ĐẠI HỘI GIÁO LÝ TOÀN QUỐC LẦN 6 (2023) - BÀI THUYẾT TRÌNH 1: HƯỚNG DẪN VIỆC DẠY GIÁO LÝ NĂM 2020: MỘT ĐIỂM ĐẾN VÀ MỘT KHỞI ĐẦU MỚI
26 / 08/ 2023, 08:08:12
HƯỚNG DẪN VIỆC DẠY GIÁO LÝ NĂM 2020:
MỘT ĐIỂM ĐẾN VÀ MỘT KHỞI ĐẦU MỚI
Lm. Phêrô Nguyễn Văn Hiền
Lời mở
Trong suốt hai mươi thế kỷ qua, Giáo Hội không ngừng canh tân việc dạy giáo lý để đáp ứng nhu cầu khao khát và tìm kiếm Thiên Chúa của con người trong từng thời đại. Qua đó, Giáo hội ngày càng thấy rõ hơn căn tính của việc dạy giáo lý không đơn thuần là trình bày một giáo thuyết, nhưng là loan báo Tin Mừng và nâng đỡ sự đáp trả đức tin của con người. Nỗ lực canh tân nổi bật nhất thuộc về Công Đồng Vaticanô II, khi chấm dứt việc đồng hóa việc dạy giáo lý (catechesis, catéchèse) với sách giáo lý (catechism, catéchisme). Nói cách khác. Công Đồng coi việc dạy giáo lý là tiến trình (processus) đào tạo đời sống đức tin cho các Kitô hữu, nghĩa là một lộ trình sư phạm, chứ không đơn thuần là việc giảng dạy tập trung vào việc truyền thụ kiến thức.
Công Đồng không chỉ khởi xướng, mà còn thúc đẩy việc canh tân khi kêu gọi hàng giám mục “phải quan tâm đến việc dạy giáo lý để việc dạy giáo lý được thực hiện theo một trình tự và có phương pháp, không những phù hợp với môn đang học hỏi mà còn phù hợp với tâm tính, khả năng, tuổi tác và hoàn cảnh sống của các học viên, đồng thời việc dạy giáo lý phải đặt nền tảng trên Thánh Kinh, Thánh Truyền, Phụng vụ, Huấn Quyền và đời sống của Giáo hội. Hơn nữa, các ngài phải quan tâm chuẩn bị kỹ lưỡng cho các giáo lý viên trong nhiệm vụ dạy giáo lý, làm thế nào để họ hiểu rõ đạo lý của Giáo hội và thông thạo những những định luật tâm lý và các khoa sư phạm, trên lý thuyết cũng như trong thực hành. Các giám mục cũng phải chăm lo để khôi phục và thích nghi hữu hiệu hơn nữa việc dạy giáo lý cho những dự tòng lớn tuổi” (GM, số 14). Thêm vào đó, trong phần cuối của Sắc lệnh, Công Đồng còn chỉ thị cho các giám mục “phải biên soạn một bản Hướng Dẫn về việc dạy giáo lý cho dân Kitô giáo, trong đó đề cập đến các nguyên tắc căn bản của việc dạy giáo lý, cách điều hành và việc biên soạn các sách liên hệ. Trong khi biên soạn những Thủ bản Hướng Dẫn nói trên, cần phải quan tâm đến những nhận định do các Ủy ban hoặc do các Nghị phụ đã đưa ra.” (Sđd., s. 44).
Như thế, nhờ sự quyết tâm canh tân việc dạy giáo lý theo hướng trả lại cho nó vai trò đích thực là thông truyền Mặc khải (revelation) hay loan báo Tin Mừng, nhằm dẫn các tín hữu vào mầu nhiệm Đức Kitô và trở nên nhân chứng của cuộc sống trong Người[1], các văn kiện hậu Công Đồng như Hướng dẫn Chung việc Dạy Giáo lý (1971), Tông huấn Evangelii Nuntiandi (1975), Tông huấn Catechesi Tradaende (1979), Sách Giáo lý Hội Thánh Công Giáo (1992), Hướng dẫn Tổng quát việc Dạy Giáo lý (1997), Tông huấn Niềm vui của Tin Mừng (2013), và Hướng dẫn việc Dạy Giáo lý (2020)[2] đã được ban hành.
1971 HDGL |
---------- |
1979 DGL |
-------------------- |
1997 HDTQ |
----------------- |
2020 HD |
|
1975 LBTM |
----------------- |
1992 GLHTCG |
_____ |
2013 NVTM |
|
Trong khuôn khổ của bài thuyết trình này, tôi sẽ tập chú vào Bản Hướng dẫn việc Dạy Giáo lý năm 2020 của Hội đồng Giáo hoàng Cổ võ cho việc Tân Phúc Âm, nay là Phân bộ Loan báo Tin Mừng, như một điểm đến và một điểm khởi hành mới trong hành trình canh tân huấn giáo của Giáo hội.
1. HƯỚNG DẪN 2020: MỘT ĐIỂM ĐẾN TRONG HÀNH TRÌNH CANH TÂN HUẤN GIÁO CỦA GIÁO HỘI
Bản Hướng Dẫn 2020 của của Hội đồng Giáo hoàng Cổ võ cho việc Tân Phúc Âm không đến cách bất ngờ, nhưng tiếp nối hai Bản Hướng Dẫn 1971 và 1997 của Bộ Giáo Sĩ, trong hành trình canh tân đầy năng động của Giáo hội qua nhiều thế kỷ, đặc biệt từ Công đồng Trentô đến Công đồng Vaticanô II và cho đến nay. Điều này cho thấy quyết tâm của Giáo hội trong việc cống hiến cho các Kitô hữu một sự đào tạo vững chắc, nhưng luôn mở ra cho sự phát triển hơn nữa nhằm đáp ứng nhu cầu của thời đại.
1.1 Trên bình diện bối cảnh văn hóa và lịch sử
Bối cảnh gần dẫn đến Hướng Dẫn 1971 là Công đồng Vaticanô II (1962-1965). Xã hội lúc bấy giờ được đánh dấu bởi sự thay đổi sâu xa và mau chóng, do sự thông minh và hoạt động sáng tạo của con người. Sự thay đổi này “trở lại ảnh hưởng trên chính con người, trên những phán đoán và ước vọng cá nhân hay tập thể nhân loại, trên cách suy tư và hành động đối với vạn vật cũng như con người” (MV, số 4). Trước những sự thay đổi ấy, Giáo hội xác tín rằng những gì đặt trên nền tảng sâu xa là Đức Kitô sẽ không đổi thay. Vì thế, dưới ánh sáng của Đức Kitô, Giáo hội muốn ngỏ lời với mọi người để làm sáng tỏ mầu nhiệm về con người và cùng với con người giải quyết các vấn đề chính yếu của thời đại (x. MV, số 10). Bối cảnh này đòi hỏi Giáo hội phải xem xét lại cách thức truyền thụ đức tin của mình, cách riêng trong việc dạy giáo lý.
Bối cảnh gần dẫn đến việc soạn thảo Hướng Dẫn 1997 là dịp kỷ niệm 30 năm khai mạc Công đồng Vaticanô II và phát hành Sách Giáo lý của Hội Thánh Công Giáo (1992). Xã hội thời kỳ này được đánh dấu bởi tình trạng : nhân phẩm bị xúc phạm và nhân quyền bị tước đoạt, cho nên cần khám phá lại tính bất khả xâm phạm của nó; chủ nghĩa vô thần và dửng dưng tôn giáo gia tăng buộc chúng ta phải khám phá lại dung mạo đích thực của Thiên Chúa, ý định và kế hoạch cứu độ của Ngài như Chúa Giêsu đã mặc khải; khoa học và kỹ thuật thay đổi tình trạng văn hoá và cách suy nghĩ của con người với ảnh hưởng mạnh mẽ về nhân bản và tôn giáo, nên cần hội nhập văn hoá để loan báo Tin Mừng. Trước những dấu chỉ của thời đại, Giáo hội nhận thấy việc dạy giáo lý: phải phục vụ cho việc loan báo Tin Mừng, đồng thời nhấn mạnh đến tính truyền giáo; phải dành cho các lứa tuổi khác nhau, đặc biệt là người trưởng thành; phải loan báo các mầu nhiệm chính yếu, bằng cách cổ võ trải nghiệm về đời sống Ba Ngôi trong Đức Kitô; và phải ưu tiên cho việc đào tạo giáo lý viên (x. HDTQ, số 17-33).
Bối cảnh gần dẫn đến Hướng Dẫn 2020 là Thượng Hội đồng các Giám mục về Tân Phúc Âm hóa để Thông truyền Đức tin Kitô giáo (2012), cùng với Tông huấn Evangelii Gaudium của Đức Giáo hoàng Phanxicô (2013). Bối cảnh văn hóa hiện nay đem đến cho Giáo hội những vấn đề mới từ cuộc cách mạng sinh học và tin học, khiến nhiều người xa rời đức tin. Trong bối cảnh này, Giáo hội suy tư về sứ vụ của mình và kêu gọi các tín hữu dấn thân hằng ngày cho việc phúc âm hóa mà không thể vịn vào bất cứ lý do nào để khước từ, bởi vì theo Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, “Giáo hội hiện hữu để phúc âm hóa,”[3] và theo Đức Giáo hoàng Phanxicô “tôi là sứ mạng”[4] chứ không đơn thuần “tôi có sứ mạng”. Do đó, việc dạy giáo lý phải liên kết chặt chẽ với việc Phúc Âm hóa và được trình bày như một lộ trình đào sâu lời loan báo đầu tiên (kerygma), đến mức có thể gọi là huấn giáo dựa trên lời loan báo đầu tiên (kerygmatic catechesis).
1.2 Trên bình diện loan báo Tin Mừng
Bản Hướng Dẫn thứ nhất và thứ hai cách nhau 26 năm, hai bản đều đặt việc dạy giáo lý trong viễn tượng Phúc Âm hóa nhưng với những điểm nhấn khác nhau. Hướng Dẫn 1971 đặt việc dạy giáo lý trong viễn tượng Phúc Âm hóa theo nghĩa hẹp của Ad Gentes: rao giảng Tin Mừng cho muôn dân; đồng thời nhấn mạnh đến sứ điệp Tin Mừng, nhằm cung cấp cho các Kitô hữu những nguyên tắc căn bản thần học-mục vụ rút ra từ Huấn quyền, cách riêng từ các văn kiện của Công Đồng.
Hướng Dẫn 1997 đặt việc dạy giáo lý trong viễn tượng Phúc Âm hóa theo nghĩa rộng của Evangelii Nuntiandi & Catechesi Tradaende : tiến trình “thông truyền Mặc Khải qua các việc làm chứng và rao giảng, lời Chúa và bí tích, giảng dạy và dấn thân”. Bản Hướng dẫn này nhấn mạnh đến việc gặp gỡ Thiên Chúa, gắn bó với Giáo hội và công cuộc Phúc Âm hóa gồm ba giai đoạn cho ba đối tượng: truyền giáo cho người ngoại (Phúc Âm hóa), khai tâm cho dự tòng & tín hữu bỏ đạo (Tái Phúc Âm hóa), và mục vụ cho các tín hữu (Tân Phúc Âm hóa).
