LỜI GIỚI THIỆU SÁCH MƯỜI LỜI - GIÁO LÝ MƯỜI ĐIỀU RĂN

07 / 04/ 2022, 04:04:50

LỜI GIỚI THIỆU

 

Mười Lời: giáo lý về Mười Điều răn là tập hợp những bài giáo lý ngày thứ Tư hàng tuần của Đức Thánh cha Phanxicô về Mười Điều răn, diễn ra từ ngày 13 tháng 06 đến ngày 28 tháng 11 năm 2018.

Nhưng tại sao lại Mười Lời thay vì Mười Điều răn như truyền thống Giáo hội quen gọi? Có thể nói, tâm thức của đa phần con người đương đại rất nhạy cảm với phẩm giá tự do của mỗi người, và thường dị ứng với những gì bó buộc lương tâm con người. Trong bối cảnh ấy, thuật ngữ điều răn dễ bị xem là nặng tính bó buộc, như thể những mệnh lệnh áp đặt của bề trên đối với những người phận nhỏ, không còn không gian cho tự do lương tâm; trong khi đó, lời được hiểu là ngôn ngữ của đối thoại và trao đổi thân tình, ví như cuộc chuyện trò của bậc cha mẹ với những đứa con trong bầu khí giáo dục gia đình.

Bối cảnh ra đời của Mười Lời xác định và soi sáng ý tưởng vừa nêu. Từ Ai Cập, qua Biển Đỏ và Sinai, đến Đất Hứa là hành trình giáo dục tự do của Thiên Chúa dành cho dân của Ngài: 

  • Ai Cập là miền đất nô lệ đối với người Israel, nơi họ không có một danh phận thực thụ: không là một dân tộc, không có tổ quốc, không có lề luật và không có vị lãnh đạo;
  • Biển Đỏ là ân huệ của Thiên Chúa dành cho người Israel: nghe thấu nỗi cùng khốn của dân Israel, Ngài đã xót thương và ra tay uy quyền giải thoát họ bằng cuộc Vượt qua diệu kỳ;
  • Sinai là trách nhiệm của người Israel đối diện với Thiên Chúa: được giải thoát bởi lòng xót thương của Thiên Chúa, dân Israel bày tỏ lòng biết ơn và lòng trung tín hiệp hành với Ngài trên nẻo đường sự sống và tự do, được diễn đạt qua Mười Lời giao ước;
  • Đất Hứa là miền đất tự do cho người Israel, nơi họ sẽ đạt đến một danh phận thực thụ: một dân tộc, một tổ quốc, một bộ luật và một vị lãnh đạo tối cao là chính Thiên Chúa, qua trung gian Môsê và những vị tiếp nối.

Như thế, từ Ai Cập đến Đất Hứa là hành trình từ không ra có, từ cửa tử đến cửa sinh, từ nô lệ đến tự do, từ đau khổ đến hạnh phúc. Tuy nhiên, thân phận nô lệ tại đất Ai Cập là thực tại, trong khi thân phận tự do nơi Đất Hứa vẫn còn ở dưới chế độ lời hứa của Thiên Chúa và niềm hy vọng của dân Israel. Viễn tượng sự sống tự do và hạnh phúc ấy chỉ thành hiện thực trong sự hiệp hành trách nhiệm và trung tín của dân Israel với Thiên Chúa, Đấng chỉ dạy cho họ lối đường sư phạm yêu thương. Đó là cuộc hiệp hành giữa hai tự do: tự do yêu thương của Thiên Chúa và tự do đáp ơn của dân Israel.  

Chính trong bối cảnh đó, dân Israel đã từng gọi những quy luật sống được Thiên Chúa ban qua trung gian Môsê trên núi Sinai là Mười Lời. Đó là những lời giáo dục xuất phát từ trái tim phụ mẫu của Thiên Chúa, với ước mong duy nhất là đời sống công bằng, yêu thương, tự do và hạnh phúc cho mọi người con của Ngài.

Rõ ràng, thuật ngữ Mười Lời là một cách thức diễn tả tuyệt vời về trái tim của Thiên Chúa, được dân Israel cảm nhận như người Cha giàu lòng thương xót. Chính Ngài đã bước vào hôn ước cứu độ loài người theo thể thức “tout par amour et rien par force - tất cả vì tình thương và chẳng gì bởi cưỡng bức”, theo cách nói của Thánh Phanxicô Đệ Salê.

Hiểu như thế, Mười Lời là những lời giáo dục khôn ngoan từ lòng Chúa thì thầm vào lòng người, để con người biết mình được Thiên Chúa cưu mang, sinh hạ, dưỡng dục và giúp tăng trưởng trong nẻo đường sự sống. Đó là lý do tại sao Đức Phanxicô đề cao thuật ngữ Mười Lời và trình bày nội dung Mười Lời như những lời khôn ngoan của Thiên Chúa hằng sống, luôn mong muốn loài người được sống và sống dồi dào.

Dĩ nhiên, Đất Hứa chỉ là miền đất biểu tượng cho hiện sinh và hiện phúc của con người. Lối đường sư phạm yêu thương của Thiên Chúa còn dẫn nhân loại tiến xa hơn đến Nước Trời, chân trời vĩnh sinh và vĩnh phúc của loài người, nhờ Đức Kitô, Lời Nhập Thể để hoàn tất Mười Lời và trở nên Lời chung cuộc của Thiên Chúa ban tặng cho nhân loại.

Cần ghi nhận rằng, thuật ngữ Mười Lời vừa cũ vừa mới này có thể khơi dậy trong tâm hồn Kitô hữu một cảm thức đức tin chân thật và sống động, trong mối tương quan thiết yếu với Thiên Chúa, bản thân và tha nhân giữa lòng thế giới thụ tạo, biểu hiện qua những dấu chỉ sau:

  • Một phương pháp đọc và hiểu Mười Lời cách thích hợp giúp lý trí tín hữu khai mở với sự khôn ngoan vô tận của Thiên Chúa và từng bước đạt đến sự nhận thức sáng suốt về các chân lý đức tin đến từ Thiên Chúa;
  • Một sự nhận thức sáng suốt về các chân lý đức tin giúp ý chí tín hữu khai mở với tình thương vô biên của Thiên Chúa dành cho loài người và từng bước đạt đến khả năng yêu mến Ngài hết lòng dạ, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực;
  • Một khả năng yêu mến Thiên Chúa hết lòng dạ, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực giúp trái tim tín hữu khai mở với tình thương chân thật dành cho bản thân và tha nhân trong đời sống, theo thể thức Thiên Chúa hằng yêu thương mỗi con người và mong muốn mọi người sống yêu thương nhau;
  • Một tình thương chân thật dành cho bản thân và tha nhân sẽ giúp mỗi người khai mở với công lý và tình thân dành cho mọi loài thụ tạo trong vũ trụ, vốn là môi sinh thiết yếu của loài người trong tương quan với Tạo Hóa và với nhau trong cuộc đời.

Vì thế, tập sách Mười Lời: giáo lý về Mười Điều răn thật sự rất hữu ích cho các Kitô hữu và mọi người thiện tâm tìm kiếm phẩm giá tự do và chân phúc của cuộc đời mình.

Xin cảm ơn những người đã cộng tác vào việc chuyển ngữ những bài giáo lý này, và xin trân quý giới thiệu tập sách đến các tín hữu và mọi người, đặc biệt là những ai đang khát khao tìm hiểu nội dung giáo lý và thần học Kitô giáo, cũng như những ai mang trách nhiệm giáo dục đức tin Kitô giáo cho tha nhân. 

 

 

Tác giả: Lm. Phaolô Nguyễn Thành Sang
Tag:

Các tin khác:


Các tin đã đưa ngày: