CHÚA THÁNH THẦN, VỪA LÀ NGÔI VỊ, VỪA LÀ THỰC TẠI CỦA MỌI SỰ HIỆP THÔNG
06 / 06/ 2020, 02:06:11
Cơ sở của nhận định: “Chúa Thánh Thần, vừa là Ngôi vị vừa là Thực tại của mọi sự hiệp thông” là mặc khải của chính Đức Kitô Giêsu, Con và là Ngôi Lời Thiên Chúa làm người, Đấng đã nói: “Tôi và Chúa Cha, Chúng tôi là Một” (Ga 10,30) và “Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha” (Ga 14,9b; x. 12,45… Mặc khải này được tỏ lộ ra không chỉ qua những “lời”, những “hành vi”, những “hành động” của Đức Kitô Giêsu trong cuộc sống trần thế hay trong những “biến cố” xảy ra trong cuộc đời trần thế của Người, mà còn cả trong những công trình Tạo dựng, Nhập thể, Mặc khải và Siêu độ vốn liên quan mật thiết đến Người, bởi vì chính Người là nguyên lý, trung gian và là cùng đích của tất cả những công trình đó:
“Công trình tạo dựng là nền tảng của ‘tất cả mọi kế hoạch siêu độ của Thiên Chúa’, là ‘khởi đầu của lịch sử siêu độ’ mà Đức Kitô là tột đỉnh. Ngược lại, mầu nhiệm Đức Kitô lại là ánh sáng giúp thấu hiểu cách dứt khoát mầu nhiệm tạo dựng; mầu nhiệm Đức Kitô mặc khải cho thấy cùng đích của việc tại sao từ nguyên thủy, Thiên Chúa đã tạo dựng trời đất’ (St 1, 1): ngay từ nguyên thủy, Thiên Chúa đã nhắm tới vinh quang của công trình tạo dựng mới trong Đức Kitô”[1].
1. Chúa Thánh Thần, Đấng nhờ và nơi Ngài Ba Ngôi Thiên Chúa hiệp thông với nhau
Ở đây, sự hiệp thông giữa Ba Ngôi Thiên Chúa với nhau được hiểu cả nơi nội thân các Ngài (Trinité immanente) và cả trong kế hoạch dành cho các thụ tạo (Trinité économique), bao gồm các công trình: Tạo dựng, Nhập thể, Mặc khải, và Siêu độ…
1.1. Sự hiệp thông nơi nội thân Ba Ngôi Thiên Chúa
Nói theo ngôn ngữ của Karl Rahner, nhà thần học Dòng Tên nổi tiếng, người ta chỉ có thể biết được phần nào mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi nơi nội thân qua mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi được mặc khải ra bởi Đức Kitô Giêsu và nơi các công trình tế thế (économique) đối với các thụ tạo.
Đoạn Tin Mừng Gioan 10, 30 đã được bản dịch TOB chuyển ngữ cách rất tuyệt vời: “…Moi et le Père, Nous sommes Un”, và chúng tôi mạo muội chuyển qua Việt ngữ: “Tôi và Chúa Cha, Chúng tôi là Một”.
Trong ngôn ngữ Việt Nam, các đại danh xưng (pronoms) vốn rất phong phú, trong cùng lúc có thể phản ảnh và diễn đạt được rất nhiều cung bậc, nhiều mối quan hệ khác nhau và rất tế vi, tùy vào những tương quan và thứ bậc người ta có với nhau. Thí dụ : để phản ảnh cùng một đại danh xưng “Je” (Moi), ở ngôi thứ nhất, ngôn ngữ Việt Nam có thể diễn tả qua “Tôi” (trẫm, tao, em, anh, chú, bác, cô, dì, mẹ, cha, con, v.v…); để phản ảnh cùng một đại danh xưng “Tu” (Toi), ở ngôi thứ hai, ngôn ngữ Việt Nam có thể diễn tả qua “Anh” (ngài, mày, em, anh, chú, bác, cô, dì, mẹ, cha, con, v.v…); để phản ảnh cùng một đại danh xưng “Il” (Lui), ở ngôi thứ ba, ngôn ngữ Việt Nam có thể sử dụng “Nó” (ngài ấy, hắn, y, y thị, thằng cha, thằng chả, v.v…).
Cũng vậy, hai đại danh xưng “Chúng tôi” và “Chúng ta” trong tiếng Việt cũng không hoàn toàn giống nhau. Đại danh xưng “Chúng tôi” (Nous) thường được sử dụng trong trường hợp khi ngôi thứ nhất và ngôi thứ ba nói với ai đó ở ngôi thứ hai, thí dụ: “Tôi (Moi, je) và em tôi (lui, il), chúng tôi (nous) là một”, như vậy, ở đây bao gồm tương quan giữa ba ngôi vị (moi, lui, toi); còn đại danh xưng “Chúng ta” thường được sử dụng trong trường hợp khi ngôi thứ nhất nói với ngôi thứ hai, và chỉ giữa hai ngôi vị mà thôi, thí dụ người chồng nói với người vợ: “Anh (Moi, Je) và em (Toi, Tu), chúng ta (nous) là một”, ở đây chỉ có tương quan giữa hai ngôi vị.
Bởi vì Ba Ngôi Thiên Chúa luôn tương tại và tương ngụ trong nhau, và bởi vì Chúa Thánh Thần thường được coi như là thực tại liên kết Ba Ngôi lại với nhau, vì thế, chúng tôi nghĩ rằng dù mặc khải này (x. Ga 10,30) có được nói với đám đông người Do thái, nhưng cũng hàm ý đó là một mặc khải của Đức Kitô Giêsu về Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi. Đại danh xưng “Chúng tôi” (Nous) ở đây, như vậy, diễn tả tương quan hiệp thông giữa ba cái “tôi” (les trois “Moi” = Chúng tôi) với nhau, hay nói cách khác, giữa ba ngôi vị với nhau. Và như vậy, điều đó đồng thời cũng có nghĩa Chúa Thánh Thần vừa là Ngôi vị (le Moi) vừa là Thực tại hiệp thông (le Nous) nơi mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi.
Trong tương quan giữa Ba Ngôi Thiên Chúa với nhau, Chúa Cha, Chúa Con, Chúa Thánh Thần, tùy cương vị được nhấn mạnh, có thể là “Je, Moi” (Tôi), có khi là “Tu, Toi” (Anh, Ngài), có khi là “Il, Lui” (Ngài ấy). Và khi Ba Ngôi hiệp nhất với nhau trong Thánh Thần Tình Yêu, trở thành “Chúng tôi” (le Nous), trong đó Chúa Thánh Thần vừa là Ngôi vị vừa là Thực tại hiệp thông:
“Nguyện chúc Đức Chúa Giêsu Kitô Ân sủng, Thiên Chúa Tình yêu và Thánh Thần hiệp thông ở cùng tất cả anh em” (2 Cr 13,13).
"Sự sống của Ba Ngôi Thiên Chúa chính là sự mỗi Ngôi vị tự làm cho mình nghèo đi trong tương quan với chính mình, là sự mỗi Ngôi vị tự hủy mình đi để hoàn toàn trao ban chính mình cho Ngôi vị khác và như vậy là thể hiện sự hiệp thông tột đỉnh giữa nhau. Trong tự do của mình, Cha tự trao ban mình cho Con, và Con đón nhận Cha trong cũng cùng một sự tự do như vậy và tự trao ban chính mình cho Cha trong Thần Khí, và Thần Khí như là cái “Chúng tôi”, vốn là hiện thân của tình trạng Ba Ngôi Thiên Chúa tự làm cho mình nghèo đi: Thần Khí của sự tự do của các Ngôi vị và của ân huệ được ban cho Ngôi vị khác”[2].
Hoặc nói theo ngôn ngữ Phật giáo, đó là những tương quan “tương tức” (= “luôn là nhau”), “tương nhập” (= “hằng ở trong nhau, hằng thuộc về nhau, hằng có nhau”), “tương tác” (= “hằng luôn tác động lên nhau, cho nhau và vì nhau”). Hay theo ngôn ngữ “kiếm hiệp Trung Hoa”, “thân vô kỷ”, tức thân đó là mình nhưng không là của mình mà là của nhau hay của mọi người!
Thực tại “Chúng tôi” và “Chúng ta” chỉ hiện hữu và tồn tại khi người ta yêu nhau, và khi người ta hết yêu nhau, chỉ còn những cái “tôi” đơn lẻ, cô đơn, xa cách nhau, chẳng còn là gì đối với nhau. Hay nói cách khác, Ba Ngôi vị chỉ hiệp thông với nhau như cái “Chúng tôi” khi các Ngài chính là Tình Yêu (x. 1 Ga 4,8b), là Ân sủng đối với nhau, là nguyên lý của sự hiệp thông của nhau (x. 2 Cr 13,13).
Chính Thánh Thần Tình Yêu là Đấng tạo ra thực tại Chúng tôi, là Đấng liên kết các ngôi vị, các cái tôi, các cá thể riêng lẻ lại với nhau để tạo nên thực tại hiệp thông như là Một, tạo nên cái “Chúng tôi”. Kinh nghiệm trong đời sống thường ngày cho chúng ta hiểu được điều đó. Khi người ta yêu nhau, người ta mới có thể là nhau, là “mình”, và tất cả mọi sự người ta “có” mới có thể là của nhau (x. Ga 16,15; 17,10).
“Thiên Chúa là Tình yêu.” (1 Ga 4,8b).
“Khi nào Thần Khí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn. Người sẽ không tự mình nói điều gì, nhưng tất cả những gì Người nghe, Người sẽ nói lại và loan báo cho anh em biết những điều sẽ xảy đến. Người sẽ tôn vinh Thầy, vì Người sẽ lấy những gì là của Thầy mà loan báo cho anh em. Mọi sự Chúa Cha có đều là của Thầy. Vì thế, Thầy đã nói: Người lấy những gì là của Thầy mà loan báo cho anh em.” (Ga 16,13-15).
“Tất cả những gì con có đều là của Cha, tất cả những gì Cha có đều là của con” (Ga 17,10).
Ngoài ra, nơi mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi, chính Thánh Thần Tình Yêu của Cha là nguyên lý của hành vi nhiệm sinh, của nguồn gốc hiện hữu của tha thể (x. 1 Ga 4,7b), bởi vì tình yêu đích thực luôn đòi phải có những “Đối tác” (partenaires) trong Tình yêu (x. Tv 110 [109],3; Mt 3,16-17; Mc 1,10-11; Lc 3,22). Chẳng ai lại đi yêu chính mình, nếu “mình” đây chỉ là một cái “tôi” độc nhất, đơn độc!
“Đức Chúa phán bảo rằng: ‘ …Ngay trước lúc hừng đông xuất hiện, tự lòng Cha, Cha đã sinh ra Con’” (Tv 110 [109],3b).
“Khi Đức Giêsu vừa chịu phép rửa xong, Người lên khỏi nước. Lúc ấy các tầng trời mở ra; Người thấy Thần Khí Thiên Chúa đáp xuống như chim bồ câu và ngự trên Người. Và có tiếng từ trời phán rằng: ‘Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người’” (Mt 3,16-17; x. Mc 1,10-11; Lc 3,22).
“Phàm ai yêu thương, thì đã được Thiên Chúa sinh ra, và người ấy biết Thiên Chúa” (1 Ga 4,7b).
Nơi mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi, cách vĩnh hằng, Chúa Cha “yêu Con” sinh ra Chúa Con (Unigenitus), hay nói cách khác, khiến Con là Con của Cha; Chúa Con “yêu Cha” khiến Cha hiện diện, hay nói cách khác, khiến Cha là Cha của Con; Chúa Cha và Chúa Con yêu nhau khiến Thánh Thần Tình Yêu nhiệm xuất (procedit ex…) và hiện diện như một Ngôi vị, hay nói cách khác, khiến Thánh Thần Tình Yêu trong cùng lúc trở thành Thánh Thần Tình Yêu vừa của Cha vừa của Con, tạo nên thực tại hiệp thông, nơi cả Ba Đấng cùng tồn tại như thực tại “Chúng tôi”, hay như Một.
Có một điều cần lưu ý là vì bắt buộc phải sử dụng thứ ngôn ngữ biểu tượng bất toàn vốn bị khống chế bởi phạm trù không - thời gian, nên người ta dễ bị cám dỗ coi Chúa Con vì được sinh ra bởi Chúa Cha như là hiện hữu “sau” Chúa Cha; và coi Chúa Thánh Thần như là hiện hữu “sau” Chúa Cha và Chúa Con, vì được nhiệm xuất từ Chúa Cha và từ Chúa Con ! Những hạn từ “được sinh ra bởi” hay “được nhiệm xuất từ” thực ra vốn được sử dụng để ám chỉ những cương vị (Cha, Con, Thánh Thần) nơi mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi, hơn là chỉ nguồn gốc, bởi vì khi nói nguồn gốc có nghĩa là đã có vấn đề “trước, sau”!
Tóm lại, chính Thánh Thần Tình Yêu là hiện trường và là Đấng làm cho Ba Ngôi Thiên Chúa hằng luôn “là nhau”, “hằng luôn ở trong nhau” và hằng luôn “tác động lên nhau, sống cho nhau và vì nhau”, và là cơ sở của mọi sự hiệp thông…
1.2. Sự hiệp thông giữa Ba Ngôi Thiên Chúa trong các công trình liên quan đến các thụ tạo (Trinité économique)
Sự hiệp thông không chỉ có trong nội thân mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi, mà còn được thể hiện ra trong các công trình Tạo dựng, Nhập thể, Mặc khải và Siêu độ, bởi vì tất cả các công trình này không phải riêng của một Ngôi vị nào mà luôn là của cả Ba Ngôi vị.
Đó chính là cơ sở của một định đề thần học nổi tiếng của nhà thần học Dòng Tên Karl Rahner: “Mầu nhiệm Ba Ngôi Thiên Chúa nơi Nhiệm cục liên quan đến các thụ tạo chính là Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi nơi thế giới nội tại của các Ngài, và ngược lại.” (La Trinité économique est la Trinité immanente, et inversement). Và điều đó chỉ có thể khi tương quan giữa Ba Ngôi luôn là “tương tức”, “tương nhập” và “tương tác” đối với nhau.
Khi nói Ba Ngôi “tương tức”, có nghĩa Ba Ngôi luôn là nhau, hay nói cách khác, khi thấy Chúa Con là thấy Chúa Cha và Chúa Thánh Thần. Chính vì thế, Đức Giêsu đã có thể khẳng định: “Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha” (Ga 14,9b; x. 12,45). Tuy nhiên, điều làm cho Ba Ngôi khác biệt nhau đó là cương vị Cha, cương vị Con và cương vị Thánh Thần thì luôn vẫn tồn tại. Ba Ngôi Thiên Chúa có thể trao ban cho nhau tất cả, là nhau, trừ cương vị là Cha, cương vị là Con và cương vị là Thánh Thần Tình Yêu.
Khi nói Ba Ngôi “tương nhập”, có nghĩa Ba Ngôi hằng luôn ở trong nhau, thuộc về nhau, và luôn là của nhau:
“Ông Philipphê nói: ‘Thưa Thầy, xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha, như thế là chúng con mãn nguyện.’ Đức Giêsu trả lời: ‘Thầy ở với anh em bấy lâu, thế mà anh Philipphê, anh chưa biết Thầy ư ? Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha. Sao anh lại nói: ‘Xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha?’ Anh không tin rằng Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy sao ?” (Ga 14,8-10a).
Khi nói Ba Ngôi “tương tác”, có nghĩa là Ba Ngôi luôn tác động lên nhau, qua lại với nhau, cho nhau và vì nhau:
“Anh không tin rằng Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy sao? Các lời Thầy nói với anh em, Thầy không tự mình nói ra. Nhưng Chúa Cha, Đấng luôn ở trong Thầy, chính Người làm những việc của mình. Anh em hãy tin Thầy: Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy; bằng không thì hãy tin vì công việc Thầy làm.” (Ga 14,10-11).
Trước tiên, công trình Tạo dựng là công trình của Ba Ngôi Thiên Chúa, dù được thể hiện nhờ, qua và trong Đức Kitô Giêsu, Con và Ngôi Lời Thiên Chúa (St 1,1-31-2,1-4a):
“Lúc khởi đầu, Thiên Chúa sáng tạo trời đất. Đất còn trống rỗng, chưa có hình dạng, bóng tối bao trùm vực thẳm, và Thần khí Thiên Chúa bay lượn trên mặt nước. Thiên Chúa phán: ‘Phải có ánh sáng’. Liền có ánh sáng…” (St 1,1-3).
Thứ đến, trong công trình mặc khải, sự hiệp thông giữa Ba Ngôi Thiên Chúa càng rõ nét (Mt 3,13-17; Mc 1,7-11; Lc 3,15-16.21-22; x. Ga 16,13-15):
“Bấy giờ, Đức Giêsu từ miền Galilê đến sông Giođan, gặp ông Gioan để xin ông làm phép rửa cho mình […]. Khi Đức Giêsu chịu phép rửa xong, vừa ở dưới nước lên, thì các tầng trời mở ra. Người thấy Thần Khí Thiên Chúa đáp xuống như chim bồ câu và ngự trên Người. Và có tiếng từ trời phán: ‘Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người’” (Mt 3,13.16-17).
“Khi nào Thần Khí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn. Người sẽ không tự mình nói điều gì, nhưng tất cả những gì Người nghe, Người sẽ nói lại và loan báo cho anh em biết những điều sẽ xảy đến. Người sẽ tôn vinh Thầy, vì Người sẽ lấy những gì là của Thầy mà loan báo cho anh em. Mọi sự Chúa Cha có đều là của Thầy. Vì thế, Thầy đã nói: Người lấy những gì là của Thầy mà loan báo cho anh em.” (Ga 16,13-15).
Sự hiệp thông giữa Ba Ngôi Thiên Chúa trong Chúa Thánh Thần còn được tỏ bày nơi công trình Nhập thể làm người của Đức Kitô Giêsu, Con và Ngôi Lời Thiên Chúa làm người, “vì loài người chúng ta” và “để cứu rỗi chúng ta” (x. Lc 1,26-38; Mt 1,18; Lc 4,1-2):
“Bà Êlisabet có thai được sáu tháng, thì Thiên Chúa sai sứ thần Gabrien đến một thành miền Galilê, gọi là Nadaret, gặp một trinh nữ đã đính hôn với một người tên là Giuse, thuộc dòng dõi vua Đavit. Trinh nữ ấy tên là Maria […]. Sứ thần nói: ‘Nầy đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giêsu’ […]. Bà Maria thưa với sứ thần: ‘Việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến người nam!’ Sứ thần đáp: ‘Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà, vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa’” (Lc 1,26-27.30.34-35).
“Đức Giêsu được đầy Thánh Thần, từ sông Giođan trở về. Suốt bốn mươi ngày, Người được Thánh Thần dẫn đi trong hoang địa và chịu quỷ cám dỗ …” (Lc 4,1-2).
Có thể nói rằng trong tất cả các công trình tế thế của Thiên Chúa Ba Ngôi, Chúa Thánh Thần luôn luôn đồng hành với Đức Kitô Giêsu, Con và là Ngôi Lời Thiên Chúa làm người, từ lúc khởi đầu nơi biến cố thụ thai cho đến khi Đức Kitô Giêsu chịu chết, phục sinh và lên trời. Chính Chúa Thánh Thần là Đấng làm cho toàn bộ hiện sinh trần thế của Đức Kitô Giêsu và tất cả mọi biến cố xảy ra trong đời Người được xâu chuỗi lại và mang dáng dấp những công trình của Thiên Chúa Ba Ngôi (x. Ga 16,5-15).
“Thầy còn nhiều điều phải nói với anh em. Nhưng bây giờ, anh em không có sức chịu nổi. Khi nào Thần Khí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn. Người sẽ không tự mình nói điều gì, nhưng tất cả những gì Người nghe, Người sẽ nói lại, và loan báo cho anh em biết những điều sẽ xảy đến. Người sẽ tôn vinh Thầy, vì Người sẽ lấy những gì là của Thầy mà loan báo cho anh em. Mọi sự Chúa Cha có đều là của Thầy. Vì thế, Thầy đã nói: Người lấy những gì là của Thầy mà loan báo cho anh em” (Ga 16,12-15).
2. Chúa Thánh Thần, Đấng nhờ và nơi Ngài Đức Kitô và Hội Thánh hiệp thông với nhau
Để diễn tả sự hiệp thông giữa Đức Kitô và Hội Thánh, ngôn ngữ Thánh Kinh sử dụng khá nhiều hình ảnh: tương quan giữa Đầu và thân mình (x. Ep 1,22; Cl 1,18), giữa tân lang và tân nương, giữa Chiên Con và tân nương, giữa Chiên Con và Thành Thánh, Giêrusalem mới đến từ trời (x. Kh 21,2.9-11)…
Nói chung, có thể nói rằng cũng như trong việc Đức Kitô Giêsu hiệp thông với Thiên Chúa Ba Ngôi, vai trò của Chúa Thánh Thần như thế nào, thì trong tương quan hiệp thông giữa Chúa Giêsu Kitô và Hội Thánh, vai trò của Chúa Thánh Thần cũng như vậy.
Thật vậy, Chúa Thánh Thần chính là Đấng tạo ra thực tại hiệp thông “Chúng tôi” và “Chúng ta” giữa Đầu và thân mình, giữa tân lang và tân nương…
2.1. Tương quan hiệp thông giữa Đầu và thân mình
Tương quan này được đề cập chủ yếu trong hai thư của Phaolô: thư gửi tín hữu Êphêxô (x. Ep 1, 22-23; 4,15-16) và thư gửi tín hữu Côlôxê (x. Cl 1,18-20; 2,19).
Trong Cl 2,19 và Ep 4,15-16, sự hiệp thông giữa “Đầu” và “Thân mình” được diễn tả như tương quan hiệp thông giữa đầu và thân mình nơi một người, một cá thể hay một ngôi vị:
“Họ không gắn chặt với Đức Kitô là Đầu; chính Người làm cho toàn thân được nuôi dưỡng, được kết cấu chặt chẽ nhờ mọi thứ gân mạch và dây chằng, và được lớn lên nhờ sức Thiên Chúa ban.” (Cl 2, 19).
“Nhưng, sống theo sự thật và trong tình bác ái, chúng ta sẽ lớn lên về mọi phương diện, vươn tới Đức Kitô vì Người là Đầu. Chính Người làm cho các bộ phận ăn khớp với nhau và toàn thân được kết cấu chặt chẽ, nhờ mọi thứ gân mạch nuôi dưỡng và mỗi chi thể hoạt động theo chức năng của mình. Như thế Người làm cho toàn thân lớn lên và được xây dựng trong tình bác ái.” (Ep 4,15-16).
Còn trong Cl 1,18-20 và Ep 1,21-23, sự hiệp thông giữa “Đầu” và “Thân mình” được diễn tả như tương quan hiệp thông giữa “cơ quan chỉ huy, điều phối thống nhất” trên toàn thể thân mình là công trình Tạo dựng mới trong Đức Kitô Giêsu, vốn là Hội Thánh cánh chung và là sự viên mãn của Đức Kitô (x. Kh 21,1.5; GLHTCG, số 280):
“Người cũng là đầu của thân thể, nghĩa là đầu của Hội Thánh; Người là khởi nguyên, là trưởng tử trong số những người từ cõi chết sống lại, để trong mọi sự, Người đứng hàng đầu. Vì Thiên Chúa đã muốn làm cho tất cả sự viên mãn hiện diện ở nơi Người, cũng như muốn nhờ Người mà làm cho muôn vật được hòa giải với mình. Nhờ máu Người đổ ra trên thập giá, Thiên Chúa đã đem lại bình an cho mọi loài dưới đất và muôn vật trên trời.” (Cl 1,18-20).
“Như vậy, Người đã tôn Đức Kitô lên trên mọi quyền lực thần thiêng, trên mọi tước vị có thể có được, không chỉ trong thế giới hiện tại, mà cả trong thế giới tương lai. Thiên Chúa đã đặt tất cả dưới chân Đức Kitô và đặt Người làm đầu toàn thể Hội Thánh; mà Hội Thánh là thân thể Đức Kitô, là sự viên mãn của Người, Đấng làm cho tất cả được viên mãn.” (Ep 1,21-23).
Như vậy, theo Cl 1,18-20 và Ep 1,21-23, ngoài ra, còn cho thấy để có thể hiểu được cách thấu đáo và triệt để mối tương quan giữa Đức Kitô và Hội Thánh, cần đặt mối tương quan này trong toàn bộ các công trình Tạo dựng, Mặc khải và Siêu độ của Thiên Chúa Ba Ngôi, bởi vì Đức Kitô, Ngôi Lời Thiên Chúa, trong tương quan với các thụ tạo, không chỉ là nguyên lý mà còn là trung gian và cùng đích của công trình Tạo dựng (x. GLHTCG, 280).
Trước tiên, trong tương quan với công trình Tạo dựng mang tính nhưng không, bởi vì Đức Kitô, Con và là Ngôi Lời của Thiên Chúa là Đấng mà nhờ Người, vạn vật mới được tạo thành:
“Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời. Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa, và Ngôi Lời là Thiên Chúa. Lúc khởi đầu, Người vẫn hướng về Thiên Chúa. Nhờ Ngôi Lời, vạn vật được tạo thành, và không có Người, thì chẳng có gì được tạo thành. Điều đã được tạo thành ở nơi Người là sự sống, và sự sống là ánh sáng cho nhân loại.” (Ga 1,1-4).
Như vậy, tất cả mọi thụ tạo (các thiên thần, mọi vật, mọi loài, v.v…) đều ở trong Đức Kitô, Con và là Ngôi Lời Thiên Chúa, và tất cả mọi người đều là thụ tạo và là con của Thiên Chúa. Sở dĩ chúng tôi nhấn mạnh vấn đề này ở đây, bởi vì dù không ai nói ra, nhưng trong thực tế, có không ít Kitô hữu vẫn nghĩ rằng chỉ những người Kitô hữu mới là con Thiên Chúa, mới là thụ tạo của Thiên Chúa và mới được siêu độ! Chính quan niệm sai lầm đó đã khiến cho nền thần học Kitô giáo bao nhiêu thế kỷ qua và cả cho đến nay gặp không ít lúng túng và khó khăn khi đề cập đến vấn đề ơn siêu độ của những người “ngoài” Kitô giáo, và của toàn thể các thụ tạo. Trên cơ sở hữu thể học, toàn thể vũ trụ vạn vật đều là thụ tạo của Thiên Chúa, và tất cả mọi người mọi nơi và mọi thời đều là con Thiên Chúa.
Thứ đến, trong tương quan với công trình mặc khải mang tính nhưng không, bởi vì, một đàng, Thiên Chúa muốn cho tất cả mọi người đều được biết chân lý tức là Thiên Chúa (x. 1 Tm 2,4), đàng khác chính Đức Kitô, Con và là Ngôi Lời Thiên Chúa là Đấng duy nhất biết Thiên Chúa là Ai, vì thế, Người là Đấng duy nhất có thể mặc khải cho chúng ta về Thiên Chúa (x. Mt 11,27):
“Thiên Chúa, Đấng muốn cho mọi người đều được siêu độ và nhận biết chân lý.” (1 Tm 2,4).
“Cha tôi đã giao phó mọi sự cho tôi. Và không ai biết rõ người Con, trừ Chúa Cha; cũng không ai biết rõ Chúa Cha, trừ người Con và kẻ mà người Con muốn mặc khải cho.” (Mt 11,27; x. Ga 14,6).
Sau cùng, trong tương quan với công trình Siêu độ mang tính nhưng không, được thực hiện bởi Đức Kitô:
“Người đã cứu độ và kêu gọi chúng ta vào dân thánh của Người, không phải vì công kia việc nọ chúng ta đã làm, nhưng là do kế hoạch và ân sủng của Người. Ân sủng đó, Người đã ban cho chúng ta từ muôn thuở trong Đức Kitô Giêsu, nhưng giờ đây mới được biểu lộ, vì Đấng cứu độ chúng ta là Đức Kitô Giêsu đã xuất hiện. Chính Đức Kitô đã tiêu diệt thần chết, và đã dùng Tin Mừng mà làm sáng tỏ phúc trường sinh bất tử.” (2 Tm 1,9-10; x. Tt 3,4-6).
“Thật vậy, chính Người là bình an của chúng ta: Người đã liên kết đôi bên, dân Do Thái và dân ngoại, thành một; Người đã hy sinh thân mình để phá đổ bức tường ngăn cách là sự thù ghét. Người đã hủy bỏ Luật cũ gồm các điều răn và giới luật. Như vậy, khi thiết lập hòa bình, Người đã tác tạo đôi bên thành một người mới duy nhất nơi chính bản thân Người. Nhờ thập giá, Người đã làm cho đôi bên được hòa giải với Thiên Chúa trong một thân thể duy nhất; trên thập giá, Người đã tiêu diệt sự thù ghét. Người đã đến loan Tin Mừng bình an: bình an cho anh em là những kẻ ở xa và bình an cho những kẻ ở gần. Thật vậy, nhờ Người, cả đôi bên, chúng ta được liên kết trong một Thần Khí duy nhất mà đến cùng Chúa Cha.” (Ep 2,14-18).
Như vậy, Tân Ước hé lộ cho chúng ta thấy chiều kích vô cùng vô tận và vĩ đại của Nước Thiên Chúa, của ơn siêu độ mang tính nhưng không của Thiên Chúa, vốn không chỉ giới hạn và gói gọn trong điều mà người ta vẫn thường gọi là “Giáo hội”, như nhiều người vẫn thường nghĩ tưởng!
Thật vậy, khi nói “ngay từ nguyên thủy, Thiên Chúa đã nhắm tới vinh quang của công trình Tạo dựng mới trong Đức Kitô”, có vẻ như GLHTCG 280 đã nhằm tới thực tại cánh chung và chiều kích vũ trụ của ơn siêu độ mà sách Khải Huyền đã nói tới:
“Bấy giờ tôi thấy trời mới đất mới, vì trời cũ đất cũ đã biến mất, và biển cũng không còn nữa […]. Đấng ngự trên ngai phán: ‘Này đây Ta đổi mới mọi sự’.” (Kh 21,1.5).
Khi nói tới chiều kích vũ trụ của ơn siêu độ, tức là tất cả mọi thụ tạo đều được siêu độ, chứ không phải chỉ có con người không thôi. Có lẽ một số người sẽ cảm thấy dị ứng! Trong khi đó có vẻ như người ta ít cảm thấy thắc mắc khi trong Bí tích Thánh Thể, chính Đức Kitô đã nhận (appropriation) tấm bánh làm bằng bột mì là “thân mình của Người” (Hoc est enim corpus meum) và nhận chén rượu làm bằng trái nho là “chén Máu của Người” (Hic est enim calix sanguinis mei)!
Nếu Đức Giêsu đã có thể nhận tấm bánh bột mì là Thân mình của Người, nhận chén rượu nho là chén Máu của Người, nhận những kẻ bé mọn là Người, nhận Hội Thánh là Thân Mình của Người (Cv 9,3-5; x. Ep 1,23; Cl 1,24), thì sao Người lại không thể nhận toàn thể thụ tạo là Người, nếu Người muốn (x. Rm 8,18-24a; Hs 2,18.20-22)!
“Thật vậy, tôi nghĩ rằng: những đau khổ chúng ta chịu bây giờ sánh sao được với vinh quang mà Thiên Chúa sẽ mặc khải nơi chúng ta. Muôn loài thụ tạo những ngong ngóng đợi chờ ngày Thiên Chúa mặc khải vinh quang của con cái Người. Quả thế, muôn loài đã lâm vào cảnh hư ảo, không phải vì chúng muốn, nhưng là vì Thiên Chúa bắt chịu vậy; tuy nhiên, vẫn còn niềm trông cậy là có ngày cũng sẽ được giải thoát, không phải lệ thuộc vào cảnh hư nát, mà được cùng với con cái Thiên Chúa chung hưởng tự do và vinh quang. Thật vậy, chúng ta biết rằng: cho đến bây giờ, muôn loài thụ tạo cùng rên siết và quằn quại như sắp sinh nở. Không phải muôn loài mà thôi, cả chúng ta cũng rên siết trong lòng: chúng ta đã lãnh nhận Thần Khí như ân huệ mở đầu, nhưng còn trông đợi Thiên Chúa ban cho trọn quyền làm con, nghĩa là cứu chuộc thân xác chúng ta nữa. Quả thế, chúng ta đã được cứu độ, nhưng còn phải trông mong…” (Rm 8,18-24a; x. 1 Ga 3,2).
“Thiên Chúa đã đặt tất cả dưới chân Đức Kitô và đặt Người làm đầu toàn thể Hội Thánh; mà Hội Thánh là thân thể Đức Kitô, là sự viên mãn của Người, Đấng làm cho tất cả được viên mãn.” (Ep 1,22-23; x. Cl 1,24).
Nếu Hội Thánh cánh chung là “sự viên mãn của Đức Kitô”, theo thiển ý, biến cố Quang Lâm của Đức Chúa [Parousie] (x. 1 Tx 2,19; 2 Tx 2,1-8; 1 Cr 15,23) không đơn giản chỉ là “Ngày Đức Chúa lại đến”, mà có lẽ đúng hơn là biến cố trong đó công trình Tạo dựng, Mặc khải và Siêu độ đạt đến tình trạng viên mãn và toàn thể thụ tạo (thiên thần, vũ trụ, vạn vật, con người) thực sự trở thành Thân Mình của Đức Kitô Giêsu và được Đức Kitô nhận là Mình; Biến cố trong đó xuất hiện Trời mới, Đất mới và Con người mới trong tương quan “Đại Hòa” (Grande Harmonie); Biến cố trong đó “Danh Cha cả sáng, Nước Cha trị đến, Ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời”; Biến cố trong đó thần tính và nhân tính nơi Đức Kitô hiệp thông với nhau nên một Ngôi vị; Biến cố trong đó Thiên Chúa và các thụ tạo trong Đức Kitô hiệp thông với nhau nên một; Biến cố trong đó vĩnh hằng và thời gian, vô hình và hữu hình đi vào trong nhau, là nhau. Tóm lại, đó là Biến cố trong đó Đức Kitô và các thụ tạo hiệp thông với nhau nên một trong tương quan “tương tức” (= là nhau), “tương nhập” (= ở trong nhau, có nhau, ở với nhau) và “tương tác” (= cùng tác động lên nhau, cho nhau và vì nhau), như tương quan giữa “Đầu” và thân mình, đến nỗi Đức Kitô Giêsu có thể gọi Hội thánh cánh chung là “Mình” (x. Lc 17,24.26), bởi vì cũng như nơi Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi, ở đây, Đức Kitô Giêsu cũng có thể nói với Hội Thánh: “Ta và Ngươi, Chúng ta là Một”.
Tất cả những điều đó đã trở nên hiện thực nơi Đức Kitô Giêsu Phục sinh, khởi điểm của công trình Tạo dựng mới.
Đấng làm cho Đức Kitô Giêsu và Hội Thánh hiệp thông với nhau nên Một, nên là “Chúng tôi” và “Chúng ta”, chính là Thánh Thần Tình yêu của Thiên Chúa. Hay nói cách khác, chính trong Thánh Thần Tình Yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi mà Đức Kitô Giêsu và Hội Thánh hiệp thông với nhau nên Một, như tương quan hiệp thông giữa Đầu và thân mình.
Như nơi Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi, chính Thánh Thần Tình yêu làm cho mỗi chi thể nơi Thân mình có khả năng tự hủy mình ra không để cái “Chúng tôi” hay cái “Chúng ta” nảy sinh và tồn tại…
2.2. Tương quan hiệp thông giữa “tân lang” và “tân nương”
Tương quan hiệp thông giữa “tân lang và tân nương” (x. St 2,23-24) thường được ngôn ngữ Cựu Ước sử dụng để diễn ta tương quan giữa Đức Chúa và Dân của Người là Israel (x. Is 54,5; Hs 2,18.21-22); còn ngôn ngữ Tân Ước thì sử dụng nó để diễn tả tương quan giữa Đức Kitô và Hội Thánh, vốn là Thân mình của Người bao gồm toàn thể thụ tạo được đổi mới (x. Kh 21,1-2; Ga 3,29; Mt 9,15; 2 Cr 11,2).
“Con người nói: ‘Phen nầy, đây là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi! Nàng sẽ được gọi là đàn bà, vì đã được rút từ đàn ông ra’. Bởi thế, người đàn ông lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai thành một xương một thịt” (St 2,23-24).
“Quả thế, Đấng cùng ngươi sánh duyên cầm sắt chính là Đấng đã tác thành ngươi, tôn danh Người là Đức Chúa các đạo binh; Đấng chuộc ngươi về chính là Đức Thánh của Israel, tước hiệu Người là Thiên Chúa toàn cõi đất.” (Is 54,5).
“Vào ngày đó - sấm ngôn của Đức Chúa - ngươi sẽ gọi Ta: ‘Mình ơi’, chứ không còn gọi ‘Ông chủ ơi’ nữa […]. Trong ngày đó, vì dân Ta, Ta sẽ thiết lập một giao ước với thú vật đồng hoang, với chim chóc trên trời, với loài bò sát dưới đất: Ta sẽ bẻ gãy cung nỏ gươm đao, chấm dứt chiến tranh trên toàn xứ sở, và Ta sẽ cho chúng được sống yên hàn. Ta sẽ lập với ngươi một hôn ước vĩnh cửu, Ta sẽ lập hôn ước với ngươi trong công minh và chính trực, trong ân tình và xót thương; Ta sẽ lập hôn ước với ngươi trong tín thành, và ngươi sẽ được biết Đức Chúa.” (Hs 2,18.20-22).
“Bấy giờ tôi thấy trời mới đất mới, vì trời cũ đất cũ đã biến mất, và biển cũng không còn nữa. Và tôi thấy Thành Thánh là Giêrusalem mới, từ trời, từ nơi Thiên Chúa mà xuống, sẵn sàng như tân nương trang điểm để đón chào tân lang”. (Kh 21,1-2; x. Ga 3,29; Mt 9,15).
“Thật thế, vì anh em, tôi ghen cái ghen của Thiên Chúa, bởi tôi đã đính hôn anh em với một người độc nhất là Đức Kitô, để tiến dâng anh em cho Người như một trinh nữ thanh khiết.” (2 Cr 11,2).
Cũng như trong Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi, Chúa Thánh Thần chính là Đấng tạo ra sự hiệp thông và là thực tại hiệp thông, cũng vậy, để có thể trở nên “một xương một thịt”, một “chúng ta”, một “chúng tôi” (x. St 2,23-24), tương quan hiệp thông giữa Đức Kitô Giêsu và Hội Thánh, giữa Tân lang và Tân nương cũng phải là công trình của Chúa Thánh Thần. Thật vậy, chỉ có Thần Khí Tình yêu mới có thể khiến cho tân lang và tân nương tự hủy mình ra không, tự hủy cái tôi của mỗi người đi để cùng hiện hữu và tồn tại nơi cái “Chúng tôi” và cái “Chúng ta”: đó chính là “sự sống mới”:
“Những ai sống theo tính xác thịt, thì hướng về những gì thuộc tính xác thịt; còn những ai sống theo Thần Khí, thì hướng về những gì thuộc Thần Khí. Hướng đi của tính xác thịt là sự chết, còn hướng đi của Thần Khí là sự sống và bình an. Thật vậy, hướng đi của tính xác thịt là sự phản nghịch cùng Thiên Chúa, vì tính xác thịt không phục tùng luật của Thiên Chúa, mà cũng không thể phục tùng được. Những ai bị tính xác thịt chi phối thì không thể vừa lòng Thiên Chúa. Nhưng anh em không bị tính xác thịt chi phối mà được Thần Khí chi phối, bởi vì Thần Khí của Thiên Chúa ngự trong anh em. Ai không có Thần Khí của Đức Kitô, thì không thuộc về Đức Kitô. Nhưng nếu Đức Kitô ở trong anh em, thì dầu thân xác anh em có phải chết vì tội đã phạm, Thần Khí cũng ban cho anh em được sống, vì anh em đã được trở nên công chính. Lại nữa, nếu Thần Khí ngự trong anh em, Thần Khí của Đấng đã làm cho Đức Kitô sống lại từ cõi chết, thì Đấng đã làm cho Đức Kitô sống lại từ cõi chết, cũng sẽ dùng Thần Khí của Người đang ngự trong anh em, mà làm cho thân xác của anh em được sự sống mới.” (Rm 8,5-11).
Chính vì “sự sống mới” đó (x. Rm 8,11), vì “con người mới” đó (x. Ep 2,15), vì “trời mới và đất mới” đó (x. Kh 21,1-2.5) mà Thiên Chúa Cha đã thí ban Con Một của Ngài cho thế gian (x. Ga 3,16 ; Rm 8,32), như cách cơ bản đã được mặc khải ra nơi Đức Giêsu Phục sinh, vốn là nguyên mẫu, mà Chúa Con đã sẵn sàng từ bỏ “địa vị là Thiên Chúa” của mình, từ bỏ “nhà” của mình, từ bỏ Cha của mình, để làm người, để được sống chết với các thụ tạo của mình, với Hội Thánh là tân nương của Người (x. Pl 2,6-9).
“Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời.” (Ga 3,16; x. Rm 8,32).
“Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự. Chính vì thế, Thiên Chúa đã siêu tôn Người và tặng ban danh hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu.” (Pl 2,6-9).
Qui luật tự hủy chính mình là qui luật của tình yêu đích thực mà chính Thiên Chúa Ba Ngôi đã làm gương trước. Như trong tương quan nam nữ, vợ chồng, để cả hai có thể trở nên “một xương, một thịt” (x. St 2,23-24), Đức Kitô Giêsu, Con và là Ngôi Lời Thiên Chúa làm người, để có thể trở nên “một xương một thịt” với các thụ tạo của mình, cũng đã phải tự hủy chính mình đi, để thực tại “chúng tôi” và “chúng ta” được nhiệm sinh và tồn tại (x. Ep 5,21-32).
“Vì lòng kính sợ Đức Kitô, anh em hãy phục tùng lẫn nhau. Người làm vợ hãy phục tùng chồng như phục tùng Chúa, vì chồng là đầu của vợ cũng như Đức Kitô là đầu của Hội Thánh, chính Người là Đấng cứu chuộc Hội Thánh, thân thể của Người. Và như Hội Thánh tùng phục Đức Kitô thế nào, thì vợ cũng phải phục tùng chồng trong mọi sự như vậy. Người làm chồng, hãy yêu thương vợ, như chính Đức Kitô yêu thương Hội Thánh và hiến mình vì Hội Thánh; như vậy, Người thánh hóa và thanh tẩy Hội Thánh bằng nước và lời hằng sống, để trước mặt Người, có một Hội Thánh xinh đẹp lộng lẫy, không tỳ ố, không vết nhăn hoặc bất cứ khuyết điểm nào, nhưng thánh thiện và tinh tuyền. Cũng thế, chồng phải yêu vợ như yêu chính thân thể mình. Yêu vợ là yêu chính mình. Quả vậy, có ai ghét thân xác mình bao giờ; trái lại, người ta nuôi nấng và chăm sóc thân xác mình, cũng như Đức Kitô nuôi nấng và chăm sóc Hội Thánh, vì chúng ta là bộ phận trong thân thể của Người. Sách Thánh có lời chép rằng: Chính vì thế, người đàn ông sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ thành một xương một thịt. Mầu nhiệm nầy thật là cao cả. Tôi muốn nói về Đức Kitô và Hội Thánh.” (Ep 5,21-32; x. St 2,23-24).
3. Sự hiệp thông giữa Chúa Thánh Thần và Hội Thánh
Theo như những gì đã được phân tích trên đây, những khái niệm như “Giáo Hội” hay “Hội Thánh”, như vẫn thường được dùng và hiểu, theo thiển ý, không phản ảnh được hết nội hàm đích thực của khái niệm “Nước Thiên Chúa” hay “Nước Trời”, vốn là đối tượng trọng yếu gần như chiếm hết tất cả các dụ ngôn và lời rao giảng của Đức Giêsu.
Như vậy, ở đây, việc xác định lại nội hàm đích thực của khái niệm “Hội Thánh” hay “Giáo hội”, theo thiển ý, là điều cần thiết.
Cơ sở của những suy tư về vấn đề nầy là GLHTCG số 280:
“Công trình Tạo dựng là nền tảng của ‘tất cả mọi kế hoạch siêu độ của Thiên Chúa’, là ‘khởi đầu của lịch sử siêu độ’ mà Đức Kitô là tột đỉnh. Ngược lại, Mầu nhiệm Đức Kitô lại là ánh sáng giúp thấu hiểu cách dứt khoát mầu nhiệm tạo dựng; Mầu nhiệm Đức Kitô mặc khải cho thấy cùng đích của việc tại sao ‘từ nguyên thủy, Thiên Chúa đã sáng tạo trời đất’ (St 1,1): ngay từ nguyên thủy, Thiên Chúa đã nhắm tới vinh quang của công trình Tạo dựng mới trong Đức Kitô.”
Nếu công trình Tạo dựng là “nền tảng của tất cả mọi kế hoạch siêu độ, là khởi đầu của lịch sử siêu độ”, điều đó có nghĩa công trình Tạo dựng cũng là khởi đầu của “Nước Thiên Chúa”, của “Nước Trời”. Và nếu Đức Kitô Giêsu chính là “Nước Thiên Chúa”, là “Nước Trời”, và nếu Hội Thánh chính là Thân mình của Đức Kitô Giêsu, điều đó cũng có nghĩa Hội Thánh đã bắt đầu hiện hữu từ công trình Tạo dựng trong Đức Kitô Giêsu, Con và là Ngôi Lời của Thiên Chúa.
Và nếu “ngay từ nguyên thủy, Thiên Chúa đã nhắm tới vinh quang của công trình Tạo dựng mới trong Đức Kitô”, điều về mặt cơ bản vốn đã được mặc khải ra nơi dung mạo của Đức Kitô Giêsu Phục sinh, đó cũng chính là điều mà “Nước Thiên Chúa”, “Nước Trời”, Hội Thánh “đã là”, “đang là” và “sẽ là” trên cơ sở hiệp thông tương quan “tương tức”, “tương nhập” và “tương tác”, như được phản ảnh cách bí hiểm bởi 1 Ga 3,2:
“Anh em thân mến, hiện giờ chúng ta là con Thiên Chúa; nhưng chúng ta sẽ như thế nào, điều ấy chưa được bày tỏ. Chúng ta biết rằng khi Đức Kitô xuất hiện, chúng ta sẽ nên giống như Người, vì Người thế nào, chúng ta sẽ thấy Người như vậy”.
Hiện trường của những khái niệm “Nước Thiên Chúa”, “Nước Trời”, Hội Thánh, như vậy, không chỉ giới hạn trong những cái khung chật chội của khái niệm “Giáo hội” như người ta vẫn thường nghĩ tưởng, mà còn bao hàm luôn cả toàn thể các thụ tạo của Thiên Chúa (x. Kh 21,1-6; Rm 8,18-24a).
Nếu được suy tư qua lăng kính đó, tương quan hiệp thông giữa Chúa Thánh Thần và Hội Thánh sẽ để lộ cho thấy nhiều khám phá hết sức mới mẻ, đặc biệt về vai trò và vị trí duy nhất và phổ quát của Đức Kitô Giêsu liên quan đến ơn siêu độ, về vai trò và chỗ đứng của các tôn giáo, về những vấn đề đại kết, về các Bí tích, v.v…
Như vậy, nếu muốn suy tư về tương quan hiệp thông giữa Chúa Thánh Thần và Hội Thánh, người ta cần suy tư qua lăng kính tương quan hiệp thông giữa Đức Kitô Giêsu, Con và là Ngôi Lời Thiên Chúa và Hội Thánh như là “Tạo thành mới”, như là “Trời mới, Đất mới”, như là “con người mới”, bắt đầu từ các công trình Tạo dựng, Nhập thể, Mặc khải và Siêu độ trong, nhờ và qua Đức Kitô Giêsu, Đấng vốn là Nguyên Lý, là Trung gian, và là Cùng đích của mọi thụ tạo (x. GLHTCG, 280).
Cũng như trong tương quan hiệp thông giữa Chúa Thánh Thần và Đức Kitô Giêsu, Chúa Thánh Thần hằng luôn hiện diện trong tất cả mọi biến cố liên quan đến con người, cuộc đời và sứ mạng của Đức Kitô Giêsu; trong tương quan với Hội Thánh, cũng vậy, Thánh Thần Tình yêu của Đức Kitô Giêsu (x. Ga 16,7.12-13a) hằng luôn hiện diện, đồng hành với Hội Thánh ngay từ thuở sơ khai của lịch sử.
Thật vậy, trong toàn bộ các công trình của Thiên Chúa Ba Ngôi (Tạo dựng, Nhập thể, Mặc khải, Siêu độ), vốn được thực hiện trong, nhờ và qua Đức Kitô, Con và Ngôi Lời Thiên Chúa, Chúa Thánh Thần luôn đồng hành và đồng trách nhiệm với Đức Kitô Giêsu như những Đấng có tương quan “tương tức”, “tương nhập” và “tương tác” đối với nhau.
Mối quan hệ này khá rõ nét, đặc biệt, nơi những biến cố Nhập thể làm người, loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa, thụ nạn, phục sinh, lên trời, thành lập, xây dựng và củng cố Hội Thánh, v.v…
Ngay cả khi tương quan giữa Chúa Cha và Chúa Con có vẻ như “xa cách” (x. Mc 15,34), Thần Khí vẫn hằng luôn ở với Chúa Con để Chúa Con có thể thực hiện hành vi dâng hiến cuối cùng của Người cho Chúa Cha là dâng hiến cho Chúa Cha chính Thần Khí Tình yêu của Người (x. Ga 19,30b):
“Vào giờ thứ chín, Đức Giêsu kêu lớn tiếng: ‘Ê-lô-i, Ê-lô-i, la-ma xa-bác-tha-ni !’ nghĩa là: ‘Lạy Thiên Chúa, Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con?’” (Mc 15,34).
“Nhắp xong, Đức Giêsu nói: ‘Thế là đã hoàn tất!’ Rồi Người gục đầu xuống và giao nộp Thần Khí.” (Ga 19,30).
“Song Thầy nói thật với anh em: Thầy ra đi thì có lợi cho anh em. Thật vậy, nếu Thầy không ra đi, Đấng Bảo Trợ sẽ không đến với anh em; nhưng nếu Thầy đi, Thầy sẽ sai Đấng ấy đến với anh em […]. Thầy còn nhiều điều phải nói với anh em. Nhưng bây giờ, anh em không có sức chịu nổi. Khi nào Thần Khí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn.” (Ga 16,7.12-13a).
Công thức mào đầu của Công đồng Giêrusalem (Cv 15,28; x. Kh 22,17) cho thấy rõ sự hiệp thông mạnh mẽ và sâu sắc giữa Hội Thánh thời các Tông đồ và Chúa Thánh Thần:
“Thánh Thần và chúng tôi đã quyết định không đặt lên vai anh em một gánh nặng nào khác ngoài những điều cần thiết này:…” (Cv 15,28).
“Thần Khí và Tân nương nói: ‘Xin Ngài ngự đến!’.” (Kh 22,17).
Ngoài ra, đầy dẫy trong các tác phẩm Tân Ước, đặc biệt trong sách Công vụ các Tông đồ, những kiểu nói cho thấy sự can thiệp thường xuyên của Chúa Thánh Thần bên trong Hội Thánh, như: “Thần Khí nói với, phán bảo…” (Cv 8,29; 10, 9; 11,12; 13,2), “Thần Khí Chúa đem đi” (Cv 8,39), “Thánh Thần ngăn cấm…” (Cv 16,6.7), “Thánh Thần khuyến cáo…” (Cv 20,23), “Thánh Thần đặt làm…” (Cv 20,28), “Đây là điều Thánh Thần nói…” (Cv 21,11), v.v…
Chẳng hiểu vì lý do gì mà công thức tuyệt vời này của Công đồng Giêrusalem (x. Cv 15,28) và của Kh 22,17 hoàn toàn vắng bóng trong các văn bản của Huấn quyền và của các Công đồng sau đó! Thật vậy, trong tất cả các văn bản của Huấn quyền và của các Công đồng về sau, danh xưng Chúa Thánh Thần hoàn toàn không được nhắc tới, mà chỉ còn: “Chúng tôi quyết định…”, sau cùng chỉ còn “Ta quyết định…”!
Có vẻ như sự phân hóa và chia rẽ bên trong lòng Hội Thánh (hiện sinh, thần học, đối thoại…) song hành và tỷ lệ thuận với việc người ta ngày càng xem nhẹ vai trò và vị trí của Chúa Thánh Thần.
Theo thiển ý, có thể nói rằng toàn bộ nỗ lực của Công đồng chung Vatican II chính là để khôi phục lại công thức này của Công đồng đầu tiên Giêrusalem, vốn phản ảnh cách trung thực vai trò và vị trí đích thực của Chúa Thánh Thần đối với Hội Thánh: (1) về vị trí và vai trò của Chúa Thánh Thần trong Hội Thánh và trong khoa thần học; (2) về tính liên đới cộng đoàn (collégialité) bên trong Hội Thánh…
4. Hội Thánh của sự hiệp thông
Để có thể trở thành con người của sự hiệp thông, Hội Thánh, trong Thánh Thần Tình yêu, trước tiên, phải có những mối tương quan “tương tức”, “tương nhập” và “tương tác” với Đức Kitô Giêsu, Tân lang của mình:
“Nhờ thập giá, Người đã làm cho đôi bên được hòa giải với Thiên Chúa trong một thân thể duy nhất; trên thập giá, Người đã tiêu diệt sự thù ghét… Thật vậy, nhờ Người, cả đôi bên, chúng ta được liên kết trong một Thần Khí duy nhất mà đến cùng Chúa Cha” (Ep 2,16.18).
Tương quan “tương tức”, nghĩa là Hội Thánh phải trở nên giống như Đức Kitô Giêsu, phải “là” Đức Kitô Giêsu, nhờ đó mới có thể “là nhau” trong tương quan với mọi người:
“Mầu nhiệm đó là: trong Đức Kitô Giêsu và nhờ Tin Mừng, các dân ngoại được cùng thừa kế gia nghiệp với người Do thái, cùng làm thành một thân thể và cùng chia sẻ điều Thiên Chúa hứa.” (Ep 3,6).
Tương quan “tương nhập”, nghĩa là Hội Thánh phải hằng “ở trong” Đức Kitô Giêsu, phải hằng “có” Đức Kitô Giêsu, nhờ đó mới có thể “hằng ở trong nhau”, “hằng có nhau”, “hằng là của nhau”, trong tương quan với tha nhân:
“Con không chỉ cầu nguyện cho những người này, nhưng còn cho những ai nhờ lời họ mà tin vào con, để tất cả nên một, như Cha ở trong con và con ở trong Cha để họ cũng ở trong chúng ta […]. Con ở trong họ và Cha ở trong con, để họ được hoàn toàn nên một…” (Ga 17,20-21.23).
Tương quan “tương tác”, nghĩa là Hội Thánh phải luôn hành động cùng với Đức Kitô, vì và cho Đức Kitô Giêsu, nhờ đó mới có thể hành động “cùng nhau” trong tương quan với mọi người:
“Cũng như trong một thân thể, chúng ta có nhiều bộ phận, mà các bộ phận không có cùng một chức năng, thì chúng ta cũng vậy: tuy nhiều nhưng chỉ là một thân thể trong Đức Kitô, mỗi người liên đới với những người khác như những bộ phận của một thân thể.” (Rm 12,4-5).
Như vậy, để có thể là con người của sự hiệp thông, Hội Thánh (người kitô hữu, giáo sĩ, tu sĩ, giáo lý viên…), phải là phản ảnh trung thực của Đức Kitô Giêsu, Con và và Ngôi Lời Thiên Chúa làm người, phản ảnh những mối tương quan mà Người có với Chúa Cha, Chúa Thánh Thần và toàn thể thụ tạo, đến nỗi người ta có thể nói: “Tôi và Người, Chúng tôi là một”…
Tóm lại, trong tư cách là một Ngôi vị, Chúa Thánh Thần chính là Đấng nối kết và tạo ra sự hiệp thông; và trong tư cách là thực tại hiệp thông, Chúa Thánh Thần chính là hiện trường của mọi sự hiệp thông...
Và nếu như người ta đã có thể nói “ở đâu có tình yêu thương, ở đấy có Đức Chúa Trời, và ngược lại”, hẳn người ta cũng có thể nói “ở đâu có sự hiệp thông ở đấy có Chúa Thánh Thần, và ngược lại”...
Chủng Viện Thánh Nicôla - Giáo Phận Phan Thiết
Tháng 11 năm 2018
(Đã in trong Logos 2)
[1] GLHTCG, 280.
[2] BRUNO FORTE, Đức Giêsu Nadaret, Bản Việt ngữ của Lm. Phêrô Nguyễn Thiên Cung (bản photo, chưa xuất bản), tr. 399.
Tin mới đăng:
- 27 Tháng Chín Thánh Vinh-sơn Phao-lô (1580?-1660) (26/09/2023)
- Thứ Tư Tuần XXV - Mùa Thường Niên (26/09/2023)
- BAN THƯỜNG VỤ GIÁO LÝ TOÀN QUỐC VÀ CÁC GIÁO TỈNH (2023-2026) (26/09/2023)
- BẢN GHI NHỚ - ĐẠI HỘI GIÁO LÝ TOÀN QUỐC LẦN VI (26/09/2023)
- Kinh Truyền Tin 24/9: Thiên Chúa yêu chúng ta vô điều kiện (25/09/2023)
Các tin khác:
- HIỆP HÀNH TRONG VIỆC TUYÊN XƯNG ĐỨC TIN (24/09/2023)
- Tân Tổng trưởng Bộ Giáo lý Đức tin: Chúng ta được cứu bởi một Người, không bởi một giáo huấn (09/07/2023)
- Thư của Đức Thánh Cha gửi cho Tân Tổng trưởng Bộ Giáo lý Đức tin (03/07/2023)
- Nhớ Cha Phêrô Nguyễn Thiên Cung qua bài viết: MẦU NHIỆM THIÊN CHÚA BA NGÔI, ĐỨC TỔNG GIÁM MỤC PHAOLÔ BÙI VĂN ĐỌC VÀ TÔI… (22/05/2023)
- Tổng trưởng Bộ Giáo lý Đức tin: Thông điệp Humanae vitae vẫn mang tính ngôn sứ (21/05/2023)
- GIỚI THIỆU LOGOS 08: MÔI SINH NHÂN BẢN TOÀN DIỆN (20/04/2022)
- Như ông Ê-li-a và ông Ê-li-sa, Đức Giê-su không chỉ được sai đến với người Do-thái. (20/03/2022)
- MẦU NHIỆM THIÊN CHÚA BA NGÔI, ĐỨC TỔNG GIÁM MỤC PHAOLÔ BÙI VĂN ĐỌC VÀ TÔI… (06/03/2022)
- ĐTC gặp các tham dự viên Hội nghị chuyên đề về chức linh mục (17/02/2022)
- ĐTC chia Bộ Giáo lý Đức tin thành hai phân bộ giáo lý và kỷ luật (16/02/2022)
- GIỚI THIỆU SÁCH MỚI - TÌM HIỂU TỪ VỰNG CÔNG GIÁO (12/12/2021)
- GIỚI THIỆU SÁCH MỚI - LOGS 07: NGƯỜI TRẺ VÀ XÃ HỘI (17/11/2021)
- ĐTC tiếp kiến Ủy ban Giáo lý của các HĐGM châu Âu (17/09/2021)
- MỘT LINH MỤC VỚI 'TẤM LÒNG MỤC VỤ' ĐƯỢC BỔ NHIỆM VÀO BỘ GIÁO LÝ ĐỨC TIN (23/08/2021)
- Giới thiệu Logos 07: NGƯỜI TRẺ VÀ XÃ HỘI (09/08/2021)