Bản văn thứ hai và bản văn thứ ba cách nhau 23 năm. Hướng Dẫn 2020 đặt việc dạy giáo lý trong viễn tượng phục vụ cho công cuộc Tân Phúc Âm hóa qua nỗ lực đổi mới nhiệt tình, phương thức và ngôn ngữ truyền đạt đức tin; cụ thể là canh tân việc dạy giáo lý theo hướng : dạy giáo lý trong tinh thần ra đi truyền giáo, dạy giáo lý như dấu chỉ của lòng thương xót, và trở nên phòng thí nghiệm của đối thoại. Trong việc dạy giáo lý, bản Hướng Dẫn khuyến khích lấy cảm hứng từ truyền thống dạy giáo lý dự tòng, vì nó có đặc tính truyền giáo nội tại và vận dụng cả ba hình thức dạy giáo lý: Giáo lý dựa trên Thánh Kinh (Catechesis Biblica), Giáo lý dựa trên Huấn Quyền (Catechesis Doctrinalis), và Giáo lý Nhiệm Huấn (Catechesis Mystagogica), để có thể giáo dục đức tin toàn diện cho các tín hữu.[5]
1.3 Trên bình diện cấu trúc của bản văn
Nhìn chung, cả ba Bản Hướng Dẫn được soạn thảo nhằm bổ sung cho những văn kiện quan trọng của Huấn quyền trên bình diện huấn giáo. Cả ba cùng bàn đến căn tính của việc dạy giáo lý, phương pháp giảng dạy và các hoạt động mục vụ nhằm thực hiện thừa tác vụ Lời Chúa, nhưng trình bày sao cho phù hợp với những thay đổi trong một bối cảnh văn hóa và lịch sử cụ thể cũng như với những chỉ dẫn của Huấn quyền.
Hướng Dẫn 1971 dựa vào giáo huấn của Công đồng Vaticanô II, gồm có 6 phần (1/ Vấn đề thực tại, 2/ Vai trò của Lời, 3/ Thông điệp Kitô giáo, 4/ Các thành phần của Phương pháp, 5/ Giáo lý theo độ tuổi, 6/ Hoạt động mục vụ về vai trò của Lời), 11 chương và 134 số.
Hướng Dẫn 1997 dựa vào Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, gồm có 5 phần (1/ Việc dạy giáo lý trong sứ mạng loan báo Tin Mừng của Giáo hội : 3 chương, 2/ Sứ điệp của Tin Mừng : 2 chương, 3/ Sư phạm của đức tin : 2 chương, 4/ Những đối tượng của việc dạy giáo lý : 5 chương, 5/ Việc dạy giáo lý nơi Giáo hội địa phương : 4 chương), 16 chương và 291 số.
Hướng Dẫn 2020 dựa vào Thượng Hội đồng các Giám mục về Tân Phúc Âm hóa để Thông truyền Đức tin Kitô giáo và Tông huấn Evangelii Gaudium của Đức Giáo hoàng Phanxicô gồm có 3 phần (1/ Việc dạy giáo lý trong sứ mạng loan báo Tin Mừng của Giáo hội, 2/ Tiến trình của việc dạy giáo lý, 3/ Giáo lý trong Giáo Hội địa phương), mỗi phần có 4 chương (tổng cộng là 12 chương), và 428 số. Qua nội dung và cấu trúc của Bản Hướng Dẫn 2020, chúng ta thấy được những nét đặc trưng của nó:
a/ mối quan tâm đến giáo lý viên, chủ thể của hoạt động giáo lý. Nếu như giáo lý viên và việc đào tạo giáo lý viên chỉ được đề cập đến ở Phần VI, chương III trong Hướng Dẫn 1971 và ở Phần V, chương II của Hướng Dẫn 1997, thì Hướng Dẫn 2020 đề cập đến trong Phần I, chương III và IV, ngay sau khi xác định căn tính của việc dạy giáo lý trong chương I và II. Điều này cho thấy vai trò quan trọng và cần thiết của giáo lý viên trong hoạt động giáo lý;
b/ mối quan tâm đến tiến trình dạy giáo lý, sự thống nhất và năng động của nó. Mối bận tâm này dẫn đến hai đặc điểm nổi bật của Hướng Dẫn 2020; đó là tính loan báo Tin Mừng đầu tiên (kerygma) và tính nhiệm huấn (mystagogica). Trước hết, việc dạy giáo lý được trình bày như một lộ trình đào sâu lời loan báo đầu tiên, đến mức có thể gọi là huấn giáo mang tính loan báo Tin Mừng đầu tiên (kerygmatic catechesis). Kế đến, lộ trình này dẫn người tín hữu vào một kinh nghiệm sống động của cộng đoàn Kitô hữu là môi trường đích thực của đời sống đức tin, nơi mọi người cùng chia sẻ với nhau một con đường, được nuôi dưỡng bởi Lời Chúa và chú ý đến những dấu chỉ của thời đại, để chia sẻ niềm vui và hy vọng của dân Kitô giáo và loan báo niềm vui ấy cho mọi người. Vì thế, việc dạy giáo lý được coi như là cuộc khai tâm nhiệm huấn (mystagogic initiation). Hai đặc điểm nổi bật này cống hiến cho Giáo hội một cách thức mới để giải thích lại tiến trình dạy giáo lý vốn dẫn con người bước vào sự kết hợp mật thiết với Chúa Kitô và vì lý do này mà dấn thân cho việc loan báo Tin Mừng. Điều này cho thấy việc dạy giáo lý phải liên kết chặt chẽ với việc Phúc Âm hóa, đặc biệt với công cuộc Tân Phúc Âm hóa.
c/ mối quan tâm phục hồi việc dạy giáo lý dự tòng cũng như nghi thức Khai tâm Kitô giáo, và xem nó như khuôn mẫu của mọi hình thức dạy giáo lý. Phục hồi ở đây không được hiểu là sao chép lại nguyên việc dạy giáo lý dự tòng mà là duy trì và phát triển đặc tính truyền giáo nội tại của nó, cũng như phong cách và sự năng động của nó trong huấn luyện đời sống đức tin cho các Kitô hữu. Nó không chỉ là một tiến trình, mà là một hành trình liên tục và đòi hỏi một sự hoán cải tâm hồn. Tâm điểm của hành trình dạy giáo lý là đặc tính Vượt Qua tập trung vào cuộc khổ nạn, cái chết và sự sống lại của Đức Kitô, tạo cơ hội cho mỗi người tiếp xúc với Đấng Phục Sinh. Hành trình dự tòng được hình thành nhờ việc chăm chú lắng nghe Lời Chúa, đời sống phụng vụ và giảng dạy về đời sống của Giáo hội, được hình thành trong cộng đoàn đức tin vốn mở ra cho việc hoán cải và làm chứng liên tục nhờ hoạt động đào tạo và đồng hành của Giáo hội. Bằng cách “kiên nhẫn đồng hành với con cái của mình và đang khi tôn trọng nhịp tăng trưởng của họ, Giáo hội cho thấy mình là một người mẹ chu đáo”.
