NGUỒN CỘI BA NGÔI CỦA ĐỐI THOẠI
06 / 06/ 2020, 02:06:55
Trong thế giới ta đang sống, gần như mọi thứ đều ở số nhiều: đa diện, đa chủng tộc, đa văn hóa, đa tôn giáo... Sự phát triển giao thông và các phương tiện thông tin đại chúng làm cho thế giới như bị thu nhỏ lại. Những con người - với tất cả sự khác biệt của mình - tiếp xúc, làm việc, chung sống trong những không gian ngày càng nhỏ hẹp làm cho sự khác biệt thêm sâu sắc. Càng khẳng định tự do cá nhân và quyền được sống, được là mình của mỗi người, chúng ta càng cảm nhận rõ hơn sự khác biệt của tha nhân. Trong bối cảnh đó, đối thoại và khả năng đối thoại là đòi hỏi căn bản để có thể hội nhập vào dòng chảy cuộc sống mà không đánh mất mình. Khả năng đối thoại được con người thời đại quý trọng và coi là phẩm chất trái ngược với độc tài, độc đoán, bảo thủ, loại trừ hay co cụm, sợ hãi...
Đối với Kitô hữu, đối thoại không chỉ là một đức tính nhân bản cần thiết để sống và thành công trong xã hội. Đó là đòi hỏi của đức tin phát xuất từ những mầu nhiệm nền tảng nhất của Kitô giáo, đặc biệt là từ chính nguồn cội sâu xa nhất của đời sống đức tin là mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi. Ai thực sự tin con người được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa thì không thể coi đối thoại là chuyện ‘nhiệm ý’. Đối thoại chính là nếp sống đức tin giữa dòng đời, là thuốc thử chất men Tin mừng đang có trong con tim và trí tuệ của người môn đệ.
Những trang tiếp theo muốn giới thiệu nguồn cội Ba Ngôi của đối thoại. Chiêm ngắm đôi nét trên “chân dung đối thoại” của Thiên Chúa giúp ta thêm ánh sáng và động lực để xây dựng Giáo hội hiệp thông và xuất hành đến với thế giới. Sau khi minh định từ ngữ, chúng ta sẽ lắng nghe điều Thiên Chúa mặc khải về chính Ngài; và trước khi kết thúc, ta sẽ đọc lại đôi dòng suy tư của thần học về Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi.
I. ĐỐI THOẠI TRONG KINH NGHIỆM NHÂN VĂN
Đối thoại và trao đổi khá gần nhau và nhiều khi được sử dụng không phân biệt. Trao đổi có ý nghĩa rộng hơn và trải dài từ việc trao đổi vật chất, công việc, thông tin, giao lưu văn hóa cho đến những những cuộc trò chuyện với mức độ dấn thân khác nhau của những người trong cuộc. Ta trò chuyện với ai đó để biết về họ hoặc thêm thông tin về một vấn đề. Cuộc trao đổi có thể đi xa hay chỉ là chuyện phiếm qua giờ! Khi tâm sự, cái tình nhiều hơn cái lý, nội dung có tầm quan trọng nhất định, nhưng chính việc nói và nghe cũng như mối tương quan và sự tin tưởng giữa người nghe, người nói còn quan trọng hơn.
Đối thoại là một hình thái đặc biệt của sự trao đổi. Nó bao hàm chiều kích tương quan giống như tâm sự nhưng nghiêng nhiều hơn về lý trí. Theo nguyên tự Hy lạp dialogos gồm hai cấu tố: dia - ngang qua; logos - lời, mà đồng thời cũng có nghĩa là lý trí. Như vậy đối thoại là cuộc trao đổi lời nói giữa hai hay nhiều người, hoặc nhóm người, vì một mục đích nào đó. Mục đích đó có thể là một sự thật hay một vấn đề các bên cùng quan tâm, mà cũng có thể là chính mối tương quan mà các bên muốn duy trì và phát huy. Đối thoại liên quan đến vai trò thiết lập tương quan của lời nói cũng như ý nghĩa, giá trị của lời được nói. Và dĩ nhiên nó tùy thuộc chuyện ai nói, nói với ai và mức độ dấn thân của người trong cuộc. Nói với ai và nghe ai nói là một cách nhìn nhận sự hiện diện và giá trị lời nói, quan điểm hay lập trường của họ. Nhìn nhận chưa hẳn đã là đồng ý nhưng tự nó quyền được nói và được lắng nghe là dấu chứng của sự nhìn nhận và tôn trọng phẩm giá của người đối diện.
Như đã nói, logos là lời mà cũng là lý. Vì vậy trong cuộc đối thoại, người ta trao đổi lời nói nhưng là lời được định hướng, nhào nắn, gọt giũa, cân nhắc bằng lý trí. Thông qua việc trao lời đổi tiếng diễn ra cuộc đối thoại, giao thoa, đối chiếu, va chạm giữa những lý trí khác nhau. Lý trí chi phối cuộc đối thoại của chúng ta là lý trí thực tiễn và vương hơi hướng “đam mê”. “Đam mê” muốn nói ở đây không phải chỉ là hỷ, nộ, ai, cụ... mà còn là niềm xác tín tôn giáo, quan điểm chính trị, lợi ích, văn hóa, quá khứ chung, vị thế đương đối cũng như mục đích của những người đối thoại. Lời đối thoại là lời chuyển tải những giá trị và thể hiện quyền lực hành động của người trong cuộc. Tất cả những điều này thấm vào lời trao đổi và tạo nên những sắc thái khác nhau của cuộc đối thoại. Có không ít cuộc đối thoại thực chất chỉ là độc thoại, độc thoại luân phiên, hay một phiên bản kém chất lượng của việc thực thi quyền bính! Những kinh nghiệm nhân sinh trên dĩ nhiên không thể là tiêu chuẩn nhưng nên được lưu tâm khi tìm hiểu về hình ảnh một Thiên Chúa đối thoại.
II. DƯỚI ÁNH SÁNG MẠC KHẢI
1.Thiên Chúa nói với và lắng nghe con người
“Ađam, ngươi ở đâu?” Đó là câu hỏi khởi đầu cho cuộc đối thoại giữa Thiên Chúa và con người. Tuy đau thương nhưng đó là cuộc đối thoại đã mở ra lịch sử sự sống, hy vọng và tương lai cho con người (St 3,15). Những tên gọi được nhắc đến sau đó: Áp-ra-ham, I-xa-ác, Gia-cóp, Mô-sê, Đa-vít, I-xa-i-a, Giê-rê-mi-a... tất cả đều gợi lại việc Thiên Chúa ngỏ lời với con người. Kinh Thánh không mạc khải một Thiên Chúa cao cả ẩn thân trong cõi tĩnh lặng ngàn đời nhưng là Thiên Chúa đến với con người, một Thiên Chúa biết nhìn, biết nghe, một Thiên Chúa ưa ngỏ lời và kiên nhẫn đợi chờ câu đáp của con người.
Cuộc đối thoại giữa Thiên Chúa và Áp-ram trong Sáng Thế 15 trình bày Thiên Chúa là Đấng chủ động ban lời hứa. Và còn hơn thế nữa, Ngài là Đấng lắng nghe nỗi lòng con người. Chúa hứa ban cho Áp-ram phần thưởng lớn lao nhưng không nói đó là gì. Còn Áp-ram thì biết rõ điều mình muốn và không ngại nói ra với Chúa. “Chúa sẽ ban cho con cái gì? Con ra đi mà không có con cái... Chúa không ban cho con một dòng dõi”. Điều lạ lùng là Áp-ram giãi bày tâm tư nhưng lại không nài xin điều ông khao khát. Tuy thế, Thiên Chúa biết và nghe được tiếng kêu không thành lời của ông và Ngài hành động. “Một kẻ do chính ngươi sinh ra mới thừa kế ngươi”. Cuộc đối thoại mà Thiên Chúa khơi mào đi xa hơn việc trao đổi lời nói và vào đến sâu thẳm cõi lòng, đọc được con tim; nó không chỉ dừng lại ở bên trong mà còn đụng chạm đến những giá trị và thực tế buồn vui của cuộc sống; không kết thúc với cuộc đời 175 tuổi của Áp-ra-ham mà còn trải dài đến muôn đời sau. Áp-ra-ham không chỉ là cha của I-xa-ác mà còn trở thành tổ phụ của những kẻ tin, thành mối phúc lành cho muôn người.
Cuộc đối thoại của Thiên Chúa không chỉ liên quan đến buồn vui của kẻ được Ngài ngỏ lời. Trình thuật về ơn gọi và sứ vụ của Mô-sê minh họa thật tuyệt vời cách thức và ý nghĩa cứu độ của việc Thiên Chúa đối thoại với con người. Nơi bụi gai bốc cháy, Thiên Chúa mạc khải thánh danh Ngài và trao sứ vụ cho Mô-sê. Sau khi gọi đích danh Mô-sê và tỏ mình là Thiên Chúa của tổ phụ ông, “Đức Chúa phán với Mô-sê: “Ta đã thấy rõ cảnh khổ của dân Ta bên Ai-cập, Ta đã nghe tiếng chúng kêu than vì bọn cai hành hạ. Phải, ta biết các nỗi đau khổ của chúng. Ta xuống giải thoát chúng khỏi tay người Ai cập, và đưa chúng từ đất ấy lên một miền đất tốt tươi, rộng lớn, miền đất tuôn chảy sữa và mật... Giờ đây tiếng rên siết của con cái Ít-ra-en đã thấu tới Ta; Ta cũng đã thấy cảnh áp bức chúng phải chịu vì người Ai-cập. Bây giờ, ngươi hãy đi! Ta sai ngươi đến với Pha-ra-ô để đưa dân Ta là con cái Ít-ra-en ra khỏi Ai-cập” (Xh 3,7-8.10).
Đoạn đối thoại nối kết rất chặt chẽ việc Chúa phán với việc Ngài nghe, Ngài thấy, Ngài biết, Ngài xuống giải thoát và Ngài sai đi. Ngài nói bằng hành động. Thiên Chúa không nói với Mô-sê chỉ để ông nên bạn nghĩa thiết của Ngài mà nhất là để ông nên cộng sự của Ngài. Ngài mở lòng, mở đời ông ra với vận mệnh của cả một dân tộc và chân trời lớn lao của ơn cứu độ. Trong câu chuyện bụi gai bốc cháy, Xh 3,14, được thần học đặc biệt quan tâm nhưng lại hay tách rời khỏi Xh 3,15. Đúng ra nên nối kết hai câu. Mầu nhiệm siêu việt bất khả đạt đáo của Thiên Chúa được mạc khải qua ego eimi, không thể tách rời mầu nhiệm “Thiên Chúa của Áp-ra-ham, Thiên Chúa của I-xa-ác, Thiên Chúa của Gia-cóp” tức là mầu nhiệm của vị Thiên Chúa đã tỏ mình trong lịch sử, đã đối thoại và nối kết tương quan với những con người. “Đó là danh hiệu các ngươi sẽ dùng mà kêu cầu Ta từ đời nọ đến đời kia” . Cuộc đối thoại giàu sức cứu độ của Thiên Chúa với Mô-sê mở rộng không gian và nối kết thời gian, đưa cha ông đến với con cháu và mở ra tương lai ngàn đời, nhưng cũng đòi ông đối mặt với Pharaô.
Trong cái nhìn của Kinh Thánh, ơn cứu độ chỉ nên trọn vẹn khi dẫn đến Giao ước. Khi đối thoại, Thiên Chúa công bố tình yêu trung tín của Ngài và khơi lên tình yêu đáp trả của Ít-ra-en. Đó là mối tương quan giao ước mang sắc thái của tình yêu phu phụ và định hình một lối sống. “Ngươi không được có thần nào khác đối nghịch với Ta... vì Ta, Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi là một vị thần ghen tuông... Ngươi hãy nhớ ngày sa-bát... hãy thờ cha kính mẹ... không được giết người... (Xh 20,6-13). Sau khi nghe ông Mô-sê thuật lại mọi lời Chúa phán và lề luật của Ngài, toàn dân đáp lại: “Mọi lời Đức Chúa đã phán, chúng tôi sẽ thi hành” (Xh 24,3). Những tiếng Amen của Ít-ra-en sau mỗi lần nghe công bố huấn lệnh của Chúa thực sự là một cuộc đối thoại, không chỉ bằng lời mà còn bằng chính cuộc sống và lịch sử của một dân (Đnl 27,15-26) được hình thành và trường tồn nhờ việc lắng nghe Thiên Chúa.
Cuộc đối thoại đau thương nhưng tràn đầy hy vọng trong Sáng Thế 3,8-24 được Thiên Chúa lặp lại trong dòng lịch sử, nhiều lần và dưới nhiều hình thức. Đó có thể là lời hứa về một Đấng Thiên sai thuộc dòng dõi Đa vít (2 Sm 7,14), một Đấng Em-ma-nu-en” (Is 7,14) tràn đầy Thần Khí Thiên Chúa (Is 11,1ss) hay lời hứa về một giao ước mới (Gr 31,31ss), một con tim và thần trí mới (Ed 36,26-27), sự hồi sinh của dân tộc đã chết như xương khô (Ed 37,1ss), hay một thời đại mà sói sẽ sống chung với chiên... Cuộc đối thoại cũng có thể mang cung giọng của lời xét xử sắc bén như gươm: “Con bò còn biết chủ, con lừa còn biết cái máng cỏ nhà nó. Nhưng Ít-ra-en thì không biết, dân Ta không hiểu biết gì” (Is 1,2-3), hay một lời phân trần cay đắng: “Có gì làm hơn được cho vườn nho của tôi mà tôi đã chẳng làm? Tôi những mong trái tốt, sao nó sinh nho dại” (Is 5,1-7). Cay đắng nhưng vẫn thứ tha: tội các ngươi dù có thắm như vải điều cũng trở nên trắng như bông” (Is 1,18).
Dù diễn ra dưới hình thức nào thì cuộc đối thoại của Thiên Chúa với Dân Người cũng là cuộc đối thoại cứu độ và luôn luôn tràn đầy sự thật. Bất kể cung giọng cuộc đối thoại có trầm bổng ra sao thì trong sâu xa đó luôn là lời mời gọi con người trở về với Thiên Chúa của Giao ước và phát xuất từ tấm lòng đau đáu nỗi niềm: Ít-ra-en là Dân thuộc về Chúa. Nói cách khác, nó chứa đựng niềm hy vọng của Thiên Chúa đối với con người và là lời mở cánh cửa tương lai.
Tri thức đích thực Kitô giáo về Thiên Chúa phát xuất từ sự tự khải của Thiên Chúa. Và cuộc mạc khải đó tự bản chất mang tính đối thoại. Kinh Thánh không chỉ chứa đựng những ‘thánh chỉ’ và ‘sấm ngôn của Đức Chúa” mà còn bao gồm vô vàn lời thân thưa, bộc bạch, những tiếng ngợi ca và lời kêu xin khẩn khoản của con người. Bộ Thánh Vịnh sẽ không tồn tại, mà nếu có cũng vô nghĩa, nếu Thiên Chúa không phải là Đấng biết lắng nghe. Thánh Vịnh không chỉ là lời con người nói với Chúa về nỗi vui buồn sướng khổ của mình. Bộ sách còn mạc khải cho ta chân dung một Thiên Chúa lắng nghe và quan tâm đến nụ cười và nước mắt của con người. Ngài không chỉ lắng nghe lời chúc tụng, ngợi khen và cảm tạ, hay lời khẩn khoản van nài của kẻ thành tâm. Thiên Chúa lắng nghe cả những lời không dễ nghe, những tiếng kêu trách của dân cứng cổ cũng như tiếng thét căm phẫn của người ngay lành bị bách hại vô cớ, hoặc nỗi đắng cay của người đạo hạnh trước đường lối khôn dò của Thiên Chúa.
Lịch sử đối thoại giữa Thiên Chúa và con người được tác giả Thư Híp-ri tóm tắt: “Thuở xưa, nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các ngôn sứ; nhưng vào thời sau hết này, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử” (Hr 1,1-2). Với Đức Giê su, cuộc đối thoại giữa Thiên Chúa và con người bước sang một giai đoạn mới. Sự mới mẻ nằm ở chính bản thân và sự hiện diện của Đức Giêsu. Ngài là Lời Thiên Chúa nói với con người, đồng thời Ngài cũng là lời con người nói với Thiên Chúa. Qua giáo huấn và cuộc sống của Ngài, chúng ta được nghe lời chỉ bảo, sửa dạy và ủi an của Thiên Chúa, được nghe lời chữa lành, tác sinh và tha thứ của Thiên Chúa. Ngài là Thiên Chúa ở với con người. Ngài thấy, Ngài nghe, Ngài chạnh lòng, cứu sống và nâng dậy, Ngài ‘đi xuống’ và Ngài ‘đi lên’, Ngài ban Thánh Thần và sai đi. Sự hiện diện của Đức Giêsu trở thành lời thoại của Thiên Chúa. Và cũng nơi Đức Giêsu, chúng ta gặp được lời đáp đầy tín thác, hiến dâng và vâng phục trọn vẹn nhất của con người đối với Thiên Chúa. Nhưng điều lớn lao cao quý và tuyệt đối mới mẻ nơi Đức Giêsu đó là: nơi Ngài và với Ngài, không những Thiên Chúa nói với con người và con người nói với Thiên Chúa mà chính Thiên Chúa đối thoại cùng Thiên Chúa.
2. Thiên Chúa đối thoại với Thiên Chúa
Có lẽ không gì giúp ta hiểu cuộc đối thoại giữa Thiên Chúa với Thiên Chúa hơn đời sống cầu nguyện của Đức Giêsu. Tin mừng cho ta biết Đức Giêsu đã cầu nguyện rất nhiều: lúc sáng sớm (Mc 1,35) và giữa đêm khuya; cầu nguyện trước những biến cố quan trọng như khi chọn Nhóm Mười Hai (Lc 6,12), khi Phêrô tuyên xưng đức tin (Lc 9,18) hay khi dạy kinh Lạy Cha (Lc 11,1); Ngài cầu nguyện khi giảng dạy (Lc 11,21) và khi làm phép lạ (Lc 10,16; Mt 14,19; Ga 11,41-42); lúc thành công có đám đông tuôn đến (Lc 5,16; Mt 14,23; Mc 6,46; Ga 6,15), khi đơn độc chay tịnh và chịu cám dỗ; cầu nguyện tạ ơn Thiên Chúa khi lập Bí tích Thánh Thể (Mc 14,22; Mt 26,26-29; Lc 22,17-19;1 Cr 11,23-25) và trong cuộc chiến ở vườn cây dầu (Lc 23,39-45 và ss). Và Ngài cầu nguyện trên Thánh giá.
Những hoàn cảnh khác nhau của việc cầu nguyện cho thấy Đức Giêsu không ngừng đối thoại với Cha Ngài và chính điều đó bộc lộ mối tương quan thâm tình giữa Cha-Con. Theo Luca, lời nói đầu tiên của Đức Giêsu là lời nói về Cha: “Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao?” (2,49). Và lời cuối là lời nói với Cha: “Lạy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha” (Lc 23,46). Sự gần gũi thân tình đó được Đức Giêsu bộc lộ cách sống động và sâu sắc qua tiếng Abba.
Mc 14,36 là bản văn Tân ước duy nhất đặt chữ Abba trên môi miệng Đức Giê su. Nhưng theo J. Schlosser[1], chữ Abba có thể nằm đằng sau những cách sử dụng từ Cha (ho pater) cách khác nhau của Tân ước: Mc 13,32; Lc 10,22; Lc 11,13; Mt 28,19; Lc 9,26: Chúa Cha, Cha trên trời; ho pater mou – Cha Thầy (Mt 7,21; 10,32,33) Cha tôi (Mt 11,27; 12,50). J. Jeremias khẳng định ‘trong khi các bản văn cầu nguyện Do thái không kêu cầu Thiên Chúa một lần nào với danh xưng Abba, thì - trừ ra tiếng kêu hấp hối trên thánh giá (Mc 15,34) Đức Giê su lại luôn luôn gọi Thiên Chúa như thế”[2]. J.Schlosser tỏ ra thận trọng đối với chữ luôn luôn nhưng ông ghi nhận giá trị lập luận của Jeremias khi cho thấy truyền thống Tân ước thường xuyên đặt chữ Abba trên môi miệng Đức Giêsu trong bối cảnh cầu nguyện.
Trong khung cảnh của Do thái giáo, chỉ mình Đức Giêsu đã gọi Thiên Chúa bằng Abba, và điều này có ý nghĩa đặc biệt. Ý nghĩa và độc đáo vì Đức Giêsu đã gọi Thiên Chúa là Abba cách đơn sơ, tự nhiên, trực tiếp, không ‘rào trước đón sau’ như thể cần bảo vệ sự siêu việt của Thiên Chúa. Hàm ý thần học nằm ở chỗ: đây là từ ngữ được dùng trong gia đình để nói lên sự thân mật giữa người cha và con cái. Abba có nguồn gốc gia đình nhưng không bị giới hạn trong đó. Nó có ý nghĩa trìu mến nhưng không loại trừ sự kính trọng và có thể được dùng ngoài xã hội, chẳng hạn để xưng hô với một người cao tuổi mà người ta muốn bày tỏ lòng kính trọng. Vì vậy không nên đối lập ý nghĩa thân tình trìu mến của chữ Abba với lòng kính trọng.
Đúng hơn, sự thân tình gần gũi của Abba trái ngược với sự xa cách. Abba bao hàm sự tin tưởng và lòng vâng phục, sự phó thác và việc nhìn nhận quyền tối thượng của Thiên Chúa. Tiếng gọi Abba của Đức Giêsu nói lên mối tương quan trực tiếp giữa Ngài với Thiên Chúa. Nó cho thấy Đức Giêsu có một nhận thức rất gần gũi và trực tiếp về Thiên Chúa. Không ai có mối tương quan với Thiên Chúa như Ngài, kể cả Môsê là người được diện đối diện với Thiên Chúa. Khi sử dụng tiếng Abba trong đời sống cầu nguyện, Đức Giêsu vừa cho thấy Ngài rất mực cung kính và vâng phục Cha, vừa cho thấy Ngài đối thoại với Cha cách trực tiếp, gần gũi và hồn nhiên như hai vị đồng hàng, chứ không hề có sự run sợ hay khép nép của một tạo vật trước mặt Thiên Chúa tối cao. Và đó chính là nét độc đáo của Đức Giêsu, Đấng là Con Thiên Chúa làm người, một căn tính được Ngài thể hiện qua những cách thức đối thoại khác nhau trong cuộc sống hiện sinh của mình. (x. Schlosser, sđd, tr.208-209).
Đức Giêsu đối thoại với Cha Ngài khi cầu nguyện và trong mọi hoàn cảnh, biến cố của cuộc sống. Đó là cuộc đối thoại hiện sinh của phận làm con, của đời hiếu tử mà tất cả có thể được gồm tóm trong hai chữ vâng phục. “Thầy yêu mến Chúa Cha và làm đúng như Chúa Cha đã truyền cho Thầy” (Ga 14,31). Ngài làm như ý Cha truyền để hiệp thông với ý muốn của Người. “Thầy đã giữ các điều răn của Cha Thầy và ở lại trong tình yêu của Người” (Ga 15,10). Đức vâng phục là cách thế Đức Giêsu đối thoại với Cha Ngài, trong đó không chỉ lời nói mà cả trí tuệ, con tim, ý chí và hành động đều dự phần. Bằng cuộc đối thoại đó Đức Giêsu ở lại trong tình yêu của Cha, thể hiện tình hiếu tử của mình, đón nhận cuộc sống mình tự nơi Cha và dâng hiến cho Cha.
F. X. Durrwell nhận xét rằng trong Tin mừng Nhất lãm, mọi hành động vâng phục của Đức Giêsu bao giờ cũng được đi trước bằng ánh mắt ngước lên Cha: “Vâng, lạy Cha, vì đó là điều đẹp ý Cha” (Mt 11,26 và Mc 14,36; Lc 23,46). Theo cái nhìn của thánh Gioan, vâng phục là ấn triện hiến thánh và biểu lộ tương quan hiếu tử: Người Con không thể tự mình làm bất cứ điều gì, ngoại trừ điều Ngài thấy Chúa Cha làm, vì điều gì Chúa Cha làm, thì người Con cũng làm như vậy” (Ga 5,19). Đức Giêsu và Cha Ngài luôn hiệp nhất trong một tình yêu, nhưng tình yêu này được biểu hiện khác nhau nơi Cha và nơi Con. “Trong Chúa Cha, tình yêu biểu hiện dưới hình thức là ý muốn đối với Thánh Tử; trong Đức Ki-tô, cũng tình yêu đó biểu hiện dưới hình thức vâng phục. Ý muốn của Cha là tình yêu sinh thành; sự vâng phục của con là tình yêu đón nhận được sinh thành bởi Cha”[3].
Thánh Thần ở đâu trong cuộc đối thoại này? Augustinô nói Ngài là tình yêu nối kết Đấng yêu thương với Đấng được yêu thương. Người khác bảo Chúa Cha là Đấng nói, Chúa Con là Lời, còn Thánh Thần là hơi thở nối kết người nói và lời nói. Người khác nữa cho rằng Ngài là hơi thở yêu thương chung của Cha và của Con. Cũng một cách, có thể nói: Thánh Thần là nguồn sinh khí để trên Thánh giá Đức Giêsu thưa với Cha: mọi sự đã hoàn tất và được Cha phục sinh. Nếu Thánh giá là mạc khải tột đỉnh của mạc khải về Mầu nhiệm Ba ngôi thì có thể nói cây gỗ dọc với hai cực trên dưới tượng trưng cho tương quan giữa Chúa Cha và Chúa Con, còn Thánh Thần được ví như cây gỗ ngang nối kết hai cực với mọi hình thức tương quan: phán bảo và vâng nghe, trao ban và đón nhận...
Tóm lại, nơi Đức Giêsu chính Thiên Chúa đối thoại với Thiên Chúa. Cuộc đối thoại tình yêu đó được diễn tả không những bằng lời cầu nguyện trong sự thân tình và tin tưởng, mà nhất là bằng việc đón nhận mọi sự từ nơi Cha với lòng vâng phục. Giáo huấn của Ngài là do Cha ban (x. Ga 7,16), các phép lạ Ngài làm là công việc của Cha (x. Ga 10,38; 14,10), lương thực của Ngài là làm theo ý Đấng đã sai Ngài (x. Ga 4,36), Ngài không tìm vinh quang cho mình nhưng cháy bỏng khao khát vinh quang do Cha ban (8,48-49). Khẳng định ‘Tôi và Cha tôi là một” (Ga 10,30) nhưng Đức Giêsu lại vui lòng khi hoàn toàn tùy thuộc vào Cha (Ga 8,28-29). Đối với Con, tột đỉnh cuộc đối thoại đa diện đó là sự tự hiến trong Thánh Thần tình yêu trên Thánh giá; đối với Chúa Cha, tột đỉnh đó là cuộc Phục sinh Chúa Con trong và bằng sức mạnh của Thánh Thần. Đó là cuộc đối thoại tràn đầy ánh sáng mạc khải về mầu nhiệm Thiên Chúa và giàu sức thánh hóa, mở ra với toàn thể nhân loại. Tâm tình tri ân đầy tình con của Đức Giêsu, lòng vâng phục tuyệt đối và sự từ bỏ bản thân đến tận cùng của Ngài chính là sự ghi chép lại bằng ngôn ngữ nhân loại tương quan khôn tả giữa Ngôi Lời và Cha của Ngài (B. Sesboüé).
Truyền thống của Hội Thánh luôn xác tín: Thiên Chúa tỏ mình ra cho chúng ta thế nào thì Ngài là như vậy. Các Kitô hữu đầu tiên đón nhận mạc khải của Đức Giêsu từ lời giảng dạy, cuộc sống và nhất là mầu nhiệm Vượt Qua của Ngài. Họ nối kết mạc khải đó với kinh nghiệm về sự sống mới mà Đức Giêsu ban cho họ. Rồi dưới sự hướng dẫn của Thánh Thần, họ đúc kết niềm tin đó thành lời tuyên xưng mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi, là niềm tin đặc thù Kitô giáo.
III. ĐỨC TIN SUY TƯ VỀ MẦU NHIỆM ĐỐI THOẠI TRONG THIÊN CHÚA BA NGÔI
Niềm tin sống động nơi Thiên Chúa Ba ngôi được tuyên xưng, cử hành, sống và rao giảng trước khi những định thức tín điều với các hạn từ bản thể, ngôi vị ra đời. Những định thức đến sau nhưng giúp gìn giữ, bảo toàn và soi sáng niềm tin trong suy nghĩ, tuyên xưng và sống. Đối với Kitô giáo, mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi vừa là nguồn suối vừa là cùng đích. Đó vừa là một chân lý phải được kính trọng và bảo vệ, vừa ấn định một lối sống để thực hành.
Theo Giáo lý về Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi, từ bản thể (substantia) hoặc bản tính (natura) để chỉ Hữu thể thần linh trong sự duy nhất của Ngài; từ “ngôi” hoặc “ngôi vị” (persona hay hypostasis) để chỉ Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần trong sự phân biệt thật sự giữa các Ngài, còn từ “tương quan” (relatio) để chỉ sự phân biệt của các Ngài trong vấn đề các Ngài quy chiếu về nhau” (GLHTCG, s.252). Cùng với đó, từ “đồng bản thể” dùng để khẳng định “mỗi ngôi vị đều là Thiên Chúa trọn vẹn: Chúa Cha là gì thì Chúa Con là thế ấy, Chúa Con là gì thì Chúa Cha là thế ấy, Chúa Cha và Chúa Con là gì thì Chúa Thánh Thần là thế ấy, nghĩa là một Thiên Chúa duy nhất theo bản tính” (GLGTCG, s.253). “Chúa Cha là Đấng sinh thành, Chúa Con là Đấng được sinh ra, Chúa Thánh Thần là Đấng xuất phát” (GLHTCG, s.254).
Trong những định thức tín điều trên, tất cả các từ cốt yếu đều hàm chứa hoặc minh nhiên nói đến yếu tố tương quan trong Thiên Chúa. “Cha- Con” hiển nhiên là những từ ngữ diễn tả tương quan, và chính từ đồng bản thể cũng bao hàm một khía cạnh của tương quan giữa các ngôi vị. Tuy nhiên, ngôi vị mới là đặc ngữ diễn tả tương quan nơi Thiên Chúa. Trong kinh nghiệm nhân linh, ngôi vị là hữu thể đang lên tiếng, nghĩa là đang ngỏ lời với một một ai khác, là người đang hướng về một người khác mà người đó đang lắng nghe và chờ đợi một câu trả lời; câu trả lời đó sẽ làm cho người ngỏ lời nhận thức chắc chắn được mình đang hiện hữu như một ngôi vị[4].
Vận dụng suy nghĩ này, J. Moingt cho rằng khẳng định nơi Thiên Chúa có nhiều ngôi vị là hiểu rằng tự bản chất Ngài hoàn toàn là hữu thể của sự lắng nghe và lời nói. Nếu Ngài không là như thế thì nói với Ngài là vô ích, vì Ngài sẽ không thể nghe và cũng chẳng có gì để nói với chúng ta. Mà nếu như thế thì đó là Thiên Chúa của khoa siêu hình chứ không phải Thiên Chúa của Kinh Thánh. Ratzinger cũng cho rằng tin Thiên Chúa là ngôi vị ‘thì đương nhiên nhìn nhận Ngài là Đấng có thể tương giao, có thể đối thoại và rất mực phong phú. Một hữu thể hoàn toàn “đơn độc”, không có tương quan với ai và cũng không ai tương quan nổi thì không phải là một “ngôi vị”... Khái niệm ngôi vị tự nó đã hàm chứa sự siêu việt của đơn độc”[5]. ...Thực tại này dẫn chúng ta đến một yếu tố nền tảng khác của mầu nhiệm Ba Ngôi, đó là tương quan.
J. Moingt cho rằng trực giác trọng tâm của tín điều Ba Ngôi là trực giác về ‘một nguồn năng động đầy sức sống của sự trao hiến và đón nhận, của việc mở ra với điều khác mình; sự duy nhất của Thiên Chúa là nguồn cội của sức năng động này; do đà vươn nội tại của mình, nguồn năng động đó thể hiện ra trong những chủ thể đang thông ban sự sống cho nhau; các ngôi vị là một hệ thống tương thông sự sống (intercommunication de vie) gắn liền với hữu thể thần linh, nhờ sự tương thông này, bản tính thần linh bảo tồn sự duy nhất và căn tính của mình, bởi vì bản tính đó là sự sống và tình yêu, tức là sự trao hiến (sđd, tr.15).
Như vậy, chiều sâu của mối tương quan nơi Thiên Chúa hệ tại việc trao hiến và đón nhận. Không phải trao hiến và đón nhận điều mình có nhưng là chính bản thân mình, không phải trong một thời điểm hay một giai đoạn, nhưng “từ muôn thuở đến muôn đời”. Sử dụng ngôn từ gần truyền thống hơn, J. Ratzinger viết: “Cha sinh ra Con không có nghĩa là Con được hình thành qua hành vi sinh thành của Cha. Ngược lại, Ngôi Cha là Cha trong chính hành vi sinh thành, nghĩa là Cha tự trao ban để cho nguồn sống tuôn trào ra từ chính mình. Ngôi vị đồng nhất với hành vi trao hiến chứ không đơn giản là người thực hiện hành vi trao hiến... (sđd, tr.191). Cũng vậy, ngôi vị Chúa Con đồng nhất với chính hành vi đón nhận từ Cha, tức là được sinh ra (filiation) và ngôi vị Thánh Thần là Thánh Thần trong chính việc phát xuất từ Chúa Cha và Chúa Con (spiration passive). Thần học cổ điển gọi đó là “tương quan lập hữu” (relatio subsistens) [6].
Bởi ngôi vị Thiên Chúa là tương quan nên tương quan nơi Ngài vượt xa ngàn trùng mọi tương quan của con người. Con người có tương quan chứ không là tương quan. Hơn nữa, tương quan của chúng ta bị chi phối bởi giới hạn và bất toàn về trí-tri, ngôn-hành, vì hiện hữu ngắn ngủi như bóng câu qua cửa và tình yêu của chúng ta chóng tan như ‘giọt sương ban sáng, đám mây ban chiều”; chúng ta trao hiến có giới hạn và khả năng đón nhận có lẽ còn giới hạn hơn! Con người trao hiến điều mình có, hơn là trao hiến chính bản thân và ngay cả khi người ta gọi là trao thân thì thân đó vẫn là của riêng mình...
Nhờ mạc khải nơi Đức Kitô mà Kitô hữu “kinh nghiệm về Thiên Chúa không những là Logos (Lời) mà còn là Dia-logos (đối thoại), không những là Tư tưởng và Ý nghĩa, mà còn là Trao đổi và là Lời trong cuộc đối thoại sống động giữa các ngôi vị với nhau” (Ratzinger, sđd, tr.190). Mạc khải đó cũng dạy chúng ta sự khác biệt ngàn trùng giữa cuộc đối thoại nơi Thiên Chúa và cuộc đối thoại giữa những con người. Nơi Thiên Chúa Ba ngôi, cuộc đối thoại diễn ra giữa các ngôi vị đồng bản tính thần linh có chung một trí tuệ, một tình yêu, một sự sống, - omnia sunt unum ubi not obviat relationis oppositio - tạo nên sự hiệp thông sung mãn tuôn trào là nguồn sự sống cho tạo vật. Cuộc đối thoại sung mãn và sâu xa trọn vẹn đến mức các ngôi vị không những hướng đến nhau, yêu mến nhau, trao hiến cho nhau và đón nhận nhau mà còn ở trong nhau. “Tất cả những khái niệm về Mầu nhiệm Ba ngôi dẫn đến khái niệm nền tảng cuối cùng tóm tắt tất cả: sự tồn tại của ngôi vị này trong ngôi vị kia và sự thấm nhập vào nhau của các ngôi vị: la perichorèsis”[7]. Thực ra thì đó chỉ là diễn giải lời Đức Giêsu: “Tôi và Cha tôi là một”. Tách rời khỏi cuộc sống, cái chết, ngôi mộ trống và cuộc phục sinh của Đức Giêsu Kitô thì, nói như J. Moingt, mọi diễn từ về mầu nhiệm Ba Ngôi chỉ là ngôn từ vô bổ!
Trong nhãn quan đó, nghe lại những lời cuối cùng của Đức Giêsu trên Thánh giá giúp chúng ta hiểu đôi chút về nội dung cuộc đối thoại nơi cung lòng Thiên Chúa. Trong bảy lời cuối cùng của Chúa, ba lời là cầu nguyện trực tiếp với Thiên Chúa Cha (Lc 23,34; 23,46; Mt 27,46), trong đó Luca 23,34 là lời chuyển cầu: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm”; hai lời hướng tới con người: hứa phúc Thiên đàng cho tên trộm có lòng thống hối (Lc 23,43) và lời trao phó Đức Mẹ cho người môn đệ Chúa yêu cũng như trao phó môn đệ cho Đức Mẹ (Ga 19,26-27), một lời hiển nhiên liên quan đến Hội Thánh. Chỉ một lời liên quan đến bản thân Đức Giêsu: “Tôi khát” (Ga 19,28). Truyền thống thần học nghe thấy nơi tiếng kêu này niềm khát khao ơn cứu độ phổ quát cho muôn người và ước muốn cháy bỏng “vượt qua thế gian mà về cùng Cha”. Lời cuối cùng: “Thế là đã hoàn tất” có vẻ là lời tự nhủ mà thực ra là lời thoại đúc kết cuộc đời đối thoại với Chúa Cha. Lời này được Tin mừng thuật lại cùng với việc “Người gục đầu xuống và trao Thần Khí” (Ga 19,30). Cuộc đối thoại của Thiên Chúa với Thiên Chúa hướng đến nhau mà không loại trừ, tròn đầy mà không khép kín. Và đó là lối sống cho những ai muốn trở nên hình ảnh Thiên Chúa giữa cuộc đời.
*****
Đối với Kitô hữu, đối thoại không phải là một chọn lựa nhưng là yếu tố cấu tạo nên căn tính. Đó là lối sống phải theo cho những ai muốn thực sự là môn đệ Chúa Kitô, là thành phần của Giáo hội hiệp thông - tham gia và nên hình ảnh của Thiên Chúa. Vì vậy Gaudium et Spes, trong phần kết luận, sau khi đã kêu gọi đối thoại giữa mọi người: trong lòng Giáo hội Công giáo, giữa những Kitô hữu với các tôn giáo khác, đã khẳng định: Giáo hội “không muốn loại trừ ai dù đó là những người đang chú tâm vào những giá trị tinh thần nhân bản cao quý nhưng lại chưa nhận biết Đấng Tạo Thành, hay đó là những kẻ chống đối và bách hại Giáo hội bằng nhiều cách” (GS 92).
Cuộc đối thoại trong Thiên Chúa Ba Ngôi vừa là mầu nhiệm để chúng ta chiêm ngắm và noi theo, vừa là lời mời gọi hoán cải để sống đối thoại chân thực hơn. Thiên Chúa đã tạo dựng con người như một hữu thể cần được bổ túc, nghĩa là trong mỗi chúng ta đều có một phần tha tính. Tiến trình ra khỏi bản thân đến với người khác không chỉ đáp ứng nhu cầu của người khác mà đáp ứng nhu cầu về tha tính của chính chúng ta. Tiến trình đó giúp chúng ta vượt qua thế giới của các cá nhân để tiến vào thế giới của các ngôi vị. Đối thoại là một phần của cuộc xuất hành ra khỏi bản thân đến với miền đất hứa chảy sữa và mật, nhưng rất gai góc, của điều khác mình. Mà đó là miền đất hứa Chúa ban. Đối thoại đích thực - dù là với Thiên Chúa hay với con người - luôn đòi hoán cải, trở về với Thánh Thần Tình yêu và cũng là Thánh Thần chân lý.
Đức cố Hồng y Jean-Louis Tauran[8], cựu chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Đối thoại Tôn giáo cho rằng, để có thể đối thoại, mỗi bên cần xây dựng một căn tính thiêng liêng, hiểu biết về truyền thống và giá trị của mình; tiếp đến cần có sự can đảm đón nhận tha nhân không thành kiến, xác tín rằng họ có thể làm cho mình nên phong phú. Cuối cùng là ý hướng thẳng thắn đơn sơ: trình bày và đề nghị những giá trị của mình mà không quá khích áp đặt.
Sự duy nhất của bản tính Thiên Chúa đưa tới perichoresis hay perichoresis tạo nên sự duy nhất trong Thiên Chúa? Cuộc tranh luận thần học muôn thuở này gợi ra một câu hỏi khác: Giữa lòng Giáo hội, hiệp thông dẫn tới đối thoại hay đối thoại tạo ra hiệp thông? Liệu có phải chọn một trong hai? Cuộc đối thoại trong Thiên Chúa Ba Ngôi dạy ta: phân biệt càng chân thật, hiệp thông càng sâu sắc; sự tự lập càng lớn (autonomie), sự duy nhất càng sung mãn.
(Đã đăng trong Logos 04 - Tập san Thần học Mục vụ của Ủy ban Giáo lý Đức tin)
[1] Jacques Schlosser, Le Dieu de Jésus, Lectio Divina 129, tr.203.
[2] Joachim Jeremias, Abba, Jé sus et son père, Parole et silence, 1972, tr. 65s.
[3] F. X. DurrwelL, Le Père, Dieu en son mystère, P. Vũ Văn Thiện chuyển ngữ: Hiểu, sống mầu nhiệm Chúa Cha, Nxb Tôn giáo, Hà Nội, 2006, tr. 477.
[4] J. Moingt, Personne humaine et personne divine, Rev Christus, n.182, 1999, tr.15. Đây là số báo chuyên đề về Mầu nhiệm Ba ngôi chuẩn bị Đại năm thánh 2000 có nội dung rất phong phú.
[5] J. Ratzinger, Đức tin Kitô giáo hôm qua và hôm nay, bản dịch tiếng Việt Nguyễn Quốc Lâm, Nxb Tôn giáo, Hà Nội, 2009, tr.186-187.
[6] “Nơi Thiên Chúa, các mối tương quan tạo nên các ngôi vị. Trong khi nơi tạo vật tương quan là tùy thể thì nơi Thiên Chúa tương quan phải được hiểu theo bản thể. Nơi Thiên Chúa không có sự phân biệt thực sự giữa yếu tính (essence) và hữu (esse) (x. ST I, q.3, a.4); và vì những tương quan đồng nhất với yếu tính thần linh nên chúng không phải là tùy thể. Nơi Thiên Chúa, các ngôi vị có nghĩa là các tương quan lập hữu (subsistent relations). [x.Joseph Wawrykow, Franciscan and Dominican trinitarian theology (thirteenth century):Bonaventure and Aquinas in The Oxford handbook of The Trinity, col edited by Gilles Emery, op and Matthew Levering, Oxford University press 2014, tr 190).
[7] W. Kasper, Le Dieu des chrétiens, CF 128, Cerf, Paris 1996, tr.409.
[8] Cardinal Jean-Louis Tauran, Croyants en dialogue: utopie ou ressource?, Transversalités, 2011/1, p.165-173/ www.cairn.info/revue-transversalités-2011-1-page-165.htm.
Tin mới đăng:
- Vatican và Microsoft hợp tác để giúp du khách có trải nghiệm tuyệt vời về Đền thờ Thánh Phêrô (12/11/2024)
- Thứ Tư Tuần XXXII - Mùa Thường Niên (12/11/2024)
- ĐTC Phanxicô: Nhân viên Đền thờ Thánh Phêrô hãy giúp du khách cảm nhận đây là nơi của đức tin và lịch sử (11/11/2024)
- Kinh Truyền Tin 10/11: Sự giả hình (11/11/2024)
- 12 Tháng Mười Một Thánh Josaphat (1580?-1623) (11/11/2024)
Các tin khác:
- Thông điệp về Thánh Tâm Chúa Giêsu là "chìa khóa" cho triều đại giáo hoàng của ĐTC Phanxicô (28/10/2024)
- GIỚI THIỆU 4 VĂN KIỆN MỚI (25/10/2024)
- Thượng HĐGM: Thẩm quyền của các Giám mục và HĐGM về các vấn đề tín lý (18/10/2024)
- GIỚI THIỆU: Ghi chú Gestis Verbisque về tính thành sự của các bí tích (02/09/2024)
- Bộ Giáo lý Đức tin: Tổng Giám Mục Carlo Maria Viganò bị vạ tuyệt thông vì ly giáo (07/07/2024)
- Tuyên bố của Bộ Giáo lý Đức tin về phẩm giá con người (09/04/2024)
- Diễn văn Đức Thánh Cha dành cho Tham dự viên Phiên họp Toàn thể của Bộ Giáo lý Đức tin năm 2024 (27/01/2024)
- HIỆP HÀNH TRONG VIỆC TUYÊN XƯNG ĐỨC TIN (24/09/2023)
- Tân Tổng trưởng Bộ Giáo lý Đức tin: Chúng ta được cứu bởi một Người, không bởi một giáo huấn (09/07/2023)
- Thư của Đức Thánh Cha gửi cho Tân Tổng trưởng Bộ Giáo lý Đức tin (03/07/2023)
- Nhớ Cha Phêrô Nguyễn Thiên Cung qua bài viết: MẦU NHIỆM THIÊN CHÚA BA NGÔI, ĐỨC TỔNG GIÁM MỤC PHAOLÔ BÙI VĂN ĐỌC VÀ TÔI… (22/05/2023)
- Tổng trưởng Bộ Giáo lý Đức tin: Thông điệp Humanae vitae vẫn mang tính ngôn sứ (21/05/2023)
- GIỚI THIỆU LOGOS 08: MÔI SINH NHÂN BẢN TOÀN DIỆN (20/04/2022)
- Như ông Ê-li-a và ông Ê-li-sa, Đức Giê-su không chỉ được sai đến với người Do-thái. (20/03/2022)
- MẦU NHIỆM THIÊN CHÚA BA NGÔI, ĐỨC TỔNG GIÁM MỤC PHAOLÔ BÙI VĂN ĐỌC VÀ TÔI… (06/03/2022)