LỜI GIỚI THIỆU “Thư gởi các Giám mục Giáo hội Công giáo về một số khía cạnh của việc chiêm niệm Kitô giáo”.

19 / 01/ 2021, 04:01:28

 

Xã hội kỹ thuật hiện đại tạo nên bộ mặt sung túc cho đời sống con người, nhưng cũng gây ra cho con người rất nhiều áp lực nội tâm.

Để tìm lại sự quân bình cho cuộc sống, nhiều người tìm đến những phương pháp trị liệu dưới những hình thái khác nhau, từ thể lý, tâm lý đến tâm linh, hoặc kết hợp cả ba.

Tại Việt Nam, thời gian gần đây, những trung tâm trị liệu và phục hồi sức khỏe thể lý, tâm lý và tâm linh mọc lên nhiều nơi để đáp ứng những nhu cầu vừa nêu.

Liên quan đến những hình thái tâm linh là nhu cầu thinh lặng, tĩnh tâm và suy niệm, đặc biệt được đáp ứng nhờ các phương pháp Đông phương như thiền, yoga, suy niệm tâm linh…

Không ngoại lệ, những người công giáo Việt Nam cũng trĩu nặng những áp lực cuộc sống và nhu cầu bình an nội tâm, từ đó cũng được tiếp xúc ít nhiều với những phương pháp cầu nguyện ngoài Kitô giáo.

Câu hỏi đặt ra với nhiều Kitô hữu Việt Nam: việc thực hành các phương pháp cầu nguyện Đông phương có hợp với đức tin và truyền thống Kitô giáo hay không?

Thật ra, câu hỏi này đã được đặt ra cho những Kitô hữu Tây phương và nhiều nơi trên thế giới từ rất lâu. Để soi tỏ vấn đề, ngày 15 tháng 10 năm 1989, Bộ Giáo lý Đức tin đã công bố “Thư gởi các Giám mục Giáo hội Công giáo về một số khía cạnh của việc chiêm niệm Kitô giáo”. Thư bao gồm 31 số với cấu trúc và nội dung tóm lược như sau:

Phần I. Dẫn nhập (1-3):

Nhu cầu tâm linh của tín hữu và việc hội nhập các phương pháp cầu nguyện Đông phương, đòi hỏi những chuẩn mực thần học và tu đức chắc chắn về bản chất của cầu nguyện Kitô giáo. 

Phần II. Cầu nguyện Kitô giáo dưới ánh sáng Mặc khải (4-7):

Cầu nguyện Kitô giáo có nguồn gốc Mặc khải và được thể hiện suốt dòng lịch sử cứu độ; Cựu Ước tường thuật những kỳ công yêu thương Thiên Chúa dành cho Dân Chúa và tâm tình tạ ơn của Dân Chúa dành cho Ngài; Tân Ước diễn đạt tình thương viên mãn của Thiên Chúa Ba Ngôi và nhận thức tạ ơn tuyệt hảo của Dân Chúa qua lời nói, việc làm, cuộc khổ nạn và sự Phục sinh của Chúa Giêsu Kitô; Giáo hội cầu nguyện và dạy tín hữu cầu nguyện từ nguồn suối Mặc khải về tình yêu Thiên Chúa Ba Ngôi; Kitô hữu thực hành cầu nguyện trong tinh thần cầu nguyện đích thực của Giáo hội, dưới sự hướng dẫn của Giáo hội.

Phần III. Những cách cầu nguyện sai lạc (8-12):

Thuyết Mạo Ngộ Đạo và Thuyết Messalianism từ thời các Giáo phụ; hai hình thức sai lạc này vẫn cám dỗ Kitô hữu ngày nay muốn xóa nhòa khoảng cách giữa Thiên Chúa Sáng Tạo và con người thụ tạo, xem thường nẻo đường Nhập Thể của Đức Kitô và giản lược đời sống tâm linh vào các chiều kích tâm lý tự nhiên, trong khi cầu nguyện Kitô giáo nhằm thấu hiểu sự sâu thẳm của Thiên Chúa trong công trình cứu độ được thực hiện nơi Đức Kitô, Ngôi Lời Nhập Thể, và trong hồng ân của Chúa Thánh Thần; những hình thức cầu nguyện Đông phương nào mà phủ nhận mầu nhiệm Tình Thương của Thiên Chúa Ba Ngôi, được thể hiện tuyệt đỉnh trong mầu nhiệm Thập Giá của Đức Kitô, đều không hợp với cầu nguyện Kitô giáo. 

Phần IV. Con đường Kitô giáo để kết hợp với Thiên Chúa (13-15): 

Con đường Đức Kitô, luôn kết hợp mật thiết với Chúa Cha qua thái độ vâng nghe và thi hành thiên ý; cầu nguyện Kitô giáo luôn đưa tới tình yêu tha nhân, hành động yêu thương và việc đón nhận thử thách, nhờ đó tới gần Thiên Chúa; vì được tới gần Thiên Chúa, được tham dự bản tính Thiên Chúa, được thần hóa, được trở nên “những người con trong Người Con”, Kitô hữu thật sự được chia sẻ sự sống Ba Ngôi, nhưng nhân vị không bị tan biến trong Thiên Chúa, vì con người thiết yếu là thụ tạo, và mãi mãi là thế.

Phần V. Các vấn đề phương pháp (16-25):

Giáo hội Công giáo chẳng những không tiên thiên phủ nhận những gì chân thật và thánh thiện, cũng như các phương pháp cầu nguyện nơi các tôn giáo ngoài Kitô giáo, mà còn học biết vận dụng những gì hữu ích, miễn là bảo toàn được bản chất của cầu nguyện Kitô giáo;

Con đường thanh luyện (the purgative way), con đường khai sáng (the illuminative way) và con đường kết hợp (the unitive way) phải được hiểu cách đúng đắn:

Con đường thanh luyện - nhằm rửa sạch những thiếu sót về chân lý và tình yêu, rửa sạch bản năng ích kỷ để nên trống rỗng - không nhất thiết là từ bỏ thế giới thụ tạo Thiên Chúa ban, và cốt yếu phải hướng đến việc kết hợp với Thiên Chúa, tuy nhiên “hồng ân này chỉ có thể được ban “trong Chúa Kitô nhờ Chúa Thánh Thần”, chứ không phải bởi những cố gắng của chính chúng ta, bằng cách thoát khỏi Mặc khải của Ngài”;

Con đường khai sáng, “nhờ tình yêu mà Chúa Cha ban xuống trên chúng ta trong Chúa Con và việc xức dầu mà chúng ta nhận lãnh từ Ngài trong Chúa Thánh Thần”, dẫn các Kitô hữu vào sự hiểu biết Chúa Kitô nhờ đức tin hoạt động qua đức mến;

Con đường kết hợp, nhờ hồng ân đặc biệt của Chúa Thánh Thần, một số Kitô hữu được gọi tiến tới sự kết hợp đặc thù với Thiên Chúa theo kiểu thần bí, sự kết hợp thần bí này hoàn toàn không do bất cứ kỹ thuật nào của phàm nhân, và là ơn riêng Thiên Chúa ban cho những cá nhân.

Phần VI. Những phương pháp tâm thể lý (26-28):

Khi cầu nguyện, toàn bộ con người phải đi vào trong tương quan với Thiên Chúa, nên thân thể người đó cũng phải ở trong tư thế thích hợp nhất với việc cầu nguyện; tùy theo mỗi nền văn hóa và cảm thức cá nhân, các tư thế thân xác có thể trở thành biểu tượng cho việc cầu nguyện, nhưng những biểu tượng tâm-thể-lý ấy không thể biến thành những thứ thần tượng cản trở việc nâng tâm hồn lên với Thiên Chúa; những bài tập thể lý tạo ra cảm giác tĩnh lặng và sảng khoái tinh thần không thể được đồng hóa với ơn an ủi của Chúa Thánh Thần hay những kinh nghiệm thần bí; việc cầu nguyện đích thực và liên lỉ không có nghĩa phải từ bỏ những hoạt động dấn thân, trái lại khơi dậy đức ái hướng đến việc phục vụ tha nhân cùng với Giáo hội.

Phần VII. “Thầy là Đường” (29-31): mỗi tín hữu có thể tìm cho mình một nẻo đường cầu nguyện riêng, nhưng mọi nẻo đường cầu nguyện đều phải đổ về con đường Đức Kitô, con đường duy nhất dẫn đến mầu nhiệm tình yêu của Chúa Cha nhờ sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần; “Tình Yêu Thiên Chúa, đối tượng duy nhất của việc chiêm niệm Kitô giáo, là một thực tại không thể bị “điều khiển” bởi bất kỳ phương pháp hay kỹ thuật nào”, trái lại, chính con người phải đón nhận những ân huệ của Tình Yêu Thiên Chúa theo những cách thức mà Ngài muốn”.  

Tài liệu này được gởi trực tiếp đến các Giám mục của Hội thánh Công giáo, là những mục tử của các Giáo hội địa phương. Tuy nhiên, nội dung của tài liệu lại hết sức cần thiết cho các linh mục, tu sĩ, chủng sinh, giáo lý viên và những Kitô hữu đang quan tâm đến đời sống cầu nguyện của mình.

Vì thế, Ủy ban Giáo lý Đức tin xin chân thành tri ân cha Gioakim Đinh Thực đã gắng công thực hiện bản dịch tiếng Việt tài liệu này, và xin trân trọng giới thiệu đến quý độc giả.

 

Lm. Phaolô Nguyễn Thành Sang

Thư ký Ủy ban Giáo lý Đức tin

-------------------------

Xin liên hệ mua sách tại VP. Ủy ban Giáo lý Đức tin

72/12 Trần Quốc Toản, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM

Đt: 0909301963

Email: vpubgldt@gmail.com

Tác giả: Lm. Phaolô Nguyễn Thành Sang - Thư ký Ủy ban Giáo lý Đức tin
Tag:

Các tin khác:


Các tin đã đưa ngày: