“NGÀI LÀ AI?” Tiểu sử, con người và tính cách của Đức Tổng Giám mục Phaolô Bùi Văn Đọc

06 / 03/ 2022, 03:03:00

Ngài là ai? Từ đâu mà đến trong cuộc đời? Và đã sống thế nào, để đọng đầy ký ức trong tâm tưởng của nhiều người. Và họ bảo rằng ngài quả là con người của Giáo hội, luôn hiệp thông với Giáo hội, một vị mục tử nhiệt tâm loan báo Tin mừng cứu độ, thi hành sứ vụ tư tế, phục vụ Dân Chúa với tấm lòng bao dung nhân hậu, cởi mở và vị tha như nụ cười vẫn niềm nở sảng khoái hiền lành trên môi.  

Ngài là ai? Từ đâu mà đến? Và đã đi qua cuộc sống này thế nào, để kỷ niệm còn ghi dấu trong tâm khảm của nhiều giáo sư đồng nghiệp, của những học trò thân thương vẫn ngưỡng mộ gọi về với nhận định chung kết là xứng đáng thuộc hàng ngũ trí thức, một người thầy uyên thâm, nhờ năng khiếu ngoại ngữ trổi vượt, có phương pháp tổng hợp, có thể đọc nhiều sách, nhờ đó mà đắc thủ kiến thức phong phú, say mê nghiên cứu nhiều lãnh vực triết học và suy tư thần học, đặc biệt là thần học về Thiên Chúa Ba Ngôi, vừa có thể lý luận khúc chiết mạch lạc, vừa biết đối chiếu, tiếp cận với cuộc sống thực tế muôn màu từ những chiều sâu hiện hữu.

Ngài là ai? Từ đâu mà đến? Và đã làm gì trong cuộc sống, để cuộc đời không vô tình lãng quên. Và cho dù còn lắm dở dang, còn nhiều giới hạn trên đường hành hương, cả những kỳ vọng dự phóng, những ước mơ chưa trọn vẹn dưới muôn vàn hình thái của một nhân cách, một lý tưởng cần vươn tới. Rồi lặng lẽ, cuộc đời chuyển sang cõi xa khuất chân trời, ngài âm thầm đáp trả tiếng gọi từ cội nguồn vĩnh cửu. Bởi vậy, ở một khoảng không gian khả ái nào đó, có ai tình cờ biết đến, nhắc lời châm ngôn trong trí nhớ biểu cảm một thời ngài đã sống, đã xin vâng với cuộc sống: “Ad Deum laetitiae meae: Chúa là nguồn vui của con”. Có thể tất cả những điều đó, tuy vẫn chưa phải là tất cả về một con người nếu trải ra trên nhiều cung bậc sống, vì hình như còn có điều gì rất riêng như một huyền nhiệm để chỉ có thể tiếp cận với sự tôn trọng. Nhưng ít nhất, chẳng phải tất cả những điều đó cũng phần nào phác họa hay vén mở tính cách độc đáo, số phận con người và lịch sử cuộc đời của Đức Tổng Giám mục Phaolô Bùi Văn Đọc?

Là con trai duy nhất trong một gia đình có bốn người chị, được giáo dục và trưởng thành trong truyền thống đức tin Công giáo với tất cả lòng sùng kính mến yêu, Đức Tổng Phaolô sinh vào đời ngày 11 tháng 11 năm 1944 tại Đà Lạt, được lãnh nhận Bí tích Rửa tội ngày 18 tháng 12 cùng năm đó. Tất cả các chị em, những người con của Ông Cố Bùi Văn Giảng và Bà Cố Nguyễn Thị Tỳ, từ nhỏ đến lớn đều được theo học chương trình Pháp tại các trường nổi tiếng trên thành phố cao nguyên này. Nghe có người trong nhà bảo rằng tên nguyên thủy của ngài là Phaolô Bùi Văn Độc, vì là con trai độc nhất, cậu út của ông bà cố. Thế nhưng vì sau này niềm say mê đọc sách và học hành chăm chỉ có thể đã nảy nở từ hồi ngài còn nhỏ, nên rồi tự nhiên được gọi là Đọc. Cũng có lời bảo rằng vì Ông Cố là Giảng, nên con là Đọc thì cũng hợp lẽ thường tình.

Khởi đầu quá trình này, từ năm 1956 đến năm 1963 ngài được gửi vào Tiểu Chủng viện Sài Gòn, rồi tốt nghiệp tú tài, chuyển lên Đại Chủng viện Thánh Giuse. Sau đó, từ năm 1964 đến 1970 thì Đức cha Simon Hòa Nguyễn Văn Hiền, Giám mục Giáo phận Đà Lạt, gửi ngài sang Rôma theo học tại Đại học Urbaniana, thuộc Bộ Truyền giáo. Sau khi hoàn tất việc học, rồi chịu chức Phó tế, ngài trở về Việt Nam và được Đức cha Simon Hòa Hiền truyền chức linh mục vào ngày 17 tháng 12 năm 1970. Từ đó, trong suốt thời gian thi hành sứ vụ linh mục, ngài được bổ nhiệm làm giáo sư Tiểu Chủng viện Simon Hòa, Đại Chủng viện Minh Hòa và Viện Đại học Đà Lạt. Tại trường Đại học Công giáo này, là một linh mục và giáo sư trẻ vào khoảng 26 tuổi, cha Phaolô được mệnh danh là người “đọc sách” và “trí tuệ” thông sáng, trình bày vấn đề khúc chiết qua các bài thuyết trình và đối thoại sống động theo phong cách suy tư của một “triết gia”, và do đó, được các học trò đương thời khen ngợi vì tính chất hùng biện, dí dỏm, kèm theo những nụ cười sảng khoái hài hước, hấp dẫn khiến cho nhiều sinh viên của các lớp văn học, triết học khác cũng tìm đến gần cửa lớp học để lắng nghe theo dõi.

