TÌM HIÊU VĂN KIỆN HƯỚNG DẪN VIỆC DẠY GIÁO LÝ 2020 - BỐN ĐỀ TÀI CĂN BẢN

06 / 10/ 2022, 04:10:17

Ngày 23 tháng 3 năm 2020, Đức Thánh Cha Phanxicô đã phê duyệt văn kiện mới về Huấn giáo mang tên Hướng dẫn việc Dạy Giáo lý (2020) do Bộ Cổ võ Tân Phúc Âm hóa biên soạn. Văn kiện gồm 3 phần, 12 chương, 428 mục, trong đó đề cập đến nhiều vấn đề liên quan đến việc dạy giáo lý trong đời sống Giáo hội. Bài viết này xin được tóm tắt trong 4 đề tài căn bản: (1) Bản chất của giáo lý/Dạy giáo lý là gì? (2) Dung mạo người Giáo lý viên và việc huấn luyện; (3) Phương pháp dạy giáo lý/Làm thế nào để thông truyền đức tin; (4) Bổn phận đáp ứng những đòi hỏi của việc dạy giáo lý trong thời hiện đại, việc sử dụng công cụ kỹ thuật số.

-------------------

1. DẠY GIÁO LÝ LÀ GÌ?

Trong những thế kỷ qua, mặc dù chúng ta có nhiều định nghĩa khác nhau về việc dạy giáo lý, trong đó có thể có những câu trả lời không thỏa đáng, nhưng theo HDTQ 1997, chúng ta đã có một định nghĩa khá rõ ràng dựa trên 3 yếu tố cơ bản: tác vụ Lời Chúa, giáo dục đức tin, hoạt động của Hội Thánh. Tuy nhiên, trong thời hiện tại, tài liệu Hướng dẫn mới cho việc dạy giáo lý 2020, ngay từ những trang đầu, đã khẳng định: “Tiêu chuẩn định hướng cho việc biên soạn tài liệu Hướng dẫn việc dạy giáo lý (HD) này chính là ước muốn đào sâu vai trò việc dạy giáo lý trong sự năng động của công cuộc loan báo Tin Mừng […]. Đây là nền tảng của sự biến đổi truyền giáo và là động lực thúc đẩy hoán cải mục vụ (HDGL 5).

Mục số 1 của HD 2020 nói với chúng ta về việc canh tân lòng trung thành: “Việc dạy giáo lý hoàn toàn thuộc về tiến trình canh tân rộng lớn hơn mà Giáo hội được mời gọi, nhằm trung thành thực hiện mệnh lệnh của Đức Giêsu Kitô, là không ngừng loan báo Tin Mừng của Ngài ở bất cứ nơi đâu (x. Mt 28,19).

Bản chất của giáo lý

Bản chất của giáo lý được HD diễn tả trong mục số 2. Theo quan điểm đổi mới như đã nêu trên, Đức Thánh cha Phanxicô đã đưa ra một vài tính năng đặc biệt của giáo lý liên quan mật thiết đến việc loan báo Tin Mừng trong thời hiện tại, như ngài đã nêu trong Tông huấn Niềm vui Tin Mừng:

  • “Giáo lý kerygma”, là một giáo lý đi đến cùng của trọng tâm đức tin, đạt đến điều cơ bản của sứ điệp kitô giáo, thể hiện hoạt động của Chúa Thánh Thần, Đấng thông truyền tình yêu cứu độ của Thiên Chúa trong Đức Giêsu Kitô và tiếp tục trao ban chính mình cho sự sống viên mãn của từng người.
  • Giáo lý như sự khai tâm nhiệm huấn: đưa người tín hữu vào kinh nghiệm sống động của cộng đoàn kitô hữu, một không gian đích thực của đời sống đức tin. Đó là kinh nghiệm của việc huấn luyện liên tục và năng động; cùng với sự phong phú của những dấu chỉ và ngôn ngữ; hỗ trợ cho việc hội nhập toàn bộ các chiều kích của con người.
  • Toàn bộ những điều này liên quan đến sự hiểu biết trực quan, có nguồn gốc vững chắc từ việc suy tư trong giáo lý và thực hành trong mục vụ của Giáo hội; đây là việc dạy giáo lý gợi hứng từ mô hình giáo lý dự tòng, mô hình này ngày càng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.

Lời loan báo đầu tiên - nhiệm huấn - gợi hứng giáo lý dự tòng là 3 từ ngữ trụ cột để diễn tả về bản chất của giáo lý trong thời hiện đại, đòi hỏi chúng ta phải đào sâu, tìm hiểu thật thấu đáo.

Mục đích của giáo lý

Số 75 của HD 2020 khẳng định mục đích của việc dạy giáo lý như sau:

“Mục đích tối hậu của việc dạy giáo lý là đặt một người nào đó không chỉ tiếp xúc, mà còn hiệp thông mật thiết với Đức Giêsu Kitô: chỉ mình Ngài mới có thể dẫn con người đến tình yêu của Chúa Cha trong Chúa Thánh Thần và làm cho chúng ta được thông dự vào sự sống của Ba Ngôi.”

Những nhiệm vụ của việc dạy giáo lý

Từ số 79 trở đi, HD 2020 trình bày những nhiệm vụ của việc dạy giáo lý dựa vào chính mẫu gương của Chúa Giêsu khi Ngài huấn luyện các môn đệ: “cho họ biết những mầu nhiệm Nước Trời, dạy họ cầu nguyện, đề nghị với họ những thái độ sống Tin Mừng, đưa họ vào đời sống hiệp thông với Chúa, với nhau và với sứ mạng. Kiểu mẫu phương pháp sư phạm này của Đức Giêsu đã định hình đời sống của cộng đoàn Kitô hữu”.

2. GIÁO LÝ VIÊN VÀ VIỆC ĐÀO TẠO

Toàn bộ chương 2 và chương 3, từ số 110 đến 156, đề cập đến căn tính và ơn gọi giáo lý viên cũng như sự cần thiết của việc đào tạo.

ĐTC Phanxicô đã thiết lập thừa tác vụ Giáo lý viên giáo dân trong «Tự sắc» Antiquum ministerium, hành động này tạo thêm động lực cho sứ mạng người giáo dân và trách vụ truyền giáo của mỗi người đã được rửa tội. Theo đó, ta có thể nhận thấy ở mục 112 của HD này, một diễn tả rõ ràng về ơn gọi GLV mang tính Giáo hội trong đời sống cộng đoàn.

“Giáo lý viên là một Kitô hữu đón nhận lời mời gọi đặc biệt từ Thiên Chúa, sự đón nhận ơn gọi trong đức tin này cho phép người giáo lý viên phục vụ việc thông truyền đức tin và khai tâm đời sống Kitô giáo. Những nguyên nhân cụ thể mà mỗi giáo lý viên được gọi để phục vụ Lời Thiên Chúa thì rất khác nhau, nhưng tựu trung, họ là những trung gian mà Thiên Chúa dùng, thông qua lời mời gọi phục vụ của Giáo Hội. Qua ơn gọi này, giáo lý viên được tham dự vào sứ mạng của Chúa Giêsu, là đưa các môn đệ vào trong mối tương quan con thảo của Chúa Giêsu với Chúa Cha. Tuy nhiên, chủ thể đích thực của việc dạy giáo lý là Chúa Thánh Thần, chính Ngài biến những nỗ lực của GLV trong hoạt động giáo lý trở thành hữu hiệu, nhờ sống trong sự hiệp thông sâu xa với Chúa Giêsu Kitô. Hoạt động này được thực hiện trong lòng Giáo hội: chính giáo lý viên là chứng nhân cho Truyền Thống sống động của Giáo hội và là một trung gian tạo điều kiện cho việc tháp nhập những tân đồ đệ của Đức Kitô vào Thân Mình Giáo Hội của Người” (HD 112).

Chúng ta thường nghĩ đến việc khủng hoảng ơn gọi trong đời sống linh mục, tu sĩ, nhưng những năm gần đây, ơn gọi hôn nhân cũng không ít những khó khăn, ngay cả ơn gọi giáo lý viên cũng vậy.

Chính vì thế mà trong số 111 xác quyết: “Toàn thể cộng đoàn Kitô hữu đều có trách nhiệm đối với việc dạy giáo lý, nhưng mỗi người tùy theo địa vị riêng của mình trong Giáo hội: các thừa tác viên có chức thánh, những người sống đời thánh hiến, các Kitô hữu giáo dân. “Qua họ và tùy vai trò của mỗi người mà thừa tác vụ huấn giáo sẽ cống hiến Lời Chúa và nên chứng tá cho Hội thánh một cách đầy đủ. Nếu một trong những hình thức hiện diện này thiếu vắng, thì việc huấn giáo sẽ mất đi một phần ý nghĩa và tính phong phú của nó”[1].

Chắc chắn, “không ai sinh ra đã được học!”, nhất là “học để làm”, vì thế cần có một tiến trình huấn luyện đầy đủ và cập nhật để giúp phát triển tiềm năng.

HD 2020 dành một phần khá rộng cho việc đào tạo, từ mục 130 đến 156.

“Đào tạo là một tiến trình liên tục, nhờ sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần và trong lòng cộng đoàn Kitô hữu, tiến trình này giúp người đã được Rửa tội thành hình (bộc lộ) căn tính sâu xa nhất của mình, đó là căn tính của người con của Thiên Chúa trong tương quan hiệp thông sâu xa với anh em mình” (HD. 131).

Mục 136 nhắc nhớ rằng: “Việc đào tạo giáo lý viên bao gồm những chiều kích khác nhau, trong đó, chiều kích quan trọng nhất được kể đến đó là chiều kích liên quan đến căn tính GLV: là giáo lý viên, trước khi làm công việc của một giáo lý viên…” (HD 136).

Chiều kích về căn tính ngày nay cũng đề cập đến việc biết sống với, nghĩa là không chỉ quan tâm đến căn tính cá nhân, nhưng còn lưu ý đến căn tính tương quan. Ngoài ra, để GLV có những khả năng phù hợp với sứ mạng giáo dục đức tin, việc đào tạo phải chú trọng đến chiều kích hiểu biết, bao gồm “cặp đôi trung thành”: trung thành với sứ điệp và trung thành với con người trong điều kiện sống của họ. Cuối cùng, dạy giáo lý cũng là hoạt động truyền thông và giáo dục, vì thế, việc huấn luyện cũng cần chú trọng đến chiều kích kỹ năng: biết làm.

Người GLV không phải là người làm một việc gì đó, nhưng trước hết là một con người, một tín hữu và một tông đồ. Đối với giáo lý viên, kiến thức cũng như kỹ năng đều là những khả năng cần thiết và quan trọng như nhau, vì thế HD cũng lưu ý: “không nhấn mạnh chiều kích này hơn chiều kích kia” (HD.137).

3. PHƯƠNG PHÁP THÔNG TRUYỀN ĐỨC TIN

Phần thứ hai của HDGL 2020 trả lời cho những câu hỏi trọng tâm của việc dạy giáo lý: “Làm thế nào để thông truyền đức tin? Đâu là những phương pháp thích hợp nhất?”

Đương nhiên kiểu mẫu của sư phạm đức tin chính là hoạt động và đời sống của Chúa Giêsu: “Các trình thuật Tin Mừng trình bày những nét đặc trưng của sự tiếp cận giáo dục của Đức Giêsu và gợi hứng cho hoạt động sư phạm của Hội Thánh. Ngay từ thuở ban đầu, Hội Thánh đã sống sứ vụ của mình “như một sự tiếp nối hữu hình và thực tiễn sư phạm của Chúa Cha và Chúa Con. Hội Thánh, “Mẹ chúng ta”, cũng là nhà giáo dục đức tin của chúng ta” (HD 164).

Các mục 167-178 cũng xác định những tiêu chuẩn cơ bản của việc loan báo sứ điệp Tin Mừng như sau:

  • Tiêu chuẩn Ba Ngôi và Kitô (168-170)
  • Tiêu chuẩn lịch sử - cứu độ (171-173)
  • Tiêu chuẩn trổi vượt của ân sủng và cái đẹp (174-175)
  • Tiêu chuẩn giáo hội (176)
  • Tiểu chuẩn thống nhất và toàn vẹn của đức tin (177)
  • Nguyên tắc phẩm trật trong chân lý (178)

Cuối cùng, chiều kích đồng hành trong tiến trình tăng trưởng cũng được nhắc đến trong số 179. Cặp đôi của nguyên tắc sư phạm trong HD 1997 cũng được lặp lại ở đây, đó là trung thành với Thiên Chúa – trung thành với con người, điều này cho thấy phải quan tâm đến sự nối kết giữa chiều kích thần học với chiều kích nhân học của đời sống đức tin.

Trong lộ trình dạy giáo lý, nguyên tắc LBTM nhờ giáo dục và giáo dục nhờ LBTM (HDTQ 1997) cũng cần phải nhớ. Theo đó, việc GLV phải làm là tìm kiếm và bày tỏ những dấu chỉ về sự hoạt động của Thiên Chúa trong đời sống con người, kết nối những dấu chỉ ấy với họ, đề nghị với họ một Tin Mừng có sức biến đổi toàn bộ cuộc sống và làm cho cuộc sống có ý nghĩa.

Việc đồng hành với một người trong hành trình tăng trưởng và hoán cải cần được phát huy, trong đó hành vi đức tin bao hàm việc khám phá tiệm tiến mầu nhiệm của Thiên Chúa, cùng với hành vi đón nhận và phó thác nơi Ngài.

4. NGÔN NGỮ VÀ CÔNG CỤ KỸ THUẬT SỐ TRONG MỘT THẾ GIỚI BIẾN ĐỔI

Nếu như phải nói đến cái mới trong HD 2020 thì đây chính là yếu tố đáng chú ý, nảy sinh từ những kỹ thuật mới của thời đại. Chính sự xuất hiện kỹ thuật số gây ra những thách đố cho việc phát triển công cuộc LBTM và việc dạy giáo lý. Mục số 47 ghi nhận:

“Những kỹ thuật mới không chỉ thay đổi thế giới về mặt truyền thông mà còn đem lại một sự thay đổi rộng lớn về văn hóa. Cách học và lối suy nghĩ mới đang phát triển, với những cơ hội vô tiền khoáng hậu để thiết lập những tương quan và xây dựng tình bằng hữu”[2]. Do đó, sự thay đổi này không những chạm đến phạm vi căn tính cá nhân và tự do, mà còn chạm đến những khả năng nhận thức và cách thức học tập; sự ảnh hưởng không thể tránh được ngay cả những kiểu tương quan và cuối cùng, thay đổi chính cách tiếp cận kinh nghiệm đức tin. Do đó, đối với Giáo hội, “cuộc cách mạng về phương tiện truyền thông và thông tin là một thách đố lớn và hấp dẫn; nó đòi chúng ta phải đáp ứng thách đố ấy với một nghị lực và cách suy nghĩ mới để thông truyền cho người khác vẻ đẹp của Thiên Chúa”[3].

HD 2020 tiếp tục đi vào những vấn đề kỹ thuật, trong đó cho thấy có khoảng cách giữa các kiểu truyền thông của Giáo hội với kiểu truyền thông của kỹ thuật số:

“Trong Hội Thánh, thường có thói quen truyền thông một chiều: giảng dạy và trình bày giáo lý cách ngắn gọn. Hơn nữa, cách tuyền đạt cho người trẻ lại chỉ đơn thuần bằng ngôn ngữ của chữ viết trong khi họ lại là những người quen với sự tổng hợp của ngôn ngữ dạng chữ viết, âm thanh và hình ảnh. Những dạng thức kỹ thuật số của truyền thông cung cấp nhiều khả năng lớn hơn […] và nơi đó còn mở ra cho sự tương tác. Đây là lý do, cùng với kiến thức về kỹ thuật, cần phải học những cách tiếp cận hữu hiệu với truyền thông và bảo đảm sự hiện diện trên mạng để làm chứng cho các giá trị Tin Mừng” (HD 214).

Dẫu sao thì số 217 của HD cũng nhắc nhớ rằng “thực tại ảo không thể thay thế cho thực tại thiêng liêng, bí tích và giáo hội, được thực hiện qua sự gặp gỡ trực tiếp giữa những con người…” (HD 217)

Có thể chúng ta cảm thấy mình là “dân nhập cư của kỹ thuật số” trong một thế giới của “dân bản địa kỹ thuật số”, nhưng điều này không cản trở chúng ta tiếp tục cập nhật để theo kịp những thách đố trước mắt. Điều này thúc giục chúng ta phải học cách truyền thông sao cho hữu hiệu và tự tin khi đứng trong mạng lưới của những người làm chứng cho các giá trị Tin Mừng qua truyền thông.

KẾT LUẬN

Chúng ta đang đối mặt trước một thực tại đầy chông gai, nhiều thách đố, nhưng cũng hứa hẹn nhiều hoa trái tốt lành. Những thách đố và chông gai này chúng ta không thể giải quyết một sớm một chiều, nhưng cần nhiều năm tháng với sự kiên trì của những người dấn thân cho công cuộc Loan báo Tin Mừng.

Chúng ta cùng cầu nguyện và phó thác nơi Mẹ Maria, vì Mẹ là Mẹ Thiên Chúa, Mẹ Giáo hội, Mẹ của các Tông đồ, Mẹ luôn tỏa sáng niềm vui trong công cuộc Loan báo Tin Mừng của Giáo hội, Mẹ là Đấng hoàn toàn vâng phục trước tác động của Chúa Thánh Thần, Mẹ là người biết lắng nghe và đón nhận Lời Chúa, vì thế Mẹ cũng trở thành “người biểu lộ đức tin một cách tinh tuyền nhất (x. HD 428).

 

Md. Phạm Thúy

Biên soạn theo Vademecum del Direttorio per la Catechesi, “Lời giới thiệu”, Don Valter Rossi, Elledici, 2021; Bản dịch tiếng Ý từ tiếng Pháp: Directoire pour la catéchèse. Vademecum, Catherine Chevalier và Henri Derroitte, Halewijn-Licap nv, Anvers, 2021.

 


[1] Hướng dẫn Tổng quát việc dạy Giáo lý 1997, 219.

[2] Đức Bênêđitô XVI, Diễn văn gửi đến các tham dự viên tại Hội nghị thượng đỉnh của Hội đồng Tòa Thánh về Truyền thông Xã hội, 25-02-2011.

[3] Đức Phanxicô, Sứ điệp Ngày Thế Giới Truyền Thông lần thứ 48 (01/06/2014).

 

Tác giả: Md. Phạm Thúy - Vp.UBGLĐT
Tag:

Các tin khác:


Các tin đã đưa ngày: