965) 58.
[44] X. Mc 3,3l-35; 6,3; l Cr 9,5; Gl 1,19.
[45] X. Mt 27,56.
[46] X. St l3,8; l4,l6; 29,l5 v.v….
[47] X. Ga 19,26-27; Kh 12,17.
[48] CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen gentium, 63: AAS 57 (1965) 64.
[49] X. Lc 2,48-49.
[50] CĐ Frioul (năm 796 hoặc 797), : DS 619.
[51] X. 1 Cr 15,45.
[52] X. Cl 1,18.
[53] X. Ga 3,9.
[54] X. 2 Cr 11,2.
[55] X. CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen gentium, 63: AAS 57 (1965) 64.
[56] X. l Cr 7,34-35.
[57] Thánh Augustinô, De sancta virginitate 3, 3: CSEL 41, 237( PG 40, 398).
[58] X. CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen gentium, 63: AAS 57 (1965) 64.
[59] CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen gentium, 64: AAS 57 (1965) 64.
[60] X. CĐ Vaticanô II, Hiến chế Sacrosanctum Concilium, 103: AAS 56 (1964) 125.
[61] Thánh Augustinô, Sermo 186, 1: PL 38, 999.
[62] CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen gentium, 56: AAS 57 (1965) 60.
[63] Thánh Tôma Aquinô, Summa theologiae, III, q. 30, a. 1, c: Ed. Leon. 11, 315.
Nguồn: http://giaolyductin.net
Tin mới đăng:
- Tiếp kiến chung 6/11/2024 - ĐTC Phanxicô: Chúa Thánh Thần giúp chúng ta cầu nguyện bằng trái tim (07/11/2024)
- 8 Tháng Mười Một Chân Phước John Duns Scotus (1266-1308) (07/11/2024)
- 7 Tháng Mười Một Thánh Didacus (1400-1463) (07/11/2024)
- Thứ Sáu Tuần XXXI - Mùa Thường Niên (07/11/2024)
- 6 Tháng Mười Một Thánh Nicholas Tavelic và Các Bạn (c. 1391) (06/11/2024)
Các tin khác:
- SÁCH GIÁO LÝ HỘI THÁNH CÔNG GIÁO - Phần I: Đoạn II: Chương III: Mục 9: Tiết 3 (811-870) (26/11/2021)
- SÁCH GIÁO LÝ HỘI THÁNH CÔNG GIÁO - Phần I: Đoạn II: Chương III: Mục 9: Tiết 2 (781-810) (26/11/2021)
- SÁCH GIÁO LÝ HỘI THÁNH CÔNG GIÁO - Phần I: Đoạn II: Chương III: Mục 9: Tiết 1 (748-780) (26/11/2021)
- SÁCH GIÁO LÝ HỘI THÁNH CÔNG GIÁO - Phần I: Đoạn II: Chương II: Mục 8 (683-747) (26/11/2021)
- SÁCH GIÁO LÝ HỘI THÁNH CÔNG GIÁO - Phần I: Đoạn II: Chương II: Mục 7 (668-682) (21/04/2015)
- SÁCH GIÁO LÝ HỘI THÁNH CÔNG GIÁO - Phần I: Đoạn II: Chương II: Mục 5: Tiết 2 (638-658) (21/04/2015)
- SÁCH GIÁO LÝ HỘI THÁNH CÔNG GIÁO - Phần I: Đoạn II: Chương II: Mục 5 (631-637) (21/04/2015)
- GIỚI THIỆU SÁCH “HƯỚNG DẪN TỔNG QUÁT VIỆC DẠY GIÁO LÝ 1997” (14/04/2015)
- SÁCH GIÁO LÝ HỘI THÁNH CÔNG GIÁO - Phần I: Đoạn II: Chương II: Mục 4: Tiết 3 (624-630) (14/04/2015)
- SÁCH GIÁO LÝ HỘI THÁNH CÔNG GIÁO - Phần I: Đoạn II: Chương II: Mục 4: Tiết 2 (595-623) (14/04/2015)
- SÁCH GIÁO LÝ HỘI THÁNH CÔNG GIÁO - Phần I: Đoạn II: Chương II: Mục 4: Tiết 1 (571-594) (14/04/2015)
- SÁCH GIÁO LÝ CỦA HỘI THÁNH CÔNG GIÁO - - Phần I: Đoạn II: Chương II: Mục 3: Tiết 3 - (512-570) (08/04/2015)
- SÁCH GIÁO LÝ CỦA HỘI THÁNH CÔNG GIÁO - Phần I: Đoạn II: Chương II: Mục 3: Tiết 1 (456-483) (27/03/2015)
- SÁCH GIÁO LÝ CỦA HỘI THÁNH CÔNG GIÁO - Phần I: Đoạn II: Chương II: Mục 2 - (430-455) (27/03/2015)
- SÁCH GIÁO LÝ CỦA HỘI THÁNH CÔNG GIÁO - Phần I: Đoạn II: Chương II (422-429) (27/03/2015)