Vào năm 1975, ngài được Đức cha Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm, Giám mục Giáo phận Đà Lạt bổ nhiệm làm Giám đốc Đại Chủng viện Minh Hòa, giáo sư thần học tín lý tại Giáo hoàng Học viện Piô X cho đến khi ngừng hoạt động vào năm 1977. Đây cũng là thời kỳ cam go, thử thách, những tháng năm vất vả và gian khổ về mọi phương diện, mang đậm nét ưu tư, những mối quan tâm chủ yếu của ngài, tìm kiếm một hướng đi, một kế hoạch đào tạo huấn luyện theo tình huống thời cuộc. Bầu khí của Đại Chủng viện Minh Hòa lúc đó còn rất mới mẻ, kể từ ngày thành lập cho đến những ngày sau nhiều biến cố đất nước đổi thay, nhưng với cương vị Giám đốc, ngài vẫn luôn đồng hành với các chủng sinh, vừa tận tình hướng dẫn, huấn đức, dạy học, linh hướng, vừa tham gia lao động tại các vườn rau ở các vùng lân cận Đa Thiện hoặc Thánh Mẫu, trồng trọt và chăn nuôi. Nhiều bữa cơm ở Đại Chủng viện phải độn thêm khoai lang, khoai mì, bắp vàng, và cũng có nhiều lần nhà bếp phải nấu cháo với những gì còn sót lại cho đủ lương thực hằng ngày. Điều kỳ diệu là trong mọi cảnh ngộ, ngài luôn tươi cười lạc quan, vui sống hài hòa với mọi người, và thường xuyên nhấn mạnh đến Thánh lễ và tinh thần hiệp thông Giáo hội, đến đời sống kinh nguyện và phụng vụ thánh thiêng, cũng như khuyến khích các học trò đọc sách thường xuyên, tìm giờ học ngoại ngữ, với tâm tình khiêm tốn, khó nghèo, biết thấu cảm phó thác để đồng cảm với người nghèo khổ trong xã hội, để có thể vượt qua cảnh sống hiện tại, hướng tới tương lai theo thánh ý Chúa và đặt tất cả niềm hy vọng nơi Chúa, để “mọi sự sinh ích lợi cho những ai yêu mến Chúa”.

Và trong một thời gian khá dài từ những năm 1987 cho đến 1995, ngài được mời đi dạy học ở các Đại Chủng viện Hà Nội, Huế, Xuân Lộc và Sài Gòn. Vào năm 1995, ngài kiêm thêm chức vụ Tổng Đại diện Giáo phận Đà Lạt. Ngày 26 tháng 3 năm 1999, ngài được Tòa Thánh bổ nhiệm làm Giám mục Chánh tòa Giáo phận Mỹ Tho. Trong Thánh lễ tấn phong tại nhà thờ chánh tòa Đà Lạt ngày 20 tháng 5, có Đức Tổng Giám mục Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn là chủ phong, cùng với hai vị Giám mục phụ phong là Đức cha Bartôlômêo Nguyễn Sơn Lâm, Giáo phận Thanh Hóa và Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Nhơn, cai quản Giáo phận Đà Lạt. Sau 15 năm làm Giám mục Giáo phận Mỹ Tho, Đức cha Phaolô được Tòa Thánh bổ nhiệm làm Tổng Giám mục phó của Tổng Giáo Phận TP. Hồ Chí Minh với quyền kế vị. Tưởng cũng nên nhớ lại từ khi Ủy ban Giáo lý Đức tin trực thuộc HĐGMVN được thành lập từ năm 2001 cho đến nay, và đã trải qua sáu nhiệm kỳ hoạt động, thì Đức cha Phaolô, với khả năng chuyên môn về thần học tín lý, luôn được tín nhiệm nắm giữ vị trí Chủ tịch, chỉ trừ nhiệm kỳ thứ 5, bởi lẽ, tại kỳ họp thứ XII thường niên của Hội đồng Giám mục Việt Nam, ngài được các Đức Giám mục bầu vào chức vụ Chủ tịch HĐGMVN, nhiệm kỳ 2013-2016.

Đến ngày 22 tháng 3 năm 2014, Đức Giáo hoàng Phanxicô chấp thuận đơn từ nhiệm chức vụ Tổng Giám mục của Đức Hồng y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn, Đức cha Phaolô chính thức kế vị chức vụ Tổng Giám mục. Ngày 24 tháng 4 năm 2014, ngài chủ sự Thánh lễ nhậm chức. Cùng năm đó, vào ngày 29 tháng 6, ngài nhận dây Pallium do Đức Giáo hoàng Phanxicô trao ban, và ngày 13 tháng 9, được bổ nhiệm làm thành viên Bộ Truyền Giáo. Vào ngày 7 tháng 3 năm 2018, ngài kết thúc lịch sử đời mình trong chuyến hành hương Ad limina của tất cả các Giám mục thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam, sau khi đến viếng mộ Thánh Phaolô và chủ sự Thánh lễ tại Đền thờ Thánh Phaolô Ngoại thành, Bổn mạng của ngài. Thánh lễ ấy đã trở nên Hy lễ Tạ ơn thể hiện trọn vẹn ý nghĩa hành hương đưa chân ngài vào mầu nhiệm Vượt qua trần thế mà trở về cõi bình an vĩnh phúc.

  • Một người thầy tâm huyết với những kiến thức và suy tư thần học phong phú

Cũng khởi đi từ ý muốn yêu mến Thiên Chúa “hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn, hết sức lực”, cùng với tư chất thông minh, năng khiếu ngoại ngữ mà Đức Tổng Phaolô ưa thích đọc sách triết học và thần học để suy tưởng tìm kiếm sự khôn ngoan. Với tinh thần rộng mở, ngài sẵn sàng tiếp cận những trào lưu tư tưởng hiện đại, rồi nghiên cứu theo triết hướng diễn giải cách nghiêm túc, cẩn thận tiếp thu, bình phẩm, nhận định trong sự đối chiếu với cội nguồn mặc khải từ trong Kinh Thánh và truyền thống đạo lý Giáo hội. Nói cách khác, tin và sống niềm tin vào Thiên Chúa, đối với ngài, phải là một kinh nghiệm chủ vị, một cách thức hiểu về cuộc sống với các thực tại trần thế, dưới ánh sáng của Mặc Khải. Vì theo quan điểm của ngài, thần học là “đức tin đi tìm hiểu biết”, nhưng cũng là tìm kiếm sự “nối kết” với mọi thực tại, tìm gặp “nguồn sáng chân lý” chiếu soi cho cuộc đời. Và như ngài thường hay nhắc nhớ các học trò: yêu mến thần học đích thực là yêu mến Thiên Chúa “hết trí khôn”, và yêu mến Thiên Chúa hết lòng hết trí khôn là yêu mến thần học, là khao khát tìm hiểu và gặp gỡ Thiên Chúa.

Ở đây, có thể nhớ đến tác phẩm thần học đầu tiên của ngài trong những năm đầu đời giảng dạy, đó là cuốn sách: “Tặng phẩm Thần Linh: Bí tích Thánh Thể cho con người mọi thời đại”, phác họa nội dung chính yếu: Thánh Thể là sự sống thần linh, là tình yêu, là chính Đức Kitô, tự hiến mình cho chúng ta. Bởi vậy: “Cử hành Thánh Thể là cử hành mầu nhiệm mang đến cho những người kitô-hữu sự sống thần linh, sự sống Ba Ngôi: Thánh Thể là bí tích “thần-hóa” đời sống con người. Kitô-hữu được thần-hóa khi đi vào mầu nhiệm Vượt qua mà họ cử hành trong thánh lễ. Cộng đồng Giáo hội cử hành việc Đức Kitô đến trong mầu nhiệm Tử nạn - Phục sinh. Người đến và hiện diện giữa chúng ta. Nhưng đến đối với Người cũng là đi, Người đi về cùng Thiên Chúa. Khi chúng ta cử hành mầu nhiệm Vượt qua của Người, chúng ta cùng đi với Người về cùng Cha. Người như Vị Anh Cả lôi kéo chúng ta về cùng Cha. Cùng đi với Người, bước theo Người, chúng ta cùng xiết chặt tình huynh đệ với Người và càng xứng đáng gọi Thiên Chúa là Cha: Abba, lạy Cha! Ra đi với Người là ra đi chịu chết, là hiến tế vì anh em, chết với Người để được sống lại với Người”[1].

Thế nhưng, tác phẩm này xuất hiện một thời, dù vẫn còn được tiếp tục xuất bản, và có thể nói, chỉ làm phần dẫn nhập cho những nghiên cứu sâu rộng, say mê suy tư và biên soạn khác của ngài. Nhiều người học trò, có lẽ, phải công nhận tác phẩm nổi bật nhất viết chung với nhiều cha giáo mang tựa đề: “Thiên Chúa Cha, Đấng Giàu Lòng Thương Xót”, diễn giải mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi, khi ngài ứng dụng hình ảnh mối hiệp thông tương thuộc giữa Chúa Cha, là Nguồn Nước sinh ra Nước Nguồn là Chúa Con yêu dấu, và cùng hiện hữu trong Dòng Nước tràn trề phong nhiêu là Chúa Thánh Thần”. Hay nói cách khác: “Thiên Chúa là Đấng yêu thương, Đấng được yêu thương và Đấng là tình yêu muôn thưở”. Đó là lịch sử Ba Ngôi của tình yêu[2]. Bởi đó, ngài thường xuyên lập lại câu nói của Thánh Augustinô: “Nếu bạn thấy Tình Yêu, quả thực, bạn thấy Ba Ngôi Thiên Chúa”. Với một niềm xác tín sâu xa như thế, hàm chứa trong suốt cả cuộc đời giảng dạy, huấn giáo, chúng ta có thể hiểu được lý do tại sao Đức Tổng lại lấy bức linh họa Ba Ngôi, nổi tiếng từ thế kỷ 14, của Andrei Rublev làm huy hiệu Giám mục, cho đời sống, phương châm giáo dục và sứ vụ mục tử của mình. Như có lần ngài giải thích: “Bức danh họa này là một sứ điệp bình an và hiệp nhất, là một Tin Mừng về Tình yêu tuyệt đối”. Ba vị khách Thần Linh dường như họp thành một “Hội Đồng Vĩnh Cửu”, đang đàm đạo thân thiết, tương hướng, nhìn nhau âu yếm và chủ đề của cuộc đàm đạo là “Thiên Chúa yêu thương thế gian đến nỗi ban Con Một mình để cho thế gian được sống” (Ga 3,16)[3].

Có lần trong một giờ lớp học ở một Đại Chủng viện kia, khi đang say sưa diễn giải về mầu nhiệm “Thiên Chúa Ba Ngôi nơi Đức Giêsu Kitô”, nhiều môn sinh kể rằng, Đức Tổng Phaolô bỗng nhiên dừng lại chất vấn: “Sao! Có thầy nào hiểu những điều tôi vừa nói không? Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, nhưng không phải là ba Chúa, mà chỉ là một Thiên Chúa Duy Nhất. Cách nhìn từ dưới và cách nhìn từ trên như thế nào?” Một thầy hăng say đứng lên trả lời: “Dạ, thưa Cha giáo, con hiểu được”. Đức Tổng Phaolô hỏi lại: “Vậy thầy nói thử xem sao?” Và người học trò giải thích. Nhưng ngài cắt ngang nửa chừng, rồi cười sảng khoái bảo rằng: “Thầy nói như thế đó, mà bảo là hiểu à? Tôi đây, còn không hiểu được, thì làm sao mà thầy hiểu?” Và cả lớp học cũng rộn vang tiếng cười.

Suốt những năm trời trong nhiệm vụ giáo sư từ 1970 cho đến khi làm Giám mục 1999, Đức Tổng Phaolô vừa như một người thầy trí thức uyên thâm, có khả năng sư phạm truyền đạt kiến thức thần học muôn màu sinh động, vừa là một người cha khả ái đáng kính, giảng dạy sáng tạo, một mực trung thành với nội dung đạo lý Tin mừng. Có nhiều khi ngài thật đơn giản, trình bày đề tài khúc chiết rõ ràng thuận lý, và cũng có nhiều khi nhiệt thành thẳng thắn, quá nghiêm nghị, trong cách ứng xử theo đầu óc phê phán nghiêm túc. Ấy thế, mà sau đó lại dịu dàng, không làm khó học trò, nhưng như người mẹ, sẵn sàng lắng nghe, đồng cảm, xuề xòa, và không câu nệ mọi hình thức, chỉ cần học trò nắm vững được những nội dung cốt yếu thuộc về đức tin Kitô giáo, và để cho huyền nhiệm linh thánh hấp dẫn, cuốn hút, và hướng dẫn đường xa.

Vì thế, với tính cách giáo sư quan tâm đến nỗ lực nghiên cứu, suy tư thần học, nhấn mạnh tới phương cách đọc truyền thống một cách sáng tạo cũng như gợi hứng cho các quan điểm mới mẻ, đặc biệt khi đảm nhận trọng trách Chủ tịch Ủy ban Giáo lý Đức tin, HĐGMVN, vào năm 2006, ngài thấy cần thiết phải đề xuất một cuốn Từ vựng kèm theo cuốn Giáo lý Công giáo, để chuyển tải các khái niệm đặc trưng chuyên biệt. Và đây, có thể nói, là quyển Từ Điển chính thức đầu tiên của Giáo hội Việt Nam, được biên soạn bằng tiếng Việt, không phải là bản dịch từ các từ điển ngoại ngữ về các thuật ngữ Công giáo, một tư liệu quý giá cho việc giảng dạy, học hỏi giáo lý và truy cứu thần học.

Để rồi như một tổng luận tất cả những suy tưởng thần học trong cuộc hành trình của đức tin đi tìm sự hiểu biết, đi tìm lòng yêu mến và niềm hy vọng của mình, mà Đức Tổng Phaolô đã hình thành hai tuyển tập, được coi là những tác phẩm cuối cùng, theo hướng “Linh hồn của thần học là Kinh Thánh”[4], đó là: “Tôi biết tôi đã tin vào ai” (2 Tm 1,12) và “Linh Mục là ai?”. Cả hai đều nhằm mục đích góp phần phục vụ cho đức tin, làm toát ra hương thơm đức tin như một lời tuyên xưng chủ vị của mọi thành phần trong Giáo hội, đặc biệt cho các linh mục, những người thao thức muốn tìm lại “lý tưởng” cao quý, trong đó có thể gợi hứng mới cho mọi công việc mục vụ và đời sống hiến dâng của mình.

  • Một người biết “nói với Chúa và nói về Chúa”

Những ai được thụ huấn với Đức Tổng Phaolô, hẳn có thể nhận thấy ngài không ngừng nhắc nhở vào những năm đầu tiên bước vào các lớp thần học là “không thể nói về Chúa được, nếu không biết nói với Chúa”. Như hai vận hành thu hút gắn bó với nhau mới làm nên sự khả tín có sức chuyển biến tâm hồn con người, để “Lời rao giảng” trở thành “Lời tuyên tín” và “Lời đáng tin cậy”. Nói theo kiểu Evagrius, một nhà tu đức khổ hạnh vào thế kỷ thứ IV, thường được ngài trích dẫn: “Nếu ngươi là nhà thần học, ngươi phải biết cầu nguyện[5], cũng như lời Thánh Augustinô trong tác phẩm Thành Đô Thiên Chúa: “Triết gia đích thực, đó là kẻ yêu mến Thiên Chúa[6]. Và một lần ngài đã diễn giải rằng sở dĩ như thế, vì cấu trúc nhịp ba giữa “Chúa, người nói về Chúa và lời bàn về Chúa”, hoán chuyển thành cấu trúc nhịp hai như một cuộc hội đàm với Chúa, và do đó, là để cho chính Chúa nói trong lời của người đang nói. Trong cảnh ngữ ấy, người nói về Chúa trở nên một với lời mình nói, và như một bức màn ảnh để cho chính Chúa đích thân tỏ hiện sống động như một Ngôi Vị đang nói chuyện với người biết lắng nghe.

Tâm điểm suy tư thần học và linh đạo của Đức Tổng là làm sao cảm nghiệm được sức mạnh của tình yêu siêu vời và sự hiện diện khôn tả, khôn sánh của Thiên Chúa qua lời nói của phàm nhân về Người, mà không phạm thượng “khách thể hóa” huyền nhiệm sâu thẳm của Người. Đặc biệt trong bối cảnh phụng vụ, ngài vẫn luôn theo lời huấn dụ: “Hãy cầu nguyện trước khi giảng, trong lúc giảng và cả sau bài giảng”. Đây là nguồn quy chiếu quyết định giúp người rao giảng hiểu và cảm nghiệm được những điểm muốn nói, những điểm đang chia sẻ và vừa trình bày. Và chỉ như thế, mới thấy cách thức chính đáng nhất, biểu nghĩa nhất, đó là cầu nguyện, là biết “nói với” Chúa, để có thể xứng đáng “nói về” Chúa với tâm tình kính mến suy tôn. Như Đức Kitô vừa là Lời nói ra của Thiên Chúa, vừa là Lời mặc khải về Thiên Chúa, và đích thực nên một với Thiên Chúa, ngõ hầu trở thành Lời bởi Thiên Chúa và Lời cho nhân loại.

Nhiều người vẫn còn nhớ về Đức Tổng Phaolô, đặc biệt về con người của ngài trong tương quan thân mật với Thiên Chúa, có thể cảm thấy một sự ngạc nhiên sâu lắng hoặc tự nhiên cảm nhận nét mặt vui tươi, hồn nhiên rạng rỡ khác thường của ngài sau những lúc cầu nguyện, suy niệm hay viếng Thánh Thể. Nhiều lần có thể thấy ngài nhắm mắt, ngẩng đầu cao như hướng tâm lên trời, rồi ngồi thật lâu, ở một góc lặng lẽ trong nhà nguyện. Cũng có nhiều lần, ngài để tay sau lưng, đi bách bộ, thong thả dọc theo những thảm cỏ trong khuôn viên Đại Chủng viện hay Tòa Giám Mục, bỗng nhiên dừng lại, trầm lặng cúi đầu, rồi lại ngước nhìn về chốn cao xa như trông mong gặp gỡ ai đó. Bởi thế, trong những suy tư thần học và tu đức của ngài, có thể đọc thấy “tìm Thiên Chúa và gặp Thiên Chúa là cơ cấu nhịp hai của đời sống đức tin”. Gặp Thiên Chúa cũng là “tìm Thiên Chúa trong chính Người”. Do đó, con người mãi mãi tìm Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là “Quê Hương” đích thực của con người, nhưng cũng là “Đất Lạ”, là “Đấng Thân Quen” nhưng cũng là “Khách Viễn Lai”[7]. Thiên Chúa “rất lạ” vì không thuộc về thế giới con người, và cũng vì thế mà Thiên Chúa là “Đất Hứa”, đất hứa để con người xuất hành tìm đến, đất lạ để con người ngạc nhiên không ngừng khám phá.

  • Một người cởi mở với tinh thần đối thoại cứu độ và hiệp thông

Vì Đức Tổng Phaolô được huấn luyện, được đào tạo và nghiên cứu triết học cũng như thần học trong bầu khí canh tân đổi mới của Công đồng Vaticanô II, một Công đồng muốn lên đường để gặp gỡ, đối thoại với thế giới, với ước mong cộng tác trong ý thức trách nhiệm chung đối với tương lai nhân loại, và đem Tin mừng đến như một tin vui, một sứ điệp khai mở, giải thoát, thương cảm với tất cả những gì liên quan đến con người. Bởi vậy, có thể nói, đối thoại cứu độ trở thành đường hướng sống, đường lối hoạt động mục vụ của ngài trong tinh thần “vui mừng và hy vọng”, cởi mở và cầu tiến, để cho tình yêu thương xót của Thiên Chúa tỏa lan chiếm ngự muôn tâm hồn, cho Tin mừng được rao giảng khắp mọi miền.        

Nếu có ai còn nhớ một bài viết nổi tiếng của Đức Tổng Phaolô, có thể là một bài giảng tĩnh tâm ở đâu đó với chủ đề: “Đối thoại: trường học của đức Khó nghèo”, thì có thể thấu hiểu thế nào là đối thoại và tại sao ngài đã sống tinh thần đối thoại đó suốt cả đời mình. Bởi lẽ, theo lối nhìn của ngài, người sứ giả của Tin mừng cứu độ đích thực là người mang Lời Chúa như Phúc âm đi gieo vãi, khiêm tốn vất vả, tìm kiếm gặp gỡ nối kết với con người để đưa con người vào trong mối hiệp thông tương tác của ơn cứu độ. Và chẳng phải nội dung Tin mừng cứu độ và niềm tin Kitô giáo tự bản chất là một lời kêu gọi hiệp thông đó sao? Thật vậy, như ngài xác tín, trong những buổi thuyết trình về Chúa Ba Ngôi, con người chỉ có thể đi vào trong tương quan với Thiên Chúa trong mức độ con người sống mối tương quan với anh chị em đồng loại của mình xuyên qua đối thoại. Và cơ cấu đối thoại của Tin mừng, của niềm tin phản ánh mầu nhiệm Nhập Thể, phản ánh hình ảnh của Thiên Chúa cũng như hình ảnh của con người, đến với con người, chấp nhận thân phận kiếp người. Điều này cũng có nghĩa là sống tinh thần khó nghèo, biết khiêm tốn lãnh nhận và trao ban sự sống đan quyện vào nhau.

Đến đây hẳn có thể hiểu được rằng đối thoại không chỉ là nói ra một điều gì đó hay thông truyền thông tin và được lắng nghe đón nhận, nhưng đúng nghĩa hơn còn là nỗ lực tự khai mở, thông truyền, chia sẻ chính mình, làm cho sáng tỏ, để đi đến thuận tình gặp gỡ. Như thế đối thoại trở thành cứu độ và hiệp thông. Như quan điểm của Đức Tổng Phaolô, đối thoại chính là lối đường yêu thương, là hướng sống của Chúa Cha và Chúa Con trong Chúa Thánh Thần. Ở đâu có đối thoại cứu độ, ở đó có sự hiệp thông với Thiên Chúa, và ở đâu có sự hiệp thông, ở đó có Thiên Chúa ngự trị. Do vậy, Giáo hội có sống tinh thần đối thoại với tha nhân, thì mới có lý do hiện hữu, trở thành một Cộng đoàn khả tín trong lòng người đời hôm nay. Vâng, có lẽ huyền nhiệm của Thiên Chúa là Tình Yêu tuyệt đối vô biên từ khởi thủy cho đến hoàn thành đã trở thành như một Lời khai mở “vực thẳm kêu gọi vực thẳm”, tình yêu réo gọi tình yêu khẩn thiết khôn nguôi, cố gắng thúc bách con người đi tới thời điểm của cuộc đối thoại cứu độ hiệp thông.

Trong chiều hướng ý nghĩa đó, mà có thể gợi nhớ đến bài thuyết trình về chủ đề đối thoại của Đức Tổng Phaolô trước hội nghị toàn thể của Liên Hội đồng Giám mục Á Châu lần thứ X tại Xuân Lộc, vào năm 2012. Trong đó, để mở rộng hướng đối thoại của Giáo hội Châu Á, ngài đã gợi ý ngày nay có nên chuyển từ “ba hướng đối thoại” sang “bốn hướng đối thoại”: đối thoại với các tôn giáo, các nền văn hóa bản địa và người nghèo tại châu Á, đặc biệt là lãnh vực đối thoại với xã hội duy vật chất, những người vô tín, những người chưa nhận biết Chúa, chưa đón nhận niềm tin Kitô giáo mà có thể coi như là một phần của “Sân Chư dân” như Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI từng đề cập đến, hay là một “Diễn Đàn mới”. Vì trong bối cảnh xã hội Việt Nam hiện nay, Giáo Hội cố gắng làm chứng cho Tin Mừng Tình Yêu và Công Lý, cố gắng vun trồng “Sự sống thiêng liêng, tâm linh” cho một xã hội, trong đó còn rất nhiều người chưa tin Chúa, nhưng tự thâm sâu vẫn luôn khát vọng một cuộc sống mai hậu, về điều hoàn toàn khác, về điều thiện hảo.

Nói cách khác, theo ngài, Giáo hội cố gắng tìm ra cách thế loan báo Tin mừng bằng ngôn ngữ mà con người thời nay hiểu được, đó là ngôn ngữ của Tình Yêu, ngôn ngữ của Sự Thật, và ngôn ngữ của Cái Đẹp. “Chân, Thiện, Mỹ” là những giá trị cao cả nhất trong đời sống con người và luôn hấp dẫn con người, chứ không chỉ dừng lại ở việc dạy dỗ, sửa sai, phê phán hay kết án loại trừ. Thế nhưng, Chân, Thiện, Mỹ đích thực và tuyệt đối này mang một “Dung Mạo” là Đức Giêsu Kitô, Đấng Cứu Độ Duy Nhất. Do vậy mà Giáo hội được kêu gọi ra đi, mang lấy sứ mạng giới thiệu Dung Mạo ấy cho mọi người, để mọi người có thể gặp gỡ, giao hòa nên tự do, chân tình nên một với nhau trong niềm tin cũng như trong Tin mừng cứu độ, trong ý thức trách nhiệm chung đối với tương lai thế giới.

  • Một người với những ước nguyện chưa trọn vẹn

Thế đấy, nhưng nếu cuộc đời là một hành trình, thì đối thoại không thuần túy chỉ là ý niệm, mà thực ra cũng như “con đường”, và có lẽ khi trở thành con đường, mới có thể mời gọi mọi con người nỗ lực dấn thân. Và cuộc đời, cuộc đối thoại nào mà chẳng là hành trình có khởi đầu cũng lắm dở dang như đời người lữ thứ. Trước hết, thật dang dở với những điều ước chưa trọn vẹn, vì trong thâm tâm mình, ngài đã từng muốn trở thành một thần học gia Việt Nam, suy tư thần học sâu rộng hơn trong bối cảnh Việt Nam, với những “diễn giải hiện sinh”, nhưng chưa thực sự khởi đầu được công trình nghiên cứu, vì chưa có tác phẩm tổng luận mới nào của ngài được chính thức xuất bản. Cũng thế, dù ngài đã hoàn thành luận án tiến sĩ làm sáng tỏ những ảnh hưởng triết học của M. Heidegger trên tư tưởng thần học của K. Rahner vào năm 1975, nhưng lại chẳng có cơ hội để thỏa lòng trình bày và nhận lãnh học vị khoa bảng của một Đại học.

Một lần dang dở khác như định hướng cho công cuộc loan báo Tin mừng với thao thức thiết lập thêm nhiều giáo điểm theo bốn hướng Đông, Tây, Nam, Bắc, chăm sóc cho các tín hữu từ các giáo phận khác nhập cư vào thành phố; hay như công trình trùng tu Nhà thờ Đức Bà, cho nhà xứ chánh tòa trở thành Trung tâm Mục vụ thứ hai, xinh đẹp và hữu ích cho Tổng Giáo phận Sài Gòn. Thế rồi, tất cả những công trình ấy hoàn toàn mở ra như những lời trăn trối ngài để lại cho các Đấng Bản quyền tiếp nối.

Mặt khác, cuối đời ngài, cũng ít nhiều giới hạn về tình trạng sức khỏe bản thân, về tính nghi nghĩa của những giới hạn đó, khi những người thân trong gia đình huyết tộc thường xuyên thăm hỏi ngài: “Cậu có khỏe không? Trông thấy cậu có vẻ không được khỏe lắm!”. Ngài luôn cất tiếng cười đáp lời: “Khỏe lắm, không có gì phải lo lắng cả”. Nhưng sự lạc quan ấy lại khiến cho nhiều người thân lo lắng. Bởi lẽ có người bảo rằng: “Một khi Đức cha minh định một loại thuốc hay thảo dược gia truyền nào là có tác dụng hữu hiệu, thì ý kiến về loại thuốc hay dược thảo đó trở thành một định kiến thật khó mờ phai”. Do vậy, với ý chí riêng biệt hay sự nhiệt thành không chần chờ vì bất cứ lý do gì, ngài chẳng cảm thấy cần sự nghỉ ngơi giữa những bề bộn của cuộc sống, của những bổn phận trách nhiệm, và thiết tưởng chỉ muốn giữ thinh lặng trên bình diện sức khỏe, hoặc không thể bộc lộ, trong lúc sinh hoạt bình thường, ngay cả lúc thân thể biểu hiện những dấu chỉ khác thường trên khuôn mặt, trong hơi thở mệt mỏi gián đoạn, dáng đi phút chốc bỗng ngập ngừng như thầm chấp nhận một bi kịch của bản thân. Nhưng đồng thời, cũng có người thường nói ngài “siêu quá” hay “siêu thật” và “thật siêu đến độ đôi khi “siêu thoát” thường lãng quên những sự việc chi li ở đời.

Để rồi cuối cùng ngài cũng phải đối diện với những giới hạn của thân phận con người. Vì thế, đối với nhiều người, theo một nghĩa nào đó, có thể nói cuộc hành hương “Ad limina” năm ấy với các Giám mục Việt Nam chưa hẳn là đã hoàn toàn kết thúc, vì nhiều công việc còn tiếp diễn sau đó tại Rôma. Thế nhưng cuộc hành hương ấy lại như một biến cố cánh chung kết thúc đời ngài, đưa ngài về cõi vĩnh hằng. Khi tiếng gọi nhiệm mầu ấy cất lên, ngài một mình ngã xuống vâng theo, chuyển dời đường trần sang bến bờ vô biên bất tận.

Thật vậy, ngài xuất hiện, đến rồi đi như là một con người, một sứ giả của Tin mừng cứu độ trong trương lực “đã rồi mà vẫn chưa”, đột nhiên qua đời như “người thợ dệt đang mải dệt đời mình, bỗng bị tay Chúa cắt ngay đường chỉ” mà lòng còn ôm ấp một ước mơ cuối đời, như đã từng tỏ lộ với nhiều học trò, là được viết một tập sách bao gồm những suy niệm tâm linh sâu xa mỗi ngày, như lương thực thiêng liêng nuôi dưỡng và khai phóng tình yêu xót thương của Thiên Chúa là suối nguồn thiện hảo, hoan lạc vô biên cho tâm hồn. Do đó, chẳng lạ gì khi có nhiều người lại bảo rằng cái chết của ngài nghe cô đơn giá lạnh mà lại rất đẹp, rất cao quý, một vẻ đẹp họa hiếm, lạ thường, còn mãi âm vang một sự ra đi an bình với tinh thần tin yêu đón nhận đến phút cuối. Vì chưa từng có Giám mục Việt Nam nào đang tham dự “Ad limina” mà đột nhiên qua đời như thế tại thủ đô của Giáo hội hoàn vũ, cội nguồn của đức tin Kitô giáo, của mọi sứ vụ tông đồ, đặc biệt lúc còn là Giám mục chính tòa đương nhiệm. Từ đó, phải chăng cũng là một vẻ đẹp lành thánh, một hồng ân cao quý, một diễm phúc mà Thiên Chúa tặng ban cho những ai tin tưởng và yêu mến Người? Đức Tổng Phaolô đã bước vào “Giờ” không ngờ của ngài, với những dấu hiệu khởi đầu từ Thánh lễ sau cùng tại Đền thờ Thánh Phaolô Ngoại thành, dâng lời tạ ơn và chúc tụng Thiên Chúa với chính bản thân ngài làm của lễ toàn thiêu cậy trông và phó thác.

  •  Một người sống với tinh thần “vui mừng và hy vọng”

Dù sao, chính vì thế mà nhìn một cách nào đó, với những dang dở muộn màng đầy chất người của đời sống, Đức Tổng Phaolô lặng lẽ trở về Giáo phận của mình, để như phận hạt lúa miến gieo vào lòng đất quê hương chờ cho hoa trái trổ sinh vào ngày mùa sau hết hoàn tất và trải rộng trong tinh thần “vui mừng và hy vọng”. Bởi lẽ, có nguyên lý tình yêu nào mà chẳng bao hàm nguyên lý hy vọng, nguyên lý siêu vượt khoảnh khắc hiện tại “vẫn chưa” đặc thù để hướng tới tương lai cao trọng của đức mến. Cái chết rung động, bi thiết nhưng đẹp đẽ của ngài đã nối kết muôn người thành một vòng tròn yêu thương tình tự, đem lại cho nhiều người một lối nhìn mới về thế giới sống, về cuộc đời với những ước mơ hoài vọng khi ngài còn nâng niu nuôi nấng trong trái tim mình những hạt mầm Nước Thiên Chúa, vương quốc của yêu thương là đích điểm của hiện hữu nhân sinh, điển hình như những công trình còn mang đậm dấu ấn tình yêu là việc thành lập trường khuyết tật Nhân Ái ở Mỹ Tho năm 2004 và cơ sở sản xuất nước sạch đóng chai Caritas đặt tại họ đạo Long Định 2, Tiền Giang, nhằm mục đích lo học bổng cho các học sinh nghèo, hỗ trợ kinh tế tài chánh phát triển cho các hộ dân khốn khó.

Một kỷ niệm mà cũng như một câu chuyện biểu hiện tình yêu không biên giới còn đáng ghi nhớ một thời. Đó là vào những năm sau 1975, tất cả các lớp học trong Đại Chủng viện Minh Hòa phải đi bộ hoặc đi xe đạp ra các thửa vườn trồng rau, trồng khoai canh tác. Thường ngày thì cha Giám đốc Phaolô cũng đi theo lao động, nhưng có một hôm, chắc bận việc nên ngài lại ở nhà. Có một người hành khất thất thểu đến xin chút gạo và ít tiền về quê. Dẫu rằng hoàn cảnh sống chung lúc đó thật vất vả khó khăn, đói khổ và phải tiết kiệm từng đồng tiền để sống, thế mà ngài vẫn phơi mở lòng thương xót, đi lấy gạo và tiền để cho người ấy. Ngày hôm sau, nghe ngài kể lại câu chuyên, nhiều học trò nói: “Cha Giám đốc ơi! Người hành khất này chẳng đi đâu cả, chúng con thấy anh ta cứ quanh quẩn ăn xin trong khu phố này thôi. Một vài hôm lại thấy bóng dáng anh thảm thương xuất hiện gần Đại Chủng viện. Cha đã bị lừa rồi”. Ngài chỉ biết cười hề hà như lỡ rồi, muốn cho qua mọi sự. Nhưng một vài ngày sau đó nhớ lại, ngài bảo vài học trò rằng: “Anh em thấy không, tình thương bác ái phải không biên giới, không phân biệt thế này thế kia mới là tình thương bác ái đúng nghĩa, đúng với cung bậc tự do chứ. Đã thương thì đừng tính toán, và đã tính toán thì đừng có thương”. Các học trò phải ngẫm nghĩ lắm mới có thể hiểu được ngài muốn nói điều gì. Và sau đó, ngài bảo thêm: “Trong đời sống, làm sao phân biệt hết được ai là người giàu có hay nghèo khổ đây, vì chẳng ai mà không có lúc cơ cực túng thiếu, khó khăn hay sung túc đầy dư, lành mạnh hay ốm yếu bệnh hoạn. Người ta có lẽ phải khổ đau lắm mới làm như thế, dù là xin tiền, xin gạo thật lòng hay giả tạo lừa dối. Cái nghèo quả thực có nhiều nghĩa lắm. Chúng ta có thể học và hiểu điều đó, để biết được nỗi khó khăn của người khác. Thương và hiểu, hai từ mà một ý, hàm chứa lẫn nhau, giao thoa với nhau như cuộc sống"Các học trò vẫn nhớ câu chuyện này, cuộc sống chỉ hiện hữu ở thực tại để rồi hướng tới tình yêu và hạnh phúc đích thực.

Những ai ở gần ngài có thể cảm nhận rằng khi gặp bất cứ khó khăn nào, thì âm hưởng và dấu ấn sâu đậm nhất vẫn luôn là sự đồng cảm trong vui mừng và hy vọng: “Rồi mọi sự sẽ tốt đẹp thôi… rồi cũng qua thôi” như lời ngài thường hay nhắc nhở. Thẳng thắn nhưng yêu thương hòa nhã, nhận định nghiêm túc, nhưng không phân biệt kỳ thị, chỉ luôn nghĩ tốt cho người khác và nhất định tích cực với cuộc sống đa phức trăm chiều. Ngài đã vui sống với trần gian biết bao, và hiểu được thế nào là niềm vui được sống dù có những xót xa, những điều “không trọn vẹn” trong kiếp sống, nhưng cũng đã một lần được dự phóng như ước mơ thật đẹp về những mơ ước của đời mình. Chẳng phải dòng suy tư và lối sống của ngài cuối cùng hội tụ, dẫn đến điều cốt yếu mà Thánh Phaolô xem như là cột trụ nền tảng của tất cả Kitô giáo: “Hiện nay đức tin, đức cậy, đức mến, cả ba đều tồn tại, nhưng cao trong hơn cả, vẫn là đức mến” (1 Cr 13,13). Nói cách khác, cho cuộc đời ngài đạt đến đạo một cách lạ lùng thanh thản, bao dung nhẹ êm trong vui mừng và hy vọng, vì chẳng còn gì ngoài Thiên Chúa và Tình Yêu, để chính Thiên Chúa là tất cả Tình Yêu của ngài (1 Ga 4,8.16). An vui sâu lắng như ngài viết theo những xác tín chiêm nghiệm cuối đời: “Đẹp thay Tình Yêu Ba Ngôi, là cội nguồn, là mẫu mực và là cùng đích của mọi tình yêu tốt đẹp chớm nở trong lòng con người[8].

 

Lm. Phaolô Vũ Chí Hỷ, SSS.

Nghĩa tử của Đức Tổng Giám mục Phaolô

Thành viên UBGLĐT

 


[1] x. TGM Phaolô Bùi Văn Đọc, Gm. Giuse Võ Đức Minh, Thiên Chúa Ba Ngôi – Bí Tích Thánh Thể, Nxb Tôn giáo (Hà Nội, 2016), 149-150.

[2] x. TGM Phaolô Bùi Văn Đọc và các LM khác, Thiên Chúa Cha – Đấng Giầu Lòng Thương Xót, Nxb Tôn Giáo (Hà Nội, 2009) 108-109.

[3] x. TGM Phaolô Bùi Văn Đọc, GM Giuse Võ Đức Minh, Thiên Chúa Ba Ngôi – Bí Tích Thánh Thể, 229.

[4] x. TGM Phaolô Bùi Văn Đọc, Linh Mục là Ai?, Nxb Tôn Giáo, (2009), 5.

[5] x. TGM Phaolô Bùi Văn Đọc, Thiên Chúa Ba Ngôi – Bí Tích Thánh Thể, 283.

[6] x. Jean Grondin, La Philosophie de la Region, “Que sais-je?” (Universitaires de France, Paris: 2009), 79.

[7] Cf. TGM Phaolô Bùi Văn Đọc và các LM khác, “Thiên Chúa Cha – Đấng Giầu Lòng Thương Xót”, 20.

[8] x. TGM. Phaolô Bùi Văn Đọc, Tôi Biết Tôi Tin Vào Ai, Nxb Tôn Giáo, (Hà Nội, 2012), 9.

 

 

Tác giả: Lm. Phaolô Vũ Chí Hỷ, SSS. Nghĩa tử của Đức Tổng Giám mục Phaolô Thành viên UBGLĐT
Nguồn: Trích "Logos 03" Tậo san Thân học Mục vụ của Ủy ban GIáo lý Đức tin
Tag:

Các tin khác:


Các tin đã đưa ngày: