Phần II – Bài 9 CÂU CHUYỆN TẠO DỰNG

03 / 12/ 2015, 02:12:10

 

        Trước khi đọc tiếp, bạn hãy suy nghĩ và hoàn tất hai câu sau đây:

1.      Phản ứng của tôi về câu truyện Kinh Thánh kể lại Thiên Chúa tạo dựng vũ trụ trong bảy ngày là…

2.      Theo tôi, thuyết tiến hóa hợp (hay không hợp) với những gì Kinh Thánh nói, vì…

 

GIẢI THÍCH KINH THÁNH

        Năm 1925, tiểu bang Tennessee đã thông qua  đạo luật cấm chỉ việc dạy thuyết tiến hóa trong các trường trung học công lập.  John Scopes, một giáo sư trung học, phạm luật và bị bắt giữ.  Luật sư danh tiếng Clarence Darrow biện hộ cho Scopes.  William Jennings Bryan, một ứng cử viên tổng thống, lãnh việc truy tố.

        Trước sự ngạc nhiên của mọi người, một trong những việc đầu tiên Darrow làm là gọi Bryan ra chất vấn.  Mở sách Kinh Thánh, Darrow đọc đoạn Thiên Chúa dựng nên ánh sáng trong ngày thứ nhất và dựng nên mặt trời trong ngày thứ tư.  Rồi ông ta hỏi Bryan làm sao có thể có ánh sáng khi chưa có mặt trời.  Sau đó ông hỏi Bryan có tin là Thiên Chúa đã lên án và phạt con rắn phải bò bằng bụng không.  Bryan trả lời ông tin.  Darrow tấn công:  “Vậy ông có thể nói cho tôi biết trước đó thì con rắn di chuyển bằng gì?”  Bryan nổi giận và tố cáo Darrow đã nhạo báng Thiên Chúa và Kinh Thánh.  Darrow la lớn:  “Tôi phản đối lời buộc tội ấy.  Tôi đang chất vấn ông về những ý nghĩ điên khùng của ông, những ý nghĩ mà quan điểm của Ki-tô giáo không còn tin như thế nữa.”

        Câu truyện nổi tiếng trên đã nêu lên một số vấn đề quan trọng về Kinh Thánh phải được giải thích như thế nào.

 

Hai nhóm người đọc Kinh Thánh

        Để vấn đề được đơn giản, chúng ta tạm chia những người đọc Kinh Thánh làm hai nhóm chính:  những người hiểu Kinh Thánh theo nghĩa đen và những người hiểu theo văn mạch.  Những người hiểu theo nghĩa đen, cũng được gọi là những người phái chính thống, giải thích Kinh Thánh theo từng chữ và nói rằng phải hiểu đúng như là những gì Kinh Thánh nói.  Còn những người hiểu theo văn mạch giải thích Kinh Thánh theo mạch văn và nói rằng chúng ta phải xét hoàn cảnh lịch sử, văn hóa và văn ngữ theo đó Kinh Thánh đã được viết.  Điều này là xác thực, nhất là đối với mười một chương đầu của sách Sáng Thế gồm những câu truyện có liên hệ tới thời tiền sử là thời gian mù mờ giữa lúc con người xuất hiện và lúc thuật lại câu truyện của họ.

        Thí dụ, chương thứ ba sách Sáng Thế đã mô tả con rắn nói chuyện với bà E-và.  Vậy có phải tác giả Kinh Thánh muốn bảo rằng đã có một thời rắn biết nói chuyện với người?  Hoặc chương thứ nhất thì nói loài người được dựng nên sau cùng, còn chương thứ hai lại nói họ được dựng nên trước hết.  Vậy tác giả Kinh Thánh đã không biết như thế là mâu thuẫn hay sao?

 

GIẢI THÍCH VỀ VIỆC TẠO DỰNG

        Bây giờ chúng ta hãy nghe nhóm hiểu theo văn mạch giải thích câu truyện tạo dựng.  Trước hết chúng ta đọc lại đoạn Kinh Thánh.

        “Lúc khởi đầu, Thiên Chúa sáng tạo trời đất.  Đất còn trống rỗng, chưa có hình dạng, bóng tối bao trùm vực thẳm, và thần khí Thiên Chúa bay lượn trên mặt nước.

        “Thiên Chúa phán:  “Phải có ánh sáng!”  Liền có ánh sáng.  Thiên Chúa thấy rằng ánh sáng tốt đẹp. Thiên Chúa phân rẽ ánh sáng và bóng tối.  Thiên Chúa gọi ánh sáng là “ngày”, bóng tối là “đêm”.  Qua một buổi chiều và một buổi sáng:  đó là ngày thứ nhất.

        “Thiên Chúa phán:  “Phải có một cái vòm ở giữa khối nước, để phân rẽ nước với nước.”  Thiên Chúa đã làm ra cái vòm đó và phân rẽ nước phía dưới vòm với nước phía trên.  Liền có như vậy.  Thiên Chúa gọi vòm đó là “trời”.  Qua một buổi chiều và một buổi sáng:  đó là ngày thứ hai.

        Thiên Chúa phán:  “Nước phía dưới trời phải tụ lại một nơi, để chỗ cạn lộ ra.”  Liền có như vậy.  Thiên Chúa gọi chỗ cạn là “đất”, khối nước tụ lại là “biển”.  Thiên Chúa thấy thế là tốt đẹp.

        Thiên Chúa phán:  “Đất phải sinh thảo mộc xanh tươi, cỏ mang hạt giống, và cây trên mặt đất có trái, ra trái tùy theo loại, trong có hạt giống.”  Liền có như vậy.  Đất trổ sinh thảo mộc, cỏ mang hạt giống tùy theo loại, và cây ra trái, trong trái có hạt giống tùy theo loại.  Thiên Chúa thấy thế là tốt đẹp.  Qua một buổi chiều và một buổi sáng:  đó là ngày thứ ba.

        Thiên Chúa phán:  “Phải có những vầng sáng trên vòm trời, để phân rẽ ngày với đêm, để làm dấu chỉ xác định các đại lễ, ngày và năm.  Đó sẽ là những vầng sáng trên vòm trời để chiếu soi mặt đất.”  Liền có như vậy.  Thiên Chúa làm ra hai vầng sáng lớn:  vầng sáng lớn hơn để điều khiển ngày, vầng sáng nhỏ hơn để điều khiển đêm;  Người cũng làm ra các ngôi sao.  Thiên Chúa đặt các vầng sáng trên vòm trời để chiếu soi mặt đất, để điều khiển ngày và đêm, và để phân rẽ ánh sáng với bóng tối.  Thiên Chúa thấy thế là tốt đẹp.  Qua một bưởi chiều và một buổi sáng:  đó là ngày thứ tư.

        Thiên Chúa phán:  “Nước phải sinh ra đầy dẫy những sinh vật lúc nhúc, và loài chim phải bay lượn trên mặt đất, dưới vòm trời.”  Thiên Chúa sáng tạo các thủy quái khổng lồ, cùng mọi sinh vật vẫy vùng lúc nhúc dưới nước tùy theo loại, và mọi giống chim bay tùy theo loại.  Thiên Chúa thấy thế là tốt đẹp.  Thiên Chúa chúc phúc cho chúng rằng:  “Hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều, cho đầy biển;  và chim phải sinh sản cho nhiều trên mặt đất.”  Qua một buổi chiều và một buổi sáng:  đó là ngày thứ năm.

        Thiên Chúa phán:  “Đất phải sinh ra các sinh vật tùy theo loại:  gia súc, loài bò sát và dã thú tùy theo loại và loài bò sát dưới đất tùy theo loại.  Thiên Chúa thấy thế là tốt đẹp.

        Thiên Chúa phán:  “Chúng ta hãy làm ra con người theo hình ảnh chúng ta, giống như chúng ta, để con người làm bá chủ cá biển, chim trời, gia súc, dã thú, tất cả mặt đất và mọi giống vật bò dưới đất.”

                Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh mình,

                Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa,

                Thiên Chúa sáng tạo con người có nam có nữ.

        Thiên Chúa ban phúc lành cho họ, và Thiên Chúa phán với họ:  “Hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều, cho đầy mặt đất, và thống trị mặt đất.  Hãy làm bá chủ cá biển, chim trời, và mọi giống vật bò trên mặt đất.”  Thiên Chúa phán:  “Đây Ta ban cho các ngươi mọi thứ cỏ mang hạt giống trên khắp mặt đất, và mọi thứ cây có trái mang hạt giống, để làm lương thực cho các người.  Còn đối với mọi dã thú, chim trời và mọi vật bò dưới đất mà có sinh khí, thì Ta ban cho chúng mọi thứ cỏ xanh tươi để làm lương thực.  Liền có như vậy.”  Thiên Chúa thấy mọi sự Người đã làm ra quả là rất tốt đẹp!  Qua một buổi chiều và một buổi sáng:  đó là ngày thứ sáu.

        Thế là trời đất cùng với mọi thành phần đã hoàn tất.  Ngày thứ bảy, Thiên Chúa đã hoàn thành công việc Người làm.  Khi làm xong mọi công việc của Người, ngày thứ bảy, Thiên Chúa nghỉ ngơi.

        Thiên Chúa ban phúc lành cho ngày thứ bảy và thánh hóa ngày đó, vì ngày đó Người đã nghỉ, ngưng làm mọi công việc sáng tạo của Người.   (Sáng Thế 1:1-2:3)

         

Câu chuyện được viết theo một khuôn mẫu

        Câu truyện tạo dựng được đọc lên như một bài thơ.  Nói chung, mỗi ngày đều theo một khuôn mẫu gồm năm phần:  giới thiệu, mệnh lệnh của Thiên Chúa, thi hành mệnh lệnh đó, xác nhận “sự tốt lành,” và xác định ngày.  Khuôn mẫu được sắp đặt cụ thể như sau:

        Mở đầu:      “Và Thiên Chúa phán”

        Mệnh lệnh:  “Nước hãy…”

        Thi hành:    “Và đã xảy ra như vậy”

        Xác nhận:    “Thiên Chúa đã thấy thế là tốt lành”

        Ngày:         “Ngày thứ năm.”

Những gì đúng cho một ngày thì cũng đúng cho cả tuần lễ tạo dựng.  Tuần lễ cũng theo khuôn mẫu như sau:

 

Ngày 1:      Thiên Chúa tạo dựng ánh sáng và phân rẽ khỏi bóng tối.

Ngày 2:      Thiên Chúa phân rẽ nước bên trên (mưa) với nước bên dưới (biển).

Ngày 3:      Thiên Chúa phân rẽ nước bên dưới (biển) ra khỏi đất khô.

Ngày 4:      Thiên Chúa cho cư ngụ trong bầu trời với mặt trời, mặt trăng và tinh tú.

Ngày 5:      Thiên Chúa cho cư ngụ trong vòm trời đầy chim chóc và trong đại dương nhung nhúc cá biển.

Ngày 6:      Thiên Chúa cho cư ngụ trên mặt đất các thú vật và loài người.

Ngày 7:      Thiên Chúa ăn mừng;  Ngài chúc lành cho ngày này và nghỉ ngơi.

 

Như thế, tuần lễ tạo dựng đi theo khuôn mẫu:

        -  Ba ngày phân rẽ,

        -  Ba ngày cho cư ngụ, và

-      Một ngày để ăn mừng.

 

        Những khuôn khổ văn chương này cho chúng ta thấy chúng ta đang đọc một lối viết văn rất khác biệt.  Không phải lối văn viết do những gì mắt thấy tai nghe hoặc như các sách khoa học.  Trái lại, đây là loại văn gặp trong các sách cho trẻ em.  Tác giả các sách này dùng những câu truyện đơn sơ, thơ mộng để dạy trẻ em về cuộc sống.  Những câu truyện ấy dễ đọc và dễ nhớ.

        Tác giả sách Sáng Thế đã chọn lối viết như thế để dạy về Thiên Chúa, vì hầu hết những người cổ xưa đâu có biết đọc biết viết.  Họ học mọi sự qua lời nói bằng miệng.  Do đó một câu truyện thơ mộng thì dễ nhớ, lại vui và dạy người ta biết nhiều.

 

Câu chuyện dạy điều gì?

        Để hiểu những gì tác giả Kinh Thánh có ý dạy qua câu truyện tạo dựng, chúng ta cần xét tới hoàn cảnh lịch sử và văn hóa theo đó câu truyện được viết.  Vào thời ấy, người ta thờ bất cứ loại thần linh nào họ tưởng tượng ra được.  Kinh Thánh nói đến điều này khi cảnh cáo rằng:

        “Anh em hãy cẩn thận giữ mình:  ... đừng có ra hư hỏng mà làm cho mình một tượng mang hình ảnh bất cứ cái gì:  hình người nam hay người nữ, hình bất cứ loài vật nào trên mặt đất, hình bất cứ loài chim chóc nào bay trên trời, hình bất cứ loài nào bò dưới đất, hình bất cứ loài cá nào ở trong nước phía dưới mặt đất.  Khi anh em ngước mắt lên trời và thấy mặt trời, mặt trăng và các ngôi sao, toàn thể thiên binh, thì đừng bị lôi cuốn mà sụp xuống lạy và phụng thờ chúng” (Đệ Nhị Luật 4:15-19).

 

        -  Chân lý đầu tiên tác giả Kinh Thánh muốn dạy qua câu truyện tạo dựng là chỉ có một Thiên Chúa mà thôi.

        Tác giả nói lên điểm này khi viết Thiên Chúa tạo dựng nên các thần khác là những thần mà con người đang lầm lẫn thờ phượng, tức là loài người, súc vật, chim muông, tinh tú.  Nếu các thần khác này đã được tạo dựng thì chúng đâu có thể là Thiên Chúa được.  Nhưng chỉ có một Thiên Chúa, Đấng đã tạo dựng muôn loài.  Chúng ta có thể tóm tắt quan điểm của tác giả Kinh Thánh như sau:

        Niềm tin cổ xưa:   có nhiều thần

        Giáo lý mới:         có một Thiên Chúa

        Được dạy thế nào: một Thiên Chúa đã dựng nên các thần khác.

        -  Chân lý thứ hai tác giả Kinh Thánh muốn dạy, đó là Thiên Chúa đã hoạch định công việc tạo dựng.

        Nhiều dân tộc thời xưa (và một số người thời nay) đã tin rằng vũ trụ tự nhiên mà có.  Emanu Elish, một câu truyện của Babylon cổ xưa dạy như vậy.  Ngược lại câu truyện của Babylon, tác giả Kinh Thánh mô tả Thiên Chúa tạo dựng vũ trụ theo một đường lối có trật tự, giống như người thợ mộc dựng một ngôi nhà.  Thiên Chúa đã hoạch định việc tạo dựng, chứ không phải ngẫu nhiên mà nó có.  Chúng ta có thể tóm tắt điểm thứ hai của tác giả Kinh Thánh về nguồn gốc việc tạo dựng như sau:

        Niềm tin cổ xưa:   xảy ra ngẫu nhiên

        Giáo lý mới:         xảy ra do hoạch định

        Được dạy thế nào: Thiên Chúa đã tạo dựng theo phương thức có trật tự.

        -  Chân lý thứ ba tác giả Kinh Thánh muốn dạy: mọi sự Thiên Chúa đã tạo nên đều tốt lành.

        Những dân tộc cổ xưa tin rằng một số trong các tạo vật là xấu xa.  Thí dụ nhiều người tin rằng thân xác con người là xấu xa.  Họ kết luận như thế vì xem ra thân xác chống lại tinh thần.  Do đó, họ tin là Thiên Chúa đã dựng nên tinh thần của con người, còn ma quỷ tạo nên thân xác.  Phản lại niềm tin này, tác giả Kinh Thánh mô tả Thiên Chúa hài lòng với tất cả những gì Ngài dựng nên, kể cả thân xác con người.  Chúng ta có thể tóm tắt giáo lý của tác giả Kinh Thánh về sự tốt lành của tạo vật như sau:

        Niềm tin cổ xưa:   một phần là tốt lành

        Giáo lý mới:         tất cả đều tốt lành

        Được dạy thế nào: Thiên Chúa xác nhận sự tốt lành của tạo vật.

        - Tác giả Kinh Thánh kết thúc câu truyện bằng việc tuyên bố ngày hưu lễ là thánh.

        Thời xưa ngày thứ bảy trong tuần cũng giống như những ngày khác.  Tuy nhiên tác giả Kinh Thánh mô tả Thiên Chúa chúc lành cho ngày thứ bảy và đặt riêng ngày đó ra như một ngày đặc biệt.  Ngày ấy phải là ngày để nghỉ ngơi và cầu nguyện.  Chúng ta có thể tóm tắt quan điểm của tác giả Kinh Thánh về ngày hưu lễ như sau:

        Niềm tin cổ xưa:   ngày thứ bảy giống như những ngày khác

        Giáo lý mới:         ngày đặc biệt

        Được dạy thế nào: Thiên Chúa chúc lành cho ngày đó.

 

CÂU CHUYỆN TẠO DỰNG THỨ HAI

        Một số người đọc Kinh Thánh bỡ ngỡ khi thấy sách Sáng Thế có tới hai câu chuyện nói về việc tạo dựng. Câu chuyện thứ hai bắt đầu ở chương hai:

        Ngày Đức Chúa là Thiên Chúa làm ra đất và trời, chưa có bụi cây ngoài đồng nào trên mặt đất, chưa có đám cỏ ngoài đồng nào mọc lên, vì Đức Chúa là Thiên Chúa chưa cho mưa xuống đất và không có người để canh tác đất đai.  Nhưng có một dòng nước từ đất trào lên và tưới khắp mặt đất. 

Đức Chúa là Thiên Chúa lấy bụi từ đất nặn ra con người, thổi sinh khí vào lỗ mũi, và con người trở nên một sinh vật.  Rồi Đức Chúa là Thiên Chúa trồng một vườn cây ở Ê-đen, về phía đông, và đặt vào đó con người do chính mình nặn ra.  Đức Chúa là Thiên Chúa khiến từ đất mọc lên đủ mọi thứ cây trông thì đẹp, ăn thì ngon, với cây trường sinh ở giữa vườn, và cây cho biết điều thiện điều ác.   (Sáng Thế 2:4-9).

       

        Tại sao lại thêm vào câu chuyện thứ hai về tạo dựng?  Để trả lời câu hỏi này, chúng ta cần nhớ rằng năm cuốn sách đầu của Kinh Thánh, được gọi là Sách Luật (Torah) hoặc Ngũ Thư (năm cuốn sách), đã được truyền khẩu từ bao thế kỷ, mãi sau này mới được viết ra.  Rõ ràng là có hai khẩu truyền về việc tạo dựng.  Khi tác giả Kinh Thánh được linh hứng để chép Sách Luật, ngài gom luôn cả hai khẩu truyền ấy vào trong cùng một sách.  Hai khẩu truyền ấy bổ túc cho nhau.

 

Thiên Chúa và con người liên hệ mật thiết với nhau

        Câu chuyện thứ hai về việc tạo dựng mô tả Thiên Chúa nhẫn nại làm công việc tạo dựng thân xác con người đầu tiên, tựa như người thợ gốm làm công việc nắn một cái bình.  Khi thân xác con người đã được tạo thành cách hoàn hảo rồi, Thiên Chúa dịu dàng cúi xuống trên nó và thở vào nó “sinh khí” của Ngài.

        Cảnh tượng cảm động này thật quan trọng.  Nó nói lên liên hệ gần gũi giữa Thiên Chúa và con người tiên khởi.  Họ liên hệ gần gũi như người mẹ với đứa con nhỏ của mình.

 

Đàn ông và đàn bà liên hệ mật thiết với nhau

        Câu chuyện tạo dựng thứ hai kết thúc với việc Thiên Chúa làm nên một “người bạn thích hợp” cho người đàn ông đầu tiên.

        Đức Chúa là Thiên Chúa phán:  “Con người ở một mình thì không tốt. Ta sẽ làm cho nó một trợ tá tương xứng với nó.”  Đức Chúa là Thiên Chúa lấy đất nặn ra mọi dã thú, mọi chim trời, và dẫn đến với con người, xem con người gọi chúng là gì:  hễ con người gọi mỗi sinh vật là gì, thì tên nó sẽ là thế. 

Con người đặt tên cho mọi súc vật, mọi chim trời và mọi dã thú, nhưng con người không tìm được cho mình một trợ tá tương xứng.  Đức Chúa là Thiên Chúa cho một giấc ngủ mê ập xuống trên con người, và con người thiếp đi.  Rồi Chúa rút một cái xương sườn của con người ra, và lắp thịt thế vào.  Đức Chúa là Thiên Chúa lấy cái xương sườn đã rút từ con người ra, làm thành một người đàn bà và dẫn đến với con người.

Con người nói:  “Phen này, đây là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi!  Nàng sẽ được gọi là đàn bà, vì đã được rút từ đàn ông ra.”

Bởi thế, người đàn ông lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai thành một xương một thịt.   (Sáng Thế 2:18-24).

       

        Tác giả Kinh Thánh đã sống trong một xã hội do đàn ông làm chủ.  Xã hội này coi phụ nữ thuộc giai cấp thứ hai.  Phụ nữ còn được coi trọng là vì họ sinh con cái, nhất là con trai để đi lính chiến đấu và làm công nhân.  Nhiều người đọc Kinh Thánh giải thích câu truyện thứ hai về tạo dựng được viết nhằm phản kháng tình trạng xã hội như thế.  Khi mô tả người đàn bà xuất xứ từ cùng một thể chất như đàn ông, tác giả Kinh Thánh muốn dạy rằng nàng cũng có một phẩm cách ngang hàng với đàn ông.

        Câu chuyện tạo dựng thứ hai còn dạy về sự thân mật trong hôn nhân. Thiên Chúa đã phán dạy hai người phải nên “một thân thể.”  Họ phải có sự thân thiết với nhau tựa như Thiên Chúa thân mật với loài người.  Như thế Thiên Chúa cho thấy rằng mục đích của hôn nhân không phải chỉ để có con cái mà thôi, nhưng còn là một liên hệ mật thiết để vợ chồng yêu thương và nâng đỡ nhau.

        Tóm lại, câu chuyện thứ hai về tạo dựng bổ túc cho câu chuyện thứ nhất với hai điểm đặc biệt:

        -  Sự thân mật giữa Thiên Chúa và loài người

        -  Sự thân mật và bình đẳng giữa nam nữ.

 

ĐỌC VÀ SUY NIỆM KINH THÁNH

        1.  Thánh Vịnh 19:1-6     Quảng cáo về Thiên Chúa

        2.  Thánh Vịnh 104                Công việc diệu kỳ

        3.  Gióp 38:1-24            Từ giữa cơn giông tố

        4.  Thánh Vịnh 8           Vinh quang của tạo vật

        5.  Khải Huyền 21:1-8     Tạo dựng mới

 

SUY NGHĨ

        1.  Tác giả Kinh Thánh dạy bốn chân lý nào về việc tạo dựng?

        2.  Tại sao sách Sáng Thế có hai câu truyện về việc tạo dựng?

        3.  Giải thích câu truyện thứ hai về tạo dựng bổ túc cho câu truyện thứ nhất thế nào?

 

CHIA SẺ

1.  Làm sao câu truyện về tạo dựng trong sách Sáng Thế không khác mấy với những dụ ngôn của Đức Giê-su?

        2.  Inherit the Wind là vở kịch dựa trên việc tòa án Tennessee xử vụ John Scopes,  sau này làm thành phim.  Màn thứ nhất, Cates (đóng vai Scopes) đã yêu Rachael là con gái của một mục sư phái truyền thống.  Màn thứ hai, Rachael bó buộc phải làm chứng phản lại Cates và công nhận rằng đã có lần anh ta bảo “Thiên Chúa đã dựng nên con người theo hình ảnh Ngài, nhưng con người lại ra vẻ kiêu căng không muốn ca ngợi Ngài.”  Cates muốn nói gì?  Và bạn đồng ý với anh ta tới mức nào?

        3.  Inherit the Wind kết thúc với cảnh Brady (Darrow) xếp cuốn Kinh Thánh và cuốn Origin of the Species của Darwin bên cạnh nhau trong cặp xách tay của ông ta để chuẩn bị trở về Chicago.  Bạn nghĩ hành vi biểu tượng ấy có ý nghĩa gì?  Bạn đồng ý với ý nghĩa ấy chứ?

        4.  Bạn có khuynh hướng thuộc nhóm đọc Kinh Thánh theo phái chính thống hay văn mạch?  Tại sao?

        5.  Một số người nghĩ rằng Thiên Chúa đọc cho những tác giả Kinh Thánh viết, giống như một người đọc cho thư ký của mình viết.  Người khác lại nghĩ là các tác giả Kinh Thánh được linh hứng, giống như nhà soạn nhạc được gợi hứng âm nhạc.  Một số khác lại nghĩ Thiên Chúa đặc biệt soi sáng cho những người viết, đến  nỗi họ chỉ viết tất cả những gì Thiên Chúa muốn họ viết.  Trong ba ý kiến này, bạn nghĩ ý kiến nào đáng tin cậy nhất?  Tại sao?

        6.  Phần nào trong câu truyện tạo dựng nói cho bạn nhiều nhất về Thiên Chúa?

        7.  Mọi người đều có khuynh hướng hưởng nhận việc tạo dựng diệu kỳ như là “cho không biếu không.”  Làm sao bạn có thể giữ được sống động việc ý thức sự diệu kỳ để giúp bạn luôn biết cảm tạ Chúa?

 

Tác giả: Mark Link, S.J. Chuyển ngữ: Lm Trần đình Nhi
Nguồn: The Catholic Vision II – 9
Tag:

Các tin đã đưa ngày: