ĐHY Müller giải thích về Huấn Thị của Bộ Giáo Lý Đức Tin liên quan đến Việc Mai Táng và Hoả Táng Người Quá Cố

30 / 11/ 2016, 10:11:13

“CHÚNG TA CÓ PHẨM GIÁ!
CHÚNG TA ĐỪNG QUÊN ĐIỀU NÀY!”

ĐHY Müller giải thích về Huấn Thị của Bộ Giáo Lý Đức Tin liên quan đến Việc Mai Táng và Hoả Táng Người Quá Cố

 

Ngoài buổi giới thiệu về Huấn Thị của Bộ Giáo Lý Đức Tin mang tựa đề “Ad resurgendum cum Christo” (Để sống lại với Đức Kitô) liên quan đến việc mai táng người quá cố và việc lưu giữ tro cốt trong trường hợp hoả táng, Đức Hồng y Tổng Trưởng Gerhard Müller đã trả lời các câu hỏi của báo Zenit và của các đồng nghiệp báo chí khác.

*  *  *

[Thưa Đức Hồng y,]

Lời nói “không” cách rõ ràng nhất trong văn kiện liên quan đến việc rải tro cốt của người quá cố hoặc biến tro cốt ấy thành “những đồ lưu niệm, đồ trang sức hay các vật dụng khác”?

ĐHY Müller: Điều này trái với truyền thống Kitô giáo. Chúng ta không muốn đức tin bị tư nhân hoá và biến việc tưởng nhớ trở thành việc cá nhân; việc tưởng nhớ ấy phải thuộc về Giáo Hội và gia đình của Thiên Chúa. Do đó, cần phải xác định rằng, tốt hơn là nên tìm một nơi chung dành cho những người đã khuất, ngõ hầu không chỉ một người – như người sở hữu một chiếc nhẫn chẳng hạn –, có thể tưởng nhớ về người quá cố, mà còn cho cả những người khác cũng có thể cầu nguyện cho họ. Một người đang sống không chỉ có mối liên hệ với những người mà họ đang mang tro cốt bên mình. Tro cốt thậm chí không thể được phân chia thành nhiều phần nhỏ: một phần trong chiếc nhẫn, phần khác trong một chiếc chuỗi hạt hay trong một vật dụng nào khác. Theo tôi, dường như có một điều gì đó xem ra hoàn toàn vô lý.

Vậy thì [thưa Đức Hồng y], đối với Giáo Hội, việc thực hành như thế có “bị coi” như là một tội không?

ĐHY Müller: Đó không phải là một tội trọng và thậm chí điều đó còn không bị cấm, nhưng nó là một biểu tượng không phù hợp với những quan điểm và đạo lý Kitô giáo, vì chưng thân xác của người quá cố – như tôi đã nói – không phải là sở hữu riêng của những người thân của họ. Chúng ta đều là con cái của Thiên Chúa và của Giáo Hội. Lý do được đưa ra [để biện minh cho việc phân chia và lưu giữ tro cốt trong các vật dụng] là những vật dụng ấy được lưu giữ dựa trên di chúc, nhưng căn tính của một người được thể hiện nơi thân xác của họ lại là một điều khác; nó không phải là di sản thừa kế, hay như vật sở hữu của những người thân hoặc của cha mẹ, của người vợ hoặc của bất cứ ai có liên hệ “với người quá cố”. Chúng ta phải ngăn chặng chủ nghĩa cá nhân này và không chỉ có vậy...

[Vậy thưa Đức Hồng y,] còn điều gì khác nữa?

ĐHY Müller: Chúng ta phải tránh pha trộn các nguyên lý của tư tưởng Kitô giáo với những nguyên lý của tư tưởng duy thế tục, duy vật và duy cá nhân. Cần phải trở về với tư tưởng toàn vẹn của Kitô giáo, nghĩa là ý thức rằng khi một người được sinh ra trong phép rửa, thì cuộc sống của họ khởi đầu cùng với Chúa Kitô. Cũng vậy, đời sống luân lý, các mối liên hệ xã hội của họ cũng chịu tác động bởi mối hiệp thông của họ với Chúa Kitô, và do đó, cũng liên đới với cái chết của chúng ta nữa. Thật vậy, thánh Phaolô đã nói về cái chết trong viễn cảnh hiệp thông: tất cả những kẻ đã qua đời được ở trên Thiên Đàng sẽ đến vào ngày sau hết, họ sẽ được hợp nhất với những người đang sống trên mặt đất. Ở Tây phương, chiều kích cộng đoàn của đời sống chúng ta đã bị đánh mất. Ở đó, người ta thường nói về quyền tự do của con người theo ý thức “tư sản”.

Trong văn kiện, Giáo Hội xác định rằng mình không cấm việc hoả táng nhưng ưa chuộng việc chôn cất hơn. Đức Hồng y có thể giải thích lý do tại sao ?

ĐHY Müller: Mẫu gương cho chúng ta bước theo chính là Đức Giêsu Kitô, Đấng, sau khi chịu chết, đã được mai táng và đã sống lại. Vì thế, theo truyền thống Kitô giáo, Giáo Hội vẫn luôn luôn đề nghị việc thực hành chôn cất với lòng kính trọng người quá cố và cầu nguyện [cho họ] tại một nghĩa trang hoặc một nơi thánh gần Nhà thờ. Việc hoả táng đã được thực hành nơi các dân ngoại thuộc Đế quốc Rôma và [việc thực hành này] đã trở lại vào thế kỷ 19, nơi những người theo chủ nghĩa duy vật thời bấy giờ, như là biểu hiện của sự chối bỏ đức tin và sự sống lại. Những người theo chủ nghĩa duy vật bài giáo sĩ này đã đề nghị việc hoả táng nhằm chứng tỏ rằng họ vượt trội hơn các Kitô hữu chúng ta, [vốn bị họ cho là] quá « chậm chạp » trong việc phát triển tư tưởng. Tuy nhiên, việc thực hành hoả táng không luôn luôn nhằm chối bỏ đức tin. Trong các trường hợp như thế, Giáo Hội nhìn nhận và chấp thuận việc hỏa táng, miễn là một số điều kiện thực tiễn cần phải được tôn trọng, chẳng hạn, không được rải tro cốt trong rừng, trong nước, như thể muốn làm tan biến căn tính của người đã khuất. Trong thực hành, Giáo Hội muốn có một chỗ dành cho việc tưởng nhớ đích danh, nơi đó tên của người quá cố được ghi khắc, bởi vì mỗi người phải được gọi bằng chính tên của họ, mỗi người phải có phẩm giá của mình.

Điều gì sẽ xảy ra hiện nay đối với một người có người thân đã được hoả táng?

ĐHY Müller: Chúng ta không nói về một hình phạt đối với những ai đã thực hành điều này, cũng không muốn thuyết phục con người ngày nay, nhưng khẳng định đâu là thái độ đúng đắn, theo Giáo Hội, khi đối diện với cái chết. Thật khó khi phải đối diện với cái chết, cũng như khi phải mất đi một người thân yêu, nhưng tất cả mọi người phải đón nhận điều này như một chân lý theo đó, Thiên Chúa là Đấng Cứu Độ chúng ta và Ngài không bỏ rơi chúng ta bên ngoài niềm hy vọng phục sinh. Vì thế, Giáo Hội khuyến cáo tất cả các tín hữu phải cảnh giác với việc hoả táng và khuyến khích họ hành động phù hợp với đức tin, để khỏi rơi vào tình trạng của những Kitô hữu “nửa vời”, nhưng trở nên những Kitô hữu mọi nơi mọi lúc.

Đức Hồng y nói về “thách đố của việc Phúc Âm hóa sự chết”. Ngài thấy chăng ngày nay có một sự tầm thường hoá các quan niệm về cái chết, sự sống lại và đời sau không?

ĐHY Müller: Vâng, có một sự tầm thường hoá như thế, nhưng nó là một phần của sự thế tục hoá Kitô giáo. Trên tất cả, tôi thấy có sự thiếu tôn trọng sự sống và phẩm giá con người. Biết bao người đã đánh mất niềm tin Kitô giáo và tiếp tục giữ một vài thói quen, truyền thống, nguyên lý mà không ý thức được phẩm giá của mình. Tôi nghĩ về các trẻ em, chẳng hạn, khi chúng đón nhận ngày rước lễ lần đầu chỉ như một lễ hội... Chúng ta cảm thấy thật buồn, bởi vì những trẻ em này được trao phó cho Vị Mục Tử Giêsu Kitô, Đấng đã ban sự sống của Ngài cho chúng ta, đã để lại cho chúng ta bí tích Thánh Thể,  thế mà chúng ta chỉ nhìn thấy khía cạnh trang hoàng của những hồng ân quý giá này, chúng ta sử dụng chúng như những ngày lễ thế tục. Thay vào đó, chúng ta có phẩm giá, chúng ta đừng quên điều này!

 

Tác giả: Micae Nguyễn Tiến Bình, Chủng sinh K.13, Đại Chủng Viện Thánh Giuse Sài Gòn, chuyển ngữ. Lm. Phaolô Nguyễn Thành Sang hiệu đính.
Nguồn: Zenit, ngày 25/10/2016: https://zenit.org/articles/cardinal-muller-we-have-dignity-let-us-not-forget-this/
Tag:

Các tin khác:


Các tin đã đưa ngày: