Mẹ Maria không sợ nguy hiểm hay phán xét, nhưng tiến về phía tha nhân.
05 / 02/ 2025, 03:02:54
Sáng thứ Tư, ngày 5/2, Đức Thánh Cha đã có buổi tiếp kiến chung hằng tuần thường lệ tại Hội trường Phaolô VI. Đặc biệt, có rất đông học sinh từ các trường của Pháp và Ý tham dự buổi tiếp kiến.
Đức Thánh Cha tiếp tục phần 1 về “Thời thơ ấu của Chúa Giêsu” trong loạt bài giáo lý trong Năm Thánh, Chúa Giêsu Kitô – niềm hy vọng của chúng ta. Đây là bài giáo lý thứ tư của loạt bài này với chủ đề: “Em thật có phúc vì đã tin” (Lc 1,45).
Bài Tin Mừng được đọc trước bài giáo lý được trích từ Tin Mừng thánh Luca (1,39-42):
Hồi ấy, bà Ma-ri-a vội vã lên đường, đến miền núi, vào một thành thuộc chi tộc Giu-đa. Bà vào nhà ông Da-ca-ri-a và chào hỏi bà Ê-li-sa-bét. Bà Ê-li-sa-bét vừa nghe tiếng bà Ma-ri-a chào, thì đứa con trong bụng nhảy lên, và bà được đầy tràn Thánh Thần, liền kêu lớn tiếng và nói rằng : “Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc!”.
Bài giáo lý: Em thật có phúc vì đã tin (Lc 1,45)
Sau khi bài Tin Mừng được công bố bằng các thứ tiếng, Đức Thánh Cha bắt đầu bài giáo lý. Tuy nhiên, vì ngài bị cảm lạnh nên cha Pierluigi Giroli, nhân viên Phủ quốc vụ khanh, đọc bài giáo lý thay Đức Thánh Cha.
Anh chị em thân mến, chào anh chị em!
Hôm nay, chúng ta chiêm ngưỡng vẻ đẹp của Chúa Giêsu Kitô, niềm hy vọng của chúng ta trong mầu nhiệm Thăm Viếng. Đức Trinh Nữ Maria đến thăm bà Elizabeth; nhưng trên hết, chính Chúa Giêsu trong lòng Mẹ đã đến thăm dân Người (x. Lc 1,68), như ông Dacaria đã ca ngợi trong bài thánh thi của mình.
Sau sự kinh ngạc và ngỡ ngàng trước những điều Thiên thần loan báo, Đức Maria trỗi dậy và lên đường, như tất cả những người được gọi trong Kinh Thánh, bởi vì “hành động duy nhất mà con người có thể đáp lại Thiên Chúa Đấng mặc khải chính là sự sẵn sàng không giới hạn” (H.U. VON BALTHASAR, Ơn Gọi, Roma 2002, 29). Người thiếu nữ trẻ của Israel này không chọn cách bảo vệ mình khỏi thế gian, không sợ nguy hiểm hay phán xét của người khác, nhưng tiến về phía tha nhân.
Khi cảm nhận được tình yêu, chúng ta sẽ trải nghiệm một sức mạnh làm lan tỏa tình yêu; như Thánh Phaolô nói, “tình yêu của Đức Kitô thúc bách chúng ta” (2Cr 5,14), thúc đẩy và lay chuyển chúng ta. Đức Maria cảm nhận được sự thúc đẩy của tình yêu và đến giúp đỡ người chị họ của mình, một phụ nữ lớn tuổi, sau thời gian dài chờ đợi, đã mang thai cách không ngờ, và việc này thật khó khăn ở tuổi của bà. Nhưng Đức Trinh Nữ đến với bà Elizabeth còn để chia sẻ niềm tin vào Thiên Chúa của những điều không thể và niềm hy vọng vào sự hoàn thành lời hứa của Người.
Cuộc gặp gỡ giữa hai người phụ nữ tạo nên một tác động đáng kinh ngạc: tiếng nói của “Đấng đầy ân sủng” chào bà Elizabeth đã khơi dậy lời tiên tri nơi đứa trẻ trong lòng bà và làm bùng lên một lời chúc phúc kép: “Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc!” (Lc 1,42). Và cả một lời tuyên bố về phúc lành: “Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em” (c. 45).
Trước sự nhận biết căn tính Mêsia của Con mình và sứ mạng làm Mẹ, Đức Maria không nói về mình mà nói về Thiên Chúa và dâng lên một lời ca ngợi tràn đầy đức tin, hy vọng và niềm vui, một bài ca vang lên mỗi ngày trong Giáo Hội khi cầu nguyện với bài Magnificat (Lc 1,46-55) trong giờ Kinh Chiều.
Lời ca ngợi Thiên Chúa Đấng Cứu Độ này, tuôn trào từ trái tim của người nữ tỳ khiêm nhường, là một lời tưởng niệm long trọng tóm kết và hoàn thành lời cầu nguyện của Israel. Bài ca được dệt nên bởi những âm vang Kinh Thánh, dấu chỉ rằng Đức Maria không muốn hát “lệch nhịp” nhưng hòa mình với các tổ phụ, ca ngợi lòng thương xót của Người dành cho những kẻ khiêm nhường, những người bé nhỏ mà Chúa Giêsu trong lời rao giảng sẽ tuyên bố là “phúc thay” (x. Mt 5,1-12).
Sự hiện diện mạnh mẽ của chủ đề Vượt Qua khiến Bài Magnificat trở thành một bài ca cứu độ, với bối cảnh là ký ức về cuộc giải phóng Israel khỏi Ai Cập. Các động từ đều ở thì quá khứ, thấm đẫm ký ức tình yêu thắp lên đức tin trong hiện tại và chiếu sáng hy vọng vào tương lai: Đức Maria ca ngợi ân sủng trong quá khứ nhưng là người phụ nữ của hiện tại, đang cưu mang nơi mình tương lai.
Phần đầu của bài ca này ca ngợi hành động của Thiên Chúa nơi Đức Maria, một tiểu vũ trụ của Dân Chúa, người đã hoàn toàn gắn bó với giao ước (cc. 46-50); phần thứ hai mở rộng sang công trình của Chúa Cha trong đại vũ trụ lịch sử của con cái Người (cc. 51-55), qua ba từ khóa: ký ức – lòng thương xót – lời hứa.
Chúa, Đấng đã cúi xuống trên Đức Maria bé nhỏ để thực hiện nơi Mẹ “những điều cao cả” và làm cho Mẹ trở thành Mẹ của Chúa, đã bắt đầu cứu dân Người từ cuộc xuất hành, qua việc nhớ lại lời chúc phúc phổ quát đã hứa với tổ phụ Abraham (x. St 12,1-3). Chúa, Thiên Chúa luôn trung tín, đã tuôn đổ một dòng chảy không ngừng của tình yêu thương xót “từ đời nọ đến đời kia” (c. 50) trên dân trung thành với giao ước, và giờ đây biểu lộ sự viên mãn của ơn cứu độ nơi Con của Người, Đấng được sai đến để cứu dân Người khỏi tội lỗi. Từ Abraham đến Chúa Giêsu Kitô và cộng đoàn các tín hữu, Lễ Vượt Qua trở thành loại chú giải để hiểu mọi cuộc giải phóng kế tiếp, cho đến cuộc giải phóng được thực hiện bởi Đấng Mêsia trong thời viên mãn.
Anh chị em thân mến, hôm nay chúng ta hãy xin Chúa ban ơn để biết chờ đợi sự hoàn thành mọi lời hứa của Người; và xin Người giúp chúng ta đón nhận sự hiện diện của Đức Maria trong cuộc đời mình. Khi đặt mình vào trường học của Mẹ, tất cả chúng ta có thể khám phá rằng mọi linh hồn tin tưởng và hy vọng đều “thụ thai và sinh ra Ngôi Lời của Thiên Chúa” (Thánh Ambrôsiô, Giải thích Tin Mừng theo Thánh Luca 2, 26).
Buổi tiếp kiến kết thúc với Kinh Lạy Cha và phép lành Đức Thánh Cha ban cho mọi người.
Nguồn: https://www.vaticannews.va/vi/pope/news/2025-02/tiep-kien-chung-05-02-2025.html
Tin mới đăng:
Các tin khác:
- Tiếp kiến chung (12/2): Nhận ra sức mạnh của Chúa trong sự yếu đuối (14/02/2025)
- Thánh Giuse biến giấc mơ thành hiện thực (29/01/2025)
- Hãy phó thác cho Thiên Chúa và đừng sợ hãi (23/01/2025)
- Tiếp kiến chung 15/01/2025 - Đừng đồng lõa với tệ nạn bóc lột trẻ em (17/01/2025)
- Tiếp kiến chung 18/12/2024 - Loạt bài giáo lý mới trong Năm Thánh: Chúa Giêsu niềm hy vọng của chúng ta (20/12/2024)
- Tiếp kiến chung ngày 4/12/2024 - Rao giảng Tin Mừng là rao giảng về Chúa Kitô chứ không phải về chính mình (05/12/2024)
- Tiếp kiến chung 27/11: Phúc Âm là tin vui - Không thể loan báo với gương mặt chảy dài và u sầu (28/11/2024)
- Không có Kitô hữu hạng hai; mỗi người có đặc sủng hữu ích cho cộng đoàn (20/11/2024)
- Đức Mẹ dẫn chúng ta đến với Chúa Giêsu (19/11/2024)
- Tiếp kiến chung 16/10: Đức tin giải thoát chúng ta khỏi nỗi sợ rằng mọi sự kết thúc sau cái chết (18/10/2024)
- Tiếp kiến chung 18/09/2024 - ĐTC Phanxicô: Tôi nhìn thấy một Giáo hội sống động tại Á Châu và Châu Đại dương (21/09/2024)
- Tiếp kiến chung 28/8/2024 - ĐTC Phanxicô: Thế giới phải nghe tiếng kêu của người di dân đang chết trong các sa mạc và biển cả (28/08/2024)
- BAN GIÁO LÝ TOÀN QUỐC CHÚC MỪNG ĐỨC CHA TÂN CỬ GIOAN BAOTIXITA NGUYỄN HUY BẮC (14/07/2024)
- Tiếp kiến chung 26/6/2024: Ngăn chặn sản xuất và buôn bán ma túy là nghĩa vụ đạo đức (28/06/2024)
- Tiếp kiến chung 19/6: Các Thánh Vịnh giúp cho lời cầu nguyện không trở nên nghèo nàn khi chỉ có lời cầu xin (24/06/2024)