DIỄN VĂN CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ trong Hội thảo chủ đề “Thần học hậu tông hiến Veritatis Gaudium trong bối cảnh vùng Địa Trung Hải”
08 / 03/ 2022, 04:03:27
Hội thảo chủ đề
“Thần học hậu tông hiến Veritatis Gaudium
trong bối cảnh vùng Địa Trung Hải”
Do Khoa Thần học Giáo hoàng Nam Ý
Phân khoa Thánh Louis Gonzaga
Thành phố Napoli tổ chức
DIỄN VĂN CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ
Thành phố Napoli
Thứ Sáu, 21 tháng 6, năm 2019
Các bạn sinh viên và các giáo sư thân mến,
Chư huynh giám mục và các linh mục thân mến,
Trọng kính các hồng y,
Tôi rất vui mừng được gặp gỡ quý vị hôm nay và tham dự hội nghị này. Tôi xin chân thành phúc đáp lời chào của hiền huynh thân mến là Đức Thượng phụ Batôlômêô, một người tiên phong của Laudato Si’ trong nhiều năm, người đã muốn đóng góp vào những suy tư bằng sứ điệp riêng của mình. Tôi xin được cảm ơn Đức Thượng phụ Barthôlômêô, hiền huynh khả ái của tôi.
Vùng Địa Trung Hải luôn là nơi trung chuyển, giao lưu, và đôi khi còn là nơi xảy ra các cuộc xung đột. Tất cả chúng ta đều quen thuộc với phần nhiều những chuyện này. Ngày nay, nơi này phát sinh một số vấn đề, thường là những vấn đề bi thảm. Những vấn đề ấy có lẽ đã được diễn tả qua một số câu hỏi chúng ta đã tự vấn tại hội nghị liên tôn diễn ra ở Abu Dhabi: Làm thế nào chúng ta có thể chăm lo lẫn nhau trong một gia đình nhân loại? Làm thế nào chúng ta có thể cổ võ cuộc chung sống khoan dung và hòa bình hướng đến tình huynh đệ chân thật? Làm thế nào chúng ta có thể xây dựng tình huynh đệ ấy, để sự đón nhận tha nhân và những người khác biệt với chúng ta vì họ thuộc những truyền thống tôn giáo và văn hóa khác trở nên thịnh hành nơi các cộng đồng của chúng ta? Làm thế nào để các tôn giáo là những nẻo đường dẫn đến tình huynh đệ chứ không phải là những bức tường chia cách? Những vấn đề này và nhiều vấn đề khác nữa cần được bàn thảo ở các cấp độ khác nhau, và đòi hỏi một thái độ dấn thân quảng đại để lắng nghe, tìm hiểu và đối thoại, nhằm thúc đẩy tiến trình tự do, hòa bình, huynh đệ và công lý. Chúng ta cần phải xác tín rằng: Đây là việc khởi đầu các tiến trình, chứ không phải là việc xác định không gian hay chiếm hữu không gian. Hãy khởi đầu các tiến trình…
Một nền thần học tiếp đón và đối thoại
Trong hội nghị này, trước tiên quý vị đã phân tích những mâu thuẫn và khó khăn thấy được ở vùng Địa Trung Hải, và kế đến, quý vị đã tự hỏi đâu là giải pháp tốt nhất. Từ tầm nhìn ấy, quý vị đã tự hỏi đâu là nền thần học phù hợp cho bối cảnh mà quý vị đang sống và làm việc. Tôi nghĩ rằng, thần học, đặc biệt trong bối cảnh này, được mời gọi trở nên một nền thần học tiếp đón và phát triển một cuộc đối thoại chân thành với các thể chế dân sự và xã hội, với các trung tâm nghiên cứu và đại học, với các vị lãnh đạo tôn giáo và tất cả những người thiện chí, để kiến tạo một xã hội toàn diện và huynh đệ trong hòa bình, và cũng để chăm sóc tạo thành.
Trong lời nói đầu của Veritatis Gaudium, việc suy niệm và trình bày trọng tâm của lời rao giảng tiên khởi (kerygma) được nêu lên cùng lúc với việc đối thoại như là tiêu chí để canh tân việc nghiên cứu. Điều đó có nghĩa là chúng đang phục vụ cho hành trình của một Giáo hội ngày càng đặt việc loan báo Tin Mừng vào tâm điểm. Không phải khoa hộ giáo, không phải sách giáo khoa, như chúng ta vẫn nghe, nhưng là việc loan báo Tin Mừng. Trọng tâm là loan báo Tin Mừng, vốn khác hẳn với việc chiêu dụ tín đồ. Bằng việc đối thoại với các nền văn hóa và các tôn giáo, Giáo hội loan báo Tin Mừng của Chúa Giêsu và việc thực hành đức ái theo Tin Mừng, điều mà chính Ngài đã truyền dạy như là một tổng hợp của toàn thể Lề luật, sứ điệp của các Tiên tri và thánh ý của Chúa Cha. Đối thoại trước hết là phương pháp phân định và công bố Lời yêu thương, Lời được gởi đến mỗi người và muốn cư ngụ trong lòng của từng người. Chỉ khi nghe Lời này và trong kinh nghiệm về tình yêu mà Lời ấy truyền đạt, người ta mới có thể phân định được tầm trọng yếu của lời rao giảng tiên khởi (kerygma). Đối thoại, hiểu theo cách này, là một hình thức của sự tiếp đón.
Tôi xin nhắc lại “sự phân định tâm linh không loại trừ các nhận thức hiện sinh, tâm lý học, xã hội học hay đạo đức được rút ra từ các môn khoa học nhân văn. Tuy nhiên, sự phân định lại vượt trên các nhận thức ấy. Những chuẩn tắc khôn ngoan của Giáo hội cũng không đủ. Chúng ta cần luôn nhớ rằng phân định là một ơn huệ, một quà tặng. Sau hết, phân định dẫn đến suối nguồn hằng sống: “nhận biết Cha, Thiên Chúa duy nhất và chân thật, và nhận biết Ðấng Cha đã sai đến, là Giêsu Kitô (x. Ga 17,3)” (Tông huấn Gaudete et Exsultate, 170).
Các trường phái thần học được canh tân qua việc thực hành phân định và qua cách thức đối thoại tiệm tiến có khả năng tạo ra một môi trường tâm linh và thực hành trí thức thích hợp. Đó là một cuộc đối thoại cả trong sự hiểu biết các vấn đề lẫn trong việc tìm kiếm các giải pháp cho chúng. Cuộc đối thoại này có khả năng dung hợp tiêu chí sống động của Mầu nhiệm Vượt qua của Chúa Giêsu với hoạt động loại suy, để khám phá ra những mối liên hệ, những dấu hiệu và các qui chiếu thần học trong thực tại, nơi vạn vật và trong lịch sử. Điều này bao hàm sự thừa nhận về mặt chú giải một hành trình mầu nhiệm đã đưa Chúa Giêsu lên thập giá, đến phục sinh và ơn huệ Chúa Thánh Thần. Thừa nhận logic vượt qua của Chúa Giêsu là điều không thể thiếu để hiểu thực tại thụ tạo và lịch sử bị chất vấn thế nào bởi mạc khải về mầu nhiệm tình yêu Thiên Chúa. Đó là vị Thiên Chúa tự tỏ mình trong lịch sử cuộc đời Chúa Giêsu - trong từng tình huống và nghịch cảnh - như Đấng luôn lớn hơn trong tình yêu và trong khả năng khắc phục sự dữ.
Cả hai chuyển động đều cần thiết và bổ sung cho nhau: chuyển động từ dưới đi lên có thể đối thoại với mọi thực tại nhân loại và lịch sử, với thái độ lắng nghe và phân định, bằng việc lưu tâm đến tầm quan trọng của những gì thuộc về con người; và chuyển động từ trên đi xuống - với "trên" là nơi Chúa Giêsu được nâng lên thập giá - cho phép phân định những dấu chỉ của Vương quốc Thiên Chúa trong lịch sử, đồng thời nhìn thấy trước những dấu hiệu chống lại Vương quốc của Ngài, làm biến dạng linh hồn và lịch sử nhân loại. Đó là phương pháp cho phép chúng ta - với sức năng động không ngừng nghỉ - có thể đương đầu với mọi thực tại nhân loại, và hiểu được ánh sáng Kitô giáo có thể chiếu sáng những uẩn khúc của thực tại như thế nào, và những cố gắng nào được Thần Khí của Đấng Chịu Đóng Đinh và Phục Sinh thúc đẩy, ở đây và lúc này.
Cách thức đối thoại tiệm tiến là nẻo đường dẫn đến việc hình thành những mô hình, những lối cảm nhận, những biểu tượng và những biểu tỏ của các cá nhân và các dân tộc. Nó đi vào hồn của các dân tộc, giống như "những nhà dân tộc học tâm linh", có thể nói như thế, để có thể đối thoại sâu sắc, và nếu có thể, đóng góp cho sự phát triển của họ bằng việc loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa. Hoa trái của việc loan báo Tin Mừng như thế chính là sự trưởng thành của tình huynh đệ luôn rộng mở hơn và hội nhập hơn. Cuộc đối thoại và loan báo Tin Mừng ấy có thể thực hiện được theo cách thức mà thánh Phanxicô Assisi đã vạch ra trong Regula non bullata, ngay ngày hôm sau cuộc hành trình của ngài đến miền Đông Địa Trung Hải. Đối với thánh Phanxicô, trước hết có một cách thức theo đó chúng ta chỉ sống đơn giản như là những Kitô hữu: “Cách thức ấy là họ không bất hoà hay tranh luận, nhưng biết khiêm hạ trước mỗi người vì tình yêu Chúa và biết tuyên xưng mình là những Kitô hữu” (XVI: FF 43). Kế đến, có cách thức thứ hai theo đó, luôn ngoan nguỳ với các dấu chỉ và hoạt động của Chúa Phục Sinh cũng như Thần Khí an bình của Người, chúng ta loan báo xác tín Kitô giáo về tình yêu Thiên Chúa dành cho hết mọi người, như được tỏ hiện nơi Chúa Giêsu. Tôi rất lấy làm ấn tượng bởi lời chỉ bảo của thánh Phanxicô cho các tu huynh của ngài: “Cũng hãy rao giảng Tin Mừng bằng lời nói, nếu cần thiết”. Đó là chứng từ!
Sự ngoan nguỳ với Chúa Thánh Thần như thế bao hàm một lối sống và loan báo không mang tinh thần chinh phục, không có ước vọng cải đạo [người khác] - vốn là điều tệ hại! - và không có ý định hung hăng nhằm phản bác người khác. Đó là phương thế đối thoại với người khác “tận trong hồn”, với văn hóa của họ, lịch sử của họ, những truyền thống tôn giáo khác nhau của họ. Phương thế ấy, vốn hoà hợp với Tin Mừng, cũng bao gồm cả việc làm chứng đến mức hy sinh cả mạng sống mình, như được thấy qua những tấm gương chói lọi của Charles de Foucauld, các đan sĩ thuộc đan viện Tibhirine, Đức cha Pierre Claverie của giáo phận Oran và rất nhiều anh chị em, nhờ ơn Chúa Kitô, đã trung thành với nhân đức hiền lành và khiêm hạ, và đã chết với thánh danh Chúa Giêsu trên môi miệng họ cùng với tình thương xót trong trái tim họ. Và giờ đây tôi nghĩ đến sự bất bạo động như là triển vọng và phương cách hiểu biết thế giới, điều mà thần học phải coi như là một trong những yếu tố cơ bản của mình. Ở đây, các bút tích và thực hành của Martin Luther King cùng với Lanza del Vasto và những người kiến tạo hòa bình khác giúp ích cho chúng ta. Hồi ức về Chân phước Justin Russolillo, từng là học viên của phân khoa này, và cha Peppino Diana, người cũng từng học ở đây và là một linh mục trẻ đã bị nhóm Camorra sát hại, cũng giúp ích và khích lệ chúng ta. Đến đây, tôi muốn nói tới một hội chứng nguy hiểm: “Hội chứng Babel”. Chúng ta cho rằng “hội chứng Babel” là tình trạng rối loạn nảy sinh khi chúng ta không biết người khác nói gì. Đó là bước đầu. Nhưng “hội chứng Babel” thực sự chính là khi tôi không chịu lắng nghe người khác nói và nghĩ rằng mình biết người khác đang nghĩ gì và muốn nói gì. Điều đó thật là tai hại!
Những mẫu gương đối thoại cho một nền thần học tiếp đón
“Đối thoại” không là một phương thức đầy phép thuật, nhưng thần học chắn chắn sẽ được hỗ trợ trong việc canh tân của mình khi biết thực hành đối thoại cách nghiêm túc, khi đối thoại được khuyến khích và ưa chuộng giữa các giáo sư và sinh viên, cũng như với các dạng học thức và các tôn giáo khác, đặc biệt là Do Thái giáo và Hồi giáo. Các sinh viên khoa thần học nên được huấn luyện trong đối thoại với Do Thái giáo và Hồi giáo để hiểu được những nguồn gốc chung và những dị biệt của bản sắc các tôn giáo chúng ta, và như thế, đóng góp hữu hiệu hơn vào việc xây dựng một xã hội coi trọng tính đa dạng và khuyến khích lòng kính trọng, tình huynh đệ và sự chung sống hòa bình.
Cần đào tạo các sinh viên điều vừa nêu. Tôi đã học trong thời thần học và triết học kinh viện tụt hậu, kỷ nguyên của sách giáo khoa. Chúng tôi thường nói đùa rằng tất cả các luận đề thần học đều có thể được chứng minh bằng tam đoạn luận sau: Thứ nhất, sự việc có vẻ như thế này. Thứ hai, đạo Công giáo luôn luôn đúng. Thứ ba, vì thế… Nói cách khác, đó là một nền thần học phòng thủ và hộ giáo bị đóng khung trong sách vở. Chúng tôi vẫn thường nói đùa về nền thần học này, nhưng đấy là những gì chúng tôi đã được dạy trong thời kinh viện tụt hậu ấy.
Cần tìm kiếm một sự chung sống trong hòa bình và đối thoại. Chúng ta được kêu gọi đối thoại với những anh em Hồi giáo để xây dựng tương lai của xã hội và thị thành của chúng ta; Chúng ta được kêu mời nhìn họ như những người cùng hợp sức xây dựng cuộc sống chung hòa bình, ngay cả trong những giai đoạn nhiễu loạn bởi những nhóm cuồng tín thù địch với đối thoại, như thảm kịch vào ngày Lễ Phục Sinh vừa qua tại Sri Lanka. Hôm qua, Đức Hồng Y Tổng Giám mục Colombo vừa cho tôi biết: “Sau khi đã làm tất cả những gì mà con có thể, thì con được biết rằng có một nhóm người Kitô hữu muốn đến khu phố của người Hồi giáo để giết họ. Con mời một giáo sĩ Hồi giáo (Imam) cùng lên xe với con, và chúng con cùng đến đó để thuyết phục các Kitô hữu rằng chúng ta là bạn hữu với nhau, rằng những kẻ cuồng tín ấy là những người quá khích, và họ không thuộc về chúng ta”. Đây là một thái độ thân thiện và đối thoại. Đào tạo các sinh viên để đối thoại với người Do Thái nghĩa là dạy cho các sinh viên này hiểu được văn hóa, cung cách suy nghĩ, ngôn ngữ của người Do Thái, để có thể hiểu biết nhau hơn và sống tương quan trên bình diện tôn giáo. Ở các phân khoa thần học và các đại học của Giáo hội, cần khuyến khích các khóa học về ngôn ngữ cũng như văn hóa Ả Rập và Do Thái, cũng như sự hiểu biết hỗ tương giữa các sinh viên Kitô giáo, Do Thái và Hồi giáo.
Tôi xin đưa ra hai thí dụ cụ thể về đối thoại thể hiện đặc tính của thần học tiếp đón có thể áp dụng cho các nghiên cứu của Giáo hội. Trước tiên, đối thoại có thể là một phương pháp học, cũng như dạy. Khi chúng ta đọc một bản văn, chúng ta đối thoại với bản văn ấy và với “thế giới” mà bản văn ấy diễn đạt; và điều này cũng áp dụng cho các văn bản thiêng liêng, như Kinh Thánh, Kinh Talmud và Kinh Koran. Tiếp đến, thường chúng ta diễn giải một đoạn văn đặc biệt nào đó trong đối thoại với những bản văn khác của cùng niên đại hay của những niên đại khác. Các bản văn của các truyền thống độc thần lớn, trong một vài trường hợp, là kết quả của một cuộc đối thoại. Có những trường hợp các bản văn được viết để trả lời cho một số vấn nạn sâu xa hơn trong cuộc sống được đặt ra bởi chính những bản văn đi trước chúng. Đây cũng là một dạng của đối thoại.
Thí dụ thứ hai là đối thoại có thể được thực hiện như là một chú giải thần học về một thời gian và không gian đặc thù nào đó. Trong trường hợp của chúng ta là vùng Địa Trung Hải vào khởi đầu của thiên niên kỷ thứ ba. Không thể đọc hiểu nơi này một cách thực tiễn được, trừ khi bằng con đường đối thoại và nhìn nơi này như chiếc cầu nối - lịch sử, địa dư, con người - giữa Âu châu, Phi châu và Á châu. Đây là nơi mà sự thiếu vắng hòa bình đã gây ra việc mất cân bằng cho nhiều khu vực và toàn cầu, và trái lại, sự hoà bình của nơi này, nhờ việc đối thoại, có thể cống hiến đáng kể vào việc khởi xướng các tiến trình hòa giải và hòa bình. Giorgio La Pira nói với chúng ta rằng, làm thần học chính là đóng góp vào việc xây dựng một “lều trại hòa bình” rộng lớn trên toàn vùng Địa Trung Hải, nơi mà những đứa con khác nhau của cùng một tổ phụ Abraham có thể sống chung trong sự tương kính. Xin đừng quên tổ phụ chung của chúng ta.
Thần học tiếp đón là một nền thần học lắng nghe
Đối thoại, hiểu như một chú giải thần học, giả thiết và bao hàm việc chủ ý lắng nghe. Điều này cũng có nghĩa là lắng nghe lịch sử và trải nghiệm của các cư dân vùng Địa Trung Hải, để có thể giải mã những biến cố nối kết quá khứ với hiện tại, và để có thể hiểu được những tổn thương cùng những tiềm năng hiện có. Đặc biệt, đây là vấn đề hiểu biết cách thức mà những cộng đồng Kitô hữu và những chứng tá đời sống sứ ngôn riêng lẻ, ngay cả gần đây thôi, đã có thể hội nhập đức tin Kitô giáo vào trong những hoàn cảnh lắm khi có xung đột, thiểu số và chung sống với nhiều truyền thống tôn giáo khác.
Việc lắng nghe này phải thâm nhập sâu xa vào trong các nền văn hóa và dân tộc vì một lý do khác. Địa Trung Hải đích thực là một vùng biển giao thoa phức tạp. Nếu không hiểu được sự giao thoa phức tạp ấy, chúng ta sẽ không bao giờ hiểu được Địa Trung Hải. Đây là vùng biển khép kín với đại dương về phương diện địa lý, nhưng lại luôn mở rộng về mặt văn hóa cho sự gặp gỡ, đối thoại và hội nhập văn hóa lẫn nhau. Tuy nhiên, dựa trên việc lắng nghe quá khứ và hiện tại, cần phải có những trình thuật sẻ chia mới mẻ có thể đi vào tâm hồn người dân, những trình thuật qua đó người ta có thể nhận ra chính mình theo chiều hướng xây dựng, hòa bình và mang lại hy vọng.
Thực tại đa văn hóa và đa tôn giáo của Địa Trung Hải hiện nay được hình thành bởi các trình thuật này, trong cuộc đối thoại nảy sinh từ việc lắng nghe người dân và các bản văn của các tôn giáo độc thần lớn, và đặc biệt từ việc lắng nghe người trẻ. Tôi đang liên tưởng đến các sinh viên trong các khoa thần học của chúng ta, đến các sinh viên trong các đại học “đời” hay từ các nguồn cảm hứng tôn giáo khác. “Khi Giáo hội - chúng ta có thể thêm, cả thần học nữa - từ bỏ những cơ cấu cứng nhắc và tự mở ra bằng thái độ sẵn sàng và chăm chú lắng nghe người trẻ, thì sự thấu cảm ấy làm cho Giáo hội thêm phong phú, vì nó cho phép người trẻ được cống hiến phần riêng của mình cho cộng đoàn, giúp cộng đoàn nhận thức được những khuynh hướng mới và biết lưu tâm đến những vấn đề mới” (Tông huấn Christus Vivit, 65). Nhận thức được những khuynh hướng mới mẻ là một thách đố.
Việc đào sâu hơn lời rao giảng tiên khởi (kerygma) đến từ kinh nghiệm đối thoại vốn bắt nguồn từ việc lắng nghe và tạo nên sự hiệp thông. Chính Chúa Giêsu đã loan báo Nước Trời qua đối thoại với đủ hạng người Do Thái trong thời của Người: Với các ký lục, Biệt phái, các luật sĩ, những người thu thuế, những học giả, những người bình dân, những người tội lỗi. Với người phụ nữ Samaria, qua lắng nghe và đối thoại, Người đã mạc khải về ơn huệ của Thiên Chúa và thân phận đích thật của chị: Người đã tỏ cho chị biết mối hiệp thông giữa Người với Chúa Cha và sự sung mãn tuôn tràn từ mối hiệp thông ấy. Sự lắng nghe thần linh của Người dành cho trái tim nhân loại của chị đã làm cho trái tim ấy, đến lượt mình, mở ra đón nhận Tình Yêu sung mãn và niềm vui của đời sống. Chúng ta không mất gì cả khi dấn thân vào việc đối thoại. Chúng ta luôn gặt hái được điều gì đó. Trong độc thoại, tất cả chúng ta đều mất mát, tất cả chúng ta.
Một nền thần học liên ngành
Như một phương pháp diễn giải thực tại, qua sự phân định và đối thoại chân thành, nền thần học tiếp đón đòi hỏi các nhà thần học phải biết cách làm việc chung với nhau và theo phương thức liên ngành, vượt thắng được chủ nghĩa cá nhân trong công việc trí thức. Chúng ta cần có những nhà thần học - nam nữ, các linh mục, giáo dân và tu sĩ - vừa bám chặt vào Giáo hội và lịch sử, vừa cởi mở với những mới mẻ khôn cùng của Thần Khí, biết vượt thoát khỏi những tư duy tự quy, cạnh tranh, và thực ra là mù quáng thường vẫn có ngay trong chính các học viện của chúng ta và có khi được che đậy trong các trường thần học của chúng ta.
Trong cuộc hành trình liên tục ra khỏi chính mình để gặp gỡ tha nhân, một điều quan trọng là các nhà thần học phải là những con người có lòng trắc ẩn - tôi xin nhấn mạnh điều này: Họ phải là những người có lòng trắc ẩn - biết chạnh lòng thương trước cuộc sống trĩu nặng của nhiều người, trước tình cảnh nô lệ thời nay, trước những vết thương của xã hội, nạn bạo hành, chiến tranh và những bất công cùng cực mà bao nhiêu người nghèo khổ sống quanh “vùng biển chung” này phải cam chịu. Điều này thật quan trọng: chỉ có thể làm thần học "bằng đầu gối của mình". Không có sự cảm thương và lòng trắc ẩn được nuôi dưỡng thường xuyên bởi kinh nguyện, thần học sẽ đánh mất không chỉ là linh hồn của mình, mà cả sự hiểu biết và khả năng diễn giải thực tại theo lối đường Kitô giáo. Không có lòng trắc ẩn, kín múc từ Thánh Tâm Đức Kitô, các thần học gia có nguy cơ bị giam hãm trong tình trạng đặc thù của những người khéo tách mình ra khỏi thế giới, và chẳng màng chia sẻ bất cứ mạo hiểm nào với đa phần nhân loại. Một nền thần học trong phòng thí nghiệm, một nền thần học tinh ròng, “được tinh lọc” như nước, thì chẳng thể hiểu gì về thực tại.
Tôi xin đưa ra một thí dụ về cách thức khoa học liên ngành diễn giải lịch sử có thể bao hàm việc đào sâu lời rao giảng tiên khởi (kerygma) và, nếu được linh hoạt bởi lòng thương xót, có thể mở rộng thành khoa học xuyên ngành. Tôi đặc biệt đề cập đến tất cả những thái độ hung hăng và hiếu chiến đã đánh dấu lối sống của những cư dân vùng Địa Trung Hải, những người đã tự xưng là Kitô hữu. Ở đây bao gồm cả những thái độ và việc làm mang tính thực dân, vốn tác động lên trí tưởng và các chính sách của những người này thật nhiều, lẫn thái độ biện minh cho tất cả các loại chiến tranh, cũng như các cuộc bách hại được thực hiện nhân danh tôn giáo, hoặc viện cớ việc thanh lọc chủng tộc hay giáo lý. Chúng ta cũng đã thực hiện những cuộc bách hại như thế. Tôi còn nhớ, trong Trường ca Roland, sau khi thắng trận, toàn bộ những người Hồi giáo phải xếp hàng trước giếng rửa tội. Và có người cầm thanh gươm đứng sẵn đó. Rồi họ bị buộc phải chọn lựa: chịu rửa tội hoặc là bị giết, bị đưa sang thế giới bên kia. Chịu rửa tội hoặc là chết. Chúng ta đã làm điều ấy. Trong sự kính trọng đối với lịch sử phức tạp và đau thương này, phương pháp đối thoại và lắng nghe, được hướng dẫn bởi những tiêu chuẩn của lòng thương xót theo Tin Mừng, có thể phong phú hóa kiến thức liên ngành, và việc đọc lại cũng như làm nổi bật lên những lời tiên tri về hoà bình mà Chúa Thánh Thần vẫn không ngừng khơi lên.
Khoa học liên ngành, hiểu như một chuẩn mực để đổi mới thần học và các nghiên cứu về Giáo hội, đòi hỏi quyết tâm thường xuyên nhìn lại và xét lại truyền thống. Xét lại truyền thống! Và luôn nêu lên vấn đề. Thực ra, với các thần học gia Kitô giáo, việc lắng nghe không khởi đi từ sự rỗng không, nhưng từ một di sản thần học - như tại vùng Địa Trung Hải đây - vốn bắt nguồn trong các cộng đoàn Tân Ước, trong những suy tư phong phú của các Giáo phụ và nhiều thế hệ các nhà tư tưởng cùng các chứng nhân. Chính truyền thống sống động đó, được lưu truyền đến chúng ta, có thể giúp soi rọi và giải mã nhiều vấn đề đương thời. Với điều kiện là chúng ta phải đọc lại truyền thống với thành tâm thanh tẩy ký ức, tức là, biết phân định điều gì phù hợp với ý định khôn ngoan của Thiên Chúa, đã được mạc khải nhờ Thần Khí của Chúa Giêsu Kitô, và điều gì trái ngược với ý định thương xót và cứu rỗi của Ngài. Chúng ta đừng quên rằng truyền thống chính là cội rễ mang lại sự sống: truyền thống lưu truyền sự sống nhờ đó chúng ta có thể tăng trưởng, trổ hoa và kết trái. Chúng ta thường hay nghĩ đến truyền thống như một bảo tàng viện. Không phải vậy! Tuần rồi hay tuần trước nữa, tôi có đọc một trích dẫn của Gustav Mahler, nói rằng: “Truyền thống là sự bảo đảm cho tương lai, không phải là người canh giữ tro tàn!” Thật tuyệt! Chúng ta sống truyền thống như cây đang sống và tăng trưởng. Vào thế kỷ thứ năm, thánh Vinh Sơn Lérins đã am hiểu điều này. Ngài mô tả sự tăng trưởng của đức tin, truyền thống, bằng cách sử dụng ba chuẩn mực này: Annis consolidetur, dilatetur tempore, sublimetur aetate - được củng cố với tháng năm, được triển nở với thời gian, được thăng hoa với tuổi tác [Commonitorium, 23.9: PL50]. Đó là truyền thống! Không có truyền thống, chúng ta không thể lớn lên được! Truyền thống giúp tăng trưởng, như rễ cây giúp cho cây tăng trưởng vậy.
Nền thần học liên kết
Thần học hậu Tông hiến Veritatis Gaudium là một nền thần học liên kết và, trong bối cảnh của vùng Địa Trung Hải, là nền thần học trong liên đới với những “đổ nát” của lịch sử. Trong trách vụ thần học trước mắt, chúng ta nhớ lại thánh Phaolô và hành trình nối liền Đông với Tây của Kitô giáo tiên khởi. Nơi đây, rất gần địa điểm thánh Phaolô đã đáp tàu, người ta không thể không nhớ rằng các hành trình của thánh Tông đồ đã được ghi dấu bởi những trở ngại cụ thể, chẳng hạn như lần đắm tàu giữa biển Địa Trung Hải (Cv 27,9tt). Sự đắm tàu khiến người ta nghĩ đến cuộc đắm tàu của tiên tri Giôna. Nhưng thánh Phaolô không đào tẩu và thậm chí có thể nghĩ rằng Rôma là Ninivê của ngài. Có thể ngài tìm cách chữa lại thái độ chủ bại của Giôna và bù đắp cho sự trốn chạy của ông ấy. Ngày nay, Kitô giáo Tây phương đã học được từ nhiều sai lỗi và từ những thời điểm khủng hoảng của quá khứ; Giáo hội có thể quay về nguồn cội của mình, với hy vọng có thể làm chứng nhân Tin Mừng cho mọi người khắp Đông và Tây, Nam và Bắc. Thần học - giữ cho tâm trí của mình gắn kết với “Thiên Chúa từ bi và nhân hậu” (x. Gn 4,2) - có thể giúp cho Giáo hội và xã hội trần thế khởi hành lại bằng việc đồng hành với bao nhiêu con người bị chìm đắm, bằng việc khích lệ dân cư Địa Trung Hải khước từ bất cứ cám dỗ nào nhằm mục đích tái chinh phục, hoặc hướng đến việc thiết định một căn tính đóng kín nơi chính mình. Chinh phục và khép kín, cả hai đều được nuôi dưỡng và lớn lên từ nỗi sợ hãi. Thần học không thể được hoàn thành trong bối cảnh sợ hãi.
Hoạt động của các phân khoa thần học và các đại học của Giáo hội góp phần xây dựng một xã hội công bằng và giàu tình huynh đệ, trong đó, việc chăm sóc tạo thành và xây dựng hòa bình là kết quả của sự cộng tác giữa các thể chế dân sự, Giáo hội và liên tôn. Trước hết, đó là công việc bên trong của “mạng lưới Tin Mừng”, tức là, trong sự hiệp thông với Thần Khí của Chúa Giêsu là Thần Khí của an bình, Thần Khí của tình yêu đang hoạt động trong vũ trụ và trong tâm hồn của những người thiện chí thuộc mọi chủng tộc, văn hóa và tôn giáo. Nói cách tương tự với ngôn ngữ mà Chúa Giêsu đã dùng để nói về Nước Trời, khoa học liên ngành và mạng liên kết có mục đích khuyến khích việc phân định sự hiện diện của Thần Khí Đấng Phục Sinh trong mọi thực tại. Nhờ sự hiểu biết Lời Chúa trong bối cảnh độc đáo của vùng Địa Trung Hải, chúng ta có thể phân định các dấu chỉ thời đại trong những hoàn cảnh mới.
Thần học hậu Tông hiến “Veritatis Gaudium” trong bối cảnh vùng Địa Trung Hải
Tôi đã nói nhiều điều về Tông hiến Veritatis Gaudium. Tôi xin được công khai cảm ơn Đức Tổng giám mục Zani, nhân dịp ngài có mặt ở đây, vì ngài đã giúp soạn thảo văn kiện này. Cám ơn quý vị! Vậy thì nhiệm vụ của thần học hậu Tông hiến Veritatis Gaudium trong bối cảnh vùng Địa Trung Hải là gì? Để đi thẳng vào vấn đề, nhiệm vụ của nó là gì? Nhiệm vụ ấy tất phải hòa điệu với Thần Khí của Chúa Giêsu Phục sinh, Thần Khí tự do đi khắp thế giới và đến tận những vùng ngoại biên, ngay cả các vùng ngoại biên của tư tưởng. Các nhà thần học có nhiệm vụ luôn canh tân việc cổ vũ sự gặp gỡ của các nền văn hóa với các nguồn Mạc khải và Truyền thống. Các lâu đài tư tưởng cổ, các tổng luận thần học lớn trong quá khứ là những nguồn kiến thức thần học, nhưng chúng không thể được áp dụng cách máy móc vào các vấn đề hiện nay. Chúng ta phải trân trọng chúng để tìm kiếm những hướng đi mới. Tạ ơn Chúa, các nguồn mạch đầu tiên của thần học, nghĩa là Lời Chúa và Chúa Thánh Thần, là vô tận và luôn hữu hiệu. Vì thế, chúng ta có thể và phải làm việc nhằm hướng về một “Lễ Ngũ Tuần thần học”, để cho mọi người trong thời đại chúng ta được nghe sứ điệp Kitô giáo “bằng chính ngôn ngữ mẹ đẻ của họ”, một sứ điệp thoả mãn khát vọng tìm kiếm ý nghĩa và sự viên mãn của đời sống. Để được như thế, cần phải có một số điều kiện tiên quyết.
Trước hết, cần phải bắt đầu từ Tin Mừng của lòng thương xót, từ lời rao giảng của chính Chúa Giêsu và từ những bối cảnh nguyên thủy của việc rao giảng Tin Mừng. Thần học được sinh ra từ những con người cụ thể, những con người bắt gặp ánh mắt và trái tim của Thiên Chúa, Đấng tìm kiếm họ với tình thương xót. Làm thần học cũng là một hành động của lòng thương xót. Tôi xin được nhắc lại ở đây, từ thành phố này, nơi không chỉ có những giai đoạn bạo lực, nhưng còn lưu tồn nhiều truyền thống và nhiều mẫu gương thánh thiện - cùng với kiệt tác của Caravaggio về những công việc của lòng thương xót, và chứng tá của thánh bác sĩ Giuse Moscati - tôi xin được lặp lại những gì tôi đã viết cho Phân khoa Thần học của Viện đai học Công giáo Á Căn Đình: “Như các mục tử tốt, những nhà thần học tốt cũng có mùi của dân chúng và đường phố, và nhờ những suy tư của mình, họ rót dầu và rượu lên những vết thương của nhân loại. Thần học là sự biểu hiện của một Giáo hội hiểu như một “bệnh viện dã chiến”, một Giáo hội sống sứ mệnh cứu rỗi và chữa lành trong thế giới này. Lòng thương xót không chỉ là một thái độ mục vụ nhưng là chính bản chất Tin Mừng của Chúa Giêsu. Tôi khuyến khích quý vị nghiên cứu xem làm thế nào những môn học khác nhau - tín lý, luân lý, tu đức, luật học, và các môn học khác - có thể phản chiếu tính trung tâm của lòng thương xót. Thiếu lòng thương xót, thần học, luật pháp, việc chăm sóc mục vụ của chúng ta có nguy cơ rơi vào tư duy quan liêu hẹp hòi hay ý thức hệ, tự thân muốn khống chế các mầu nhiệm”[1]. Thần học, nhờ đi theo đường lối của lòng thương xót, canh phòng để các mầu nhiệm không bị khống chế.
Thứ hai, một tổng hợp lịch sử nghiêm túc trong thần học là điều cần thiết, như là một không gian mở cho sự gặp gỡ với Thiên Chúa. “Khả năng khám phá sự hiện diện của Chúa Kitô và hành trình của Giáo hội qua lịch sử làm cho chúng ta biết khiêm tốn, và giúp chúng ta thoát khỏi cơn cám dỗ tìm náu thân trong quá khứ, hầu tránh né hiện tại. Và đó là kinh nghiệm của nhiều học giả, những người đã bắt đầu, tôi không muốn nói là người vô thần, nhưng đúng hơn như những người bất khả tri, và đã tìm gặp Chúa Kitô. Vì chúng ta không thể hiểu được lịch sử mà không có sức mạnh này”[2].
Tự do thần học là thiết yếu. Không có khả năng trải nghiệm những nẻo đường mới, thì chẳng có gì mới mẻ được tạo ra, và không có chỗ cho sự mới mẻ của Thần Khí Đấng Phục Sinh: “Đối với những ai ước ao có một tổng thể học thuyết đồng nhất buộc mọi người phải theo và không có chỗ cho những khác biệt, ước muốn này xem ra không nên và có thể dẫn tới tình trạng hỗn độn. Nhưng trên thực tế, sự khác biệt có thể giúp làm sáng tỏ và phát triển các góc cạnh khác nhau trong sự phong phú vô tận của Tin Mừng” (Tông huấn Evangelii Gaudium, 40). Điều này cũng bao hàm việc hiệu chính thích đáng bản ratio studiorum. Nhờ sự tự do suy tư thần học, tôi có thể tạo nên sự khác biệt. Đối với các học giả, điều cần thiết là tiến tới với sự tự do, rồi kế đến, vào lúc cuối cùng, sẽ là quyết định của huấn quyền, nhưng không thể làm thần học mà không có sự tự do này. Nhưng trong giảng thuyết cho Dân Chúa, xin đừng làm phương hại đức tin của họ với những vấn đề tranh cãi! Hãy giữ các vấn đề tranh cãi cho các nhà thần học. Đó là trách nhiệm của quý vị. Nhưng dân Chúa cần được cung cấp lương thực bổ ích có thể nuôi dưỡng đức tin của họ và đừng tương đối hóa đức tin ấy.
Sau hết, cần có những cấu trúc nhẹ nhàng và uyển chuyển diễn đạt được sự ưu tiên cho việc tiếp đón và đối thoại, cho hoạt động cùng mạng lưới liên ngành và xuyên ngành. Các quy chế, tổ chức nội bộ, phương pháp giảng dạy, các chương trình nghiên cứu cần phản chiếu dung mạo của một Giáo hội “xuất hành”. Các thời khoá biểu lớp học và những sinh hoạt khác của đại học, trong mức độ có thể được, nên sắp xếp sao để thuận lợi cho sự tham dự của những ai có ước muốn học thần học: Bên cạnh các chủng sinh, nam tu, còn có giáo dân và phụ nữ, cả nữ giáo dân lẫn nữ tu. Đặc biệt, sự đóng góp mà giới phụ nữ đang và có thể mang đến cho thần học là không thể thiếu, và vì thế, sự tham dự của họ nên được hỗ trợ, như quý vị đang làm trong Phân khoa này, nơi đang có sự tham gia rộng rãi của nữ giới, cả giáo sư lẫn sinh viên.
Ước gì địa điểm xinh đẹp này, trụ sở của Phân khoa Thần học dâng kính thánh Aloysiô, được tưởng nhớ trong phụng vụ ngày hôm nay, trở nên biểu tượng cho cái đẹp được sẻ chia, và mở ra cho mọi người. Tôi mơ ước những Phân khoa Thần học là nơi mọi người sống tình bằng hữu giữa những khác biệt, nơi người ta thực hành nền thần học đối thoại và đón tiếp; nơi người ta trải nghiệm mô hình đa diện của kiến thức thần học thay cho một bầu khí bất động và trừu tượng. Đó là nơi mà việc nghiên cứu thần học có khả năng khởi động một tiến trình hội nhập văn hóa đầy thách thức nhưng cũng đầy thúc bách.
Kết luận
Những tiêu chí của Lời tựa Tông hiến Veritatis Gaudium là những tiêu chí của Tin Mừng. Lời rao giảng tiên khởi (kerygma), đối thoại, phân định, cộng tác và mạng lưới liên kết - ở đây, tôi xin thêm parrhesia, nghĩa là khả năng đẩy tới tận các giới hạn, đã được trích dẫn như một tiêu chí, song hành với hypomoné, nghĩa là kiên trì bền đỗ, là khả năng ở lại trong các giới hạn hầu có thể tiến tới phía trước - đó là các yếu tố và tiêu chí diễn đạt cách thức, qua đó Chúa Giêsu đã sống và loan báo Tin Mừng, và cũng nhờ cách thức này mà Tin Mừng vẫn có thể được loan truyền hôm nay bởi các môn đệ của Người.
Thần học hậu Tông hiến Veritatis Gaudium là thần học của lời rao giảng tiên khởi (kerygma), một nền thần học của sự phân định, của lòng thương xót và của sự đón tiếp, trong đối thoại với xã hội, các nền văn hóa và các tôn giáo, nhằm xây dựng sự chung sống hòa bình của các cá nhân và các dân tộc. Địa Trung Hải là chiếc nôi lịch sử, địa dư và văn hoá cho việc tiếp đón lời rao giảng tiên khởi, được thực hành qua đối thoại và lòng thương xót. Napoli là một mẫu hình và là thí điểm đặc biệt cho công cuộc nghiên cứu thần học theo mẫu thức này. Tôi xin chúc tất cả quý vị đạt được thành quả tốt nhất trong công việc của mình!
[1] Thư gửi Đức Hồng y Giám đốc Đại học Giáo hoàng Công giáo Argentina nhân kỷ niệm 100 năm thành lập Khoa Thần học, ngày 3/3/2015.
[2] Diễn văn tại Hội nghị của Hiệp hội các Giáo sư Lịch sử Giáo hội, ngày 12/01/2019.
Phêrô Nguyễn Tâm Thành chuyển ngữ.
Lm. Phaolô Nguyễn Thành Sang hiệu đính.
Tin mới đăng:
Các tin khác:
- SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC THÁNH CHA cho Mùa Chay 2025 (25/02/2025)
- Tóm tắt Tông huấn mới của ĐTC về Thánh Têrêsa Hài Đồng "Chính sự tin tưởng" (16/10/2023)
- ĐTC gởi sứ điệp cho Ngày Thế giới Ông bà và Người cao tuổi lần thứ ba (19/06/2023)
- Công bố Sứ điệp của ĐTC cho Ngày Thế giới Truyền thông Xã hội lần thứ 57 (03/05/2023)
- CÔNG BỐ SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC THÁNH CHA CHO NGÀY THẾ GIỚI TRUYỀN GIÁO NĂM 2023 (27/01/2023)
- SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC GIÁO HOÀNG PHANXICÔ CHO NGÀY THẾ GIỚI BỆNH NHÂN LẦN THỨ XXXI Ngày 11. 02. 2023 (12/01/2023)
- Sứ điệp của Đức Thánh Cha cho Ngày Hoà bình Thế giới năm 2023 (31/12/2022)
- ĐTC ban hành Tự sắc “Traditionis custodes” về cử hành Thánh lễ theo phụng vụ tiền Công đồng (18/07/2021)
- SÁCH GIÁO LÝ CỦA HỘI THÁNH CÔNG GIÁO (198-231) - CHƯƠNG MỘT TÔI TIN KÍNH ĐỨC CHÚA TRỜI LÀ CHA (03/07/2021)
- SÁCH GIÁO LÝ CỦA HỘI THÁNH CÔNG GIÁO (Số 185-197) - ĐOẠN THỨ HAI: TUYÊN XƯNG ĐỨC TIN KITÔ GIÁO - CÁC TÍN BIỂU (28/06/2021)
- SÁCH GIÁO LÝ CỦA HỘI THÁNH CÔNG GIÁO (Số 166 - 184) - Mục 2 Chúng tôi tin (25/06/2021)
- SÁCH GIÁO LÝ CỦA HỘI THÁNH CÔNG GIÁO (Số 142 - 165) - CHƯƠNG BA: CON NGƯỜI ĐÁP LỜI THIÊN CHÚA (21/06/2021)
- SÁCH GIÁO LÝ CỦA HỘI THÁNH CÔNG GIÁO (Số 101-141) - Mục 3: Thánh Kinh (19/06/2021)
- SÁCH GIÁO LÝ CỦA HỘI THÁNH CÔNG GIÁO (Số 74-100) (19/06/2021)
- SÁCH GIÁO LÝ CỦA HỘI THÁNH CÔNG GIÁO (Số 50-73) - CHƯƠNG 2: THIÊN CHÚA ĐẾN GẶP CON NGƯỜI (19/06/2021)