GIÁO LÝ VIÊN HIỆP HÀNH TRONG CÁC CỬ HÀNH PHỤNG VỤ

21 / 11/ 2023, 03:11:40

 

Xin trân trọng giới thiệu cùng quý độc giả, bài thuyết trình của Cha Anrê Lương Vĩnh Phú trong Đại hội Giáo lý Toàn quốc lần VI (21-24/8/2023) với chủ đề NGƯỜI GIÁO LÝ VIÊN HIỆP HÀNH.

------------------

 

GIÁO LÝ VIÊN HIỆP HÀNH

TRONG CÁC CỬ HÀNH PHỤNG VỤ

 

Chúng ta đang bước vào bài thuyết trình III, với chủ đề: Giáo lý viên (GLV) hiệp hành trong các cử hành phụng vụ.

Như chúng ta biết, chủ đích của Đại hội GLV lần này là, qua các đề tài thuyết trình, nhằm tìm ra một hướng chung cho việc biên soạn giáo trình đạo tạo giáo lý viên; theo đó, GLV cần được đào tạo để trở nên những con người hiệp hành, phù hợp với hướng đi chung của Hội thánh hiện nay: Hướng tới một Hội Thánh hiệp hành.

Và, theo chỉ dẫn của Giáo hội liên quan đến việc giáo dục phụng vụ, thì “ngoài việc nuôi dưỡng sự hiểu biết sống động mầu nhiệm Đức Kitô, dạy giáo lý còn có nhiệm vụ trợ giúp trong việc hiểu biết và kinh nghiệm về các cử hành phụng vụ. Qua nhiệm vụ này, việc dạy giáo lý giúp người tín hữu hiểu tầm quan trọng của phụng vụ trong đời sống Giáo hội, đưa họ vào sự hiểu biết về các bí tích và đời sống bí tích, đặc biệt là Bí tích Thánh Thể, nguồn mạch và tột đỉnh đời sống và sứ mệnh của Giáo hội.”[1]

Tài liệu trên còn kể ra một số nội dung khác liên quan đến phụng vụ, như: niềm vui của các cử hành, đặc tính cộng đoàn, vai trò của Lời Chúa, cầu nguyện, ca ngợi và tạ ơn, biểu tượng và dấu chỉ, năm phụng vụ, tầm quan trọng ngày Chúa nhật, và lòng đạo đức bình dân.[2]

Trên tinh thần và cơ sở đó, con xin phép được chia sẻ ba điểm sau đây:

  • GLV được đào tạo để HIỂU tầm quan trọng của phụng vụ trong đời sống Giáo hội;
  • GLV được đào tạo để SỐNG đời sống bí tích trong cuộc sống hằng ngày;
  • GLV được đào tạo để có khả năng CHIA SẺ kiến thức và kinh nghiệm về phụng vụ.

I. ​GIÁO LÝ VIÊN ĐƯỢC ĐÀO TẠO ĐỂ HIỂU TẦM QUAN TRỌNG CỦA PHỤNG VỤ TRONG ĐỜI SỐNG GIÁO HỘI

1. Phụng vụ  là công trình của Thiên Chúa

Hội Thánh dạy: “Theo truyền thống Kitô giáo, danh từ phụng vụ muốn nói: ‘Dân Thiên Chúa tham dự vào công trình của Thiên Chúa’. Qua Phụng vụ, Đức Kitô, Đấng Cứu Chuộc và Thượng Tế, tiếp tục công trình cứu chuộc trong Hội Thánh, với Hội Thánh và qua Hội Thánh”[3] .

Vì thế, điểm trước hết và trên hết cần được nhận biết và xác tín là sự có mặt của Thiên Chúa trong các cử hành phụng vụ.[4] Đó là nguồn gốc cốt lõi nhất của phung vụ,[5]cũng là yếu tố làm cho việc cử hành phụng vụ khác với bất kỳ cuộc tụ họp nào trong đời sống thường ngày của con người. Đó là yếu tố làm cho phụng vụ trở nên lôi cuốn và hấp dẫn.[6]Đó là điều làm cho các cử hành phụng vụ trở nên sinh động và linh thánh, là công trình cứu chuộc của Thiên Chúa Ba Ngôi, trong đó: Chúa Cha là nguồn mạch và cùng đích của mọi ơn phúc và mọi cử hành phụng vụ; Chúa Kitô biểu lộ và hoàn thành mầu nhiệm Vượt qua của Người; Chúa Thánh Thần làm cho mầu nhiệm Đức Kitô hiện diện và hiện tại hóa, cách đặc biệt qua hy tế Thánh Thể. [7]

Mọi cử hành phụng vụ, vì thế, luôn luôn hướng về Chúa Cha, nhờ Chúa Giêsu Kitô, trong quyền năng Chúa Thánh Thần, như được diễn tả trong phần kết của Lời nguyện Nhập lễ: “Chúng con cầu xin nhờ ...”[8]

2. Phụng vụ là chóp đỉnh mà mọi hoạt động của Hội thánh phải vươn tới, đồng thời là nguồn mạch tuôn trào tất cả sức mạnh của Hội thánh[9]

“Trong phụng vụ, điều chính yếu Hội thánh cử hành là mầu nhiệm Vượt Qua, mầu nhiệm Đức Kitô hoàn tất công trình cứu độ chúng ta.”[10]

Do đó, khi tham dự các cử hành phụng vụ, chúng ta được lôi kéo đến tình yêu Chúa, được chạm đến Chúa, được Chúa chữa lành, biến đổi, được tham dự vào sự sống của Thiên Chúa, được nếm trước bàn tiệc Nước Trời. Ngày xưa, khi thấy Chúa Giêsu ở đâu thì dân chúng kéo đến với Người hầu mong được chữa lành, được nuôi dưỡng. Ngày nay, Người vẫn luôn sống trong Hội thánh của Người, như Người đã hứa “Thầy ở với anh em mọi ngày cho đến tận thế”[11], nhất là qua Bí tích Thánh Thể. Và thực sự chúng ta có thể gặp Người ở đó. Vì thế, phụng vụ được nhìn nhận như là chóp đỉnh mà mọi hoạt động của Hội thánh phải phải vươn tới, bởi trọng tâm của việc cử hành phụng vụ là mầu nhiệm cứu chuộc của Chúa Kitô.

Không chỉ là chóp đỉnh phải vươn tới, Hội thánh xác tín phụng vụ cũng chính là nguồn mạch tuôn trào tất cả sức mạnh cho mọi hoạt động của mình. Vì: như “chính từ cạnh sườn của Đức Kitô an nghỉ trên thập giá mà bí tích kỳ diệu của toàn thể Hội thánh được phát sinh, [12]thì hy tế thập giá, khi được cử hành qua các bí tích của Hội thánh, đặc biệt là Bí tích Thánh Thể, trở nên nguồn mạch tuôn trào tất cả sức mạnh cho mọi hoạt động của Hội thánh. Thực sự, Giáo Hội sống nhờ Thánh Thể, vì Bí tích Thánh Thể chứa đựng tất cả của cải thiêng liêng của Giáo Hội, đó chính là chính Chúa Kitô: “Giáo Hội loan báo và cử hành mầu nhiệm này của Đức Kitô trong phụng vụ của mình, để các tín hữu được sống nhờ mầu nhiệm đó và làm chứng cho mầu nhiệm đó trong trần gian”.[13]

3. Phụng vụ là việc thờ phượng chính thức của Hội thánh[14]

Hội thánh dạy: “Trong phụng vụ, Chúa Cha tuôn đổ phúc lành của Ngài trong Người Con nhập thể, đã chết và đã sống lại vì chúng ta, và Ngài tuôn đổ Thánh Thần vào lòng chúng ta. Đồng thời Hội thánh chúc tụng Chúa Cha qua việc tôn thờ, ca tụng, tạ ơn, và cầu xin Ngài ban hồng ân là Chúa Con và Chúa Thánh Thần”.[15] Đó là kế hoặch cứu độ từ ngàn đời của Thiên Chúa, như được Thánh Phaolô diễn tả trong thư gởi tín hữu Êphêsô: “Chúc tụng Thiên Chúa là Thân Phụ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Trong Đức Kitô, từ cõi trời, Ngài đã thi ân giáng phúc cho ta hưởng muôn vàn ơn phúc của Thánh Thần. Trong Đức Kitô, Ngài đã chọn ta trước cả khi tạo thành vũ trụ, để trước thánh nhan Ngài, ta trở nên tinh tuyền thánh thiện, nhờ tình thương của Ngài. Theo ý muốn và lòng nhân ái của Ngài, Ngài đã tiền định cho ta làm nghĩa tử nhờ Chúa Giêsu Kitô, để ta hằng ngợi khen ân sủng rạng ngời, ân sủng Ngài ban tặng cho ta trong Thánh Tử yêu dấu”.[16]

Phụng vụ, vì thế, luôn mang chiều kích kép, trong đó, Thiên Chúa không ngừng chúc lành, ban phúc cho con người, còn con người thì không ngừng chúc tụng, tạ ơn Thiên Chúa. Chiều kích kép này đã được biểu lộ và báo trước trong nền phụng vụ của dân Chúa thời Cựu ước, khi dân Chúa vừa nhắc nhớ những lời chúc lành của Thiên Chúa, vừa đáp lại những lời chúc lành đó bằng những câu ca ngợi và chúc tụng tạ ơn”[17]. Để mang tính phụng vụ, vì thế, mọi cử hành phải là nghi lễ chính thức của Hội thánh, phải do một thừa tác viên hợp pháp cử hành, và phải nhân danh toàn thể Hội thánh.[18] Theo đó, phụng vụ gồm: Thánh lễ, 07 Bí tích, Các giờ Kinh Phụng vụ, và các Á bí tích.

Cũng nên lưu ý: bên cạnh việc thờ phượng chính thức trên của Hội thánh, còn tồn tại những việc thờ phượng khác, quen gọi là các việc đạo đức bình dân, như: hành hương, rước kiệu, đi đàng Thánh Giá, lần chuỗi, sùng kính Thánh Thể và Đức Mẹ, v.v. Hội thánh nhìn nhận và khuyến khích các tín hữu thực hành các việc đạo đức bình dân này vì đó là những cách thức tiếp cận đơn giản nhưng lại biểu lộ ra bên ngoài những tình cảm chân thực trong tâm hồn tín hữu. Tuy nhiên, Hội thánh cũng nhắc nhở: “Tự bản chất phụng vụ vượt xa các việc đạo đức; việc đạo đức chỉ nối dài chứ không thay thế phụng vụ; các việc đạo đức phải phát xuất từ phụng vụ và dẫn đưa người tín hữu đến tham dự tích cực vào phụng vụ, chứ không được phép làm lu mờ các cử hành phụng vụ”.[19]

II. GIÁO LÝ VIÊN ĐƯỢC ĐÀO TẠO ĐỂ SỐNG ĐỜI SỐNG BÍ TÍCH TRONG CUỘC SỐNG THƯỜNG NGÀY

1. Hiệp thông với Thiên Chúa

Với cái chết trên thập giá, Đức Kitô đã hoàn tất việc cứu chuộc và hòa giải nhân loại với Thiên Chúa, như Người đã tuyên bố: “Mọi sự đã hoàn tất[20]. Tuy nhiên, để thông chuyển các hiệu quả ơn cứu chuộc đó cho mọi người ở khắp mọi nơi cho đến tận thế,[21] chính Người đã thiết lập các bí tích và trao ban cho Hội thánh quyền cử hành và phân phát, để rồi các bí tích trở thành những dấu chỉ khả giác và hữu hiệu của ân sủng, ban phát thần lương cho nhân loại. Qua các bí tích được cử hành, Thiên Chúa không ngừng tuôn ban cho chúng ta hết ơn này đến ơn khác, trải dài suốt cuộc đời các tín hữu, từ lúc sinh ra cho đến khi tạ thế, nhằm tạo môi trường cho chúng ta luôn được sống trong sự hiệp thông với Thiên Chúa.

Thật vậy, khởi đi từ Bí Tích Rửa Tội, nhờ được thứ tha tội lỗi, người tín hữu được đóng một dấu ấn không thể xóa được (ấn tín) để mãi mãi thuộc về Chúa Kitô, trở nên con của Thiên Chúa, và nhờ đó, được tham dự vào đời sống của Thiên Chúa Ba Ngôi. Rồi nhờ hồng ân Chúa Thánh Thần được ban qua Bí tích thêm Sức, các tín hữu có thể “tiến sâu hơn vào ơn làm con cái Thiên Chúa, kết hợp chúng ta chặt chẽ hơn với ĐứcKitô và Hội Thánh của Người.”[22]Đặc biệt, nhờ Bí tích Thánh Thể, đời sống đức tin của các tín hữu chẳng những được nuôi dưỡng mà còn được kết hợp cách mật thiết với Đức Kitô, như ngành nho luôn gắn liền với thân nho. Và khi sự hiệp thông trên có thể bị suy yếu, thậm chí bị mất đi do tội lỗi gây nên, Đức Kitô lại luôn có mặt như vị lương y sẵn sàng chữa lành linh hồn và thể xác của chúng ta qua Bí tích Thống Hối và Xức Dầu, giúp chúng ta được giao hòa, để tái lập sự hiệp thông với Thiên Chúa.[23] Và để có người phục vụ (thừa tác viên) cho sự hiệp thông trên, Người cũng đã thiết lập Bí tích Truyền Chức Thánh và Bí tích Hôn Phối.

Sống mầu nhiệm hiệp thông với Thiên Chúa, vì thế, chính là biết tận hưởng ơn thánh Chúa thương ban cho chúng ta qua các bí tích được cử hành, đặc biệt nơi Bí tích Hòa Giải và Bí tích Thánh Thể, nhờ đó luôn được sống trong tình trạng nghĩa thiết và có một tương quan cá vị mật thiết với Chúa Kitô, và nhờ Người mà được thông hiệp với Ba Ngôi chí thánh. Thật vậy Hội thánh dạy: “Trọng tâm của mọi tiến trình dạy giáo lý là sự gặp gỡ sống động với Đức Kitô”,[24] vì “hiệp thông với Đức Kitô là trung tâm của đời sống Kitô hữu”.[25] Đang khi đó “các bí tích đuợc cử hành trong phụng vụ chính là những phương thế đặc biệt thông ban Đức Kitô là Đấng được Giáo hội rao giảng”.[26]

2. Hiệp thông với Hội Thánh

Ơn thánh Chúa được thông ban qua các bí tích không chỉ giúp người tín hữu được hiệp thông với Thiên Chúa mà còn gắn kết họ với Hội thánh của Người. Qua Bí tích Rửa Tội, các tín hữu được tháp nhập vào Hội thánh như tháp nhập vào Nhiệm Thể Chúa Kitô, trở nên một thân thể, có Chúa Kitô là Đầu.[27] Sự tháp nhập này được củng cố và nuôi dưỡng nhờ ơn sủng của Bí tích Thêm Sức, nhất là Bí tích Thánh Thể. Tuy nhiên, như Thánh Phaolô đã dạy: trong một thân thể, “nếu một bộ phận nào đau, thì mọi bộ phận cùng đau”.[28] Tội lỗi của mỗi chi thể thực sự ảnh hưởng đến toàn thân. Sự hiệp thông với Hội thánh đương nhiên cũng bị tổn thương do tội của mỗi chi thể gây nên. Lúc đó, các tín hữu cần ơn tha thứ của Chúa nơi Bí tích Hòa Giải để có thể tái lập sự hiệp thông với Hội thánh.

Siêng năng lãnh nhận Bí tích Hòa Giải và Thánh Thể, vì thế, thực sự cần thiết cho đời sống đức tin của các tín hữu nói chung, và các GLV nói riêng. Hơn nữa, được mời gọi phục vụ trong Hội thánh với tư cách là giáo lý viên, chúng ta đừng quên rằng đó là ơn ban của Chúa, vì “không ai có thể tự ban cho mình lệnh truyền và sứ vụ loan báo Tin mừng[29], và như Thánh Phaolô dạy: “Làm sao rao giảng, nếu không được sai đi[30]. Chính Chúa Kitô đã thiết lập nhóm Mười Hai và sai các ngài đi rao giảng Tin mừng.[31] Quyền bính và tư cách rao giảng Tin mừng của Hội thánh do chính Chúa Kitô ban tặng, và để chỉ dạy những gì Chúa Giêsu đã dạy: “Vậy anh em hãy ra đi ... dạy bảo bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em”.[32]

Dĩ nhiên, để có thể trung thành với với sứ điệp Tin mừng của Đức Kitô, giáo lý viên cần phải tuyệt đối trung thành với nội dung giáo lý đức tin của Hội thánh, vì Hội thánh chính là “cột trụ và điểm tựa của chân lý[33]: Nhờ Hội thánh, chúng ta lãnh nhận đức tin; cùng Hội thánh, chúng ta giảng dạy đức tin. Không ngừng trung thành và gắn gắn bó với Hội thánh, như là Mẹ và là Thầy của mình, theo phẩm trật của Hội thánh được Giáo luật thiết định, cũng chính là đang sống đời sống bí tích.

3. Hiệp thông với con người

Trong các cử hành phụng vụ, Chúa Kitô luôn luôn hiện diện để chủ tọa qua các thừa tác viên có chức thánh và những người được Hội thánh ủy nhiệm. Các động tác phụng vụ, vì thế, không phải là động tác riêng của một cá nhân hay một nhóm người nào, nhưng là động tác của toàn thể Hội Thánh. Nói đúng hơn, đó là động tác của chính Chúa Kitô, Thủ lãnh của Giáo Hội, và của tất cả mọi chi thể trong Nhiệm Thể của Ngài. Do đó, trong phụng vụ, dù mỗi người có công việc và phận sự riêng, tất cả đều phục vụ ích lợi chung của Hội Thánh.

Sách Giáo lý cho Người trẻ (YouCat) dạy: “Trong các cử hành phụng vụ ở đời này, chính Chúa Kitô là Đấng cử hành phụng vụ, bao gồm các thiên thần và con người (còn sống, đã chết), quá khứ, hiện tại, tương lai, cả trời và đất. Đây quả là một phụng vụ có tầm cỡ vũ trụ. Linh mục và các tín hữu tham dự theo cách khác nhau”.[34]

Vì thế, các tín hữu luôn được chuẩn bị cho sự hiệp thông với nhau ngay đầu mỗi Thánh lễ. Nghi thức đầu lễ, gồm: ca nhập lễ, lời chào, nghi thức sám hối, kinh thương xót, kinh vinh danh và lời nguyện nhập lễ đều có tính cách mở đầu, dẫn nhập và chuẩn bị, giúp cho các tín hữu đã tập hợp được hiệp thông với nhau và chuẩn bị tâm hồn để nghe Lời Chúa cho nghiêm chỉnh và để cử hành Thánh lễ cho xứng đáng” (QCTQ 46). Đến tham dự Thánh lễ thường gồm nhiều người khác nhau về nơi chốn, giới tính, tuổi tác, văn hóa, giai cấp ... Bài ca nhập lễ không những nhằm bày tỏ sự hân hoan chào đón Chúa hiện diện giữa cộng đoàn mà còn giúp kết hợp tất cả sự khác biệt trên thành một: một tiếng hát, một tâm tình, như trong một thân thể của Đức Kitô. Lúc đó, tiếng hát của mỗi người trở thành tiếng hát chung của cộng đoàn Hội thánh, thân thể mầu nhiệm Chúa Kitô. Hơn nữa, chính Chúa Giêsu dạy: “Nếu khi anh sắp dâng của lễ mà sực nhớ có người anh em đang có chuyện bất bình với anh, thì hãy để của lễ lại đó trước bàn thờ, đi làm hòa với người anh em ấy đã, rồi trở lại dâng lễ vật của mình.[35] Hiệp thông với nhau, vì thế, chẳng những là kết quả của sự hiệp thông bí tích với Chúa Kitô và Hội thánh của Người, mà còn là một đòi hỏi của Tin Mừng.

III. GIÁO LÝ VIÊN ĐƯỢC ĐÀO TẠO ĐỂ CÓ KHẢ NĂNG CHIA SẺ KIẾN THỨC VÀ KINH NGHIỆM VỀ PHỤNG VỤ

1. Giúp các em nhận ra sự hiện diện của Chúa Kitô trong các cử hành phụng vụ

Hội Thánh dạy: “Ngày lễ Ngũ Tuần, nhờ việc tuôn ban Chúa Thánh Thần, Hội Thánh được biểu lộ cho trần gian. Hồng ân của Thần Khí khai mở một thời đại mới trong việc phân phát các mầu nhiệm: đó là thời đại của Hội Thánh, trong thời gian kéo dài này, Đức Kitô, nhờ phụng vụ của Hội Thánh Người, biểu lộ, làm hiện diện và truyền thông công trình cứu độ của Người ‘cho tới khi Chúa đến’ (1Cr 11,26). Trong thời đại này của Hội Thánh, Đức Kitô từ nay sống và hành động trong và với Hội Thánh Người một cách mới, riêng cho thời đại này. Người hành động qua các bí tích; truyền thống chung của Hội Thánh, Đông phương cũng như Tây phương, gọi đó là ‘Nhiệm cục bí tích’: Nhiệm cục này cốt tại việc truyền thông (hoặc ‘phân phát’) hoa trái mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Kitô trong việc cử hành phụng vụ ‘bí tích’ của Hội Thánh.”[36]

Trong các cử hành Phụng vụ, Đức Kitô hiện diện cách vô hình nơi thừa tác viên, những người được Hội thánh tuyển chọn, thánh hiến và trao ban chức vụ để cử hành các mầu nhiệm thánh. Nhờ được hiến thánh cho Thiên Chúa, linh mục là hiện thân của Chúa Kitô khi ngài chủ tọa cộng đoàn cử hành các bí tích cứu độ, nhân danh toàn thể Hội thánh. Vì thế, khi linh mục cử hành Bí tích Rửa Tội là chính là Đức Kitô đang rửa tội; khi linh mục đọc công thức tha tội là chính Chúa Kitô đang tha thứ tội lỗi cho hối nhân. Đức Kitô cũng hiện diện ở giữa cộng đoàn phụng vụ, vì như Người đã hứa: “Ở đâu có hai hay ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở giữa họ” (Mt 18,20). Đặc biệt, Người hiện diện trong lời của Người khi được công bố trong Phụng vụ Lời Chúa và dưới hình bánh và hình rượu, trong Bí tích Thánh Thể.[37]

2. Giúp các em nhận ra hiệu quả của các bí tích được cử hành

Qua các cử hành phụng vụ (nhất là Thánh lễ), nhờ quyền năng Chúa Thánh Thần, hy tế cứu độ chính Chúa Kitô đã dâng hiến và hoàn tất trên bàn thờ Thập giá được hiện tại hóa, trở nên nguồn suối cứu độ cho nhân loại: “Từ dòng suối Phụng vụ, nhất là từ Bí tích Thánh Thể, ân sủng chảy tràn vào chúng ta và thực hiện cách hữu hiệu việc thánh hóa con người trong Chúa Kitô, cũng như việc tôn vinh Thiên Chúa, mục tiêu của tất cả các hoạt động khác của Hội thánh” (HCPV, 10). Chính “phụng vụ là nguồn mạch trước tiên và thiết yếu, nơi đây các tín hữu kín múc lấy tinh thần Kitô hữu đích thực” (HCPV, 14). “Tất cả các cử hành phụng vụ của Hội thánh và tất cả các bí tích của Hội thánh chỉ có một mục đích là trao ban sự sống và trao ban một cách dồi dào”.[38]

Tuy nhiên, cần giúp các em hiểu rằng: dù hiệu quả của bí tích hoàn toàn do quyền năng Thiên Chúa, nhưng để ân sủng của các bí tích có thể sinh hoa kết trái nơi đời sống của mỗi tín hữu, cần có sự cộng tác của từng cá nhân. Ân sủng Chúa ban, dù đầy hiệu lực, không làm cho con người tự động nên thánh. Ví dụ: không phải cứ đi xưng tội là được sạch tội. Để được sạch tội, hối nhân cần phải xét mình cẩn thận, ăn năn tội với quyết tâm không tái phạm nữa, xưng tội, và đền tội.[39] Cũng vậy, không phải cứ lên rước Lễ là được kết hợp với Chúa Giêsu Thánh Thể. Cần phải có đủ điều kiện nhất định thì các tín hữu mới nên rước lễ, vì nếu không, như Thánh Phaolô dạy: “Bất cứ ai ăn Bánh hay uống Chén của Chúa cách bất xứng, thì cũng phạm đến Mình Thánh Chúa” (1Cr 11,27). Hơn nữa, mặc dù hoạt động phụng vụ thuộc về Đức Kitô và toàn thân thể Người là Hội Thánh, “phụng vụ cũng liên quan đến từng chi thể riêng biệt, theo phẩm trật, phận vụ và công tác khi tham dự” (HCPV, 26).

Nhờ đó, các em biết tích cực chu toàn các phận vụ của mình (sám hối, cầu nguyện, tạ ơn, trong tinh thần cộng đoàn) khi tham dự các cử hành Phụng vụ “với thái độ sẵn sàng của một tâm hồn ngay thẳng, hòa hợp tâm trí với lời đọc bên ngoài, và cộng tác với ân sủng trên trời, đừng lãnh nhận ơn Chúa cách vô ích.[40] Đó cũng chính là cách thức đầy ý nghĩa mà mỗi tín hữu có thể thực hiện để tham gia vào đời sống và sứ mạng loan báo Tin mừng của Hội thánh . Bên cạnh đó, để các em có thể cảm nhận được ân sủng Chúa ban qua các bí tích được cử hành, GLV cũng cần giúp các em hiểu ý nghĩa ngôn ngữ của các biểu tượng, vì những dấu chỉ hữu hình được dùng trong phụng vụ có chức năng biểu thị những thực tại linh thánh vô hình.[41]

3. Chia sẻ cho các em kinh nghiệm về đời sống bí tích

Không ai có thể cho người khác điều mình không có. Trong việc dạy giáo lý cũng thế: truyền đạt những kiến thức giáo lý cho các em là điều cần, nhưng chia sẻ cho các em chính kinh nghiệm của mình về việc gặp gỡ Chúa Kitô qua các cử hành phụng vụ là điều cần thiết hơn. Chính Hội thánh nhắc nhở: “đời sống Bí tích sẽ nghèo đi và rất mau trở thành một mớ nghi thức trống rỗng, nếu không dựa trên sự hiểu biết đúng đắn ý nghĩa các các Bí tích. Và việc dạy giáo lý sẽ bị tri thức hóa, nếu nó không được sống trong sự thực hành Bí tích” (DGL 23).

Nhờ có kinh nghiệm gặp gỡ Chúa qua các cử hành phụng vụ, nhất là bí tích Hòa Giải và Thánh Thể, GLV mới có thể lôi cuốn các học viên của mình đến với Thánh lễ và siêng năng lãnh nhận Bí tích Hòa Giải được. “Lời nói lung lay, gương lành lôi kéo!” Điều quan trọng nhất là GLV cần phải hiểu và sống đời sống bí tích trước khi hướng dẫn cho các em. Lúc đó, những lời giảng dạy của GLV mới đáng tin cậy, hấp dẫn và lôi kéo các em đến với các bí tích, nhất là Bí tích Hòa Giải và Thánh Thể.

Và theo lời dạy của Đức Thánh Cha Phan-xi-cô, GLV luôn cần phải khởi hành từ Chúa Kitô, nghĩa là, phải sống thân mật với Ngài. Thực ra, sống thân mật với Chúa Giêsu là một đòi hỏi của Tin mừng. Sự gắn bó này thực sự cần thiết để công việc của người môn đệ của Chúa có thể sinh hoa kết trái (X. Ga 15, 1-8). Ngài căn dặn: Là môn đệ của Chúa Giêsu, giáo lý viên được mời gọi năng “ở với Thầy Chí Thánh, lắng nghe, học hỏi với Chúa”, không phải nhất thời, nhưng cần được tập luyện để trở thành “một hành trình kéo dài trọn cuộc sống”, bằng việc tìm cách thích hợp viếng thăm Nhà Tạm, ở đó mình chiêm ngắm Chúa và để Chúa nhìn ngắm mình. Đó thực sự là cơ hội quí báu, cần thiết giúp ta “giữ cho ngọn lửa tình bạn với Chúa Giêsu được luôn nồng cháy, làm cho ta cảm thấy thực sự được Chúa nhìn đến, gần gũi và yêu thương.”

Kết luận

Hội thánh dạy: "Ở trung tâm của việc dạy giáo lý, chủ yếu chúng ta gặp một nhân vật: đó là Đức Giêsu Kitô Nazareth, Con Một của Chúa Cha … Người đã chịu khổ hình và chịu chết vì chúng ta; và Người, từ khi sống lại, luôn luôn sống với chúng ta (GLHTCG, 426).

Chúa Kitô sống và hoạt động một cách mới mẻ và đặc thù trong Hội Thánh và với Hội Thánh, qua các bí tích, để không ngừng ban phát hiệu quả mầu nhiệm Vượt Qua của Người cho mọi người ở mọi nơi và mọi thời (x. GLHTCG 1076).

Để có thể trở nên những “con người hiệp hành”: hiệp thông, tham gia và sứ vụ (sống mầu nhiệm Hội Thánh: Thân Thể Chúa Kitô), GLV cần phải coi phụng vụ của Hội Thánh như là nguồn mạch, chóp đỉnh và môi trường của hiệp hành. Thiếu yếu tố quan trọng này, thiết tưởng lời kêu gọi và nỗ lực “hướng tới một Hội Thánh hiệp hành” luôn chỉ là một khẩu hiệu vô hồn và trống rỗng, vì như Chúa Giêsu đã quả quyết: “không có Thầy, anh em chẳng làm được gì ” (Ga 15,5). Đức Thánh Cha Phanxicô cũng khẳng định rằng “không có phụng vụ thì Ki-tô giáo không có Chúa Ki-tô, nó chỉ là duy nội tâm, bởi vì các nghi lễ phụng vụ, Thánh Kinh và các bí tích là những “trung gian cụ thể” để đi đến cuộc gặp gỡ với Chúa, Đấng hiện diện trong Thánh Thần qua các dấu chỉ bí tích. Do đó các Ki-tô hữu không thể chỉ dựa vào việc cầu nguyện cá nhân, mối tương qua của mình với Chúa, theo một linh đạo không để ý đến tầm quan trọng của phụng vụ cộng đoàn.”[42] Dĩ nhiên,“Phụng vụ không phải là tất cả hoạt động của Hội thánh. Việc rao giảng Tin Mừng, đức tin và sự hoán cải phải đi trước phụng vụ; lúc đó, phụng vụ mới có thể mang lại hoa trái của mình trong đời sống các tín hữu.”[43]

-----------

Câu hỏi thảo luận

1. Xin chia sẻ kinh nghiệm (nội dung và cách thức) của bạn trong việc giúp các học viên giáo lý HIỂU được tầm quan trọng của phụng vụ trong đời sống Giáo hội.

2. Theo bạn, làm thế nào để bản thân GLV và các học viên giáo lý có thể SỐNG đời sống bí tích trong cuộc sống hằng ngày?

3. Để có khả năng CHIA SẺ kiến thức và kinh nghiệm về phụng vụ, theo bạn, GLV cần có những yếu tố, hay phẩm chất nào?

 

Lưu ý: Những đóng góp ý kiến của các bạn sẽ giúp việc biên soạn giáo trình đạo tạo giáo lý viên sắp tới được tốt hơn. Xin chân thành cám ơn

 


[1] Hướng dẫn việc dạy giáo lý 2020, 81

[2] Hướng dẫn việc dạy giáo lý 2020, 82

[3] GLHTCG, 1069

[4] YouCat, 180

[5] YouCat, 170

[6] YouCat, 167

[7] TYGL, 221-223

[8] Sách lễ Roma

[9] GLHTCG, 1074

[10] GLHTCG, 106

[11] Mt 28,20

[12] GLHTCG, 1067

[13] GLHTCG, 1068

[14] YouCat, 167; GLHTCG 1077-1112

[15] YouCat, 221

[16] Ep 1,3-6

[17] Giáo lý Hội thánh Công Giáo, 1081

[18] Gp Đà Lạt, TÌM HIỂU PHỤNG VỤ

[19] GLHTCG, 1674-1676

[20] Ga 19,28

[21] TYGL, 220

[22] TYGL 268

[23] TYGL 295

[24] HDVDGL 2020, 81

[25] HDVDGL 2020, 75

[26] HDVDGL 2020, 81

[27] x. 1Cr 12,12-30

[28] 1 Cr 12,26

[29] GLHTCG, 875

[30] Rm 10,15

[31] x. Mc 3, 13-14

[32] Mt 28,20

[33] 1Tm 3, 15

[34] YouCat 179

[35] Mt 5,23-24

[36] GLHTCG, 1076

[37] HCPV, 7; 33

[38] YouCat, 169

[39] TYGL, 303

[40] HCPV, 11

[41]x. HCPV, 33

[43] GLHTCG, 1071

 

Tác giả: Lm. Arê Lương Vĩnh Phú, Trưởng ban Giáo lý Giáo phận Phan Thiết
Tag:

Các tin khác:


Các tin đã đưa ngày: