Giáo huấn mới nhất của Đức Thánh Cha về Phong trào Công giáo Tiến hành
03 / 05/ 2021, 03:05:00
Tiến hành
Trước hết là tiến hành hay còn gọi là hoạt động. Đức Thánh Cha giải thích rằng, chúng ta có thể tự hỏi cụm từ “tiến hành” có nghĩa là gì, và trước hết đó là hành động của ai. Trong chương cuối của Tin Mừng Maccô, sau khi thuật lại việc Chúa Giêsu hiện ra với các Tông đồ và sai các ông đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo, Tin Mừng kết thúc bằng lời khẳng định này: “Chúa cùng hoạt động với các ông, và dùng những dấu lạ kèm theo mà xác nhận lời các ông rao giảng” (Mc 16,20).
“Đó là hoạt động của ai?”, Đức Thánh Cha đặt câu hỏi và trả lời: “Tin Mừng đảm bảo với chúng ta rằng hoạt động thuộc về Thiên Chúa. Chính Người với quyền đặc biệt, bước đi một cánh ẩn mình trong lịch sử chúng ta đang sống”.
Theo Đức Thánh Cha, nhắc lại điều này, sự ẩn mình của Thiên Chúa không có nghĩa là chúng ta không có trách nhiệm, nhưng đưa chúng ta trở lại căn tính của chúng ta là môn đệ truyền giáo. Thực tế, Tin Mừng cho biết thêm rằng, ngay sau đó các môn đệ ra đi rao giảng khắp nơi.
Tuy nhiên, việc ghi nhớ hoạt động thuộc về Thiên Chúa cho phép chúng ta không bao giờ đánh mất cái nhìn rằng chính Thánh Thần là suối nguồn của sứ vụ: sự hiện diện của Thánh Thần là nguyên nhân chứ không phải là kết quả của sứ vụ. Điều này làm cho chúng ta luôn nhớ rằng “khả năng của chúng ta là do ơn Thiên Chúa” (2Cr 3, 5); và lịch sử được hướng dẫn bởi tình yêu Thiên Chúa và chúng ta là những người cộng tác với người nắm giữ vai chính. Vì thế, các chương trình của Phong trào Công giáo Tiến hành cũng nhằm tìm lại và tái loan báo trong lịch sử các dấu hiệu tốt lành của Thiên Chúa.
Đi vào cụ thể của thời điểm hiện nay, Đức Thánh Cha nhận xét rằng, đại dịch đã làm thay đổi nhiều dự án, đòi hỏi mỗi người phải đối diện với điều không ngờ đến. Thay vì phớt lờ hoặc từ chối, chúng ta đón nhận điều không dự kiến có nghĩa là ngoan ngùy trước Thánh Thần.
Các đặc điểm của Phong trào Công giáo Tiến hành
Tới đây, Đức Thánh Cha nói về các đặc điểm của Phong trào Công giáo Tiến hành. Trước hết, đó là hoạt động cách nhưng không. Về đặc điểm này, Đức Thánh Cha nói: “Điều thúc đẩy sứ vụ không theo lý luận của sự chinh phục nhưng theo hồng ân. Hoạt động cách nhưng không là kết quả của ý thức về hồng ân đã lãnh nhận. Điều này đòi hỏi anh chị em trao ban chính mình cho cộng đoàn địa phương, đảm nhận trách nhiệm loan báo; đòi hỏi anh chị em lắng nghe nhu cầu của những người dân địa phương, dệt nên các tương quan huynh đệ. Lịch sử của Phong trào được tạo nên bởi nhiều vị thánh ở bên cạnh, và lịch sử này phải được tiếp tục: sự thánh thiện là một di sản cần được gìn giữ và là một ơn gọi được đón nhận”.
Đức Thánh Cha nói tiếp đặc điểm thứ hai: “Đặc điểm thứ hai mà tôi muốn nhấn mạnh đó là khiêm nhường và hiền lành. Giáo hội biết ơn Hiệp hội của anh chị em. Vì sự hiện diện của anh chị em thường không ồn ào, nhưng là một sự hiện diện trung thành, quảng đại và trách nhiệm. Hiền lành và khiêm nhường là chìa khóa để sống phục vụ, không phải để chiếm chỗ, nhưng để khởi động các quy trình. Tôi rất vui, vì trong những năm gần đây, anh chị em đã nghiêm túc thực hiện con đường mà Tông huấn Evangelii Gaudium-Niềm vui Tin Mừng đã chỉ ra. Anh chị em hãy tiếp tục như thế với chặng đường dài ở phía trước”.
Công giáo
Đức Thánh Cha nói tiếp về cụm từ Công giáo: “Công giáo là đặc tính của Phong trào, có nghĩa là sứ vụ của Giáo hội không có biên giới. Chúa Giêsu đã kêu gọi các môn đệ có một trải nghiệm cuộc sống với Người, Chúa đã đưa họ đến nơi họ sống và làm việc. Và ngày nay Chúa cũng làm như thế, Người yêu cầu anh chị em ý thức trở nên ‘với mọi người và vì mọi người’, điều này có nghĩa là liên kết sứ vụ với cuộc sống cụ thể, với những người anh em trong môi trường sống của anh chị em”.
“Vì thế, Công giáo có thể được hiểu là làm cho mình trở thành người thân cận. Đại dịch đòi hỏi mọi người phải sống xa cách nhau, điều này làm cho giá trị của sự gần gũi huynh đệ càng trở nên rõ ràng nơi các thế hệ, các vùng lãnh thổ. Là một hiệp hội, chính xác đó là một cách để thể hiện mong muốn sống với và tin tưởng nhau. Ngày nay, qua việc trở thành một hiệp hội, anh chị em làm chứng rằng khoảng cách không bao giờ có thể trở thành sự thờ ơ, sự xa lạ”.
Về khía cạnh này, theo Đức Thánh Cha, các thành viên của Phong trào Công giáo Tiến hành có thể làm được nhiều điều trong chính lĩnh vực này bởi vì đây là một hiệp hội giáo dân. Thực tế, ngày nay vẫn còn phổ biến một cám dỗ cho rằng thăng tiến giáo dân có nghĩa là thực hiện các bước để giáo dân có thể tham gia nhiều hơn “những việc của linh mục” để rồi giáo sĩ hóa giáo dân. Nhưng đối với các thành viên của Phong trào Công giáo Tiến hành, để có giá trị hơn, các thành viên không cần phải trở nên cái gì khác với thực tại của chính mình nhờ bí tích Thánh Tẩy. Đặc tính của các thành viên, trong tư cách là giáo dân, là điều làm cho đặc tính công giáo của Giáo hội được phong phú; Giáo hội muốn là men, là muối đất và là ánh sáng thế gian.
Tới đây, Đức Thánh Cha nhấn mạnh: “Đặc biệt, anh chị em là những giáo dân của Phong trào Công giáo Tiến hành, anh chị em có thể giúp toàn thể Giáo hội và xã hội cùng nhau tái suy nghĩ về một kiểu mẫu của nhân loại cho một vùng đất chúng ta đang sống, cho một thế giới chúng ta muốn xây dựng. Anh chị em cũng được kêu gọi đóng góp ban đầu vào việc thực hiện một ‘hệ sinh thái toàn diện’, bằng kỹ năng, say mê và trách nhiệm của anh chị em”.
Tiếp tục áp dụng cho hoàn cảnh thực tế, Đức Thánh Cha nói: “Đau khổ của nhân loại và xã hội do đại dịch có nguy cơ trở thành một thảm họa giáo dục và tình trạng khẩn cấp về kinh tế. Chúng ta hãy vun trồng một thái độ khôn ngoan, như Chúa Giêsu, ‘Đấng đã phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục’ (Dt 5, 8). Chúng ta cũng phải tự hỏi: Chúng ta có thể học được gì trong giai đoạn đau khổ này? Thư gửi tín hữu Do Thái nói Đức Kitô đã học vâng lời, nghĩa là Người đã học được cách lắng nghe với một đòi hỏi cao, có thể hiểu rõ qua hành động. Lắng nghe tại thời điểm này là một thực hành của sự trung thành mà chúng ta không thể chối bỏ. Tôi giao phó cho anh chị em những người bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch và những người có nguy cơ phải trả giá cao nhất: những người bé nhỏ, người trẻ, người già, những người đã phải trải qua sự yếu đuối và cô đơn. Và không được quên rằng kinh nghiệm liên kết của anh chị em là ‘Công giáo’ vì nó liên hệ đến thiếu nhi, thanh niên, người trưởng thành, người già, sinh viên, công nhân: một kinh nghiệm bình dân. Không bao giờ đánh mất đặc điểm bình dân của anh chị em”.
Hoạt động trong môi trường địa phương
Về đặc điểm cuối cùng của Phong trào Công giáo Tiến hành, Đức Thánh Cha nói về sự hiện diện của hiệp hội trong môi trường địa phương. Ở đây, Đức Thánh Cha nói cụ thể về hoạt động của Phong trào này tại Ý.
Đức Thánh Cha nhận xét rằng, sự hiện diện của Hiệp hội này tại Ý luôn được lồng vào trong lịch sử của quốc gia và trợ giúp Giáo hội Ý, trở thành nơi phát sinh niềm hy vọng cho tất cả đất nước. Điều này được thể hiện qua việc Hiệp hội giúp cộng đoàn Giáo hội trở thành men đối thoại trong xã hội, theo phong cách mà Đức Thánh Cha đã chỉ ra tại Công ước Firenze.
Một Giáo hội đối thoại là một Giáo hội công nghị, cùng nhau lắng nghe Thánh Thần và tiếng Chúa, Đấng đến với chúng ta qua tiếng kêu của người nghèo và của trái đất. Thực tế, khi nói về công nghị tính, có nghĩa là không quá chú trọng đến một kế hoạch được lập trình và được thực hiện, nhưng trước hết là một cách để nhập thế. Trong nghĩa này, Công giáo Tiến hành tạo thành một ‘nơi luyện tập’ công nghị tính, và khuynh hướng này đã và sẽ có thể tiếp tục là một nguồn lực quan trọng cho Giáo hội địa phương.
Từ cái nhìn này, Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng: “Đóng góp của Phong trào Công giáo Tiến hành ở Ý, một lần nữa là một đóng góp quý báu sẽ có thể đến từ đời sống của người giáo dân. Đây là một phương thuốc cho sự trừu tượng.
Kết thúc bài nói chuyện, Đức Thánh khuyến khích các thành viên của Phong trào Công giáo Tiến hành hãy hoạt động theo những nhu cầu thực tế, để biến đổi mọi sự theo kế hoạch của Nước Chúa. Ngài cũng ước mong trong Giáo hội, tiếng nói của người giáo dân được lắng nghe không phải “để nhượng bộ”, nhưng bằng sự xác tín, bởi vì tất cả dân Chúa là “không thể sai lầm về đức tin”.
Nguồn: https://www.vaticannews.va/vi/pope/news/2021-05/giao-huanduc-thanh-cha-cong-giao-tien-hanh.html
Tin mới đăng:
Các tin khác:
- Tóm tắt Tông huấn mới của ĐTC về Thánh Têrêsa Hài Đồng "Chính sự tin tưởng" (16/10/2023)
- ĐTC gởi sứ điệp cho Ngày Thế giới Ông bà và Người cao tuổi lần thứ ba (19/06/2023)
- Công bố Sứ điệp của ĐTC cho Ngày Thế giới Truyền thông Xã hội lần thứ 57 (03/05/2023)
- CÔNG BỐ SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC THÁNH CHA CHO NGÀY THẾ GIỚI TRUYỀN GIÁO NĂM 2023 (27/01/2023)
- SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC GIÁO HOÀNG PHANXICÔ CHO NGÀY THẾ GIỚI BỆNH NHÂN LẦN THỨ XXXI Ngày 11. 02. 2023 (12/01/2023)
- Sứ điệp của Đức Thánh Cha cho Ngày Hoà bình Thế giới năm 2023 (31/12/2022)
- DIỄN VĂN CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ trong Hội thảo chủ đề “Thần học hậu tông hiến Veritatis Gaudium trong bối cảnh vùng Địa Trung Hải” (08/03/2022)
- ĐTC ban hành Tự sắc “Traditionis custodes” về cử hành Thánh lễ theo phụng vụ tiền Công đồng (18/07/2021)
- SÁCH GIÁO LÝ CỦA HỘI THÁNH CÔNG GIÁO (198-231) - CHƯƠNG MỘT TÔI TIN KÍNH ĐỨC CHÚA TRỜI LÀ CHA (03/07/2021)
- SÁCH GIÁO LÝ CỦA HỘI THÁNH CÔNG GIÁO (Số 185-197) - ĐOẠN THỨ HAI: TUYÊN XƯNG ĐỨC TIN KITÔ GIÁO - CÁC TÍN BIỂU (28/06/2021)
- SÁCH GIÁO LÝ CỦA HỘI THÁNH CÔNG GIÁO (Số 166 - 184) - Mục 2 Chúng tôi tin (25/06/2021)
- SÁCH GIÁO LÝ CỦA HỘI THÁNH CÔNG GIÁO (Số 142 - 165) - CHƯƠNG BA: CON NGƯỜI ĐÁP LỜI THIÊN CHÚA (21/06/2021)
- SÁCH GIÁO LÝ CỦA HỘI THÁNH CÔNG GIÁO (Số 101-141) - Mục 3: Thánh Kinh (19/06/2021)
- SÁCH GIÁO LÝ CỦA HỘI THÁNH CÔNG GIÁO (Số 74-100) (19/06/2021)
- SÁCH GIÁO LÝ CỦA HỘI THÁNH CÔNG GIÁO (Số 50-73) - CHƯƠNG 2: THIÊN CHÚA ĐẾN GẶP CON NGƯỜI (19/06/2021)