2. HƯỚNG DẪN 2020 : MỘT KHỞI ĐẦU MỚI TRONG HÀNH TRÌNH CANH TÂN HUẤN GIÁO CỦA GIÁO HỘI
Ngày nay, Giáo hội thấy mình đối diện với một “giai đoạn mới của công cuộc phúc âm hóa”[6] vì ngay trong sự thay đổi sâu xa của thời đại, Đấng Phục Sinh - nhờ quyền năng của Chúa Thánh Thần - tiếp tục đổi mới mọi sự (x. Kh 21,5), tiếp tục khơi lên niềm khao khát Thiên Chúa trong con người, và khơi lên trong Giáo hội một sự nhiệt thành mới, những phương pháp mới, và những cách diễn tả mới để loan báo Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô. Vì lý do này, Giáo hội kêu gọi tân phúc âm hóa[7] được thực hiện trong hoán cải mục vụ, qua đó Giáo hội được thúc đẩy đi ra, và đặt mình trong tình trạng truyền giáo thường xuyên.46
Là một trong các hoạt động mục vụ của Giáo hội, việc dạy giáo lý cũng phải được canh tân để có tính chất truyền giáo hơn, theo nghĩa có khả năng làm cho người đã được rửa tội trở thành “môn đệ truyền giáo”[8], thành chủ thể tích cực của sứ mạng loan báo Tin Mừng của Giáo hội.[9] Cụ thể là người dạy giáo lý cũng như phương thức và ngôn ngữ dùng để dạy giáo lý phải được đổi mới.
2.1 Đổi mới lòng nhiệt thành của giáo lý viên
a. Giáo lý viên là người trải nghiệm tình yêu của Thiên Chúa
Căn tính và ơn gọi của giáo lý viên cũng như việc đào tạo giáo lý viên được đề cập đến ngay trong phần thứ nhất của Hướng Dẫn 2020: “Nhờ đức tin và việc xức dầu khi được rửa tội, trong sự cộng tác với Huấn quyền của Đức Kitô và như người tôi tớ của hành động của Chúa Thánh Thần, giáo lý viên là chứng nhân đức tin và người gìn giữ ký ức về Thiên Chúa […], là người thầy và nhà thần bí […], là người đồng hành và nhà giáo dục.”[10]
Để có thể đảm nhận vai trò quan trọng này, giáo lý viên phải là những người đã trải nghiệm tình yêu của Thiên Chúa và vì lý do này dấn thân phục vụ cho việc loan báo Tin Mừng. Nói cách khác, họ là những người đã gặp gỡ Chúa Giêsu trong niềm vui qua việc được Người giải thoát, nâng đỡ và ủi an, kết quả là được biến đổi sâu xa nhờ lời của Người.
b. Giáo lý viên là người luôn để cho lời loan báo Tin Mừng đầu tiên âm vang trong lòng
Lời loan báo Tin Mừng đầu tiên (kerygma) phải được âm vang trong lòng của giáo lý viên, trước khi vang vọng trong lòng của những người khác : “Lời loan báo đầu tiên hay kerygma phải là trung tâm của hoạt động phúc âm hóa và mọi nỗ lực canh tân của Giáo hội. [. . .] Lời loan báo đầu tiên được gọi là ‘đầu tiên’ không vì nó xuất hiện lúc ban đầu rồi sau đó bị quên lãng hoặc bị thay thế bằng những điều khác hay hơn. Nó là đầu tiên theo nghĩa chất lượng, vì nó là lời loan báo chính yếu, lời loan báo mà chúng ta phải nghe đi nghe lại bằng những cách khác nhau, lời loan báo mà chúng ta phải công bố cách này hay cách khác, ở mọi cấp độ và mọi lúc. [. . .] Chúng ta không được nghĩ rằng, trong việc dạy giáo lý, lời loan báo đầu tiên (kerygma) sẽ nhường chỗ cho một sự huấn luyện được coi là ‘vững chắc’ hơn. Không có gì vững chắc hơn, sâu sắc hơn, bảo đảm hơn, bền vững hơn và khôn ngoan hơn lời loan báo này. Tất cả việc huấn luyện kitô giáo hệ tại việc đào sâu kerygma được phản ánh trong và không ngừng soi sáng việc dạy giáo lý, nhờ đó giúp chúng ta hiểu đầy đủ hơn ý nghĩa của từng đề tài được khai triển trong việc dạy giáo lý. Nó là sứ điệp có khả năng đáp ứng niềm khát khao vô tận trong tâm hồn mỗi người”[11].
c. Giáo lý viên là người có khả năng dẫn người khác vào mầu nhiệm của Thiên Chúa
Theo Tông huấn Hãy vui mừng hoan hỉ (2018), hai mối nguy cơ chính yếu cho việc nên thánh của các Kitô hữu là Ngộ đạo thuyết (đề cao lý trí) và Tân Pêlagiô (đề cao ý chí) dẫn đến việc phủ nhận mầu nhiệm và ân sủng.[12]
Theo Hướng Dẫn 2020, giáo lý viên không chỉ là thầy dạy, mà còn là nhà thần bí, nghĩa là họ phải “có khả năng dẫn người khác vào mầu nhiệm của Thiên Chúa được mặc khải trong mầu nhiệm vượt qua của Đức Kitô; như hình ảnh của Thầy Giêsu, giáo lý viên có nhiệm vụ kép là truyền đạt nội dung đức tin và dẫn người khác vào chính mầu nhiệm đức tin. Giáo lý viên được kêu gọi mở ra cho những người khác chân lý về con người và ơn gọi tối hậu của họ, thông truyền sự hiểu biết về Đức Kitô, đồng thời dẫn họ vào những chiều kích khác nhau của đời sống Kitô hữu, vén mở các mầu nhiệm cứu độ chứa đựng trong kho tàng đức tin và được hiện thực hóa trong phụng vụ của Giáo hội.”[13]
d. Là giáo lý viên trước khi làm giáo lý viên
Giáo lý viên cần được đào tạo với nhiều chiều kích khác nhau: chiều kích biết sống với (savoir être avec, savoi-vivre), chiều kích kiến thức (savoir) và chiều kích thành thạo (savor-faire). Trong các chiều kích này, chiều kích sâu nhất liên quan đến việc là giáo lý viên, trước khi làm như một giáo lý viên. Thật vậy, việc đào tạo giúp một người trưởng thành như một con người, như một tín hữu, như một tông đồ (136). Việc đào tạo giúp giáo lý viên coi hoạt động dạy giáo lý của mình như một cơ hội để phát triển về nhân bản và đời sống Kitô hữu (139), tức phát triển khả năng tương quan, khả năng “biết cách sống với” (140); từ đó, thể hiện vai trò với sự tôn trọng tuyệt đối của lương tâm và nhân vị của người khác, tránh mọi hình thức lạm dụng, dù là quyền lực, lương tâm, tài chánh, hoặc tính dục (142).
Việc đào tạo của họ phải có chỗ cho việc huấn luyện Thần học và Kinh Thánh cũng như hiểu biết về con người và bối cảnh xã hội (143-147). Cuối cùng, trong chiều kích thành thạo, giáo lý viên được đào tạo để phát triển như một nhà giáo dục và truyền thông (148), có khả năng sư phạm và kể chuyện đức tin (149), biết cách làm việc trong sự hiệp thông với các giáo lý viên và những người làm mục vụ khác (150).
2.2 Đổi mới phương thức dạy giáo lý
a. Dạy giáo lý trong sự ra đi truyền giáo (49-50)
Giáo lý viên được kêu gọi đặt mình trong tình trạng truyền giáo thường xuyên và xem việc dạy giáo lý như một trong những việc đến với muôn dân của mình, bằng cách tìm kiếm những tia chân lý yếu ớt trong các hoạt động khác nhau của con người, bởi tin rằng Thiên Chúa hoạt động cách mầu nhiệm trong tâm hồn con người trước khi Tin Mừng đến với họ cách rõ ràng.
Cụ thể, giáo lý viên được khuyến khích dạy giáo lý theo cảm hứng của giáo lý dự tòng, vì hình thức dạy giáo lý này có đặc tính truyền giáo nội tại. Dạy giáo lý theo cảm hứng của giáo lý dự tòng bằng cách tiếp thu phong cách và sự năng động trong huấn luyện của nó, lấy lại và thực hiện cách sáng tạo trong nỗ lực hội nhập văn hóa các đặc tính chính yếu của nó như đặc tính Vượt qua, khai tâm, phụng vụ, nghi thức và biểu tượng, đặc tính cộng đoàn, hoán cải không ngừng và làm chứng, đặc tính tiệm tiến của kinh nghiệm huấn luyện.
Lộ trình sư phạm, với các đặc tính này, được đề nghị nhằm dẫn người tín hữu đến gặp gỡ cá vị với Chúa Giêsu qua Lời Chúa, qua hoạt động phụng vụ và bác ái, tích hợp mọi chiều kích của con người, để họ có thể lớn lên trong tinh thần đức tin và làm chứng cho cuộc sống mới trong thế giới (63-64).
b. Dạy giáo lý như dấu chỉ của lòng thương xót (51-52)
Lòng thương xót của Thiên Chúa được tỏ hiện nơi Chúa Giêsu, là tâm điểm của Mặc Khải. Vì thế, không có việc loan báo đức tin, nếu việc loan báo này không phải là dấu chỉ của lòng Chúa thương xót. Thật vậy, chính việc dạy giáo lý thực thi lòng thương xót, là thương “dạy dỗ kẻ ngu muội”, là dạy giáo lý bằng hành động. Thánh Augustinô xác quyết rằng việc dạy giáo lý trở thành “cơ hội để thương xót” ở chỗ “nó thỏa mãn trí thông minh của những người đói khát Lời Chúa.”[14]
Hơn nữa, dạy giáo lý là gì nếu không phải là dạy các tín hữu “thương xót như Chúa Cha” (Lc 6,36), bằng cách cổ võ họ hiểu biết và thực hành việc thương xót tinh thần và thể xác, khuyến khích họ tìm kiếm những việc làm mới đáp ứng các nhu cầu hiện tại.
c. Dạy giáo lý theo hướng trở nên “phòng thí nghiệm của đối thoại” (53-54)
Giáo hội được kêu gọi đối thoại với thế giới, ơn gọi này bắt nguồn từ mầu nhiệm Thiên Chúa, Đấng trong Chúa Giêsu bước vào cuộc đối thoại thân tình với nhân loại. Trong thời Tân Phúc Âm hóa, Giáo hội muốn việc dạy giáo lý nhấn mạnh đến phong cách đối thoại, để làm cho người ta dễ thấy hơn dung mạo của Chúa Con, Đấng thường dừng lại để bắt đầu đối thoại với từng người, nhẹ nhàng dẫn họ đến chỗ khám phá ra nước hằng sống, như đã làm cho người phụ nữ Samari bên giếng nước (x. Ga 4,5-42).
Theo nghĩa này, việc dạy giáo lý là một “phòng thí nghiệm”đích thực của đối thoại, bởi vì trong sâu thẳm của mỗi người, việc dạy giáo lý gặp được sự sống động và phức tạp, những khát khao và tìm kiếm, những giới hạn và đôi khi cả những sai lầm của xã hội và các nền văn hóa của thế giới đương thời. Qua đối thoại mục vụ, việc dạy giáo lý tìm cách chạm đến trái tim của người khác và gieo vào đó Tin Mừng. Hướng Dẫn 2020 chỉ cho chúng ta một kiểu mẫu dạy giáo lý theo phương thức đối thoại; đó là “sự đồng hội đồng thuyền của Chúa Giêsu với hai môn đệ Emmau, cùng đi với họ, đối thoại, đồng hành, giúp họ mở mắt ra, là nguồn cảm hứng cho việc cùng đi với họ”[15].
Giáo hội khằng định mình không có phương pháp riêng để rao giảng Tin Mừng. Giáo lý viên có thể sử dụng nhiều phương pháp khác nhau, miễn là những phương pháp này “vừa trung thành với Thiên Chúa, vừa trung thành với con người”; vừa phản ánh bản chất của sứ điệp Tin Mừng với những nguồn mạch của nó, vừa chú ý đến những hoàn cảnh cụ thể của cộng đoàn giáo hội và của cá nhân những người đã được rửa tội, để tránh bất cứ sự tương phản, tách biệt hay thờ ơ giữa phương pháp và nội dung. Điều quan trọng là hãy nhớ rằng mục đích giáo dục của việc dạy giáo lý quyết định việc chọn lựa phương pháp luận (194-195).
2.3 Đổi mới ngôn ngữ dạy giáo lý
Việc dạy giáo lý là một hoạt động sư phạm được diễn đạt theo những ngôn ngữ khác nhau, đồng thời có một ngôn ngữ riêng : ngôn ngữ của đức tin để giúp chúng ta hiểu và sống đức tin. Trong lịch sử, Hội Thánh truyền đạt đức tin của mình qua Sách Thánh (ngôn ngữ thánh kinh), qua các biểu tượng và các nghi lễ phụng vụ (ngôn ngữ phụng vụ-biểu tượng), qua tác phẩm của các giáo phụ, các Tín biểu, những công thức của Huấn Quyền (ngôn ngữ giáo thuyết), và qua chứng từ của các thánh và các vị tử đạo (ngôn ngữ huấn luyện). Việc dạy giáo lý thích nghi cách sáng tạo những ngôn ngữ văn hóa của các dân tộc, nhờ những ngôn ngữ này đức tin được diễn tả cách đặc thù. Như thế, việc dạy giáo lý là bối cảnh của hội nhập đức tin (204-206). Hướng Dẫn 2020 nêu ra hai thứ ngôn ngữ chính là ngôn ngữ kể chuyện và ngôn ngữ nghệ thuật, kết hợp với công cụ kỹ thuật số.
a. Ngôn ngữ kể chuyện
Việc dạy giáo lý quan tâm đến ngôn ngữ kể chuyện và tự thuật. Kể chuyện không chỉ như một công cụ ngữ học, nhưng trên hết như một phương tiện qua đó người ta hiểu mình và thực tại xung quanh, và cho kinh nghiệm của mình một ý nghĩa.
Trong nhiều thế kỷ, Hội Thánh tiếp tục kể lại câu chuyện cứu độ mà trọng tâm của nó là mầu nhiệm Phục sinh. Câu chuyện ấy cuốn hút mọi chiều kích của con người: tình cảm, nhận thức, ý chí, đồng thời làm nổi bật lên chiều kích lịch sử và ý nghĩa hiện sinh của đức tin, khi đan xen một cách phong phú câu chuyện về Đức Giêsu với đức tin của Hội Thánh và đời sống của những người kể cũng những người nghe (207-208).
b. Ngôn ngữ của nghệ thuật
Những hình ảnh nghệ thuật Kitô giáo, khi xác thực, giúp cảm nhận Thiên Chúa đang sống, hiện diện và hoạt động trong Giáo hội và lịch sử. Các hình ảnh có thể giúp mọi người có được kinh nghiệm gặp gỡ Thiên Chúa nhờ chiêm ngắm cái đẹp. Việc sử dụng hình ảnh trong việc dạy giáo lý giúp lĩnh hội sự hiểu biết xa xưa của Giáo hội. Nó giúp tín hữu biết và nhớ lại những biến cố của lịch sử cứu độ cách nhanh lẹ hơn.
Âm nhạc làm cho tinh thần con người thấm nhuần khát vọng đối với cái vô hạn. Những hình thức trình bày nghệ thuật khác nhau như văn chương, kịch nghệ, phim ảnh, vv..., làm cho con người mở ra với ngôn ngữ của cảm xúc, khi giúp họ không chỉ là khán giả của hoạt động nghệ thuật, nhưng còn tham gia vào việc trình diễn (209-212).
Các ngôn ngữ và công cụ kỹ thuật số
Ngôn ngữ của việc dạy giáo lý tất yếu giao thoa với mọi chiều kích của truyền thông và những công cụ của nó. Những kỹ thuật mới tạo ra cơ sở hạ tầng văn hóa mới ảnh hưởng trên truyền thông và đời sống của con người. Trong không gian ảo mà nhiều người nghĩ không kém quan trọng hơn thế giới thật, mọi người tiếp nhận tin tức và thông tin, khai triển và trình bày ý kiến, dấn thân vào tranh luận, đối thoại và tìm kiếm câu trả lời cho những vấn nạn của họ.
Trong Hội Thánh, thường có thói quen truyền thông một chiều bằng chữ viết phải phấn đấu để truyền đạt cho người trẻ là những người quen thuộc với ngôn ngữ được tạo ra bởi sự tổng hợp của chữ viết, âm thanh và hình ảnh. Những dạng thức kỹ thuật số của truyền thông cung cấp nhiều khả năng lớn hơn để thay thế, trong đó chúng mở ra cho sự tương tác. Những kỹ thuật thông tin và truyền thông, truyền thông xã hội và các thiết bị kỹ thuật số tạo điều kiện thuận lợi cho nỗ lực cộng tác, chia sẻ công việc, trao đổi kinh nghiệm và kiến thức.
Giáo lý viên ngày nay phải biết mức độ mà thế giới ảo có thể để lại những dấu ấn sâu xa, cách riêng nơi những người trẻ hay cho những kẻ yếu hơn, và có thể ảnh hưởng ra sao trong việc quản lý cảm xúc hay tiến trình xây dựng căn tính của một người. Vì thế, thực tại ảo không thể thay thế cho thực tại thiêng liêng, bí tích và giáo hội, được kinh nghiệm bằng sự gặp gỡ trực tiếp giữa những con người (213-217).
Lời kết
Đọc Hướng Dẫn 2020 như “một điểm đến và một khởi đầu mới” trong hành trình canh tân việc dạy giáo của Giáo hội suốt hai mươi thế kỷ qua, chúng ta có dịp đặt mình trong sự chuyển động của hoạt động giáo lý, dẫu có lúc trầm xuống, nhưng vẫn không ngừng đi lên trong thời gian qua. Từ đó, chúng ta thấy được chỗ đứng hiện tại của mình, để rồi được mời gọi như người khôn ngoan “lấy ra từ trong kho tàng của mình cả cái mới lẫn cái cũ” (Mt 13,52).
Trước hết, cảm thức thuộc về Giáo hội thúc đẩy chúng ta chia sẻ với thao thức truyền giáo cũng như “vui mừng và hy vọng, âu sầu và lo lắng” của Giáo hội khi đối diện với những vấn đề mới xuất phát từ những thách đố của xã hội hiện đại. Kế đến, chúng ta đáp lại lời kêu gọi Tân Phúc Âm hóa của Giáo hội bằng cách tham gia vào cuộc hoán cải mục vụ, đặc biệt trong lãnh vực dạy giáo lý mà Bộ Tân Phúc Âm hóa đã hướng dẫn. Cuối cùng, chúng ta phải phát huy sức mạnh tinh thần của Hướng Dẫn 2020 nơi những người có trách nhiệm linh hoạt cho công cuộc canh tân việc dạy giáo lý trong các giáo phận, để nó thực sự góp phần đổi mới việc dạy giáo lý theo hướng phục vụ cho công cuộc Tân Phúc Âm hóa trong khi nhấn mạnh đến tính truyền giáo.
Thật vậy, những vấn đề mới mà Giáo hội hoàn vũ được mời gọi sống với trong bối cảnh văn hóa hiện nay cũng là những vấn đề của chúng ta. Vào ngày 28/6/2023, trong cuộc gặp gỡ đoàn ký giả Công giáo Áo, nhân dịp họ về thăm Rôma, Đức Tổng Giám mục Fisichella – Quyền Tổng Trưởng Bộ Loan Báo Tin Mừng – nhận định rằng các thế hệ trẻ ít nhận được dấu hiệu đức tin từ cha mẹ, từ đó nảy sinh một thứ văn hóa, trong đó tôn giáo bị đẩy vào một góc; trước đây con người để Thiên Chúa ở trung tâm, ngày nay người ta sống như thể không có Thiên Chúa. Tình trạng này không phải chỉ là vấn đề cho đức tin, nhưng cũng là một vấn đề cho con người vì một xã hội không có Thiên Chúa thì rất nguy hiểm, do không còn thẩm quyền nào bảo đảm phẩm giá của con người; người trẻ sống bằng văn hóa kỹ thuật số với các điện thoại di động “thông minh”, trong khi Giáo hội sử dụng Internet với một ngôn ngữ khác, nên người trẻ không còn hiểu chúng ta nữa.[16] Tại Việt Nam, số ơn gọi linh mục và tu sĩ bắt đầu giảm sút, cách riêng ơn gọi đến từ các thành thị; nhiều tín hữu lìa xa đời sống giáo hội và lìa bỏ đức tin, các giáo phái gia tăng, các lễ hội tôn giáo mất đi giá trị tín ngưỡng tâm linh mà chỉ còn là nơi kinh doanh và mê tín vv…
Giống như Giáo hội, chúng ta thấy chính mình đối diện với một “giai đoạn mới của công cuộc phúc âm hóa”[17] vì Thần Khí của Đấng Phục Sinh vẫn tiếp tục khơi lên niềm khao khát Thiên Chúa trong con người, và khơi lên trong Giáo hội một sự nhiệt thành mới, những phương pháp mới, và những cách diễn tả mới để loan báo Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô. Nhìn chung, hoạt động giáo lý của chúng ta vẫn còn phong phú và sống động, đội ngũ giáo lý viên cũng rất đông và rất trẻ, nhiều giáo lý viên vừa phục vụ giảng dạy vừa tham gia các khóa đào tạo kéo dài trong nhiều năm để trau dồi khả năng và nâng cao chất lượng giảng dạy, nhiều giáo phận có trung tâm mục vụ, nhiều giáo xứ có nhà mục vụ, nhà giáo lý vv… Tuy nhiên, với những thuận lợi hiện có, chúng ta dễ nghiêng chiều theo hướng bảo tồn hơn là phát triển, mà không phát triển thì có nguy cơ “cả cái đang có sẽ bị lấy đi” (x. Mc 4,25).
Để Hướng Dẫn 2020 phát huy được sức mạnh của nó và thực sự góp phần đổi mới việc dạy giáo theo hướng phục vụ cho công cuộc Tân Phúc Âm hóa, thiết nghĩ chúng ta cần hoàn thành bản dịch tiếng Việt để có cơ sở học hỏi, nghiên cứu và hoàn chỉnh Bản Hướng dẫn Việc Dạy Giáo lý tại Việt Nam đã được Hội Đồng Giám Mục cho thử nghiệm từ năm 2017. Cuối cùng, mạnh dạn chuyển đổi từ hình thức dạy giáo lý phục vụ cho giáo thuyết và tập chú vào kiến thức, sang hình thức dạy giáo lý dựa trên Lời Chúa và chú trọng đến tương giao, đặc biệt quan tâm đến việc phục hồi Giáo lý dự tòng và Nghi thức Khai tâm Kitô giáo cho người lớn. Có như thế, Hướng dẫn 2020 mới thực sự là một khởi đầu mới!
--------------------------
CÂU HỎI THẢO LUẬN
1. Quý anh chị nghĩ thế nào về đề nghị của HĐGH Cổ võ Tân Phúc Âm hóa nay là Phân bộ Tân Phúc Âm hóa canh tân việc dạy giáo lý theo hướng dạy giáo lý “trong sự ra đi truyền giáo”, dạy giáo lý “như dấu chỉ của lòng thương xót”, và dạy giáo lý theo hướng trở nên “phòng thí nghiệm của đối thoại”?
2. Quý anh chị nghĩ thế nào về hai đặc điểm nổi bật của Hướng Dẫn 2020, đó là tính loan báo Tin Mừng đầu tiên (kerygmatic catechesis) và tính khai tâm nhiệm huấn (mystagogic initiation) của việc dạy giáo lý, cũng như nỗ lực phục hồi Giáo lý Dự tòng và Nghi thức Khai tâm Kitô giáo cho người lớn?
[1] x. Joel Molinario, La nature de la doctrine dans le Directoire pour la catéchèse, Revue Lumen Vitae 76, 143-155
[2] x. Joel Molinario, La nature de la doctrine dans le Directoire pour la catéchèse, Lumen Vitae 76, 143-155.
[3] Thánh Giáo hoàng Phaolô VI, Tông huấn Evangelii Nuntiandi, số 14.
[4] Đức Phanxicô, Tông huấn Evangelii Gaudium, số 273.
[5] x. Albertine llunga Nkulu, Les trois directoires catéchétique lus sous l’angle de l’ évangélisation, Lumen Vitae 76, 157-168.
[6] ĐGH Phanxicô, Tông huấn Evangelii Gaudium, số 1-17.
[7] ĐGH Gioan Phaolô II, Bài giảng trong Thánh lễ tại đền thánh Santa Croce (09-06-1979); Tông huấn Christifideles Laici, số 34.
[8] Nt., số 120. Ngoài ra Hội nghị các giám mục lần thứ năm của Châu Mỹ La Tinh và vùng Caribê, văn kiện Aparecida (30-05-2007), số 129-346.
[9] X. Hội đồng Giáo hoàng Cổ võ cho Tân Phúc Âm hóa, Hướng dẫn việc Dạy Giáo lý, 38-40.
[10] Sđd., 113.
[11] Nt., số 164-165.
[12] X. Tông huấn Vui Mừng và Hoan Hỉ, chương II.
[13] HDGL 2020, 113b
[14] Thánh Augustinô thành Hippo, De catechizandis rudibus, 1.14.22.
[15] HĐGH Cổ võ cho Tân Phúc Âm hóa, Hướng dẫn việc Dạy giáo lý (23/3/2020), 244.
[16] x. https://vietnamese.rvasia.org/tin-giáo-hội/đức-tổng-giám-mục-fisichella-phê-bình-sự-thiếu-thông-truyền-đức-tin
[17] ĐGH Phanxicô, Tông huấn Evangelii Gaudium, số 1-17.
Tin mới đăng:
- 13/01: THÁNH HILARIÔ, ĐAMINH KHẢM, LUCA THÌN Và GIUSE TẢ (12/01/2025)
- Thứ Hai Tuần I - Mùa Thường Niên (12/01/2025)
- 12 Tháng Giêng - Thánh Antôn Maria Pucci (1819 - 1892) & Thánh Marguerite Bourgeoys (1620-1700) (11/01/2025)
- LỄ CHÚA GIÊ-SU CHỊU PHÉP RỬA lễ kính (11/01/2025)
- Thứ Bảy sau lễ Hiển Linh (11/01/2025)
Các tin khác:
- Tiếp kiến chung 18/12/2024 - Loạt bài giáo lý mới trong Năm Thánh: Chúa Giêsu niềm hy vọng của chúng ta (20/12/2024)
- Tiếp kiến chung ngày 4/12/2024 - Rao giảng Tin Mừng là rao giảng về Chúa Kitô chứ không phải về chính mình (05/12/2024)
- Tiếp kiến chung 27/11: Phúc Âm là tin vui - Không thể loan báo với gương mặt chảy dài và u sầu (28/11/2024)
- Không có Kitô hữu hạng hai; mỗi người có đặc sủng hữu ích cho cộng đoàn (20/11/2024)
- Đức Mẹ dẫn chúng ta đến với Chúa Giêsu (19/11/2024)
- Tiếp kiến chung 16/10: Đức tin giải thoát chúng ta khỏi nỗi sợ rằng mọi sự kết thúc sau cái chết (18/10/2024)
- Tiếp kiến chung 18/09/2024 - ĐTC Phanxicô: Tôi nhìn thấy một Giáo hội sống động tại Á Châu và Châu Đại dương (21/09/2024)
- Tiếp kiến chung 28/8/2024 - ĐTC Phanxicô: Thế giới phải nghe tiếng kêu của người di dân đang chết trong các sa mạc và biển cả (28/08/2024)
- BAN GIÁO LÝ TOÀN QUỐC CHÚC MỪNG ĐỨC CHA TÂN CỬ GIOAN BAOTIXITA NGUYỄN HUY BẮC (14/07/2024)
- Tiếp kiến chung 26/6/2024: Ngăn chặn sản xuất và buôn bán ma túy là nghĩa vụ đạo đức (28/06/2024)
- Tiếp kiến chung 19/6: Các Thánh Vịnh giúp cho lời cầu nguyện không trở nên nghèo nàn khi chỉ có lời cầu xin (24/06/2024)
- Tiếp kiến chung 12/6/2024: Hãy mang theo Sách Tin Mừng trong túi. Đọc Tin Mừng là điều quan trọng cho cuộc sống (13/06/2024)
- Tiếp kiến chung 5/6/2024: Chúa Thánh Thần mang lại tự do đích thật cho chúng ta (06/06/2024)
- Tiếp kiến chung (29/5): Bắt đầu loạt bài giáo lý về Thánh Thần và Hiền Thê (29/05/2024)
- Tiếp kiến chung (29/5): Bắt đầu loạt bài giáo lý về Thánh Thần và Hiền Thê (29/05/2024)