Chúa nhật XVII TN C 2022 - Lc 11,1-13 - “Cầu nguyện”

23 / 07/ 2022, 02:07:28

1. Cầu nguyện là hơi thở của người Kitô hữu. Nếu đức tin được lớn lên nhờ cầu nguyện, thì một Kitô hữu không cầu nguyện chắc chắn sẽ mất đức tin. Giống như một người mà tim ngừng đập thì không thể sống được.

 

Người ta kể lại trong cuộc chiến tranh tại Algerie, có một sĩ quan người Pháp bị bắt làm tù binh. Suốt thời gian bị giam giữ, viên sĩ quan ấy luôn bị một tên lính Ả Rập rủa xả là đồ chó. Bực tức trước lời rủa xả ấy, viên sĩ quan đã lên tiếng: Tại sao ngươi lại chửi ta là đồ chó. Ta là một tù binh, điều đó đúng lắm, nhưng ta cũng là người như ngươi. Tên lính Ả Rập nhìn viên sĩ quan một cách khinh bỉ rồi nói: Ngươi mà cũng đòi là người sao? Đã sáu tháng rồi, ta không hề thấy ngươi cầu nguyện, thế mà ngươi còn dám mở miệng tự xưng là người hay sao? Là người mà không cầu nguyện cùng Thiên Chúa, thì cũng chỉ là đồ chó mà thôi.

Câu trả lời thật cứng cỏi nhưng cũng đáng cho chúng ta suy nghĩ. Bởi vì người là một con vật có trí khôn. Với trí khôn, con người phải nhận biết có Thiên Chúa chứ? Vậy một khi đã nhận biết có Thiên Chúa thì tại sao lại không ca tụng Người?

 

2. Một thực tế khác, nhiều người có đạo đã cầu nguyện, nhưng trong lời cầu nguyện của họ, tâm tình tạ ơn lại rất ít được dâng lên Thiên Chúa.

Chuyện kể rằng có hai thiên thần được sai xuống trần gian. Mỗi vị mang theo một cái giỏ đi khắp hang cùng ngõ hẻm để nhận các lời cầu nguyện tại tư gia cũng như tại các nhà thờ. Sau một thời gian ấn định, hai vị cùng nhau trở về trời. Chiếc giỏ của một thiên thần thì nặng như chì, còn chiếc giỏ của vị kia thì có vẻ như đựng toàn bông gòn. Vị thiên thần này bèn hỏi vị kia: “ Ông mang gì mà nặng thế?”. Thiên thần mang giỏ nặng trả lời:”Tôi được sai đến để thu nhận tất cả những lời cầu xin của nhân loại”. Sau đó vị này hỏi lại: “Còn ông, cái giỏ của ông sao có vẻ nhẹ thế?” – À, tôi được sai đến để góp nhặt những lời thiên hạ cám ơn Chúa vì những ơn lành Người đã ban cho họ”.

Thì ra, chiếc giỏ thu nhận quá nhiều lời cầu xin luôn nặng hơn chiếc giỏ thu nhận lời cám ơn. Chính Chúa Giêsu đã cho chúng ta thấy thực tế này: Mười người phong cùi được Chúa chữa khỏi. Nhưng chỉ có một người trong họ biết quay trở lại để tạ ơn Chúa. Mà người ấy lại là một người ngoại giáo.

 

3. Một người chỉ biết đến với Chúa như một người ăn xin, và nài ép Chúa phải cho thì đó không phải là một người con hiếu thảo; Một người mà không nhận biết những ơn phúc hồn xác Chúa ban và không biết tạ ơn Người thì thật là một sự xúc phạm cả thể đến tình thương bao la của Chúa. Còn một người con ngoan hiền thì luôn biết làm vui lòng Cha khi đến với Cha, và phó thác mọi sự nơi Cha như tâm tình của Thánh Charles de Foucault sau đây:

“Lạy Cha, con phó mình con cho Cha. Xin hãy làm nơi con mọi sự đẹp ý Cha. Cha làm chi mặc lòng, con cũng cám ơn Cha. Con sắn sàng luôn luôn. Con nhận lãnh tất cả, miễn ý Cha được làm trọn trong con, trong tất cả loài Cha tạo dựng. Con chẳng ước muốn chi khác nữa. Lạy Cha là Chúa trời con, con phó thác linh hồn con trong tay Cha, con dâng hồn con cho Cha. Lạy Cha, với tất cả tình yêu của lòng con, vì con mến Cha và vì mến Cha, nên con thấy cần phải hiến thân con, phó trót mình con trong tay Cha, không do dự đắn đo, song vô cùng tin cậy, vì Cha là Cha của con”. (được phong thánh ngày 15/5/2022)

Hãy siêng năng đọc kinh Lạy Cha; Hãy sống kinh lạy Cha trong suốt cuộc đời của người Kitô hữu. Hãy biến cuộc đời của mình thành kinh Lạy Cha. Đó là lời cầu nguyện rất đẹp ý Chúa và luôn được Chúa nhậm lời.

 

Lạy Cha, nguyện xin ý Cha được thể hiện dưới đất cũng như trên trời. Amen.

 

Tác giả: Linh mục Vinh Sơn Nguyễn Văn Thanh
Tag:

Các tin đã đưa ngày: