ĐTC ban hành Tự sắc “Traditionis custodes” về cử hành Thánh lễ theo phụng vụ tiền Công đồng
18 / 07/ 2021, 03:07:15
Sau khi tham khảo ý kiến của các Giám mục trên thế giới, Đức Thánh Cha Phanxicô đã quyết định sửa đổi các quy tắc quy định việc sử dụng Sách lễ Roma năm 1962, do vị tiền nhiệm của ngài, Đức nguyên Giáo hoàng Biển Đức XVI ban hành cách đây 14 năm, như “Nghi thức ngoại thường của Sách lễ Roma”.
Hôm thứ Sáu 16/7/2021, Đức Thánh Cha đã cho công bố Tự sắc “Traditionis custodes- Những người gìn giữ truyền thống”, về việc sử dụng phụng vụ Roma trước năm 1970, kèm theo đó là lá thư của ngài, giải thích lý do về những quyết định này. Sau đây là những điểm mới chính:
Vai trò của Giám mục giáo phận
Trách nhiệm quy định việc cử hành theo nghi thức trước Công đồng thuộc về Giám mục, người điều hành đời sống phụng vụ của Giáo phận: “Chỉ Giám mục giáo phận mới có thẩm quyền cho phép sử dụng Sách lễ Roma năm 1962 trong giáo phận, theo hướng dẫn của Tòa Thánh”. Giám mục sẽ phải biết chắc rằng các nhóm đã cử hành Sách lễ xưa “không phủ nhận tính hợp lệ và hợp pháp của cải cách phụng vụ, của Công đồng Vatican II và Huấn quyền của các Giáo hoàng”.
Tại các giáo xứ, sẽ không còn Thánh lễ được cử hành theo Sách lễ năm 1962. Các Giám mục sẽ thiết lập các nơi và những ngày cử hành. Các bài đọc phải được công bố bằng “ngôn ngữ địa phương” sử dụng các bản dịch đã được Hội đồng Giám mục chấp thuận. Chủ tế sẽ là một linh mục được Giám mục ủy nhiệm. Sau đó, cũng đánh giá xem liệu có nên giữ lại các cử hành theo cử hành phụng vụ trước công đồng Vatican theo “hiệu quả của chúng cho sự tăng trưởng thiêng liêng” hay không. Thực tế, điều cần thiết là linh mục được chỉ định không chỉ quan tâm đến việc cử hành phụng vụ một cách trang nghiêm, nhưng còn phải chăm sóc mục vụ và thiêng liêng cho các tín hữu. Giám mục “sẽ lưu ý không cho phép thành lập các nhóm mới”.
Linh mục cử hành Thánh lễ theo phụng vụ tiền Công đồng phải có phép của Giám mục
Các linh mục được thụ phong sau khi Tự sắc được công bố có ý định cử hành phụng vụ theo Sách lễ trước Công đồng “phải trình một yêu cầu chính thức lên Giám mục giáo phận, và Giám mục, trước khi cho phép, sẽ hỏi ý kiến Tòa Thánh”. Trong khi đó, các linh mục đã cử hành Thánh lễ theo nghi thức trước Công đồng sẽ phải xin phép Giám mục giáo phận để tiếp tục sử dụng. Các Tu hội thánh hiến và các Tu đoàn tông đồ được Ủy ban Tòa Thánh “Ecclesia Dei” thiết lập thuộc thẩm quyền của Bộ Tu sĩ. Bộ Phụng tự và Kỷ luật Bí tích và Bộ Tu sĩ sẽ giám sát việc chấp hành các quy định mới này.
Trong thư gửi kèm theo văn kiện, Đức Thánh Cha Phanxicô giải thích rằng những nhượng bộ do các vị tiền nhiệm của ngài thiết lập để sử dụng sách lễ xưa chủ yếu được thúc đẩy “bởi mong muốn ủng hộ việc hàn gắn cuộc ly giáo với phong trào của Đức Tổng Giám mục Lefebvre”. Đức Thánh Cha mong muốn các Giám mục đón nhận quảng đại “nguyện vọng chính đáng” của các tín hữu, những người đã yêu cầu sử dụng sách lễ đó, do đó “có một lý do để Giáo hội tái thiết lập sự hiệp nhất của Giáo hội”. Đức Thánh Cha nhận xét rằng, “nhiều người trong Giáo hội coi năng quyền này là cơ hội để chấp nhận tự do sử dụng Sách lễ Roma do Thánh Piô V ban hành, và sử dụng nó song song với Sách lễ Roma do Thánh Phaolô VI công bố”.
Đức Thánh Cha nhắc lại rằng quyết định của Đức nguyên Giáo hoàng Biển Đức XVI với Tự sắc “Summorum Pontificum” (2007) được ủng hộ bởi “niềm tin rằng điều khoản này sẽ không gây nghi ngờ đối với một trong những quyết định thiết yếu của Công đồng Vatican II, hoặc làm suy yếu thẩm quyền của Công đồng”. Cách đây 14 năm, Đức nguyên Giáo hoàng Biển Đức XVI đã tuyên bố rằng nỗi sợ hãi về sự chia rẽ trong các cộng đoàn giáo xứ là vô căn cứ, bởi vì, “hai hình thức sử dụng Nghi lễ Roma sẽ làm phong phú lẫn nhau”.
Vì sự hiệp nhất trong Giáo hội
Theo Đức Thánh Cha, cuộc thăm dò gần đây do Bộ Giáo lý Đức tin thực hiện giữa các giám mục cho thấy, “một tình huống khiến tôi bận tâm và lo lắng, thuyết phục tôi cần thiết phải can thiệp”. Đức Thánh cha nói rằng: mong muốn hiệp nhất của Đức Giáo hoàng Biển Đức XVI đã bị “bỏ qua nghiêm trọng”, và những nhượng bộ được đưa ra với sự đại lượng đã bị lợi dụng “để gia tăng khoảng cách, tăng cường sự khác biệt, gây nên những bất đồng làm tổn thương Giáo hội và cản trở sự tiến triển của Giáo hội, khiến Giáo hội có nguy cơ chia rẽ”.
Đức Thánh Cha nói rằng ngài “rất buồn vì sự lạm dụng trong các cử hành phụng vụ ở tất cả các bên”. Bên cạnh đó, ngài cũng nêu rõ thực tế là “việc sử dụng công cụ Sách Lễ Roma năm 1962, thường được đặc trưng bởi sự từ chối không chỉ cải cách phụng vụ, mà cả Công đồng Vatican II, với sự khẳng định vô căn cứ và không bền vững rằng Công đồng đã phản bội Truyền thống và ‘Giáo hội đích thực’”. Đức Thánh Cha giải thích rằng khi hồ nghi Công đồng, có nghĩa là nghi ngờ chính ý định của các Giáo phụ, và cuối cùng hồ nghi chính Thánh Thần, Đấng đang hướng dẫn Giáo hội.
Đức Thánh Cha cho biết thêm một lý do cuối cùng cho quyết định sửa đổi những nhượng bộ trong quá khứ: “Càng ngày thấy rõ trong lời nói và thái độ của nhiều người về mối quan hệ chặt chẽ giữa việc lựa chọn cử hành theo các sách phụng vụ trước Công đồng Vatican II và việc từ chối Giáo hội và các tổ chức của Giáo hội nhân danh cái mà họ coi là ‘Giáo hội đích thực’. Đây là một hành vi mâu thuẫn với sự hiệp thông, thúc đẩy sự chia rẽ ... điều Thánh Phaolô đã phản ứng mạnh mẽ. Chính vì để bảo vệ sự hiệp nhất của Thân thể Đức Kitô mà tôi buộc phải hủy bỏ năng quyền đã được ban cho từ các vị Tiền nhiệm của tôi”.
Nguồn: https://www.vaticannews.va/vi/pope/news/2021-07/dtc-tu-sac-traditionis-custodes-phung-vu-tien-cong-dong.html
Tin mới đăng:
Các tin khác:
- Tóm tắt Tông huấn mới của ĐTC về Thánh Têrêsa Hài Đồng "Chính sự tin tưởng" (16/10/2023)
- ĐTC gởi sứ điệp cho Ngày Thế giới Ông bà và Người cao tuổi lần thứ ba (19/06/2023)
- Công bố Sứ điệp của ĐTC cho Ngày Thế giới Truyền thông Xã hội lần thứ 57 (03/05/2023)
- CÔNG BỐ SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC THÁNH CHA CHO NGÀY THẾ GIỚI TRUYỀN GIÁO NĂM 2023 (27/01/2023)
- SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC GIÁO HOÀNG PHANXICÔ CHO NGÀY THẾ GIỚI BỆNH NHÂN LẦN THỨ XXXI Ngày 11. 02. 2023 (12/01/2023)
- Sứ điệp của Đức Thánh Cha cho Ngày Hoà bình Thế giới năm 2023 (31/12/2022)
- DIỄN VĂN CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ trong Hội thảo chủ đề “Thần học hậu tông hiến Veritatis Gaudium trong bối cảnh vùng Địa Trung Hải” (08/03/2022)
- SÁCH GIÁO LÝ CỦA HỘI THÁNH CÔNG GIÁO (198-231) - CHƯƠNG MỘT TÔI TIN KÍNH ĐỨC CHÚA TRỜI LÀ CHA (03/07/2021)
- SÁCH GIÁO LÝ CỦA HỘI THÁNH CÔNG GIÁO (Số 185-197) - ĐOẠN THỨ HAI: TUYÊN XƯNG ĐỨC TIN KITÔ GIÁO - CÁC TÍN BIỂU (28/06/2021)
- SÁCH GIÁO LÝ CỦA HỘI THÁNH CÔNG GIÁO (Số 166 - 184) - Mục 2 Chúng tôi tin (25/06/2021)
- SÁCH GIÁO LÝ CỦA HỘI THÁNH CÔNG GIÁO (Số 142 - 165) - CHƯƠNG BA: CON NGƯỜI ĐÁP LỜI THIÊN CHÚA (21/06/2021)
- SÁCH GIÁO LÝ CỦA HỘI THÁNH CÔNG GIÁO (Số 101-141) - Mục 3: Thánh Kinh (19/06/2021)
- SÁCH GIÁO LÝ CỦA HỘI THÁNH CÔNG GIÁO (Số 74-100) (19/06/2021)
- SÁCH GIÁO LÝ CỦA HỘI THÁNH CÔNG GIÁO (Số 50-73) - CHƯƠNG 2: THIÊN CHÚA ĐẾN GẶP CON NGƯỜI (19/06/2021)
- SÁCH GIÁO LÝ CỦA HỘI THÁNH CÔNG GIÁO (Số 26-49) - PHẦN THỨ NHẤT: TUYÊN XƯNG ĐỨC TIN (19/06/2021)